Nỗi đơn độc của những người chống tham nhũng

Trong rất nhiều cuộc gọi, người ta không trả lời tôi, hay đơn giản là dập máy, hay “ngâm” tài liệu. Chống tham nhũng tôi rất cô đơn,” cụ bà Lê Hiền Đức than phiền.

Một trong những công dân chống tham nhũng nổi tiếng nhất Việt Nam, cụ bà Lê Hiền Đức, luôn cảm thấy cô đơn. Từng nhận giải Liêm chính năm 2007 của Tổ chức Minh Bạch Quốc tế – TI, bà ngày càng nhận được ít hơn lời phúc đáp của các quan chức chính phủ mỗi khi bà gọi điện hay viết thư cho họ về các vụ tiêu cực mà người dân phản ánh. “Trong rất nhiều cuộc gọi, người ta không trả lời tôi, hay đơn giản là dập máy, hay “ngâm” tài liệu. Chống tham nhũng tôi rất cô đơn,” bà Đức 78 tuổi than phiền.

Thực ra, bà Đức có sự ủng hộ của một đội ngũ những người tình nguyện trẻ tuổi. Họ giúp bà tiếp công dân đến từ khắp các tỉnh thành, nhiều hôm đứng chật cả ngõ; phân tích và tư vấn các đơn kêu cứu, nay đã đầy ắp căn nhà 3 tầng ở Hà Nội. Song tất cả chỉ có vậy. Bà và những người tình nguyện làm việc đó bằng lòng nhiệt tình. Họ không thể lập hội chống tham nhũng để hoạt động có tư cách pháp nhân. Bà Đức, người được Bác Hồ đặt tên giải thích: “Tôi không thể làm thế vì không có tiền, mà pháp luật cũng chẳng cho phép.”

Điều đó mang lại không ít phiền toái. Một lần bà được mời lên ủy ban một quận ở Hà Nội, sau khi đã kiên trì đấu tranh với một vụ tham nhũng suốt 4 năm. Bà kể, bà đã chứng minh, và sau đó được thanh tra giáo dục xác nhận là vị hiệu trưởng trường cấp 2 thuộc quận đã tham nhũng 48 triệu đồng từ tiền ăn của học sinh. Đối diện với bà hôm đó là gần 20 quan chức quận. Chưa kịp ngồi, bà đã bị hỏi tới tấp: “Bà là ai? Bà đại diện cho tổ chức nào mà có tư cách chống tham nhũng?,...”. Bà đập mạnh tay xuống bàn: “Các anh không biết tôi là ai thì mời tôi lên làm việc làm gì. Tôi chỉ là một công dân chống tham nhũng. Vậy thôi.”

Câu chuyện trên chỉ phản ánh một trong muôn vàn khó khăn mà bà Đức trải qua trong hàng trăm vụ chống tham nhũng. Trong thực tế, cuộc chiến chống tham nhũng của bà Đức hay của nhiều công dân khác ở Việt Nam thường mang tính cá nhân, cho dù họ nhận được sự giúp đỡ của không ít người. Công việc của họ không được phép tập thể hóa bởi nếu lập hội, thì hiện nay họ chẳng biết ai sẽ là cơ quan cấp phép cho họ.

Lý do, Luật lập hội đến nay chưa được Quốc hội thông qua, dù dự thảo đầu tiên đã được bàn đến từ đầu những năm 1990 của thế kỷ trước. Phó cục trưởng Cục chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ Hoàng Đức Vinh nói: “Những người chống tham nhũng như bà Đức chỉ là cá nhân đơn lẻ. Hiện nay lập một hội chống tham nhũng là chưa có ở Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, giám đốc của tổ chức Hướng tới Minh bạch, cơ quan đầu mối của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) ở Việt Nam giải thích thêm: “Hành lang pháp lý đang rất thiếu để giúp hình thành các tổ chức xã hội dân sự nói chung và các tổ chức xã hội dân sự trong phòng chống tham nhũng nói riêng. Đó là điều rất thiệt thòi cho cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam vì một mình chính phủ rất khó đảm nhiệm vai trò này”.

Bà Viễn nói thêm: ở rất nhiều nơi trên thế giới, xã hội dân sự được xem như là “chìa khoá” trong các nỗ lực phòng chống tham nhũng. Ở Việt Nam, tầm quan trọng của xã hội dân sự trong phòng chống tham nhũng cũng được nêu lên tại rất nhiều cuộc Đối thoại hàng năm giữa chính phủ và cộng đồng quốc tế. Luật Phòng chống Tham nhũng năm 2005, Nghị định 47 do Chính phủ ban hành 27/3/2007 và Chiến lược Quốc gia về phòng chống tham nhũng 2020 ở Việt nam có đề cập đến cần phải phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể và toàn xã hội trong phòng chống tham nhũng nhưng hiện nay sự tham gia của xã hội trong hoạt động này ở Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều thách thức.

