Nước cộng sản nào hình như trong đối nội và đối ngoại, nhất là đối ngoại, cũng mang một đặc trưng cố hữu là sự giấu giếm – tốt đẹp phô ra xấu xa đậy lại. Nhưng phải nhận Trung Quốc là nước giỏi nhất trong cái thủ thuật “đậy lại” ấy, chính nó đã khiến cho thế giới mấy thập kỷ nay sững sờ vì con rồng Trung Quốc sao mà quá hoành tráng. Họ có biết đâu trong 1 tỷ 3 dân số Trung Quốc có biết bao nhiêu là số phận thê thảm, phải chìm lỉm vào bóng tối suốt đời. Mà triết lý của con rồng là thế đấy, nó chỉ cần bay lượn để khoe khoang với thế giới rằng mình đang đội trên đầu mấy chữ “vạn thọ vô cương” biểu trưng cho một vị đại đế thôi; nó đâu có cần biết phải hút máu mủ của hàng trăm triệu sinh linh để tạo nên được vị đại đế oai nghiêm kiểu Tàu như vậy. Chẳng thế mà Mao Trạch Đông đã từng nói với Ních-xơn năm 1972: Trung Quốc có thể diệt 300 triệu mạng người cũng chẳng hề tiếc (theo BS Lý Chí Thỏa). Nên nhớ vào năm đó 300 triệu người là một nửa dân số Trung Quốc.
Bauxite Việt Nam
Những nông dân mắc phải bệnh AIDS do bán máu cho những tên thu gom bất hợp pháp. Những nô lệ trẻ em trong những xưởng gạch làm chui. Những ngôi trường “đậu phụ” đổ sụp như chồng lá bài trong một vụ động đất.
Những câu chuyện làm người ta trố mắt của thế giới thấp cổ bé họng ở Trung Hoa gần đây đã được loan rộng trên báo chí thế giới. Nhưng đằng sau những hàng tít tầm cỡ thế giới kia là một đạo quân nhỏ bé những nhà báo điều tra của Trung Quốc, những người đã khui chúng ra đầu tiên.
Trong khi Trung Quốc vẫn nổi danh là một nền báo chí tuyên truyền phổ biến nằm trong sự kiểm duyệt gắt gao, một luồng các nhà báo điều tra mạnh mẽ trưởng thành trong nước đã nổi lên trong vòng 10 năm qua, họ thu thập tư liệu về những xì-căng-đan, tình trạng tham nhũng và lạm quyền, có lúc ở cấp thượng đỉnh, nhưng đôi khi họ phải trả giá cho những nỗ lực của mình. Không hẳn giống Đệ tứ quyền ở phương Tây, nhưng một hình thức “báo chí giám sát” (watchdog journalism) vẫn tồn tại ở Trung Quốc.
David Bandurski, một chuyên gia về báo chí Trung Quốc ở Trường ĐH Hồng Kông viết: “Ở đỉnh cao của nó, báo chí điều tra ở TQ không khác với báo chí giám sát ở phương Tây… dù TQ là một trong những môi trường chính trị xã hội khắt khe nhất mà người ta có thể hình dung đối với mảng phóng sự điều tra”.
Thường vượt qua kiểm duyệt, nhiều phóng sự khui những chuyện xấu được truyền trên Truyền hình Trung ương TQ trong chương trình hàng tuần Tin tức điều tra hoặc những tờ báo in ngả sang thương mại hơn như tạp chí Caijing, hay Nhật báo Đại đô Nam phương, Nam Phương cuối tuần của Quảng Đông, hay những tờ báo khác có truyền thống phóng sự điều tra sâu như Nhật báo Thanh niên Trung Hoa, tạp chí Quan điểm Phương Đông.
