Than, dầu thô VN sẽ ‘cạn kiệt’ năm 2025

Than và dầu thô cạn kiệt ảnh hưởng lớn đến công suất phát điện của Việt Nam.

Than và dầu thô cạn kiệt ảnh hưởng lớn đến công suất phát điện của Việt Nam.

Việt Nam đối diện với nguy cơ thiếu trầm trọng nhiên liệu thô dùng cho phát điện trong 15 năm tới, một chuyên gia về quản lý năng lượng cảnh báo.

Ông Nguyễn Bá Vinh, điều phối viên Dự án dự án nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại VN dự đoán tài nguyên than đá, dầu khí của VN sớm cạn kiệt, một khi ”phong trào” xây nhiệt điện vẫn tiếp tục.

Sau 5 năm thực hiện, dự án tiết kiệm điện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa kết thúc năm 2010, với tài trợ từ Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).

Than đá, dầu DO là nhiên liệu chính của hệ thống nhiệt điện tại Việt Nam.

Theo ông Vinh, khả năng thiếu hụt điện trong tương lai là khá lớn nếu Việt Nam không có chính sách tiết kiệm và phát triển năng lượng bền vững.

“Việt Nam khi ấy sẽ đứng trước nguy cơ thiếu hụt năng lượng ngày càng lớn, phải phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu ngày một tăng,” vị quản đốc chương trình tiết kiệm năng lượng nói.

Nghèo tài nguyên?

Trong khi đó một Phó Thủ tướng Việt Nam thừa nhận Việt Nam không có nhiều năng lượng thô như nhiều người nghĩ.

“Tài nguyên nước, năng lượng, đất và khoáng sản đang dần thiếu và khan hiếm,” Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói tại hội nghị tổng kết ngành tài nguyên-môi trường năm 2010.

Báo Việt Nam đưa tin ông Hải quan ngại với việc sử dụng lãng phí tài nguyên khoáng sản ở trong nước.

“Nguồn khoáng sản của Việt Nam không có nhiều nhưng quản lý và sử dụng còn rất lãng phí. Nguồn thu từ xuất khẩu nguyên liệu thô không đáng bao nhiêu”, tờ Tuổi Trẻ trích lời người lãnh đạo Chính phủ phụ trách năng lượng và công nghiệp.

Và Phó Thủ tướng Việt Nam nói đến khả năng dừng hẳn xuất khẩu khoáng sản thô trong tương lai.

“Chúng ta đang cố gắng hạn chế việc xuất khẩu khoáng sản thô và tiến tới việc dừng hẳn xuất khẩu khoáng sản thô.”

Ông Hải kêu gọi áp dụng công nghệ “chế biến sâu” đối với khoáng sản, tuy nhiên không nói rõ Việt Nam sẽ dùng loại công nghệ gì. Hay kỹ thuật nhập từ nước nào.

Nóng bỏng

Xuất khẩu nguyên liệu thô từng là đề tài thời sự nỏng bỏng trên các trang báo trong nước. Dư luận quan ngại về tầm nhìn thiển cận của một số tỉnh thành khi cấp giấy phép khai thác khoáng sản.

Một số dự án dùng kỹ thuật thô sơ, lạc hậu, cốt moi đất lên để bán, trong khi không có giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường.

Trước phản ứng mạnh mẽ của dư luận, tháng Ba năm ngoái tỉnh Nghệ An đã đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản đối với doanh nghiệp vi phạm môi trường, khai thác không đúng thiết kế, không đủ thủ tục pháp lý.

Cạnh đó Nghệ An cũng tạm dừng cấp giấy phép khai thác mới một số khoáng sản để “kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh, lập lại trật tự”.

Tỉnh Cao Bằng cũng vừa ra quyết định ngưng cấp giấy phép khai thác khoáng sản từ nay cho đến năm 2013.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/01/110104_viet_oil_peak.shtml

This entry was posted in kinh tế, xây dựng. Bookmark the permalink.