Chúng tôi đã về Việt Nam và có được một chuyến về đảo Lý Sơn trong hai ngày 21 và 22 tháng 09 năm 2010.
Chúng tôi rất may mắn được một số vị giáo chức tại Đà Nẵng và bạn hữu tại Quảng Ngãi tổ chức và hướng dẫn đi ra đảo Lý Sơn, trước viếng thăm nơi sinh sống của bà con ngư dân luôn luôn can trường không tiếc mạng sống đối đầu với bọn lính hải quân Trung Quốc, sau mong có dịp trực tiếp trò chuyện cùng bà con ngư dân đã từng bị bọn lính hải tặc Trung Quốc khủng bố cướp đoạt tài sản tàu thuyền ngư cụ, giam cầm trái phép và bị đồi xử rất vô nhân đạo.
Mục đích của chuyến về Lý Sơn chỉ có tính cách riêng tư nên chúng tôi cố gắng tránh xa những cán bộ chức sắc và hòa nhập với bà con tại địa phương. Khi rời tàu cao tốc tại bến cảng đảo Lý Sơn, chúng tôi được những anh bạn sống tại Lý Sơn đón chở đi về nhà nghỉ bằng xe gắn máy. Sau khi tất cả về đến chỗ nghỉ ngơi (căn nhà cho khách thuê nằm gần cuối đảo) chúng tôi được cho biết một anh công an tại cảng đến gặp một anh bạn là người địa phương hỏi có phải Việt kiều ra đảo không, và đương nhiên được trả lời không phải.
Chúng tôi được các anh em ngư dân của Lý Sơn tiếp đãi thật ân cần, cho thưởng thức nhiều món hải sản của Lý Sơn và những loại hải sản bắt được từ Hoàng Sa đem về và còn sống. Trong số hải sản đó có một loại tôm hùm chỉ có tại dưới đáy biển vùng quần đảo Hoàng Sa gọi là “TÔM NI”. Tôm Ni sau khi bắt được phải được nuôi dưỡng kỹ càng để khi trở về bờ vẫn còn sống, và như vậy mới bán được giá cao. Giá tôm ni cao gấp đôi tôm hùm thường.
http://www.youtube.com/watch?v=GHpSAhmJ1tY
Trong lúc anh em uống bia và thưởng thức các món hải sản tươi, chúng tôi được nghe anh em ngư dân kể lại những nỗi kinh hoàng khi bị bọn lính hải tặc Trung Quốc bắt và tra khảo, khi bị “tàu lạ” đâm chìm rồi thoải mái dông tuốt. Kết thúc mỗi câu chuyện anh em ngư dân đều thốt lên lời oán than: bọn Tàu quá dã man, bọn Tàu quá tàn bạo, bọn Tàu vô nhân đạo… Anh em chỉ có thể đánh bắt vào ban đêm và ở những vùng có đá ngầm để tàu của bọn lính Trung Quốc không vào được.
http://www.youtube.com/watch?v=T9J08HOt5n4
Ngư dân tại địa phương không hay biết những tin tức liên quan đến quần đảo Hoàng Sa như việc Hội Địa dư Quốc gia Mỹ phổ biến sai lạc dùng tiếng Tàu làm danh xưng cho quần đảo Hoàng Sa và ghi sai chủ quyền là của Tàu “China”, hay ý định hỗ trợ ngư dân cùng nhau đứng lên khởi kiện Trung Quốc đòi hoàn trả tài sản và tiền bạc bị họ cướp đoạt. Anh em ngư dân thổ lộ: tuy chúng tôi bị bọn lính Trung Quốc bắt, cướp nhưng vẫn quyết đi làm ăn tại Hoàng Sa, vì đó là nơi ông bà làm biển từ xa xưa, nhưng tại địa phuơng thì vừa sợ vừa không dám làm việc gì trái ý nhà nước.
Chuyến về Lý Sơn của chúng tôi không hẹn mà lại cùng ngày với chuyến đi đảo Lý Sơn của một anh người gốc da trắng. Trong lúc ngồi tại quán café chờ lên tàu trước cổng vào bến cảng Sa Kỳ, tôi thấy một anh da trắng mang cặp da đi qua cổng kiểm soát xuống tàu cao tốc đi Lý Sơn, nhưng không ngờ đó chính là ông Hồ Cương Quyết (André Manras), người đang dành trọn đời mình cho đất nước Việt Nam. Có thể đó là lý do một anh trong nhóm chúng tôi được công an sắc phục hỏi thăm sau khi lên bến cảng đảo Lý Sơn.
Trong lúc thăm Lý Sơn chúng tôi không biết tin đã có thêm một tàu của ngư dân Lý Sơn vừa bị bọn hải quân Tàu bắt giữ từ ngày 11/09/2010. Tàu của ngư dân Lý Sơn bị Tàu bắt từ ngày 11/09 mà ngày 21/09 bà con tại Lý Sơn vẫn không hay biết gì, mãi cho đến khi được báo chí loan tin tuyên bố của phát ngôn viên Nhà nước sau đó hơn 20 ngày, ngày 05/10/2010. Anh người Tây quốc tịch Việt mang họ Hồ đi đâu và sẽ làm gì để chứng tỏ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng sa thì chính quyền địa phương đều biết ngay và can ngăn, không cho anh ta tiến hành thực hiện việc làm cụ thể để thể hiện lòng yêu quê hương Việt của anh. Trong khi đó tại vùng biển Hoa Đông, vụ việc tàu Trung Quốc và tàu tuần duyên của Nhật đụng nhau thì Nhà nước Trung Quốc nhanh chóng làm rùm beng trong cùng ngày. Cả nước Tàu đều biết và dân Tàu lập tức dấy lên phong trào biểu tình bài Nhật, chỉ còn thiếu là một cuộc hải chiến Trung Nhật có thể xảy ra sau đó.
Qua những sự kiện này, việc khởi kiện lính hải quân Tàu và Nhà nước Trung Quốc tại một tòa án trong và ngoài nước nhằm đòi lại tài sản và quyền lợi cho ngư dân sẽ còn gặp nhiều trở ngại vì ngư dân tuy không sợ bọn lính Tàu tại Hoàng Sa mà ngại chạm vào thủ tục và nguyên tắc một khi cùng nhau tự mình đứng ra khởi kiện Trung Quốc.
Tuy nhiên với sự kiên trì của anh em chúng tôi tại nước ngoài cùng với sự quyết tâm giúp sức của anh chị em trong nước, kế hoạch mang bọn hải tặc Hải quân Trung Quốc ra trước một tóa án quốc tế sẽ trở thành hiện thực nhằm góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông.
Ngày 15/01/2011
NKB, NH, LQL
https://boxitvn.online/bai/9373 Ngư dân Việt sẽ kiện Trung Quốc đòi lại tài sản bị hải quân Trung Quốc cướp đoạt NẾU…
https://boxitvn.online/bai/5119 Ngư dân Việt có thể kiện Nhà nước Trung Quốc trước Tòa án quốc tế không?
Các tác giả gửi trực tiếp cho BVN