Nhận xét của bà Viễn chẳng có gì mới lạ. Hiện tại, Việt Nam có 3 cơ quan chuyên trách chống tham nhũng thuộc Thanh tra chính phủ, Bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Bên cạnh đó là Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương có chân rết xuống hầu hết các tỉnh.

Mặt khác, hệ thống pháp luật chống tham nhũng thuộc loại tiến bộ nhất thế giới, theo ông Vinh. Đáng tiếc, bộ máy nhà nước đó chưa đủ mạnh để chống tham nhũng.

Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Quốc hội Lê Thị Thu Ba nói tại phiên họp quốc hội đang diễn ra: “Hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng đó là chưa cao và thiếu tích cực. Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng qua hoạt động nghiệp vụ ở các cơ quan này chưa đáp ứng được yêu cầu”.

Báo cáo với Quốc hội, Chính phủ nhận định: “tình hình tham nhũng năm 2010 tuy có giảm nhưng trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng“. Nhận xét đó mới chỉ phản ánh một phần của tình trạng tham nhũng ở Việt Nam ngày nay vốn song hành cùng với thành tựu kinh tế nhờ công cuộc đổi mới được tiến hành cách đây một phần tư thập kỷ. Tham nhũng hiện diện khắp mọi mặt của cuộc sống, từ việc nhỏ nhặt như cảnh sát giao thông vòi tiền người vi phạm, bác sỹ đòi phong bì bệnh nhân; cho đến việc  cán bộ thuế, hải quan đòi hối lộ của doanh nghiệp hay cán bộ chính quyền “bật đèn xanh” cho doanh nghiệp nếu muốn có những dự án bất động sản màu mỡ.

Vậy người tố cáo tham nhũng có thể làm gì trong tình hình đó? Ông Vinh giải thích, họ có thể mang đơn đến Mặt trận tổ quốc, hay các tổ chức xã hội khác như nông dân, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh… mà mình là thành viên để các tổ chức này chuyển đến chính quyền liên quan.

Tuy nhiên, theo bà Viễn, cơ chế đó là không đủ để giải quyết vấn đề. “Nó quá chậm, lòng vòng, và không hiệu quả. Kết cục là người dân mất phương hướng và niềm tin.

Đỗ Vân Nguyệt, người sáng lập tổ chức phi chính phủ Live & Learn ở Hà Nội đang nỗ lực giúp lấy lại niềm tin đó. Nguyệt, người từng có nhiều kinh nghiệm với dự án nâng cao dân chủ cơ sở do Thụy Sỹ tiến hành ở một số tình phía Bắc đã được Ngân hàng Thế giới tài trợ cho một dự án khác nhằm nâng cao nhận thức chống tham nhũng trong sinh viên. Nguyệt và các đồng sự đã tổ chức nhiều buổi tập huấn cho hàng trăm sinh viên các trường đại học. Nguyệt kể: “Các em rất thích thú. Nhiều em đã không “đi” thầy cô nữa vì nhận biết đó chính là hành vi tham nhũng.”

Hoạt động của Live & Learn rõ ràng như muối bỏ bể, song đây là một trong những tổ chức xã hội dân sự đầu tiên ở Việt Nam có hoạt động liên quan đến chống tham nhũng. Rất có thể, sự có mặt của nó sẽ giúp gây dựng nền tảng đầu tiên cho phong trào chống tham nhũng mới, khác cách mà người ta vẫn hô hào ‘chống tham nhũng là trách nhiệm và quyền hạn của mọi công dân’.

Ông Vinh nói, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng trong ba lĩnh vực là đất đai, xây dựng cơ bản, và tổ chức cán bộ. Chính phủ báo cáo rằng, số người bị phát hiện tham nhũng ở cấp trung ương chỉ vỏn vẹn 0,3% tổng số bị can bị khởi tố về hành vi tham nhũng toàn quốc trong năm nay.

Bà Hiền Đức chẳng lạ gì điều này. “Tôi đã khui hàng trăm vụ tham nhũng nhưng tất cả đều là cò con,” bà nói. Thi thoảng, bà vẫn phải bật đài thật to để cố thoát ra cảm giác đơn độc trong cuộc chiến chống tham nhũng. Bà nói: “Tôi già rồi, và sẽ chẳng hoạt động được mấy nỗi nữa. Nhưng tôi rất hi vọng vào lớp trẻ“.

T. G.

Nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-11-15-noi-don-doc-cua-nhung-nguoi-chong-tham-nhung


This entry was posted in tham nhũng. Bookmark the permalink.