SGTT.VN – Sau thảm hoạ bùn đỏ ở Hungary, hai dự án bauxite lớn ở Úc và Ấn Độ đã phải huỷ bỏ vì vi phạm các luật lệ môi trường.
Úc: Bảo vệ những dòng sông hoang dã
Những quy định pháp lý nghiêm ngặt nhằm bảo vệ những dòng sông hoang dã của bang Queensland, Úc, đã triệt tiêu một dự án bauxite trị giá 1,2 tỷ USD của tập đoàn khoáng sản nội địa Cape Alumina Limited. Hôm 18.10 vừa qua, Cape Alumina phải thông báo với sở Giao dịch chứng khoán Úc về việc hủy bỏ dự án bauxite ở Pisolite Hills. Nếu tuân thủ đúng những quy định nghiêm ngặt để bảo vệ những dòng sông hoang dã ở bang Queensland thì dự án này không thể tồn tại.
Dự án bauxite ở Pisolite Hills nằm ở Cape York thuộc lưu vực sông Wenlock, nhưng Wenlock là một dòng sông nguyên sinh, nơi có những chủng loài cá nước ngọt đa dạng nhất nước Úc và là một ốc đảo quan trọng cho các loài động vật hoang dã ở Cape York vào mùa khô hạn. Khu vực này từ đầu tháng 6 qua đã được chính quyền bang Queensland xếp loại khu vực “dòng sông hoang dã”, nâng số dòng sông nguyên sinh cần bảo tồn ở Queensland lên 22 dòng sông.
Thông tin cập nhật về dự án của Cape Alumina cho thấy sản lượng bauxite dự định khai thác ở Pisolite Hills sẽ bị giảm mất 45% vì luật định bắt buộc phải thiết lập vùng đệm rộng 500 mét ở các khu vực tiếp cận chung quanh nơi khai thác bauxite. Vùng đệm này được gọi là khu vực Bảo tồn cao (High Preservation Areas – HPA).
Theo đại diện của Cape Alumina, bộ trưởng Tài nguyên của bang Queensland – ông Stephen Robertson – đã bác bỏ lời khuyên của các chuyên gia tư vấn độc lập cũng như của chính chuyên gia bộ này đề nghị giảm chiều rộng vùng đệm HPA xuống 300 mét. Ông Paul Messenger, giám đốc điều hành Cape Alumina, nói: “Vùng đệm lớn như thế thì thiệt hại về sản lượng khai thác rất lớn. Dự án này không thể xúc tiến nếu vùng đệm HPA không giảm bớt kích thước.”
Bộ trưởng Robertson kiên quyết giữ nguyên vùng đệm 500 mét để bảo vệ những dòng sông hoang dã. Ông tuyên bố với báo chí: “Chúng tôi có những luật lệ về môi trường nghiêm ngặt nhất thế giới, và như thế là chính đáng, vì chúng tôi không muốn chứng kiến môi trường của mình bị phá hoại nhân danh phát triển công nghiệp hay phát triển khoáng sản.”
Ấn Độ: Tiền không mua được luật
Những dự án đầu tư lớn luôn có sức hấp dẫn với những nước đang phát triển như Ấn Độ. Nhưng dự án 8,5 tỉ USD của tập đoàn Anh Vedanta Resources để phát triển khu công nghiệp khoáng sản liên hợp bauxite-alumina ở bang Orissa đã bị bộ trưởng Môi trường nước này cấm triển khai hôm 21.10.
Bộ trưởng Jairam Ramesh đã ra lệnh cấm Vedanta không được xây dựng mới thêm bất cứ công trình nào ở hiện trường và ấn định nhiều điều kiện khống chế hoạt động của nhà máy luyện alumina sản lượng 1 triệu tấn hiện có ở Lanjigarh, phía đông tiểu bang Orissa. Đề nghị của Vedanta nâng công suất nhà máy điện phục vụ cho nhà máy alumina từ 75 MW lên 300 MW cũng bị bác bỏ.
“Quyết định này không hề cảm tính, không hề chính trị, không hề định kiến.” Bộ trưởng Ramesh tuyên bố. “Đây là một quyết định thuần túy pháp lý. Luật pháp đã bị vi phạm.” Trước đó một tuần, một ủy ban điều tra đã ra báo cáo kết luận Vedanta phạm luật và đề nghị khởi tố, bất kể những can thiệp vào phút chót của Naveen Patnaik – người đứng đầu chính quyền bang Orissa. Patnaik đã gặp thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh để vận động cho Vedanta.
Muốn khai thác bauxite từ vùng rừng của các bộ tộc để phục vụ cho nhà máy alumina, Vedanta phải được phê chuẩn từ cấp quốc gia ở thủ đô Delhi theo quy định của các bộ luật về lâm nghiệp và môi trường. Vedanta đã có được giấy phép tạm thời về môi trường nhưng rốt cuộc không vượt qua nổi rào chắn cuối cùng của luật bảo vệ rừng và luật bảo vệ quyền lợi sắc tộc.
Trong kế hoạch xây dựng nhà máy alumina Lanjigarh, từ 2002 Vedanta đã dụ dỗ các cộng đồng bộ tộc bán đất dưới giá thị trường và cưỡng bức di dời. Kế hoạch phát triển khu liên hợp bauxite-alumina đã có từ bốn năm qua và được chính quyền bang Orissa ủng hộ vô điều kiện trong sự phản đối của dân chúng và các cộng đồng sắc tộc cũng như các tổ chức môi trường.
Năm 2008, Vedanta bắt đầu cho hoạt động nhà máy alumina Lanjigarh và hai hồ chứa bùn đỏ diện tích lớn gấp nhiều lần một sân bóng đá. Hóa chất, khói độc và bụi ô nhiễm đã ảnh hưởng đến cuộc sống của dân cư các làng lân cận và tác động đến nguồn nước. Chỉ sau hai năm, nhiều chứng bệnh lạ liên quan đến mắt và phổi đã lan tràn. Ít nhất 13 người đã chết vì bệnh lao phổi.
Quyết định đình chỉ dự án bauxite của Vedanta là chưa từng có tiền lệ ở Ấn Độ. Lâu nay, các tập đoàn lớn luôn thao túng chính quyền. Ông Jairam Ramesh được xem là vị bộ trưởng môi trường đầu tiên làm đúng trọng trách của mình. Phán quyết của bộ trưởng Ramesh không chỉ làm rúng động ngành công nghiệp Ấn Độ mà còn khiến các chính quyền tiểu bang vốn hăm hở ủng hộ những dự án lớn phải giật mình.
T. N. Đ.
Nguồn: http://sgtt.vn/Thoi-su/Quoc-te/132044/Uc-An-Do-Dinh-chi-hai-du-an-bauxite.html