– Tại buổi công bố hai báo cáo mới về tham nhũng trong quản lý đất đai, ông Đặng Ngọc Dinh nhận định sở dĩ có tham nhũng lớn trong cấp, thu hồi và giao đất là do quyền tự quyết định của chính quyền quá lớn.
Chiều 19/1, Đại sứ quán Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới tại VN đã tổ chức họp báo công bố “Báo cáo nhận diện và giảm thiểu các rủi ro dẫn đến tham nhũng trong quản lý đất đai” và “Báo cáo khảo sát tình hình công khai thông tin trong quản lý đất đai” ở VN.
Các báo cáo trên đã kiểm tra một cách có hệ thống toàn bộ quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các quy trình giao, cấp và thu hồi đất, cũng như việc các nguyên tắc về công khai, minh bạch thông tin, tài liệu để hỗ trợ cho các quy trình trên đã được thực hiện như thế nào.
Phát biểu tại buổi công bố, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Đặng Hùng Võ, với tư cách chuyên gia tư vấn, nhận định: “Trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tham nhũng xảy ra nhiều nhưng ở mức độ nhỏ, khi các cán bộ xã, huyện tạo ra khó khăn, cản trở khiến người xin giấy phải có “quà, trả phí” hoặc cậy nhờ chỗ thân quen để giải quyết. Trong giao, cấp và thu hồi đất, thì ngược lại, số lượng tham nhũng không nhiều nhưng giá trị của mỗi lần tham nhũng rất lớn”.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu hỗ trợ và phát triển cộng đồng Đặng Ngọc Dinh chia sẻ: Khi hỏi người dân tham nhũng trong đất đai có hay không, họ trả lời “đương nhiên có”.
Nhưng “mời người ta đi nhậu mất 500.000 đồng một bữa để lấy được sổ đỏ nhanh hơn thì không có vấn đề gì, giống như vào bệnh viện đưa tiền cho bác sĩ thôi…”, ông Dinh thuật lại.
Từ đó ông nhận định “văn hóa hối lộ đã trở nên bình thường, người dân quen rồi”. “Tôi cần sổ đỏ thì cũng trả tiền thuê người làm trọn gói”, ông Dinh cho hay.
Nhưng trong giao đất và cho thuê đất mới có nhiều tham nhũng lớn, ông Đặng Ngọc Dinh, người có nhiều kinh nghiệm về khảo sát xã hội học hiện tượng tham nhũng, cho biết. Và theo ông, “lõi của vấn đề là quyền tự quyết định của chính quyền quá lớn – đến mức “toàn quyền”. Làm thế nào để “toàn quyền” ấy ít đi từ cấp huyện, cấp tỉnh mới chính là giải pháp căn bản”.
Ông Võ đồng tình: “Thị trường không thiếu cách để giao đất hiệu quả như đấu giá, đấu thầu, không có chỗ cho quyền lực. Nhưng các tỉnh vẫn chọn cách giao đất theo chủ quan để thể hiện quyền lực của mình”.
Hai ông đồng ý với các giải pháp mà hai bản báo cáo đưa ra là phải tăng cường tình minh bạch và trách nhiệm giải trình để chống tham nhũng hiệu quả hơn.
“Trách nhiệm giải trình là khi các câu hỏi, thắc mắc của nhân dân nhận được những câu trả lời thích đáng từ phía chính quyền. Tính giải trình càng cao thì cán bộ, quan chức càng sợ tham nhũng. Tuy nhiên, ở VN văn hóa giải trình còn thấp”, ông Dinh nói.
Ngoài ra hai ông cũng kiến nghị thay đổi luật pháp, trong đó có đất đai, để hạn chế quyền tự quyết của chính quyền các cấp trong giao, cấp và thu hồi đất, đồng thời tăng cường các thế chế giám sát của xã hội.
Tuy vậy, hai ông lưu ý rằng chống tham nhũng nói chung, và chống tham nhũng đất đai nói riêng là một cuộc chiến dài và có nhiều việc phải làm.
“Bản thân tham nhũng đã là một chuyện phức tạp, ở một nước đang phát triển đồng thời có nền kinh tế chuyển đổi như VN, tham nhũng còn phức tạp hơn. Nền kinh tế đã chuyển đổi sang cơ chế thị trường mà tư duy bao cấp vẫn còn tồn tại trong đầu các nhà quản lý thì tham nhũng vẫn còn chỗ bấu víu”, ông Võ nhận định.
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/6862/tham-nhung-dat-dai-nhieu-do–toan-quyen–qua-lon.html