Trong số các nhà nghiên cứu tham dự Hội thảo, có ông Daniel Schaeffer, nguyên tuỳ viên quân sự Pháp tại Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc, nay thuộc Trung tâm nghiên cứu châu Á 21 của Pháp.
THIÊN TRIỀU- Tôi muốn nêu lại với ông câu hỏi đã đặt ra cho GS Trung quốc Su Hao. Những hội thảo như thế này là để làm gì? Tranh luận giữa các học giả? Gợi ý cho các nhà hoạch định chính sách? Giải thích vấn đề, làm rõ lập trường cho công chúng? Làm cho bớt hiểu lầm và thêm hiểu biết lẫn nhau?
– Daniel Schaeffer: Tôi nghĩ rằng vì cả bốn mục đích đó. Song cơ bản vẫn là những trao đổi trong hội thảo sẽ là cơ sở làm việc cho các nhà hoạch định chính sách các nước, hoặc trong ASEAN hay các tổ chức khác, cho phép họ có thể có cả những ý kiến mới. Điều quan trọng khác là để thế giới biết có những vấn đề trên vùng biển này và những vấn đề đó là gì, từ đó mới có thể đi đến một sự phân chia công bằng các tài nguyên.
THIÊN TRIỀU: Số khách mời tham dự có là cân bằng hay không? Không quá thiên vị điều này, không quá chống điều kia? Do lẽ, có một hội nghị sau đó có ý kiến cho rằng đó là một cuộc “phục kích”…
-Daniel Schaeffer: Tôi nhận thấy rằng các nhà tổ chức hội thảo đã mời khách tham dự một cách rất cân bằng. Tôi cũng nói thêm rằng VN đã không mượn hội thảo này để đưa tối đa số tham luận viên của mình lên diễn đàn. Có những ý kiến của phe này hay phe kia, điều đó là bình thường. Song phải nhìn nhận là có nhiều ý kiến không đồng tình với một bên này hơn là bên kia.
THIÊN TRIỀU: Tại sao thế?
-Daniel Schaeffer: Bởi vì TQ đang bắt đầu làm cho thiên hạ lo âu khi nhất định quả quyết rằng Biển Đông là của họ. Ngay cả khi TQ đề nghị hợp tác kinh tế, tức là đã có một ý muốn hoà bình rồi đấy, thì đó vẫn là trong sách lược “vận dụng những mâu thuẫn” của họ, giống như vận dụng hai mặt âm/dương. Một mặt là lá bài hoà bình, mặt kia là lá bài đe doạ. Cần phải nhớ rằng không thể nào sửa đổi luật Biển của LHQ để cho Biển Đông trở thành của họ.
THIÊN TRIỀU: Trong bài tham luận của ông, ông có nhắc rằng Địa Trung Hải đã luôn là Địa Trung Hải, không ai đòi biến thành của riêng…
-Daniel Schaeffer: Trừ Mussolini trong thế chiến thứ nhì muốn biến thành biển riêng của nước Ý.
-THIÊN TRIỀU: Trở về với cách đây hơn 2000 năm khi người La Mã gọi Địa Trung Hải là “mare nostrum” (Biển của ta). Liệu xu hướng “biển của ta” này có lâu lâu lại quay trở lại hay không?
-Daniel Schaeffer: Trừ phi có mục đích là chế ngự tất cả, là bảo vệ một cách cực độ các yêu sách của mình. Đang có xu hướng muốn tạo thành những “ngoại lệ” cho Biển Đông, như bảo rằng “đường lưỡi bò là không thể tranh cãi”. Nếu điều đó xảy ra, Công ước về luật biển của LHQ sẽ không còn ý nghĩa, vì như thế sẽ là tiền lệ cho những ngoại lệ khác ở khắp nơi.
THIÊN TRIỀU: Trong hội thảo, ông có đưa ý kiến rằng mỗi bên, VN và TQ hãy đưa ra mọi bằng cớ lịch sử, pháp lý… ra so với nhau một lần cho xong.
