SGTT.VN – Chiều 12.1, các đại biểu tham dự Đại hội Đảng XI làm việc tại đoàn, cho ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình trước Đại hội gồm dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020; báo cáo Chính trị Đại hội XI của Đảng; báo cáo một số vấn đề bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng và dự thảo Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi); báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương khóa X.
Tại các tổ thảo luận, hầu hết đại biểu nhất trí cao với các dự thảo văn kiện trình Đại hội XI, đồng thời tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết liên quan đến chủ trương, đường lối, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội; đổi mới công tác cán bộ, cải cách thể chế, thủ tục hành chính với trọng tâm là cải cách con người…
Đổi mới đầu tiên: con người
Đại biểu Phạm Phương Thảo, đoàn đại biểu Đảng bộ TP.HCM nêu ý kiến: nội dung đầu tiên cần quan tâm là phải đổi mới công tác tổ chức bộ máy.
Theo bà Thảo, “vừa qua chúng ta đã rà soát lại thủ tục hành chính từ cấp trung ương đến địa phương; tuy nhiên, cần quan tâm đến việc đổi mới về mặt thể chế, về tổ chức bộ máy cán bộ trong đó bao gồm việc rà soát chức năng nhiệm vụ theo hướng cái gì dân làm được thì giao cho dân làm, cái gì cấp dưới làm được thì giao cho cấp dưới làm. Cấp trung ương, cấp bộ thì cần quan tâm đến vấn đề về chính sách, tiêu chí, tiêu chuẩn…”
Bà nhận định: “Tôi thấy hiện nay cấp trung ương làm việc ở địa phương nhiều, ở cơ sở nhiều mà về phần trách nhiệm của trung ương, về phần tháo gỡ những cơ chế chính sách thì chưa tập trung được”.
Bà Thảo cũng nhận xét và nêu ý kiến cần đổi mới phương thức lãnh đạo qua việc đưa ra những đường lối đúng, tổ chức thực hiện, phân công đội ngũ cán bộ sao cho phát huy cho được dân chủ, trí tuệ của người dân, lắng nghe ý kiến trong Đảng, phát huy dân chủ trong Đảng – điều mà lâu nay vẫn chưa phát huy thật tốt.
Tại đoàn đại biểu Đảng bộ Hà Nội, nhiều ý kiến nhấn mạnh đến việc tập trung phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đấu tranh chống thoái hóa biến chất trong cán bộ, đảng viên song song với phát huy tiềm năng đội ngũ trí thức, nâng cao trí tuệ dân tộc.
Đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho rằng, cần làm rõ và đề cập sâu tới vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với tinh thần coi con người là chủ thể trung tâm, nguồn lực chủ yếu để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu.
Bà Ngọc cho rằng: “Nguồn nhân lực hiện dồi dào nhưng chất lượng chưa đạt yêu cầu. Do đó, phải có chính sách thu hút, bồi dưỡng, đào tạo cho được những nhân tài thực sự. Đồng thời, cũng cần cơ chế để loại trừ những cán bộ không đủ năng lực ra khỏi bộ máy, nhường chỗ cho những người xứng đáng hơn”.
Bà cũng đề nghị xem xét kỹ vấn đề sắp xếp bộ máy các bộ, ngành, các cấp, bởi theo bà, sau khi hợp nhất một số bộ, ngành, đầu mối có giảm xuống nhưng số lượng cán bộ vẫn như vậy, chưa giảm đi nhiều. Thế nên, phải tiếp tục tìm ra mô hình tinh gọn hơn, đảm bảo tính thống nhất, không chồng chéo để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính các cấp.
Đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch Ủy ban Pháp luật Quốc hội tỏ sự băn khoăn với thời gian thực hiện vì theo ông, khó có thể thực hiện mục tiêu phát triển nhanh nguồn lực trong thời gian 10 năm, bởi công việc này đòi hỏi một quá trình dài hơi.
Cũng cùng quan điểm với ông Thuận, Thiếu tướng Phí Quốc Tuấn, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô (Hà Nội) còn đề xuất cụ thể thêm: “Cần bổ sung chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao cho lực lượng vũ trang. Hiện nay, tỷ lệ đăng ký thi tuyển vào các trường quốc phòng đang thấp hơn nhiều so với các ngành nghề khác…”
Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Trần Quang Cảnh cho rằng trong đào tạo nguồn nhân lực cần nhấn mạnh thêm hai yếu tố “đạo đức và văn minh”, bởi theo ông: “Đảng viên có trình độ nhưng cũng phải có đạo đức và văn minh ngang tầm thời đại mới có thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử mà nhân dân giao phó…”
Băn khoăn với công hữu tư liệu sản xuất
Thứ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư Cao Viết Sinh (đoàn Đại biểu các cơ quan trung ương) băn khoăn với nội dung “công hữu tư liệu sản xuất” được đề cập trong dự thảo Cương lĩnh chính trị của Đảng.
Theo ông Sinh, ta đang phát triển kinh tế theo định hướng nhiều thành phần, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân. Việc đặt vấn đề “công hữu tư liệu sản xuất” có thể làm các doanh nghiệp này e ngại, dè dặt trong đầu tư, phát triển kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, có chung quan điểm này. Ông phân tích: việc đặt vấn đề “công hữu tư liệu sản xuất” thể hiện sự mâu thuẫn với định hướng phát triển kinh tế nhiều thành phần trong quá trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
“Nếu vẫn giữ định hướng, quan điểm, nội dung đó, chúng ta rất khó thu hút mọi thành phần kinh tế đầu tư, xây dựng, phát triển kinh tế đất nước, dù có trải thảm đỏ mời các nhà đầu tư nước ngoài, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân”, ông Thuận nói.
Nói về giải pháp đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng – một trong ba khâu đột phá quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội đất nước – ông Thuận bày tỏ sự đồng tình và cho rằng trước hết phải tập trung phát triển hệ thống giao thông.
Ông Thuận nêu ý kiến: “Chúng ta không phải đặt mục tiêu phát triển đường lên vũ trụ hay đường sắt cao tốc, mà cần ngay là đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Cùng với đó, Hà Nội, TP.HCM dứt khoát phải có đường trên cao, tàu điện ngầm. Chính phủ có thể chi mạnh, nhưng địa phương phải tự chịu trách nhiệm”.
|