Khốn nhi tri

Trong gần hai năm vừa qua, tôi thường vào trang mạng bauxite để đọc những bài phản biện về dự án này, được gọi là “chủ trương lớn của đảng và nhà nước.” Mặc dù có rất nhiều vị trí thức đã ngăn cản, thuộc đủ mọi lãnh vực, khoa học, kỹ thuật, kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị, an ninh… Nhưng, hình như người ta vẫn đẩy mạnh tiến trình khai thác mỏ tài nguyên quốc gia này. Các nhà trí thức đã phản biện nhiều rồi, có lẽ không cần nói thêm nữa. Tôi chỉ xin LẠM BÀN VỀ TƯ DUY CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐIỀU HÀNH (góp một ý có tính cách ứng xử của các nhà lãnh đạo) dự án khai thác quặng mỏ của đất nước.

Chữ “TRI” trong tiếng Hán-Việt có nhiều nghĩa, một nghĩa là “BIẾT”. Bởi vậy, có ông “nước lạ” nào đó đã phát biểu rằng:“Sinh nhi tri, học nhi tri, khốn nhi tri” (sinh ra đã biết, học rồi thì biết, gặp khốn mới biết).

Sinh ra đã biết

Đứa trẻ -hay con nghé- mới sinh ra, đã biết tìm vú mẹ để bú. Đó là cái biết bản năng, cái biết vô thức. Hoặc như thần đồng Thánh Gióng, mới lên ba đã biết cưỡi ngựa sắt, nhổ tre đánh phá giặc Ân, nhưng đây chỉ là huyền thoại. Hoặc các thần đồng về toán học, âm nhạc, hội họa… Những người này mới đúng là sinh ra đã biết. Tuy nhiên, con số này không phải là nhiều trên thế giới.

Học rồi thì biết

Tuyệt đại đa số chúng ta thì phải học rồi mới biết, cho nên các cụ ta thường nói “học ăn, học nói, học gói, học mở. Khi còn nhỏ ở nhà, chúng ta học cha mẹ, anh chị em; lớn hơn một chút, chúng học ở trường với thầy cô, bạn bè. Ra đời đi làm lại phải học những thực tế, những cái lắt léo ngoài xã hội. Chả thế mà người ta ví sự hiểu biết của ta chỉ như một giọt nước, còn cái không biết như cả đại dương,

Không thể nói rằng cứ sinh ra trên đất nước Việt Nam là đương nhiên trở thành con người ưu việt. Cũng không thể nghĩ rằng, một người được nắm chức quyền nào đó dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, ắt là “đỉnh cao trí tuệ của loài người.” Dù cho có vị đã đậu bằng “tiến sĩ xây dựng Đảng”. Có lẽ chỉ ở Việt Nam ta mới có học hàm này?

Gặp khốn mới biết

Tôi xin nêu vài trường hợp cụ thể:

– Một anh tài xế lái xe chở khách, trong khi tỉnh Hà Tĩnh đang bị lũ tràn qua quốc lộ. Mặc dù công an giao thông đã cảnh báo và cấm không cho đi, nhưng anh ta vẫn luồn lách vượt qua đoạn đường nguy hiểm đó. Chiếc xe bị lật xuống sông và bị cuốn trôi đi, anh ta được cứu sống nhưng gần 20 hành khách phải chầu Hà Bá! Hiển nhiên trước đó vài phút, anh ta vẫn tin vào kinh nghiệm của mình. Nhưng anh ta có biết đâu trọng tâm của chiếc xe sẽ không còn vững khi nó băng ngang dòng nước chẩy siết. Anh ta chỉ “biết” khi chiếc xe rơi xuống sông.

– Cũng với thiên tai lụt lội mấy năm vừa qua ở Hà Nội và Sài Gòn, nước ngập đường phố hay tràn vào nhà, điện rò rỉ. Người dân vô tình bị điện giật. Người được cứu sống thì mới có cơ hội “biết” khi lâm nguy khốn, còn những người chết thì biết gì nữa đâu.

– Ngư dân Lý Sơn đi đánh cá ở vùng biển Việt Nam. Thuyền của họ rất tốt, họ yên chí quá đi chứ. Bỗng nửa đêm bị tầu “lạ” tông cho một phát. Thuyền vỡ, người văng xuống biển giữa đêm đen. Đã bao nhiêu người “biết” (nhưng quá muộn) trước khi chìm vào lòng đại dương?

Các ngài nắm vận mệnh đất nước, đề quyết những chủ trương lớn, nhưng chắc chắn quý vị không phải là thần thánh, có tài hô phong hoán vũ để ngăn chặn bùn đỏ, nếu có sự cố xẩy ra. Có lẽ quý vị đã đọc kiến nghị lần thứ hai của một số trí thức sau khi hồ bùn đỏ ở Hungary bị vỡ, nhưng không hiểu quý vị đã BIẾT chưa? Bùn đỏ tràn ở Nà Lũng, Cao Bằng, người dân hiện nay đang gặp khốn. Quý vị đã BIẾT chưa?

Bất cứ hậu quả nào liên quan đến “chủ trương lớn” này – như Quốc phòng, Kinh tế, Môi trường, Văn hóa, Xã hội – đều là trách nhiệm của quý vị. Hy vọng rằng quý vị học rồi thì biết, chớ đừng để đến lúc gặp khốn rồi mới biết, e rằng quá trễ!

N.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.