Lũ và Lễ

Bài dưới đây do một bạn đọc giới thiệu, với lời giới thiệu và cách xưng hô không dễ đọc chút nào (cũng giống như phần lớn những thư và e-mail từ VN mà tôi nhận được).  Nhưng thôi, chuyện ngôn ngữ thì hãy bỏ qua, hãy xem nội dung để thấy tác giả bài này cũng có cùng suy nghĩ với tôi.

Hôm nay đọc vài bài báo, rồi suy nghĩ, chẳng biết có nên khóc hay cười. Đó là chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cho các tỉnh đang bị ảnh hưởng phải huy động mì tôm cứu dân vùng lũ. Chẳng lẽ làm lãnh đạo cấp tỉnh mà không biết phải làm gì để cứu trợ, đến nổi Thủ tướng phải cầm tay chỉ việc, đến nổi phải chỉ thị cụ thể là… mì tôm và nước đóng hộp? Và, chỉ thị đó ra đời khi lũ đang rút dần! (Cần nói thêm là ở ngoài này, một hướng đạo sinh 15 tuổi cũng biết phải làm gì và làm ngay trong lúc thiên tai, chứ không bao giờ chờ chỉ thị). Bao nhiêu đó cũng đủ nói lên khả năng độc lập của những người đang – trên danh nghĩa là – lãnh đạo dân.

Những cánh tay trổ mái nhà kêu cứu ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình) khi canô cứu nạn đi qua - Ảnh: Hữu Khá (báo Tuổi Trẻ). Bức ảnh thật độc đáo và giàu ý nghĩa!

Những cánh tay trổ mái nhà kêu cứu ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình) khi canô cứu nạn đi qua - Ảnh: Hữu Khá (báo Tuổi Trẻ). Bức ảnh thật độc đáo và giàu ý nghĩa!

Xin nhắc lại là nên dành một phút mặc niệm cho nạn nhân lũ lụt ở miền Trung trước bất cứ show diễn nào trong đại lễ ngàn năm Thăng Long Hà Nội, trong bất cứ buổi họp giao ban nào trên toàn quốc.  Người mình mà không quí người mình, thì đừng bảo người khác quí người mình.

Nguyễn Văn Tuấn

Nguồn: http://nguyenvantuan.net/news/6-news/1109-lu-va-le

Đất trời thật không công bằng khi lũ lụt tàn phá khủng khiếp, gây bao khốc hại, tang thương cho người dân miền Trung đúng vào những ngày Đại lễ nghìn năm Thăng Long (ĐLNNTL) đang hồi cao trào và rộn ràng.

Tính đến chiều ngày 6 tháng 10, miền Trung có 44 người chết, 23 người mất tích, hàng nghìn người bị cô lập và hàng trăm nghìn ngôi nhà  vẫn ngập chìm trong lũ.  Không ít người dân nơi đây trong cảnh “màn trời chiếu đất”, thậm chí một số người vô vọng bấu víu vào nóc nhà bị cô lập giữa đói khát, mưa lạnh và biển nước mênh mông.

ĐLNNTL đang diễn ra đúng kế hoạch, nhưng có cảm giác niềm vui của nhiều người không trọn vẹn lắm vì có lẽ bị phân tâm. Giữa không khí náo nhiệt của lễ hội, vẫn bắt gặp không ít tâm trạng “vui là vui gượng kẻo mà”. Trong những ngày này, hầu hết mọi người lòng trĩu nặng, đau đáu hướng miền Trung vốn dằng dặc khó nghèo lại đang phải gồng mình trong mưa lũ.

Cả nước đang hướng về miền Trung, sẻ chia nỗi đau mất mát với truyền thống lá lành đùm lá rách. Nhà nhà, người người, ai ai cũng tích cực tham gia quyên góp, cứu trợ với ước mong nhỏ nhoi là làm dịu đi một phần nỗi đau mất người thân, mất sản nghiệp của đồng bào miền Trung. Nhìn bác đạp xe ba gác, bàn tay đen đúa chai sần cầm mấy đồng bạc lẻ nhàu nhĩ trân trọng đặt lên bàn cứu trợ ở Chợ An Đông, quận 5 TP.HCM, ai cũng thấy lòng mình chùng lại, sống mũi cay cay.  Lòng nhân ái luôn là sợi dây tâm linh gắn kết cộng đồng và góp phần trường tồn dân tộc này.

Giá như trong ĐLNNTL đang tưng bừng diễn  ra, chúng ta lược bỏ đi một số chương trình rườm rà, một số “hội mà không lễ” cũng như những sinh hoạt văn hóa ít mang chủ đề Đại lễ … thì sẽ dành được một khoản tiền đáng kể có thể làm bớt khó khăn cho miền Trung. Giá như, thay vì kéo dài mười ngày, Đại lễ có thể làm gọn lại và kết thúc sớm hơn dự kiến, thì cả nước có thời gian và nguồn lực để tập trung cho miền Trung vốn đang chồng chất khó khăn và cần sự trợ giúp hơn bao giờ hết lúc này. Có thể sẽ có ý kiến phản đối rằng ĐLNNTL là chương trình quốc gia trọng đại được “lập trình” mấy năm nay rồi, không thể cắt giảm và dừng được, làm vậy sẽ ảnh hưởng đến tầm vóc của Đại lễ và sụt giảm khách du lịch v.v… Xin thưa, thảm họa thiên tai là bất khả kháng và liệu hôm nay có ai trên đất nước này có thể vô tư tham dự những sinh hoạt Đại lễ  khi mà hàng triệu đồng bào Miền trung đang rên xiết trong lũ lụt trắng trời? Và lũ lụt gây chết hàng chục người, hàng nghìn hecta lúa mùa đang thu hoạch bị cuốn tả tơi theo lũ, bao người mất nhà cửa… chẳng phải là “sự kiện trọng đại quốc gia” cần phải cấp bách xử lý hơn tất cả mọi thứ lúc này đó sao?

Nếu thu gọn quy mô và rút ngắn thời gian ĐLNNTL, nếu có thể được thì dừng lại, thì nghĩa cử này sẽ được lòng dân,  được bạn bè quốc tế ủng hộ và đánh giá cao. Thiết nghĩ, đây cũng là cách thiết thực nhất, ý nghĩa và nhân văn nhất để kỷ niệm ĐLNNTL – biểu tượng của lòng nhân ái chung đúc trong hồn, cốt để dân tộc Việt bất tử trên thế gian này.

N. D.

Nguồn: http://tamnhin.net/Diemnhin/4797/Lu-va-Le.html

This entry was posted in Môi Trường and tagged , . Bookmark the permalink.