Không nên kỳ vọng quá vào đất hiếm

Đất hiếm có mặt trong nhiều sản phẩm công nghệ cao

Đất hiếm có mặt trong nhiều sản phẩm công nghệ cao

Chính phủ Việt Nam vừa quyết định chọn Nhật Bản làm đối tác hợp tác trong việc khai thác đất hiếm ở trong nước.

Hai bên cũng có kế hoạch lập liên doanh khai thác đất hiếm ở Đông Nam Á, tuy không nói rõ chi tiết.

Nhật Bản đang hướng tới Việt Nam như nguồn cung cấp đất hiếm – vốn được sử dụng trong các sản phẩm công nghệ cao như máy tính xách tay, điện thoại di động, xe hơi hybrid v.v., nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, nước cung cấp 97% lượng đất hiếm cho toàn cầu.

Tuy nhiên theo Phó Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Khắc Vinh, Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam, không nên kỳ vọng quá nhiều, rằng bán đất hiếm sẽ thay đổi đáng kể nền kinh tế của Việt Nam.

TS Nguyễn Khắc Vinh: Đất hiếm là khoáng vật, gồm có 17 nguyên tố. Nó được sử dụng trong nhiều công nghệ cao, từ ngành vô tuyến, hàng không, cho tới chế tạo ô tô, gốm sứ, v.v.

Thí dụ khi làm ấm chén sứ chẳng hạn, có đất hiếm sẽ làm cho hình thức sản phẩm sáng đẹp hẳn lên.

Cả 17 loại nguyên tố đất hiếm đều hiện diện ở Việt Nam.

Trữ lượng đã được thăm dò xác định ở Việt Nam là khoảng một triệu tấn. Tuy nhiên, tiềm năng chưa được khẳng định chắc chắn, chưa có công trình thăm dò thì cỡ khoảng 10 triệu tấn.

Trên toàn thế giới, trữ lượng đất hiếm được ước tính là vào cỡ 99 triệu tấn.

BBC: Thưa ông, tại Việt Nam đất hiếm phân bổ ở các vùng nào?

TS Nguyễn Khắc Vinh: Chủ yếu là ở khu vực Tây Bắc, các tỉnh Lai Châu và Yên Bái. Tại miền Trung và miền Nam thì cũng có đất hiếm, nhưng chỉ dọc theo ven biển và chủ yếu nằm trong sa khoáng nên trữ lượng không lớn lắm.

BBC: Việc khai thác đất hiếm tại Việt Nam đã được tiến hành từ lâu chưa và như thế nào, thưa ông?

TS Nguyễn Khắc Vinh: Việt Nam đã bắt đầu khai thác đất hiếm khá lâu rồi, cách đây hai, ba chục năm, nhưng sản lượng rất ít. Lúc đó, Tiệp Khắc và Ba Lan đã tham gia khai thác đất hiếm ở Việt Nam nhưng không nhiều.

Thực ra nhu cầu đất hiếm trên thế giới cũng không cao, mỗi năm chỉ cần sản xuất chừng 125.000 tấn. Nếu lấy trữ lượng trên toàn thế giới tạm cho là 100 triệu tấn chia ra, thì phải mất cả một nghìn năm mới hết trữ lượng đất hiếm.

Vì thế, tuy gọi là “hiếm” nhưng đất hiếm lại không phải là khoáng sản “hot”, không phải khoáng sản “nóng”.

BBC: Mới đây Trung Quốc loan báo ngừng xuất khẩu đất hiếm. Liệu việc này có ảnh hưởng gì tới việc sản xuất đất hiếm trên thế giới hay không, thưa ông?

TS Nguyễn Khắc Vinh: Tôi cần giải thích thêm là trên thế giới có bốn quốc gia có nhiều đất hiếm là Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.

Trước kia, Mỹ khai thác trong nước khá nhiều, nhưng tới khi Trung Quốc bắt đầu phát hiện ra đất hiếm ở vùng Nội Mông và khai thác bán ồ ạt với giá rẻ thì Mỹ ngừng khai thác ở trong nước.

Một trong các lý do là việc khai thác đất hiếm khá độc hại, ảnh hưởng tới môi trường.

Nay, Trung Quốc thông báo bắt đầu từ 2012 sẽ ngừng xuất khẩu đất hiếm. Điều này không ảnh hưởng tới Mỹ, vì họ có thể quay về khai thác ở trong nước.

Tuy nhiên, Nhật Bản không có đất hiếm, nên cần tới Việt Nam. Nhưng nhu cầu của họ cũng không lớn, mỗi năm chỉ chừng bảy tới 10 nghìn tấn.

Nói nôm na, thì vào khoảng hai xe tải [/một ngày – BVN] chứ không nhiều.

BBC: Vậy thì thưa ông, những đồn đoán rằng kinh doanh đất hiếm có thể thay đổi bộ mặt kinh tế của đất nước là không có cơ sở ạ?

TS Nguyễn Khắc Vinh: Không có chuyện đó được. Không thể kỳ vọng rằng Việt Nam sẽ giàu lên nhờ đất hiếm, cho dù tiềm năng đứng thứ ba trên thế giới.

Đơn giản vì nhu cầu quá ít, một năm Việt Nam có thể bán ra 10 nghìn tấn, với giá tám nghìn đôla một tấn thì cũng chưa “ăn thua” gì.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/11/101101_rareearth_expert.shtml

This entry was posted in kinh tế and tagged . Bookmark the permalink.