Chernomyrdin và di sản Gazprom

Ông Viktor Chernomyrdin làm thủ tướng Nga từ năm 1992 đến 1998

Ông Viktor Chernomyrdin làm thủ tướng Nga từ năm 1992 đến 1998

Cựu thủ tướng Nga Viktor Chernomyrdin vừa qua đời, để lại nhiều bình luận về giai đoạn ông cầm quyền sau thời hỗn loạn hậu Liên Xô và di sản lớn là tập đoàn Gazprom.

Qua đời hôm thứ Tư 03/11, thọ 72 tuổi, ông Chernomyrdin được thủ tướng đương nhiệm Vladimir Putin ca ngợi là “người đứng đắn, hài hước”.

Trung Quốc thì qua lời phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao gọi ông Chernomyrdin là “chính khách và nhà ngoại giao tuyệt vời”.

Nhưng chắc không phải ai ở Ukraina, nước đón ông sang làm đại sứ cho Nga sau khi rời chức thủ tướng cũng chia sẻ quan điểm của Trung Quốc.

Và câu nói của ông Putin về tính hài hước của người vừa tạ thế nói lên một sự thật rằng ông Chernomyrdin thích đùa bằng những câu khiến người Ukraina không biết nên cười hay khóc.

Là nhân vật trưởng thành trong bộ máy quan chức Xô Viết và mang não trạng chống Phương Tây, ông Chernomyrdin khi làm đại sứ ở Kiev đã nói rằng tổng thống nước chủ nhà khi ấy, ông Viktor Yushchenko “nhận chỉ thị từ Mỹ”.

Khi được hỏi thì ông còn tăng độ nóng của câu chuyện bằng câu rằng “Người Mỹ có tai mắt ở mọi nơi nên cần cẩn thận”.

Hồi còn làm thủ tướng, khi đàm phán với nhóm bắt con tin do Shamil Basayev chỉ huy ở Budyonnovsk, ông bỗ bã với y, cứ như là một cấp dưới:

Chúng tôi luôn muốn kết quả thật tốt, nhưng điều đạt được lại chỉ như thường lệ

Viktor Chernomyrdin

“Này Shamil Basayev, nói to lên một chút đi vì chúng tôi không nghe thấy gì cả.”

Khi ấy thì người Nga không cười được nữa bởi 1500 con tin đang nằm trong tay nhóm phiến quân chiếm bệnh viện.

May cho ông, nhóm Basayev đồng ý thả con tin nhưng chính chúng lại chạy thoát mất, khiến dư luận Nga bực bội với ông.

Mất chức năm 1998, ông được người ta nhớ đến bằng lời phát biểu “rất Liên Xô” khi chính sách tiền tệ rơi vào khủng hoảng.

Phát biểu trên truyền hình, ông nói “Chúng tôi luôn muốn kết quả thật tốt, nhưng điều đạt được lại chỉ như thường lệ”.

Một thời gian sau, Điện Kremlin đưa ông trở lại ở cương vị ứng viên thủ tướng lần nữa nhưng Viện Duma không phê chuẩn.

Năm 2001, ông được Putin cử đi làm đại sứ tại Ukraiana cho tới năm vừa rồi.

Di sản dầu khí

Tổng thống Dmitry Medvedev và Tổng giám đốc Gazprom Alex Millers

Tổng thống Dmitry Medvedev và Tổng giám đốc Gazprom Alex Millers

Nhưng người Nga nhớ đến ông Chernomyrdin chủ yếu là về giai đoạn hỗn loạn của nền kinh tế.

Theo Itar-Tass hôm qua 3/11, lãnh đạo phe cộng sản Nga, ông Gennady Zyuganov nhắc rằng: “Trong cả giai đoạn Chernomyrdin làm thủ tướng, kinh tế Nga hoàn toàn do các tài phiệt điều khiển.”

Là cựu quan chức cao cấp ngành năng lượng từ thời Liên Xô, ông Chernomyrdin đã có sáng kiến biến Bộ Năng lượng thành một tập đoàn khi bước vào kinh tế thị trường.

Gazprom ra đời từ đó và cơ chế vừa mang tính quyền lực nhà nước, vừa là một tổng công ty làm ăn trên cả thị trường chứng khoán.

Mô hình này hiện được cả các nước cộng sản cải biên như Trung Quốc và Việt Nam bắt chước theo các mức độ và sự thành bại khác nhau.

Nếu như hệ thống an ninh KGB đổi biển hiệu thành FSB nhưng cũng xâm nhập sâu vào bộ máy thì Gazprom cũng không còn thuần tuý là một đại công ty.

Theo hai tác giả Nga, Andrei Soldatov và Irina Borogan trong cuốn sách ra gần đây thì KGB thời Liên Xô còn chịu sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản nhưng FSB ngày nay thì không.

Tương tự như vậy, các doanh nghiệp thời Liên Xô làm việc theo chỉ tiêu của Nhà nước, nhưng Gazprom thì như một nhà nước bên trong hệ thống.

Tại Nga, tập đoàn này làm cả truyền thông và đầu tư vào chính trị địa phương ở nhiều vùng của Nga.

Bên ngoài, các chi nhánh của Gazprom đóng luôn vai trò ngoại giao không chính thức nhưng đầy quyền lực cho Nga.

Ngày nay, báo chí Phương Tây không còn viết nhiều về các nhà ngoại giao Nga nhưng liên tục chạy tựa về chuyện Gazprom “nhắm vào” các nước khác, từ Anh đến Nam Phi, Trung Á.

Lấy dầu khí làm vũ khí ngoại giao, Gazprom ban đầu củng cố ảnh hưởng của Nga tại vùng thuộc Liên Xô cũ trước khi vươn sang cả châu Âu và đi xa hơn.

Lời điếu của đương kim CEO Alexei Millers gần như xác tín vai trò của ông Chernomyrdin và tập đoàn Gazprom trong chính sách ‘đối ngoại dầu khí’ ở vùng sát Nga.

Ông Millers được truyền hình Nga trích lời nói:

“Ở cương vị đại sứ Nga tại Ukraina, Viktor Chernomyrdin đã có đóng góp to lớn cho việc củng cố quan hệ láng giềng hữu hảo và tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước chúng ta, gồm cả hợp tác trong lĩnh vực khí đốt.”

Từng được tổng thống Boris Yeltsin đưa lên chức thủ tướng với hy vọng sẽ làm người kế nhiệm, ông Chernomyrdin không lên được chức tổng thống.

Trái lại, ông trở thành vị thủ tướng biểu tượng cho một giai đoạn hỗn loạn kinh tế thời hậu cộng sản ở Nga và để lại một di sản tiêu biểu cho xu hướng ‘quyền-tiền kết hợp’ đang vươn lên ở Nga ngày nay.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2010/11/101104_gazprom_father_died.shtml

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.