Năm nay đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội diễn ra vào một thời điểm không mấy hay. Trong khi Hà Nội ăn mừng thì miền Trung bị nạn lũ lụt hoành hành dữ dội. Ấy vậy mà hình như các lãnh đạo vẫn chưa có động thái thực tế nào để tỏ ra quan tâm…
Hai tình cảnh đối nghịch đến vô lí. Hà Nội ăn mừng đại lễ với những chươg trình ca hát, nhảy nhót vui mừng, diễu hành. Cùng lúc đó thì ở miền Trung đang bị chìm trong lũ lụt nghiêm trọng, người dân lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, thậm chí tử vong. Nhìn qua những ảnh dưới đây trên báo mạng mà xót ruột. Những con số thống kê làm cho ai có chút thương cảm phải chóng mặt: 20.000 hộ đang ở vào tình trạng nguy cơ bị cuốn đi; cả trăm ngàn người lâm vào tình cảnh đói khát; nhưng quan trọng hơn hết và đau lòng hơn hết là có trên 20 người bị chết vì lũ lụt. Tôi đang viết entry này nhưng cũng thử tưởng tượng đặt mình vào tình cảnh đồng hương đang chịu lụt ở miền Trung, tôi không thể nào vui mừng được.
Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến một ca khúc mà Quang Linh thể hiện hay: “Miền Trung nước lớn, đứng ngồi không yên, suốt đêm không ngủ…” Đúng là như thế. Có lần tôi nghe Nhà thơ Đỗ Trung Quân nói về thời tiết Sài Gòn, mà có đoạn anh nói rằng khi Sài Gòn chuyển mùa thì cùng lúc người dân biết rằng ngoài Trung đang có lũ lụt, và người Sài Gòn sẽ không bày tỏ vui mừng hớn hở vì sự giao mùa. Người mình có câu “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”.
Còn nhớ trước đây ở Úc có nạn cháy rừng lớn làm thiệt hại tài sản của rất nhiều người (hình như không có ai tử vong), nhưng thủ tướng Úc phải hủy các chuyến công du ngoại quốc. Ở Mĩ cũng thế, mỗi khi có thiên tai ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, tổng thống cũng hủy các chuyến công du, thậm chí nếu họ đang công du thì họ sẽ cắt ngắn thời gian và quay về nước. Sự có mặt của họ ngay trong nước là một khích lệ tinh thần, để gián tiếp nói lên rằng tôi đang quan tâm, tôi đang đau cái đau của đồng bào, tôi đang làm hết mình để giảm nỗi đau đó.
Ấy thế mà tôi thấy báo chí và lãnh đạo chẳng có động thái nào để tỏ ra mình quan tâm đến những đồng hương đang chịu đau khổ. Các bác cao cấp thì đang công du nước ngoài. Bác cao cấp khác đang ở trong nước thì chưa thấy nói gì. Hay có nói gì nhưng chỉ là… chỉ thị. Cấp trung ương chỉ thị cấp tỉnh, cấp tỉnh chỉ thị cho cấp huyện, huyện chỉ thị cho xã, và dây chuyền chỉ thị cứ thể mà tiếp diễn. Thật ra, hình như ở Việt Nam ta đã hình thành “văn hóa chỉ thị”, chứ không có “văn hóa làm”. Lãnh đạo cấp tỉnh đi thị sát tình hình mà giống như là đi… du lịch. Báo chí cũng chẳng thấy phản ảnh miền Trung tang thương. Chẳng lẽ cả xã hội đều vô cảm như thế sao? Thật là khó hiểu.
Đành rằng đại lễ thì phải có, phải tiếp tục, phải vui, nhưng trong lúc vui thì cũng nên dành vài phút để nhớ đến nhữg người anh em đang lâm nạn, phải có phút mặc niệm những người anh em nghèo khó đã không may mắn bỏ mạng. Đừng nên quá vô cảm!
N. V. T.
Vài hình ảnh tương phản thu thập từ báo chí mạng: