Nguồn quặng đất hiếm: Không nên kỳ vọng quá nhiều

SGTT.VN – Việt Nam có tiềm năng về đất hiếm nhưng việc khai thác nếu chỉ dừng lại ở sản phẩm thô thì giá trị kinh tế là không nhiều. Nhu cầu về loại khoáng sản này hiện cũng chưa cao. TS Bùi Đức Thắng, Tổng thư ký Tổng hội Địa chất Việt Nam chia sẻ với Sài Gòn Tiếp thị như vậy.

TS Bùi Đức Thắng

TS Bùi Đức Thắng

TS Thắng cho biết, đất hiếm được dùng rộng rãi trong đời sống bình thường và đặc biệt trong các ngành công nghệ cao. Một số công dụng của đất hiếm: công nghệ thực phẩm, y tế, đánh bóng thuỷ tinh, gốm sứ, máy tính, màn hình tivi màu, chiếu sáng, ôtô thân thiện với môi trường, nam châm, pin, xúc tác lọc hoá dầu, tên lửa, radar, công nghiệp hạt nhân, đối ứng với biến đổi khí hậu…

Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng về đất hiếm, vậy hiện nay đã có thăm dò chính thức nào về trữ lượng đất hiếm này chưa thưa ông?

Ở Việt Nam kết quả nghiên cứu tìm kiếm đất hiếm từ năm 1958 đến nay đã phát hiện được nhiều điểm tụ khoáng đất hiếm ở Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Đông Pao (thuộc tỉnh Lai Châu), Mường Hum (Lao Cai) và Yên Phú (Yên Bái), dọc bờ biển miền Trung.

Dự báo trữ lượng đất hiếm của mình khoảng dưới 1 triệu tấn, nhưng đánh giá thăm dò chính xác thì chưa có.

Hiện nay đã có nơi nào ứng dụng đất hiếm trong đời sống, sản xuất?

Việt Nam đã nghiên cứu sử dụng đất hiếm trong các lĩnh vực nông nghiệp, chế tạo nam châm vĩnh cửu, biến tính thép, chế tạo hợp kim gang, thủy tinh, bột màu, chất xúc tác trong xử lý khí thải ôtô… nhưng cho tới nay vẫn dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm và bán công nghiệp.

Theo tài liệu của Sở Địa chất Mỹ, tổng tài nguyên đất hiếm toàn thế giới khoảng 150 triệu tấn, trữ lượng là 99 – 100 triệu tấn. Trữ lượng đất hiếm của Trung Quốc là nhiều nhất 36 triệu tấn, Úc là 5,2 triệu tấn, Ấn Độ là 1,1 triệu tấn, sau đến các nước như Srilanka, Brazil… Từ năm 1950, khai thác các sa khoáng monazite trên các bãi biển đã được tiến hành nhưng vì monazite có chứa nhiều thorium có tính phóng xạ ảnh hưởng đến môi trường nên việc khai thác bị hạn chế. Từ năm 1965 bắt đầu thời kỳ mới khai thác carbonat đất hiếm bastonaezite ở vùng núi Pass, Colorado, Mỹ. Từ năm 1983, Mỹ mất vị trí độc tôn khai thác đất hiếm vì nhiều nước đã phát hiện ra mỏ đất hiếm.

Hàng năm Việt Nam mới chỉ khai thác nhỏ cỡ vài chục tấn quặng bastnaesit ở Đông Pao và vài ngàn tấn quặng monazit có hàm lượng 35 – 45% R203 [oxit đất hiếm] ở sa khoáng ven biển miền Trung để bán theo con đường tiểu ngạch.

Được biết, đất hiếm có nhiều công dụng, đặc biệt giúp cho nền kinh tế xanh, vậy tại sao việc khai thác và sử dụng tại Việt Nam chưa nhiều. Vì lý do công nghệ hay còn lý do gì khác, thưa ông?

Vấn đề công nghệ đã không còn trở ngại, bởi các nước trên thế giới cũng đã làm, nên việc chúng ta kế thừa, áp dụng không khó, tuy nhiên vấn đề ở đây là ở nhu cầu.

Theo tính toán, nhu cầu sử dụng đất hiếm không cao, mỗi năm thế giới chỉ sử dụng 120.000 tấn/năm, trong đó Trung Quốc đã chiếm 97% thị phần, nếu mình có làm thì cũng không đáng bao nhiêu. Đặc biệt, với tổng tài nguyên đất hiếm thế giới là 150 triệu tấn, trong đó trữ lượng là 99 triệu tấn, sản lượng khai thác hàng năm là 120 ngàn tấn, nếu tính cả nhu cầu tăng hàng năm là 8 – 10% thì thế giới vẫn còn có thể khai thác đất hiếm đến gần một ngàn năm nữa.

Có ý kiến cho rằng chúng ta đang đánh giá quá cao và hy vọng nhiều vào nguồn tài nguyên này, ý kiến của ông là như thế nào?

Theo giá thành hiện nay, giá tinh quặng bastnaesite năm 2008 là 8,82 USD/kg, 1 tấn sẽ bán được 8.000 USD, giả sử một năm làm được 10.000 tấn sẽ bán được 80 triệu USD (tương đương với 1.600 tỉ đồng) thì không hề nhiều. Nếu ứng dụng công nghệ cao để làm quặng tinh thì kim loại đất hiếm tinh khiết 99,99% giá khoảng 221.000 USD/kg (europium), 145.000 USD/kg (terbium)…

Ngoài ra, hiện nay nhu cầu thế giới chưa cao nên làm ra chưa chắc đã bán được, mặt khác chúng ta chưa thể nhập công nghệ và sản xuất được ngay loại quặng tinh khiết. Do đó, không nên đánh giá quá cao và hy vọng quá nhiều vào nguồn quặng đất hiếm của Việt Nam.

Việt Nam chắc phải từ năm 2020 trở đi, khi chúng ta trở thành nước công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì những ứng dụng của đất hiếm cho công nghệ cao mới thực sự rõ rệt.

T. T.

Nguồn: http://www.baomoi.com/Home/KHCN/sgtt.vn/Nguon-quang-dat-hiem-Khong-nen-ky-vong-qua-nhieu/5137804.epi

This entry was posted in kinh tế and tagged . Bookmark the permalink.