Năm nay, tại đồng bằng sông Cửu Long hầu như không có lũ. Hiện tượng mà người dân địa phương gọi là “mùa nước nổi” xảy ra hàng năm trong khoảng tháng 10, tháng 11, đem phù sa từ thượng nguồn sông Mêkông và cá từ biển Hồ bên Cam bốt về vun bồi cho vựa lúa miền Nam Việt Nam. Cũng như dân chúng địa phương, một số báo chí chính thức chỉ ngay thủ phạm là các đập thủy điện trên thượng nguồn của Trung Quốc.
Khác với người dân miền Trung mùa lũ là mùa tang tóc, tại đồng bằng sông Cửu Long, người dân sống bên hai bờ sông Tiền, sông Hậu mong lũ trong niềm hy vọng. Tuy nhiên mùa nước nổi năm nay đến hẹn lại không lên, phù sa không tới, cá biển Hồ không về. Giá một ký cá linh tăng lên gấp 10 lần trên thị trường. Vào đỉnh lũ ở Tân Châu, mực nước thấp hơn trung bình hàng năm đến một thước.
Trong tạp chí hôm nay, để giúp quý thính giả biết rõ thêm về hậu quả của các đập thủy điện Trung Quốc gây cho người dân Việt Nam và các ứng phó có thể gọi là tối ưu, RFI đặt câu hỏi với một chuyên gia thủy điện Đỗ Văn Tùng tại Canada.
Nhưng trước hết, để tìm hiểu về nỗi lo âu của người dân địa phương trước tình trạng thiếu nước trái với thiên nhiên này, RFI mời quý thính giả theo dõi lời kể của anh Nguyễn Hữu Trí, một thanh niên sống bên bờ sông Tiền Giang. Người chuyên viên nông nghiệp cho biết như sau:
Xin nghe anh Nguyễn Hữu Trí, tại Tiền Giang
“Người dân rất là lo âu… Năm nay không có nước nổi, không có phù sa bồi ruộng,không có hiện tượng “phân đồng” cá linh tràn ra sông… Không biết tương lai ra sẽ ra sao… Đài (TV) giải thích là do hiện tượng El Nino, nhưng dư luận nói là do các đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn”.
Trong một bài báo ngày 29/10/2010, Vietnam Net nêu nghi vấn là phải chăng do “Trung Quốc ngăn đập làm miền Tây đói lũ”? Ông Nguyễn Ngọc Anh, quyền Viện Trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam tuyên bố là “chưa có đánh giá chính thức” nhưng ông giải thích là do yếu tố “thiên nhiên”.
Khi phóng viên nhấn mạnh đến vai trò của các đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn, mà theo các nhà khoa học là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thiếu nước trên sông Cửu Long thì ông Nguyễn Ngọc Anh cho rằng “đó là ý kiến cá nhân”.
Nhưng 20 hôm sau, báo mạng Hà Nội mới đề ngày hôm nay, 18/11/2010, khẳng định là do tình trạng “bùng nổ đập thủy điện trên thượng nguồn” cho nên Đồng bằng sông Cửu Long “gánh chịu nhiều rủi ro nhất”.
Trích dẫn chuyên gia Đào Trọng Tứ, nguyên Phó Tổng thư ký Ủy hội sông Mêkông (MRC) Trung Quốc sở hữu đến 31% diện tích lưu vực, 16% lượng nước, đã xây song 4 đập thủy điện lớn là Mạn Loan, Tiểu Loan, Triều Sơn và Cảnh Hồng không kể 10 đập khác đang nằm trong kế hoạch.
Thật ra thì nguy cơ đe dọa miền Tây Việt Nam đã được cảnh báo từ gần 20 năm về trước. Trong quyển sách “Mêkông dòng sông nghẽn mạch” do Văn nghệ mới xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2007, nhà báo Ngô Thế Vinh đã cho biết “năm 1993, vào mùa khô xảy ra một sự kiện đáng ghi nhớ, một hiện tượng được coi là bất thường, mực nước sông Mekong phía hạ lưu đột ngột tụt thấp xuống. Lúc đó người ta mới biết Trung Quốc xây xong đập Mạn Loan, và đang lấy nước từ sông Mekong vào hồ mà không báo gì cho các quốc gia dưới nguồn. Chỉ riêng hồ Mạn Loan đã chiếm 20% lưu lượng sông Mêkong và phải mất nhiều năm mới làm đầy một lần.
Từ đó đến nay, hiểm họa “Cửu Long cạn dòng” càng ngày càng được báo động và chứng minh cụ thể nhất là đoạn sông chảy ngang nước Lào và Thái Lan nhiều nơi có thể đi bộ qua được. Hiện tượng sạt lở và cạn dòng khi của sông Tiền sông Hậu được phân tích qua các bài viết của Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Đại học Cần Thơ hoặc của Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân trong bài “Cửu Long chỉ còn Thất Long”.
Tại hải ngoại, Hiệp Hội Viêt Ecology Foundation, Hiệp hội Sinh thái Việt cũng đã nhiều lần lên tiếng, kể cả những lời kêu gọi phối hợp với chuyên gia và trí thức Trung Quốc đòi phải ngưng xây dựng các đập và xem xét độ an toàn.
Để tìm hiểu thêm về cách thức ứng xử, khai thác sao cho hài hòa và có lợi cho tất cả mọi bên, một dòng sông chảy qua nhiều nước, RFI đặt câu hỏi với một thành viên của Hiệp hội Sinh thái Việt, kỹ sư thủy điện Đỗ Văn Tùng, ở bang Vancouver, Canada. Ông chia sẻ kinh nghiệm và nhận xét từ cách hành xử của Canada và Hoa Kỳ đến câu chuyện “thiếu lũ” của đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, do không may, có một láng giềng như Trung Quốc.
Theo kỹ sư Đỗ Văn Tùng, “Việt Nam không thể “chờ ân huệ” của Bắc Kinh, mà phải tự cứu. Và cũng như hồ sơ Biển Đông, phải kêu gọi quốc tế hóa để gây sức ép với Trung Quốc”.
Xin nghe Kỹ sư Đỗ Văn Tùng tại Canada
Về trách nhiệm của các đập thủy điện Trung Quốc, chuyên gia Đỗ Văn Tùng trình bày vấn đề một cách khéo léo để chứng minh rằng Bắc Kinh không thành thật với láng giềng.
T. A.