Xì-căng-đan AID ở Hồ Nam với hàng trăm nghìn nông dân ở vùng trung tâm của Trung Quốc bị nhiễm HIV sau khi bán máu trong một chương trình hiến máu do chính quyền hậu thuẫn trong thập kỷ 1990, đã được đưa lên đầu tiên bởi Zhang Jicheng, nhà báo địa phương, trên một tờ báo của thành phố Tứ Xuyên vào tháng 1 năm 2000. Tám tháng sau, truyền thông Hồng Kông và quốc tế mới tung lên. Giữa năm 2007, chuyện những đứa trẻ bị bán làm nô lệ trong những xưởng gạch “đen” ở Sơn Tây vỡ lở do một phóng sự trên Kênh Metro của TH Hồ Nam. Tháng 8 vừa rồi, tờ Nam Phương cuối tuần đăng một tường trình ấn tượng về một cô gái đưa lên thủ đô kiến nghị đã bị hãm hiếp bởi một tên cảnh vệ của một “hắc ngục” ở Bắc Kinh, bài báo đưa đến việc chính quyền cuối cùng phải thừa nhận sự tồn tại của những nhà giam bất hợp pháp như thế ở thủ đô.
“Nơi đắc địa” của báo chí
“Có nhiều chuyện mà chúng tôi không đủ thời gian viết ra. Có nhiều mâu thuẫn trong cái xã hội đang biến dạng nhanh chóng của chúng tôi. Bất cứ chuyện gì người ta có thể nghĩ đến, đều có thể xảy ra tại TQ”, đó là lời Wang Keqin 45 tuổi, trưởng lão của đội ngũ “bới xấu” (muckraker).
“Nước Trung Hoa thế kỷ XXI là nơi đắc địa cho báo chí điều tra”, đó là tuyên bố của phóng viên điều tra hàng đầu ở tờ Thời báo Kinh tế TQ, cũng là giảng viên về thể loại này ở ba trường ĐH Bắc Kinh.
Tuy nhiên, GS môn báo chí ở Trường ĐH Ngoại giao Bắc Kinh Zhan Jiang nói đó không phải “lạc thổ” cho các nhà báo điều tra (Nguyên bản tiếng Anh chơi chữ: “haven” but not “heaven”, nghĩa đen: là “nơi ẩn náu, hải cảng” chứ không phải “thiên đường” – ND). Ông vạch ra rằng, mặc dù ở Trung Quốc không có nhà báo nào bị giết vì công việc của mình, nhưng các câu chuyện thường bị đóng hộp và các biên tập viên, nhà báo bị trừng phạt vì những bài làm phật lòng các ông chủ chính trị. Án phạt đi từ đuổi việc, treo bút hay nhẹ hơn thì phải đi học “tư tưởng báo chí Mac-xít” hàng tháng trời.
Thế nhưng trong số hàng vạn nhà báo làm việc cho các báo chí lớn bé khắp cả nước, giờ đây có 200 đến 300 chuyên về phóng sự điều tra, theo ước lượng của Zhan.
Mọi tờ báo và đài phát ở Trung Quốc trên giấy tờ đều có một cơ quan quản lý chính thức. Nhưng với sự cạnh tranh ngày càng cao để giành quảng cáo và thu hút người đọc, cảnh quan truyền thông không hề giống như trong quá khứ ù lì. Tất nhiên con chó vẫn bị buộc xích, mà xích dường như ngày một ngắn.
Trong hoá thân nguyên thủy của nó, báo chí “bới xấu” ở Trung Quốc từng được chính thức chuẩn thuận như một hình thức mà Đảng CS cầm quyền gọi là yulun jiandu (dư luận chiến đấu?) (sự giám sát của công luận) hay là lấy báo chí để kiểm tra tình trạng tham nhũng lan tràn khi kinh tế cất cánh.
GS Cho Li Fung của Trường ĐH Hồng Kông nghiên cứu về báo chí giám sát ở Trung Quốc, giải thích: “Được ĐCSTQ ban phước, một cái kênh được tạo nên cho báo chí phơi bày những cái sai trong xã hội và phản ánh cái nhìn của công chúng”.
Nhưng với tinh thần nghề nghiệp ngày càng cao, từ thập niên 1990 trở đi, một số nhà báo Trung Quốc đã theo đuổi những vụ tham nhũng và lạm quyền của quan chức, vượt khỏi ý đồ cẩn trọng của Đảng. Họ chỉ được đặc ân trong phạm vi quy mô nhỏ của chế độ quan liêu và chiến dịch chống tham nhũng mà Bắc Kinh phát động dành cho những cấp thấp của chính quyền.
