Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ hai vừa kết thúc vào chiều ngày 12 tháng 11 tại TPHCM, quy tụ được nhiều học giả trong và ngoài nước.
Việt Hà phỏng vấn giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia, một người đã có nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam, và cũng là một học giả tham gia hội thảo lần này.
Quốc tế hóa vấn đề Biển Đông
Trước tiên, ông Carl Thayer cho biết về hội thảo lần này như sau:
Hội thảo lần trước đã cho thấy nỗ lực của Việt Nam để quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, và vấn đề đã được quốc tế hóa. Tại hội thảo, kết luận được ra trong bài phát biểu rất đáng chú ý của một luật gia người Bỉ bác bỏ lập luận của Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông qua việc sử dụng luật quốc tế về biển đối với vùng biển hình lưỡi bò mà Trung Quốc nói là của mình.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng rất nhiều sách luật để chứng minh điều mình nói. Rất nhiều học giả đã đặt câu hỏi về sự không rõ ràng. Hồi năm ngoái Việt Nam và Malaysia đã đệ trình hồ sơ về ranh giới thềm lục địa, cả Malaysia lẫn Việt Nam đều đã làm rõ về đòi hỏi chủ quyền của mình, đồng thời mời Trung Quốc tham gia nhưng Trung Quốc đã không chấp nhận.
Bây giờ, bản đồ với hình lưỡi bò của Trung Quốc hoàn toàn không có bất cứ căn cứ nào trong luật quốc tế về biển. Đó là một kết luận. Kết luận khác nữa là các bên đang đưa ra nhiều hơn các gợi ý về việc thực hiện bản tuyên bố chung về các nguyên tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông, hướng tới một bản quy tắc ứng xử chính thức hơn với các khuyến nghị về ngư trường cũng như các hợp tác khác trên biển.
Việt Hà: Thưa ông, sau hội thảo lần này chúng ta có thể thấy một cơ hội nào được đưa ra cho việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông không?
GS Carl Thayer: Đây chỉ là một hội thảo của những học giả, không phải là một hội thảo chính thức của chính phủ. Hội thảo có sự tham gia của các học giả Trung Quốc, và họ không hiếu chiến, họ đưa ra những khuyến nghị tích cực mặc dù họ cũng vẫn giữ lập trường trong một vài vấn đề. Tuy nhiên, trong bài viết của tôi, tôi có nêu lên điều mà tôi gọi là sự lạc quan thận trọng trong thời gian ngắn sắp tới.
Và tôi nghĩ có nhiều bài viết giống tôi nhìn thấy sự khó khăn trong việc Trung Quốc lùi bước và sẵn sàng tham gia hợp tác để tránh bị cô lập do những chỉ trích. Theo tôi, các học giả Trung Quốc sẽ quay lại nước mình và mang theo những gì họ ghi nhận được. Đây không phải là tất cả các nước cùng nhau chống lại Trung Quốc, mà là những đề nghị hợp tác với Trung Quốc mà thôi. Và nếu Trung Quốc thực sự muốn và cần thì hãy chọn một.
Việt Hà: Trung Quốc mới đây lại tiếp tục đưa ra bản đồ hình lưỡi bò đòi chủ quyền trên Biển Đông cho thấy tham vọng của nước này, trong khi đó vẫn gửi các học giả đến dự hội thảo quốc tế. Mặt khác họ vẫn tiếp tục giữ tàu cá của Việt Nam và mới chỉ thả gần đây. Theo ông liệu họ đã đưa vấn đề Biển Đông lên thành ‘lợi ích cốt lõi’ giống như Đài Loan hay Tây Tạng nơi họ sẵn sàng dùng vũ lực để giữ chủ quyền?
GS Carl Thayer: Họ có bản đồ với đường vẽ hình lưỡi bò, họ đưa lên website, và trong hội thảo hôm nay, một học giả chỉ ra họ thêm một đường gạch nữa lên hướng Bắc và nó làm cho vấn đề thêm phức tạp. Còn phía Việt Nam thì đã chỉ ra một lọat các sự việc như các tàu Trung Quốc đã đi xuống phía dưới và họ không còn đòi tiền nữa. Cho nên đây là một kết quả hỗn hợp cả tích cực lẫn tiêu cực. Chính phủ Mỹ cũng chỉ ra hiện không có những sức ép lên các công ty khai thác dầu đang muốn hợp tác với Việt Nam, những sức ép này dường như cũng đang bị lùi lại. Cho nên ở đây ta thấy có bản đồ hình lưỡi bò là tiêu cực.
