Những lời chống chế của các vị quan cấp tỉnh về các việc tày trời mà họ đã làm (bán rừng đầu nguồn) ai mà chẳng biết tỏng là có được mấy đồng cân giá trị đâu. Thôi thì họ cứ chống chế như xưa nay họ vẫn chống chế trước bao nhiêu việc họ đã từng làm khiến người dân nhiều địa phương nhức nhối mà cũng đành phải cắn răng chịu. Bận tâm về uy tín và tư cách của họ hình như giờ đây đã là thừa vì họ thuộc típ người “lờn thuốc” mất rồi. Còn trách nhiệm của người hết lòng với dân với nước thì cứ phải lên tiếng trước mọi điều trái tai gai mắt và có nguy cơ ảnh hưởng tới tồn vong của dân tộc. Cảnh báo là cảnh báo với cơ quan quyền lực tối cao, nhưng quan trọng hơn là cảnh báo với toàn dân, rằng tình thế đang bất an, thế cũng đã đủ để gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh. Hậu quả thế nào, nhân dân Việt Nam với lương tri tỉnh táo chắc chắn sẽ biết cách lo liệu.
Bauxite Việt Nam
Hai nhà lão thành cách mạng vừa lên tiếng cảnh báo về việc Việt Nam cho nước ngoài thuê đất đầu nguồn trồng rừng trong khi địa phương bác bỏ quan ngại.
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh cuối tháng trước đã công bố lá thư về việc 10 tỉnh trong nước “đã cho 10 doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích 305.3534 ha, trong đó Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264.000 ha; 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới”.
Các tỉnh đã ký hợp đồng cho nước ngoài thuê đất nằm ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam.
Hai ông vạch rõ trong lá thư: “Đây là một hiểm họa cực lớn liên quan đến an ninh nhiều mặt của quốc gia” và “Mất của cải còn làm lại được, còn mất đất là mất hẳn”.
“Các tỉnh bán rừng là tự sát và làm hại cho đất nước. Còn các nước mua rừng của ta là cố tình phá hoại nước ta và gieo tai họa cho nhân dân ta một cách thâm độc và tàn bạo” – Thư của hai ông Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh
Theo phân tích của họ, tiềm ẩn hiểm họa là ở chỗ nước ngoài đã thuê được đất thì cũng có thể “phá rừng vô tội vạ”.
“Các tỉnh bán rừng là tự sát và làm hại cho đất nước. Còn các nước mua rừng của ta là cố tình phá hoại nước ta và gieo tai họa cho nhân dân ta một cách thâm độc và tàn bạo.”
Hai vị cựu tướng cũng cảnh báo về nguy cơ di dân, nhất là từ Trung Quốc, vào để thực hiện các dự án thuê rừng này.
Họ yêu cầu đình chỉ các dự án cho thuê rừng ngay lập tức.
Bức thư của hai ông khi công bố đã gây chú ý đặc biệt của dư luận, vì đất đai là tài sản quốc gia, và các mảnh đất địa đầu có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng.
Đây không phải lần đầu tiên các vị lão thành cách mạng phản đối các dự án khai thác nguồn lợi thiên nhiên ở Việt Nam mà theo họ gây ảnh hưởng xấu tới môi trường và xã hội.
Một số cựu tướng lãnh, trong có Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, từng lên tiếng về việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên, nhưng các dự án vẫn được tiến hành.
‘Không cho thuê rừng phòng hộ’
Riêng tại tỉnh Lạng Sơn giáp với Trung Quốc, hiện đã có hai dự án cho nước ngoài thuê rừng.
Dự án thứ nhất đang được triển khai gồm 63.000 ha trồng rừng gỗ nguyên liệu cao cấp tại địa bàn 7 huyện. Dự án thứ hai chưa thực hiện gồm gần 9.500 ha trồng gỗ nguyên liệu bột giấy tại 4 huyện.
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn bác bỏ quan ngại về nguy cơ “mất rừng”. Ông Đào Đức Hoan, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, nói với BBC rằng khi cấp phép cho các dự án, chính quyền địa phương đã cân nhắc kỹ lưỡng “vì lợi ích chung của cộng đồng, vì sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và quốc gia”.
Khi cấp phép cho các dự án, chính quyền địa phương đã cân nhắc kỹ lưỡng vì lợi ích chung của cộng đồng, vì sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và quốc gia.
Chánh VP UBND tỉnh Lạng Sơn Đào Đức Hoan
Ông Lý Vinh Quang, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Lạng Sơn, thì khẳng định rằng đất giao cho chủ đầu tư nước ngoài hoàn toàn là “rừng sản xuất chứ không phải rừng phòng hộ” và “không có mua bán đất đai, chuyển nhượng sở hữu mà chỉ có cho thuê”.
Ông Quang cũng nói cơ quan Tài nguyên-Môi trường tỉnh có cơ chế để giám sát các dự án sao cho bảo đảm về môi trường lâu dài và việc cho thuê đất được thực hiện theo đúng quy trình quy định của Nhà nước.
