Tôi càng vui mừng khi thấy chính nhờ vinh dự đặc biệt to lớn GS Ngô Bảo Châu đã mang về cho đất nước, mà các vị lãnh đạo đã có dịp tốt nhìn lại các chính sách và chủ trương đối với giáo dục và khoa học.
LTS: Cách đây ít lâu, dư luận xã hội có những tranh luận đa chiều xung quanh việc Nhà nước tặng cho GS Ngô Bảo Châu một căn hộ, và trong những ý kiến tranh luận, có những ý kiến so sánh về sự đãi ngộ giữa thế hệ các nhà toán học. Mới đây, Tuần Việt Nam đã phỏng vấn GS Hoàng Tụy về vấn đề này.
Việc vui mừng, chỉ nên ủng hộ hết lòng
– Xin chào Giáo sư (GS). Hẳn ông cũng biết chuyện GS Ngô Bảo Châu vừa được Nhà nước tặng một căn hộ cao cấp?
– GS Hoàng Tụy: Đó là tin vui đáng phấn khởi, đừng nên so sánh này nọ, mất hết ý nghĩa. Tài năng đặc biệt thì phải có chính sách đặc biệt. GS Ngô Bảo Châu là niềm tự hào to lớn của đất nước, việc tạo điều kiện tốt nhất cho GS làm việc là hoàn toàn đúng đắn.
Việc ấy chỉ có thể vui mừng, ủng hộ. Nếu có điều gì cần nhắc nhau là sau niềm vui lớn này, hãy cùng nhau suy nghĩ, nhìn lại để chỉnh đốn các chính sách về đào tạo, sử dụng, thu hút nhân tài xây dựng đất nước. Chẳng hạn, cần rút ra bài học như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói trong buổi chào mừng GS Ngô Bảo Châu, phải cấp bách cải cách giáo dục mạnh mẽ, toàn diện thì đất nước mới tiến lên được …
Nghịch lý thu nhập tiền lương là một nghịch lý cơ bản, không giải quyết đúng đắn thì đừng nói chuyện chấn hưng giáo dục, khoa học. Đó cũng là một nguyên nhân chính gây ra tham nhũng và làm khó khăn cho việc chống tham nhũng, khiến cái quốc nạn này vẫn chưa được đẩy lùi, mà còn bị che giấu, “hợp thức hóa” ngày càng tinh vi. Triệt để chống tham nhũng và cải cách giáo dục toàn diện mạnh mẽ, đó là việc quan trọng nhất để chấn hưng đất nước.
– Vậy ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, điều đó đã “không công bằng” với ông – người có công đặt nền móng cho ngành Toán học Việt Nam?
– Tôi không hề suy nghĩ như thế. Còn ai có ý kiến đó thì xin can: Hãy chứng tỏ xã hội ta đã trưởng thành. Việc tạo điều kiện tốt nhất cho GS Châu phát triển tài năng và cống hiến là nghĩa vụ của tất cả chúng ta. Tôi có đọc đâu đó ý kiến khuyên các nhà khoa học không nên ganh tị. Quái lạ, sao có người đánh giá thấp nhà khoa học trong nước nhằm mục đích gì?
Hay ai đó muốn nói rằng khoa học ta lạc hậu, thua cả các nước trong vùng là vì các nhà khoa học trong nước ganh tị lẫn nhau chứ không phải do quản lý, lãnh đạo bất cập là chính?
Xoay sở thế nào là …”bí mật quốc gia”
– Thưa ông, có người nói chính sách đối với nhà khoa học ở ta lúc nào cũng là vấn đề “nóng”?
– Tôi không thấy thế. Đã nhiều năm rồi vấn đề này hầu như lúc nào cũng nguội, chẳng mấy khi nóng cả. Đơn giản vì nói nhiều, nói mãi mà không làm, làm rất ít, có lúc động lòng muốn hâm nóng lại thiếu… lửa làm sao nóng được?
Biết bao nghị quyết đã ghi trên giấy trắng mực đen phải có chính sách này nọ, nhưng rồi có thấy thay đổi gì lắm đâu. Chẳng lẽ câu chuyện này lại giống như chuyện anh nhà quê lên tỉnh thấy cái biển quảng cáo “ngày mai ăn miễn phí” tưởng bở…
Cứ nhìn trong giáo dục chứ đâu xa, có ai còn nhớ cái lời hứa năm 2010 nhà giáo sẽ sống được bẳng tiền lương? Tôi nghĩ điều tối thiểu như thế mà hứa rồi cũng không làm được, thì nói làm chi những chuyện to tát trên trời dưới biển.