Đối với vấn đề về lợi ích cốt lõi, thì chúng ta thấy rằng nếu đó đã là chính sách của Trung Quốc thì hiện giờ họ đã lùi lại, Trung Quốc có thể đã nói và làm hơi quá và bây giờ họ đang lùi lại. Cho nên chúng ta đang nhìn thấy một số cơ hội để đạt được những tiến triển tại đây. Cho nên kết luận của hội thảo hôm nay là quả bóng hiện giờ đang nằm trong sân của Trung Quốc quyết định các bước đi sắp tới như thế nào. Trung Quốc cần phải minh bạch và cụ thể hơn.
Vấn đề chủ quyền
Việt Hà: Trong bài phát biểu của ông tại hội thảo, ông có nói vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông là khó giải quyết, nhưng ông cũng nói có cơ hội cho việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Vậy xin ông giải thích khó khăn đó là như thế nào?
GS Carl Thayer: Vấn đề khó khăn ở đây chính là những đòi hỏi về chủ quyền. Chúng ta có rất nhiều các ví dụ sử dụng luật quốc tế, nơi các nước tham gia và sử dụng luật quốc tế để giải quyết các tranh chấp. Chúng ta có ví dụ một nước đồng ý sử dụng luật đó với ngư trường đánh bắt, nước khác thì với dầu mỏ. Cho nên có cơ sở để hợp tác. Và điều cuối cùng được đưa ra tại hội thảo lần này là nếu ta sử dụng từ biển Nam Trung Hoa mà đây lại không phải là vấn đề của Nam Trung Hoa thì nó có thể bao gồm rất nhiều phần mà Trung Quốc cần phải làm rõ.
Và khi làm như vậy thì chúng ta lại thấy các vấn đề về vùng biển cao, các chính sách hợp tác khác nhau, một vài lĩnh vực có thể xác định là hợp tác song phương trong khi việc hợp tác bảo vệ nguồn thủy sản lại có thể thuộc về hợp tác nhiều bên. Cho nên điều mà hội thảo lần này làm là chia vấn đề Biển Đông thành nhiều phần thuộc các lĩnh vực khác nhau.
Việt Hà: Đã có học giả tại hội thảo nói về khả năng đưa tranh chấp Biển Đông ra tòa án Quốc tế. Theo ông cách làm này có thực sự giải quyết được vấn đề?
GS Carl Thayer: Không, điều mà tôi thấy được từ hội thảo lần này là mặc dù đã có ví dụ được đưa ra là có nước tại Đông Nam Á đã đưa tranh chấp ra tòa án và có rất nhiều bên liên quan trong xung đột nên vấn đề không thể giải quyết. Và phán quyết của tòa có thể đi theo hướng có lợi cho bên này mà không có lợi cho bên kia. Cho nên vấn đề không thể giải quyết trong phạm vi chiến lược rộng hơn. Đưa tranh chấp ra tòa án là một lựa chọn, nhưng sử dụng luật quốc tế, công ước về luật biển của Liên Hiệp Quốc thì đó là một cách thoát ra khỏi tranh chấp, và Trung Quốc vẫn có thể được nếu hợp tác trong phạm vi của luật quốc tế.
Việt Hà: Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của những hội thảo như thế này do Việt Nam tổ chức?
GS Carl Thayer: Chúng ta có một hội thảo về Biển Đông đã được thực hiện ở Indonesia trong hai thập kỷ, cho nên chúng ta đã đưa vấn đề ra và nhiều người đã nghiên cứu về vấn đề này trong một thời gian dài. Họ hy vọng là Việt Nam có thể tiếp tục việc làm này vì có như vậy mới mở ra cơ hội tiến triển.
Tôi lạc quan một cách thận trọng về cơ hội này vì tôi hiểu sẽ luôn có những khả năng vấn đề bị đi lệch hướng. Nhưng rõ ràng đã nhiều lần chúng ta thấy những nỗ lực từ phía Việt Nam, hay Malaysia, Philippine, vấn đề là ở chỗ Trung Quốc khi đòi chủ quyền thì phải dựa vào luật quốc tế rồi sau đó chúng ta có cơ sở để thảo luận với các nước khác. Còn nếu Trung Quốc vẫn cứ tiếp tục đưa ra cái bản đồ hình lưỡi bò mà không giải thích được thì không có cơ sở cho thảo luận. Tôi nghĩ Trung Quốc đang bị cô lập và quả bóng đang ở bên sân Trung Quốc.
Việt Nam đã quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Phát biểu của Hilary Clinton tại Hà Nội về Biển Đông cũng khiến Trung Quốc khó chịu. Hội nghị quốc phòng các nước Asean cũng đưa vấn đề này ra. Năm sau Indonsia sẽ là Chủ tịch Asean và Indonesia thì giữ lập trường trung gian hơn là Việt Nam trong cách nhìn của Trung Quốc.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.
V. H.