Không trả thay Vinashin!

Không trả thay Vinashin!

Nguyễn Quang A

– Báo chí đưa tin, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói Chính phủ sẽ không hỗ trợ Vinashin trong việc trả nợ. Đấy là một dấu hiệu tốt về việc cứng hóa ràng buộc ngân sách đối với các doanh nghiệp nhà nước.
Nếu Chính phủ kiên định cứng hóa ràng buộc ngân sách như vậy và buộc các doanh nghiệp Nhà nước phải cạnh tranh lành mạnh trên thị trường trong nước và quốc tế, thì các doanh nghiệp nhà nước cũng có thể hoạt động hiệu quả, và đấy là điều đáng hoan nghênh.

Các chủ nợ trong và ngoài nước phải tự rút ra bài học cho chính họ. Doanh nghiệp là một pháp nhân, nó đi vay thì nó phải trả. Và nếu nó chưa trả được thì phải tìm cách tái cơ cấu lại nợ cho nó: gia hạn nợ, giảm lãi suất, xóa một phần nợ lãi hay nợ gốc… thậm chí cấp tín dụng mới.

Còn nếu doanh nghiệp bị phá sản thì các chủ nợ có thể chỉ lấy lại được một phần hay mất trắng toàn bộ khoản đã cho vay tùy thuộc vào các điều khoản vay ghi trong hợp đồng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói Chính phủ sẽ không hỗ trợ Vinashin trong việc trả nợ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói Chính phủ sẽ không hỗ trợ Vinashin trong việc trả nợ.

Theo luật ở Việt Nam, cũng gần giống như thông lệ quốc tế, doanh nghiệp làm thủ tục phá sản phải thanh lý các tài sản của mình để lấy tiền trả nợ cho các chủ nợ.

Nếu bán toàn bộ doanh nghiệp cho chủ khác thì chủ mới phải trả thay, khi đó doanh nghiệp vẫn tồn tại và không có sự phá sản.

Các chủ nợ gồm: (1) người làm việc (nếu còn nợ lương, bảo hiểm, thưởng…) được ưu tiên cao nhất; (2) nhà nước được ưu tiên thứ hai (đối với các khoản thuế, phí, … chưa nộp); chỉ sau đó mới đến (3) các chủ nợ khác (bất luận khoản vay có được đảm bảo hay không); loại chủ nợ được ưu tiên thấp nhất (4) là cổ đông, chủ sở hữu chỉ được hưởng phần còn lại sau khi đã trả cho ba loại chủ nợ có ưu tiên cao hơn.

Đối với các khoản nợ của chủ nợ loại ba, cũng có thứ tự ưu tiên khác nhau: từ các khoản vay có đảm bảo (thế chấp), đến các khoản vay tín chấp.

Với Vinashin, Nhà nước đóng 3 vai khác biệt nhau: (2) chủ nơi có ưu tiên thứ hai với các khoản nộp ngân sách; (3) chủ nợ với tư cách người cho Vinashin vay (thí dụ, 750 triệu USD từ trái phiếu) có ưu tiên loại ba; và (4) chủ nợ có ưu tiên thấp nhất với tư cách người chủ sở hữu. Các vai này của Nhà nước phải tách bạch nhau, không được lẫn lộn. Tất nhiên các khoản Nhà nước đi vay và cho Vinashin vay lại thì Nhà nước phải trả với tư cách con nợ; các khoản mà Nhà nước bảo lãnh cho Vinashin vay Nhà nước cũng phải trả nhưng có mức ưu tiên thấp hơn.

Nhà nước làm đúng vai trò của mình và không nên nao núng với các sức ép chắc sẽ rất mạnh từ các chủ nợ trong và ngoài nước. Ông Chủ tịch – Tổng giám đốc mới của Vinashin hành xử đối với các khoản nợ đến hạn như được báo chí đưa tin là phù hợp, và nên được ủng hộ.
N. Q. A

Nguồn: http://bee.net.vn/channel/4461/201012/Khong-tra-thay-Vinashin-1782817/

This entry was posted in giao thông, kinh tế, tham nhũng. Bookmark the permalink.