Nhưng báo chí điều tra vẫn cứ là chuyện bắt cóc bỏ đĩa.
Trong hàng ngũ phóng viên điều tra chẳng nói thì ai cũng biết: Chẳng có xì-căng-đan nào dính đến một quan chức cao hơn cấp tỉnh có thể được in ra.
Tiếng nói vì lương tâm xã hội
Một số nhà quan sát coi công việc của các nhà báo TQ như “chỉ đập ruồi còn hùm thì để chạy”, vì họ “nhìn chung chỉ đuổi theo những tép riu như doanh nhân hay quan chức cấp cơ sở”, đó là lời ông Bandurski ở Trường ĐH HK, người đã biên tập một cuốn sách về báo chí giám sát ở TQ sắp ra mắt vào tháng Tư này.
Nhưng những ai muốn có sự thay đổi thì phải làm việc cho sự ấy, Wang và một số nhà hoạt động khác nói. “Chúng tôi nhảy nhót với xiềng xích buộc quanh chân. Nhưng làm việc gian khổ còn hơn là chẳng làm gì hết. Thậm chí nếu chẳng có gì thay đổi, thì ít nhất chúng tôi cũng cố thử”, đó là lời Wang.
Trong khi số những nhà báo ăn tiền không phải là nhiều trong cái nghề bạc bẽo này, những phóng viên điều tra hạng top chỉ có 3000 tệ (440 USD) một tháng lương, Wang là đại ca của một nhóm nòng cốt sống ngoài truyền thống Trung Hoa, coi trí thức là tiếng nói vì lương tâm xã hội.
Ông nói: “Ngay lúc này, người thường dân TQ coi truyền thông là sức mạnh lớn nhất để kiểm soát kẻ quyền thế… Những người có lý tưởng trong chúng tôi muốn thúc đẩy sự tiến bộ trong lòng hệ thống”.
Những rào chắn gần đây
Nhưng ba bốn năm lại đây, đinh bù-loong đã siết chặt đối với nhưng “tin tức tiêu cực”, từ những bình luận đến những bài điều tra mang tính phê phán.
Trong khi trước kia khoảng 30% điều tra bị gác lại thì bây giờ con số ấy là gần 50%, Wang ước tính.
Dấu hiệu rõ nhất của chính sách siết lại: Năm 2005 Bắc Kinh ra lệnh cấm các nhà báo viết về những vụ việc của tỉnh ngoài tỉnh mình. Lệnh này đã cho các cấp chức trách thêm nhiều vũ khí chống lại nhà báo nhưng nhiều nhóm truyền thông vẫn cứ tiến tới.
Jiang Xue, 35 tuổi, nhà báo điều tra của tờ Nhật báo Hua Shang ở Tây An nói: “Nhà chức trách không thể kiểm soát mọi sự tình, nên thực tế là họ rút lại kiểm soát các tổ chức báo chí. Chúng tôi sợ nhất là việc “tự thiến” – truyền thông chối bỏ trách nhiệm đúng đắn của mình”.
Nhưng trong thời đại Internet, những câu chuyện bị triệt bỏ lại tìm được đường tái sinh trên mạng.
Khi Wang thu thập những câu chuyện và bức ảnh các nạn nhân trong vụ động đất Tứ Xuyên đã bị đuổi khỏi các bệnh viện với vết thương chưa lành, một số tư liệu không được in ra. Ông chỉ việc đưa chúng lên blog của mình.
“Thậm chí nếu họ siết chặt chúng tôi, chúng tôi vẫn phải tiếp tục làm cái mà chúng tôi cần làm. Nỗi sợ đến từ trong chính lòng mình”.
2/2/2010
Hoàng Hưng dịch trên máy bay sang Đất Phật, để không quên các đồng nghiệp dũng cảm của mình ở Việt Nam (từ tạp chí AsiaNews có tren may bay, số cuối tháng 1 đầu tháng 2/2010).
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập