Từ đường bộ nghĩ về đường sắt cao tốc

SGTT.VN – Trong khi quốc lộ 1A, đường sắt Thống nhất (đoạn qua miền Trung) vẫn chưa hết “lạnh” vì bị lũ nhấn chìm, vùi lấp, thì đường sắt cao tốc, đường Hồ Chí Minh tiếp tục “nóng” trên nghị trường Quốc hội, lan ra cả dư luận.

Quốc lộ 1A tại địa phận xã An Dân, huyện Tuy An, Phú Yên bị sạt lở ngày 10.11. Ảnh: Phương Trà

Quốc lộ 1A tại địa phận xã An Dân, huyện Tuy An, Phú Yên bị sạt lở ngày 10.11. Ảnh: Phương Trà

Từ quốc lộ 1A bị ngập đến đường Hồ Chí Minh kém hiệu quả

Có lẽ, chưa năm nào, quốc lộ 1A bị ngập lụt với tần suất dày đặc, ngập sâu, ngập lâu, bị sạt lở, khiến giao thông Bắc – Nam tê liệt trong nhiều ngày liên tiếp, gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho ngành giao thông, thiệt hại lớn về kinh tế, mất mát về con người như vừa qua. Ngay trên diễn đàn Quốc hội ngày 23.11, ông Hồ Nghĩa Dũng, bộ trưởng bộ Giao thông vận tải, thừa nhận: “Đường 1A ngập không có gì mới, nhưng đúng là có nghiêm trọng hơn, thường xuyên hơn”.

Giáo sư Nguyễn Xuân Trục (hội Cầu đường Việt Nam) – người tham gia khảo sát đường Hồ Chí Minh trong những ngày đầu dự án, và cũng là người ở trong hội đồng nghiệm thu khi dự án này hoàn thành, nói: “Khi thuyết minh về “sự cần thiết phải đầu tư”, đại diện chủ đầu tư nói, đây sẽ là “con đường 1A của mùa mưa”, nghĩa là, con đường này sẽ là đường tránh lụt cho các phương tiện trên tuyến Bắc – Nam vào mùa mưa lũ, cũng như giảm tải cho tuyến quốc lộ 1A. Nhưng đến nay, đường Hồ Chí Minh đã không làm được “nhiệm vụ” này, dù cho, về chất lượng mặt đường, hạ tầng, biển báo đường Hồ Chí Minh đạt chất lượng rất tốt”.

Tồn tại lớn nhất của tuyến đường Hồ Chí Minh, theo GS Trục, là hiện tượng sụt trượt mái taluy không lường được đã khiến con đường thường xuyên bị vùi lấp, sạt lở. Hiện tượng này cùng với vị trí “độc đạo” giữa núi rừng phía Tây, cách quá xa quốc lộ 1A (trung bình là 50km), lại thiếu hệ thống đường ngang kết nối, làm các lái xe sợ lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi đi vào đường Hồ Chí Minh mà gặp phải sạt lở. GS Trục phân tích: mái taluy cao trên 12m là rất khó tính toán được trượt, sạt, nhưng đường Hồ Chí Minh lại có hàng chục đoạn taluy cao quá 12m, thậm chí 40 – 50m, có đoạn đào sâu đến 67m.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cũng đồng tình, ngoài một số đoạn như từ TP.HCM đi Bình Phước, Đồng Xoài, Gia Nghĩa, hoặc từ Hoà Lạc vào Thanh Hoá là có lưu lượng xe cao. Còn lại cả đoạn dài từ Thanh Hoá qua miền Trung đúng là hiệu quả rất thấp. Ông Dũng cho biết, tới đây, các tuyến đường ngang sẽ được nâng cấp, làm mới như đường 24, 45, 48 nối đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 1A… thì khả năng lưu thông của đường Hồ Chí Minh sẽ tăng lên.

Ngoài ra, bộ trưởng kêu gọi các ngành khác, các địa phương phải đưa công nghiệp, hình thành dân cư, vùng kinh tế dọc hai bên tuyến để phát huy hiệu quả con đường. Cùng với đó, ngành giao thông tính chuyện phân luồng bắt buộc một số loại xe như xe tải phải đi trên tuyến này để giảm tải cho đường 1A.

Và nghĩ về đường sắt cao tốc

Trên diễn đàn Quốc hội, bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng thông tin: dự án báo cáo khả thi một số đoạn tuyến đường sắt cao tốc vẫn đang được Chính phủ cho phép triển khai. Dù trước đó, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã “bác” chủ trương xin đầu tư dự án này mà Chính phủ trình ra. GS Trục cho rằng, những bài học về đường Hồ Chí Minh vẫn còn có thể “soi” vào dự án đường sắt cao tốc và điều chuyên gia này lo ngại nhất chính là nhu cầu thực tế của hành khách.

Báo cáo tiền khả thi dựa trên tính toán của dự án nghiên cứu phát triển hệ thống giao thông vận tải Việt Nam dự báo, đến năm 2030, nhu cầu trên tuyến vận tải Bắc – Nam của đường sắt cao tốc là 195 triệu hành khách/năm. Trong khi số liệu của ngành đường sắt cho thấy, năm năm gần đây, lượng khách đi tàu chỉ xấp xỉ 6 triệu khách/năm. Ông Trục nói: “Dự báo lưu lượng xe cho đường Hồ Chí Minh đã sai số hàng chục lần khi làm xong. Đường sắt cao tốc mà làm trong 5 – 10 năm tới, tôi e sẽ lặp lại sai số nhu cầu hành khách”.

Theo báo cáo đầu tư của chủ đầu tư mà Chính phủ trình ra Quốc hội hồi tháng 6, đến năm 2035, đường sắt cao tốc (nếu được làm xong) sẽ chuyên chở 25% lượng hành khách toàn tuyến Bắc – Nam. Khi nghe con số này, TS Nguyễn Quang A lo lắng: “Chỉ cần tác động từ bão lũ, thì lập tức 25% nhu cầu đi lại của quốc gia bị dừng lại, khi đó thật nguy hiểm”.

Như vậy, nếu nhìn vào thực tế tuyến đường sắt Bắc – Nam bị chia cắt hoàn toàn hơn mười ngày cuối tháng 10 ở miền Trung do lũ lụt, thì mới hiểu, lo lắng của TS Quang A về đảm bảo an toàn giao thông trên quốc lộ 1A không phải là không có cơ sở.

C. H.

Nguồn: http://sgtt.vn/Thoi-su/133435/Tu-duong-bo-nghi-ve-duong-sat-cao-toc.html

This entry was posted in giao thông and tagged . Bookmark the permalink.