Có thực mới vực được đạo, dân ta đã đúc kết kinh nghiệm đó từ lâu rồi. Lương không đủ sống thì công chức từ cao đến thấp đều phải xoay sở kiếm thêm thu nhập khác. Xoay sở thế nào là …”bí mật quốc gia” cho nên thường khó minh bạch được. Chỉ biết nhà giáo hay nhà khoa học không có gì ngoài chữ nghĩa, kiến thức để bán, tất nhiên chỉ còn cách bán rẻ những thứ đó, phải làm việc phụ, làm nghề tay trái để mưu sinh. Điều này đã thấy rõ từ vài chục năm rồi.
Trên diễn đàn Tia Sáng đã có nhiều người nói và ở những nơi cao thâm cũng đã có nhiều người nghe và biết. Tiếc rằng đến nay vẫn phải nhắc lại. Sau niềm phấn khởi do vinh dự to lớn GS Ngô Bảo Châu đã đem về cho đất nước, nhà nước cần nhìn lại các chính sách giáo dục, khoa học.
– Gần đây, người ta nói rất nhiều đến chuyện tham nhũng trong giáo dục. Theo GS, nếu giải quyết được chuyện lương của nhà giáo, có thể ngăn chặn được nạn tham nhũng này không?
– Nghịch lý thu nhập tiền lương là một nghịch lý cơ bản, không giải quyết đúng đắn thì đừng nói chuyện chấn hưng giáo dục, khoa học. Đó cũng là một nguyên nhân chính gây ra tham nhũng và làm khó khăn cho việc chống tham nhũng, khiến cái quốc nạn này vẫn chưa được đẩy lùi, mà còn bị che giấu, “hợp thức hóa” ngày càng tinh vi. Triệt để chống tham nhũng và cải cách giáo dục toàn diện mạnh mẽ, đó là việc quan trọng nhất để chấn hưng đất nước.
Bớt nói chuyện viển vông…
– Đúng là nhà giáo, nhà khoa học mà phải sống bằng nghề tay trái thì giáo dục, khoa học rất khó phát triển lành mạnh. Nhưng trong tình hình còn khó khăn chung, vẫn phải quan tâm đặc biệt cho những trường hợp như GS Ngô Bảo Châu chứ ?
– Việc đó là tất nhiên, không phải bàn cãi. Xin nhắc lại một lần nữa: Đối với việc đó, ai cũng đều hoan nghênh và vui mừng. Riêng tôi càng vui mừng khi thấy chính nhờ vinh dự đặc biệt to lớn GS Ngô Bảo Châu đã mang về cho đất nước, mà các vị lãnh đạo đã có dịp tốt nhìn lại các chính sách và chủ trương đối với giáo dục và khoa học.
Lần đầu tiên sau nhiều năm tôi rất phấn khởi nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu ra sự cần thiết cấp bách cải cách giáo dục mạnh mẽ, toàn diện- một chủ trương lớn (lớn hơn nhiều mọi chủ trương gọi là lớn khác!) đã ghi rõ trong các nghị quyết Đại hội X của Đảng và 3 Hội Nghị TƯ sau đó. Và đó cũng chính là điều mà những trí thức tâm huyết đã liên tục đề đạt với lãnh đạo từ 6 năm nay, qua 2 kiến nghị tha thiết năm 2004 và gần đây, năm 2009.
Như chúng ta thấy đó, chỉ một ngày sau khi Thủ tướng nêu lên yêu cầu cấp bách cải cách giáo dục, lập tức đã có nhiều tiếng nói mạnh mẽ hưởng ứng. Đặc biệt, nguyên PCT nước Nguyễn Thị Bình, các nhà giáo Lâm Quang Thiệp, Phạm Đỗ Nhật Tiến… đều lên tiếng, khẳng định phải cải cách chứ không thể đổi mới vụn vặt như mấy năm qua, chỉ làm giáo dục tụt hậu thêm.
Mong rằng lần này, sau niềm phấn khởi do GS Ngô Bảo Châu mang lại, chúng ta sẽ bớt nói chuyện to tát viển vông mà chuyển sang làm việc thiết thực và thực hiện những nghị quyết đúng đắn vừa nhắc lại ở trên.
– Vâng, hy vọng thế và xin cảm ơn những chia sẻ chân thành và thẳng thắn của GS. Kính chúc ông sức khỏe!
Nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-11-26-gs-hoang-tuy-hay-chung-to-xa-hoi-ta-da-truong-thanh