Nhận định về lá thư của các vị lão thành cách mạng nói ở trên, ông cho rằng đây “chỉ là ý kiến cá nhân”, “có thể bắt nguồn từ thông tin không đúng và sai lệch”.
Ông Lý Vinh Quang cũng bác bỏ quan ngại về yếu tố Trung Quốc trong các dự án, với lý do rằng quá trình thẩm định không phân biệt nhà đầu tư đến từ nước nào.
Nguồn: bbc.co.uk
‘Trách nhiệm là phải lên tiếng’
Cuối tháng trước, hai nhà cách mạng lão thành là Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã công bố lá thư cảnh báo về việc chính quyền 10 tỉnh ở trong nước cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất trồng rừng dài hạn.
Hai ông bày tỏ lo ngại trước việc rừng đầu nguồn tại các vị trí xung yếu có thể bị xâm hại, và yêu cầu Nhà nước đình chỉ ngay các dự án này.
Tuy nhiên, giới chức địa phương khi được phỏng vấn đã bác bỏ quan ngại với lý do các dự án đều đã được cân nhắc kỹ lưỡng vì lợi ích của cộng đồng dân cư và không có chuyện đình chỉ dự án.
Có ý kiến cho rằng kiến nghị của hai vị cựu tướng là bắt nguồn từ việc thiếu thông tin chính xác.
Đài BBC đã hỏi chuyện Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh, xung quanh chủ đề này.
Ông Nguyễn Trọng Vĩnh: Đình chỉ hay không đình chỉ dự án là quyết định của Bộ Chính trị, của Thủ tướng Chính phủ. Còn lá thư của ông Đồng Sĩ Nguyên và của tôi, chúng tôi căn cứ vào kết quả điều tra của các đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát chủ trì.
Không phải tất cả số đất giao cho công ty nước ngoài ấy là rừng đầu nguồn, nhưng có rừng đầu nguồn.
BBC: Thưa ông, giới chức địa phương khẳng định không có chuyện bán, hay chuyển nhượng đất, mà chỉ là cho thuê sử dụng đất.
Ông Nguyễn Trọng Vĩnh: Trong bức thư chúng tôi có đề cập tới việc bán, hoặc cho thuê dài hạn 50 năm. Cho thuê với thời hạn dài như vậy, không kiểm soát được. Người ta có thể phá hoại rừng với lý do chặt rừng cũ, trồng rừng mới.
Những chứng cứ đó đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho kiểm tra rồi.
BBC: Khi chúng tôi nói chuyện với giới chức địa phương, thì được biết trong quá trình thẩm định dự án không có chú ý phân biệt quốc tịch của nhà đầu tư. Vậy thưa ông, có cần thiết nhắc tới rằng những công ty thuê đất này chủ yếu đều của doanh nghiệp gốc Hoa, như Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc?
Ông Nguyễn Trọng Vĩnh: Nhà đầu tư từ đâu thì chúng tôi chỉ ra họ từ đó tới, chứ tại sao lại không nói?
Giả như nhà đầu tư từ Mỹ, từ Pháp, thì chúng tôi cũng nói là họ từ Mỹ hay Pháp.
Còn đây là các nhà đầu tư từ Trung Quốc, Đài Loan. Trung Quốc mua hay thuê rừng dài hạn, thì chúng tôi nói rõ ra như vậy.
Cần phải nhớ tới khía cạnh di dân. Có nhà đầu tư đã có tiền sử chuyển người của mình tới thực hiện dự án, khai thác công trình mà họ đầu tư – đó chính là di dân chứ còn là gì nữa.
Ngay những công trình mà họ trúng thầu ở dưới đồng bằng ven biển này, họ cũng mang công nhân của họ tới làm chứ có thuê người địa phương của chúng tôi đâu?
BBC: Thư gửi đi đã khá lâu, thưa ông, vậy tới nay đã có phản hồi chưa ạ?
Ông Nguyễn Trọng Vĩnh: Bức thư của chúng tôi sau này chúng tôi mới cho đăng trên mạng internet. Nhưng từ trước, tới nay độ một tháng rồi, ông Đồng Sĩ Nguyên và tôi đều đã gửi thư đó lên Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ về các dự án cho nước ngoài thuê rừng.
Hiện chưa có phản hồi gì cả. Từ trước đến nay, thậm chí cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư còn chẳng được phản hồi nữa là chúng tôi!
BBC: Thực lòng mà nói, ông có hy vọng những đề đạt và trăn trở của mình sẽ được ghi nhận và phản hồi không ạ?
Ông Nguyễn Trọng Vĩnh: Cái đó thì chúng tôi không thể nào nói được. Việc chúng tôi thấy cần làm thì chúng tôi cứ làm thôi.
Phản hồi hay không phản hồi, những nhà cầm quyền của chúng tôi có giải quyết hay không, thì là những chuyện chúng tôi không thể biết được.
Nguồn: bbc.co.uk