-Daniel Schaeffer: Về mặt lịch sử, vẫn chưa có gì là chung cuộc cả do lẽ vẫn chưa có một nghiên cứu nghiêm túc, đào sâu nào, các tài liệu đưa ra cho thấy ai đã là những người đầu tiên có mặt trên quần đảo Hoàng Sa. Vấn đề Trường Sa cũng thế. Thành ra, một khi tập hợp tài liệu lại được, cho một uỷ ban chuyên môn nghiên cứu, TQ, VN và cả Pháp. Do lẽ người Pháp đã từng đô hộ ở đây… từ tay triều đình An Nam, mới có thể đem ra mà so. Trước đây, khi VN thương thuyết với TQ về biên giới trên đất liền, VN có hỏi xin Pháp các bản đồ thời thuộc địa. Pháp đã cung cấp cho cả VN lẫn TQ. Nhắc lại như thế để cho thấy rằng chúng tôi rất sòng phẳng, công bằng. Chừng nào mà chưa có một nghiên cứu như thế, cái gọi là “đường 9 đoạn’ hoàn toàn không có chút giá trị gì. Phải là những chứng cứ được công pháp quốc tế thừa nhận. Dẫu sao cũng có một luật được chấp nhận từ sau khi chế độ thực dân kết thúc, đó là qui tắc “uti possedetis” tức là các đường biên giới, sau khi độc lập, sẽ vẫn là như được vạch ra trước đó từ chế độ thực dân.
-THIÊN TRIỀU: Trong hội thảo, có ý kiến cho rằng ở TQ đang có một nhóm thế lực nào đó nắm công việc. Ông nghĩ như thế nào?
-Daniel Schaeffer: Trong mọi chế độ, luôn có những người phát biểu trong những thái cực. Từ cực hữu đến đối lập cực kỳ. Ngay cả trong các phong trào nhân văn cũng có những tiếng nói cực đoan. TQ cũng thế. Từ khi TQ trở thành một thế lực, xuất hiện những ý kiến cực đoan. Tôi nghĩ mỗi quốc gia đều có quyền tồn tại, và các láng giềng cần phải chấp nhận điều đó.
THIÊN TRIỀU: Trong hội thảo, một giáo sư TQ đã hùng hồn giới thiệu thái độ đấy trách nhiệm của chính phủ TQ trong vấn đề Biển Đông. Bản thân ông hiểu thông điệp ấy ra sao?
-Daniel Schaeffer: Tôi có nghe ông ấy phát biểu. Cũng như các đồng nghiệp khác của ông ấy. Việc họ luận thuyết cho chính phủ của họ là bình thường. Phải suy nghĩ về vấn đề này dựa trên nền tảng văn hoá của họ. Lý thuyết âm/dương, tận dụng các mặt mâu thuẫn. Đừng xem cuộc tập trận ba ngày sau phát biểu ôn hoà của ông Ôn Gia Bảo là mâu thuẫn với nhau mà đó là hai mặt bổ sung. Hãy xem “kinh tế thị trường kiểu TQ ”. Tất cả các nhà kinh tế học phương Tây đều không hiểu nổi điều đó, cho đó là mâu thuẫn, vì thị trường, TQ là TQ. Nhưng người TQ đã cho hai điều mâu thuẫn “kết hôn” được với nhau (marier les contrastes) và chinh phục thế giới với cuộc ‘hôn nhân” đó. Hãy xem Hồng Kong nay là TQ, song hai chế độ. Đó chính là “kết hôn hai mâu thuẫn” với nhau…
THIÊN TRIỀU: Với những người quen tinh thần duy lý, thì đó là sự phi lý. Tôi quen gọi đó là tính hữu lý từ sự phi lý (la logique de l’illogique).
Daniel Schaeffer: Phải hiểu văn hoá về sự kết hợp các mâu thuẫn của họ mới hiểu được họ.
Nguồn: http://thientrieu2010.blogspot.com/2010/11/iem-lai-hoi-thao-bien-ong-voi-tuong-hoi.html