VietnamNet – Những thông tin về việc thuê đất trồng rừng của Cty InnovGreen càng ngày càng khiến chúng tôi giật mình. Một đỉnh núi cao khoảng 700m cạnh QL 4A, rồi khu vực phòng thủ then chốt của huyện Tràng Định, Lạng Sơn cũng nằm trong dự án của công ty này.
Đây là đỉnh núi Khau Tét nằm ở bản Tét, xã HùngViệt, huyện Tràng Định. Cách TP. Lạng Sơn 53km, cách thị trấn Tràng Định khoảng7km.
Vậy mà 2 năm nay, khi đi qua đây thì người ta dễ dàng thấy trên đỉnh núi xuất hiện những con đường đất màu đỏ quạch bao quanh đỉnh núi.
Đi trên QL 4A theo hướng Lạng Sơn – Tràng Định hay ngược lại, khi đi qua địa bàn xã Hùng Việt, nếu trời quang mây tạnh chúng ta dễ dàng nhìn thấy đỉnh núi Khau Tét bởi độ cao của nó. Theo người dân ở đây cho biết thì đỉnh núi này cao khoảng 600-700m, nên mặc dù nằm cách QL 4A khoảng 4km theo đường chim bay nhưng vẫn có thể chiêm ngường độ cao hùng vỹ của nó.
Một cán bộ ở UBND huyện Tràng Định cho biết, đỉnh núi này khá cao, có vị trí quan trong trong chiến lược quốc phòng. Không chỉ nằm cạnh con đường xương sống độc đạo 4A nối các tỉnh Đông Bắc với nhau mà lại nằm ngay sát thị trấn Tràng Định.
Đứng trên đỉnh núi có thể phóng tầm mắt bao quát được cả xã Hùng Việt, Kháng Chiến, Trung Thành và thị trấn Tràng Định. Còn nếu khi có xung đột quân sự thì việc chiếm được đồi Khau Tét có vai trò rất lớn, có thể khống chế được một vùng rộng lớn.
Anh Hoàng Văn Hưởng (1 người dân bản Tét, hiện là cán bộ địa chính xã Kháng Chiến), một người dân Bản Tét cho biết: Con đường lên núi được Cty InnovGreen làm thành những vòng xoắn ốc bao quanh quả đồi lên đến đỉnh từ năm 2008. Đây là khu vực nằm trong hồ sơ xin thuê đất trồng rừng của Cty này. Hiện trên núi Cty chỉ mới trồng được mấy ha bạch đàn.
“80% dân Bản Tét bức xúc khi Cty IG làm đường trên núi. Dân không muốn cho trồng. Đất trên núi đó trước giao cho Đoàn thanh niên quản lý bảo vệ, không biết thế nào mà Cty IG lại vào được. Giờ thì đình chỉ rồi”.
Theo anh Hưởng thì việc làm đường trên núi đã ảnh hướng tới nguồn nước sinh hoạt và canh tác lâu dài của người dân. Nước ở trên các khe người dân thường lấy về sử dụng nhưng đến khi trời mưa thì bao nhiêu đất đá làm đường đổ xuống các khe suối, xuống đồng ruộng của nhân dân. Dầu bạch đàn mà ra cái dầu màu đỏ quạch thì người dân không thể dùng được.
Từ Khau Tét đi theo hướng tây bắc khoảng 4km là tới xã Kháng Chiến, nơi Cty InnovGreen cũng đã tiến hành trồng rừng, làm đường trong những năm qua. Doanh nghiệp này đã tiến hành trồng rừng được hơn 200 ha trong trên tổng diện tích hơn 400ha.
Theo một thông tin đáng tin cậy thì 4 thôn Nà Trà, Khuổi Boóc, Pò Loi và Bản Sàn mà Cty IG vàot huê đất, làm đường để trồng rừng được xác định là những điểm nằm trong khu vực phòng thủ then chốt của huyện Tràng Định.
Thế nhưng không hiểu sao công ty này vẫn được phép làm đường, trồng rừng tại đây.
Theo ghi nhận tại hiện trường của Pv VietNamNet, con đường đi vào khu vực trồng rừng của Cty này tại 4 thôn trên được bắt đầu từ thôn Pò Loi, sát ngay tỉnh lộ 229 (nối xã biên giới Tân Minh với QL 4A). Sau khi rồng rắn chạy qua rất nhiều đồi núi cao trong rừng, con đường lại được vòng ra tiếp giáp với lại tỉnh lộ 229.
Từ tỉnh lộ đi vào khoảng 500m thì bắt đầu đến khu vực trồng rừng của Cty IG. Đoạn đầu con đường xuất hiện những bãi đất đá bị sạt lở từ các taluy lởm chởm. Nếu mưa to thì những mảnh taluy dương trên đường sẽ bị sụt, có thể nguy hiểm đến người dân canh tác ở dưới núi.
Không chỉ trồng cây trên các quả đồi mà doanh nghiệp này còn trồng loại cây bạch đàn ngay trên con đường vào rừng. Nhiều cây đã có chiều cao gần 10m.
Anh Tuấn, cánbộ Phòng NN&PTNT huyện Tràng Định cho biết: Ở đây ngoài rừng bạch đàn củaCty IG thì số rừng còn lại chủ yếu là rừng tự nhiên, có độ che phủ khá tốt. Đứng trên những quả núi cao khoảng 500, ngay trên đường mà Cty này làm có thể quan sát được những vệt đỏ trên các quả đồi cách xa cả cây số. Hầu như những quả núi cao nhất thì đường đi qua, chiếm ngự.
Anh Hoàng Văn Mạnh, Phó Trưởng công an xã Kháng Chiến cho biết, trước đây thì khu vực đường của Cty này làm cũng là rừng tự nhiên, khi làm đường Cty này đã chặt bỏ đi một diện tích rừng. Quả đồi cao nhất ở đây phải đến gần nghìn mét.
Nói chuyện với chúng tôi, ông Hoàng Văn Đoàn, Trưởng thôn Pò Loi cho biết: Sau khi giao hơn 200ha đất cộng đồng quản lý, thôn được Cty hỗ trợ hơn 200 triệu gọi là tiền chăm sóc bảo vệ số diện tích đó trong 11 năm. Coi như là họ mua đứt với giá rẻ, nay xót xa lắm…
D. T. – X. Q. – A. Đ. – H. S.