Blogger Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào mới bị bắt để điều tra theo điều luật 258 BLHS.
Một số tổ chức cổ súy cho nhân quyền và tự do ngôn luận cảnh báo Liên Hiệp Quốc (LHQ) về thực trạng Hà Nội đàn áp quyền biểu đạt và tấn công mạng nhắm vào người sử dụng.
Bốn tổ chức có tên Access, Article 19, PEN International và English PEN đã đồng đệ trình một văn bản tới chương trình theo dõi nhân quyền định kỳ của LHQ.
Nội dung đơn đệ trình tập trung vào thực trạng Việt Nam thiếu cải thiện nhân quyền, đặc biệt là tự do biểu đạt ở Việt Nam và nêu bật việc chính phủ Việt Nam gia tăng tấn công mạng mà mục tiêu là xã hội dân sự.
Đánh giá Định kỳ Phổ quát (UPR) là chương trình được Đại hội đồng LHQ thành lập vào năm 2006 để đảm bảo “Từng Nhà nước thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nhân quyền của mỗi quốc gia”.
UPR là một cơ chế để rà soát thực trạng nhân quyền của tất cả các nước thành viên LHQ và đưa ra khuyến nghị để cải thiện khoảng 4-5 năm một lần, lần tới thực hiện cho Việt Nam sẽ vào năm 2014.
Đơn của các tổ chức này có đoạn nói về những hạn chế đáng kể về tự do ngôn luận ở Việt Nam bất chấp thực tế rằng chính phủ Việt Nam đã chấp nhận một khuyến nghị từ chính phủ Thụy Điển từ lần xem xét cuối cùng vào năm 2009 theo đó đề nghị Việt Nam “đảm bảo tôn trọng triệt để quyền tự do biểu đạt, trong đó có tự do ngôn luận trên Internet.”
“Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, danh sách các chủ để cấm đưa tin được mở rộng thêm ra các mảng chỉ trích chính phủ điều hành kinh tế, tranh chấp đất đai giữa chính phủ và dân chúng địa phương, và chuyện làm ăn của con gái Thủ tướng”
Những quan ngại đặc biệt được nói tới bao gồm thực trạng nhà nước kiểm soát truyền thông, thiếu tự do báo chí, các văn bản pháp luật hạn chế về tự do ngôn luận, theo dõi mạng và tấn công vào xã hội dân sự, và việc bắt và xử tù các nhà văn, nhà báo, blogger, và những người cổ vũ cho nhân quyền.
Trong phần nói về nhà nước kiểm soát truyền thông, đơn đệ trình của các tổ chức này nói về việc các tổng biên tập được triệu tập tới Ban Tuyên giáo Trung ương để nghe các quan chức ban này đưa ra kế hoạch làm tin hàng tuần.
“Tại các cuộc họp giao ban này, nhà chức trách xem xét tin tức mà các báo đăng tuần trước đó và khiển trách các tổng biên tập đã để cho đăng bài với nội dung không được duyệt.”
“Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, danh sách các chủ để cấm đưa tin được mở rộng thêm ra các mảng chỉ trích chính phủ điều hành kinh tế, tranh chấp đất đai giữa chính phủ và dân chúng địa phương, và chuyện làm ăn của con gái Thủ tướng.”
Cài mã độc
“Ngay sau khi ông [Trương Duy Nhất] bị bắt, người truy cập vào trang web của ông sẽ bị “dính” phần mềm độc được tải xuống máy tính của họ mà họ không hề biết”
Nhà chức trách Việt Nam đã bị cáo buộc đang gia tăng tấn công mạng vào xã hội dân sự bao gồm tấn công bằng từ chối dịch vụ (DoS), tạo tên miền giả, cướp tài khoản và phá mặt tiền các trang web họ không ưa.
“Các cuộc tấn công ở diện rộng đã xâm phạm quyền tự do hội họp, tự do ngôn luận và quyền tiếp cận thông tin nêu trong Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là thành viên”, phúc trình cho biết.
Giới an ninh mạng đã dùng thủ thuật tạo các trang web nhái lại trang của một số blogger nổi tiếng và cài mã độc vào để truy cập vào tài khoản cá nhân hoặc vào máy tính của những người lên các trang đó đọc tin.
“Các tổ chức xã hội dân sự và các nhà hoạt động tại Việt Nam đã bị cướp tài khoản. Điều này thường được thực hiện thông qua việc sử dụng phần mềm độc để truy cập thông tin tài khoản cá nhân của họ.
“Vào ngày 26 tháng 5 năm 2013, chính phủ Việt bị bắt blogger Trương Duy Nhất và trang web của ông ngay lập tức bị chiếm đoạt.
“Ngay sau khi ông bị bắt, người truy cập vào trang web của ông bị “dính” phần mềm độc được tải xuống máy tính của họ mà họ không hề biết.”
Bằng việc đệ trình tới LHQ, các tổ chức cổ súy nhân quyền đã đưa ra điều họ gọi là “một số kiến nghị cho chính phủ Việt Nam nhằm cách cải thiện việc đối xử với quyền kỹ thuật số và quyền tự do biểu đạt.
Các khuyến nghị này bao gồm cho phép giấu tên thật khi dùng mạng, cho phép người sử dụng Internet để truy cập các blog và các trang web bên ngoài Việt Nam, ngưng tùy tiện theo dõi người sử dụng internet, và chấm dứt hoạt động tấn công mạng.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/06/130620_vn_va_quyen_tu_do_bieu_dat.shtml