Trong những bài viết trước tôi đã chứng minh rằng: Trong cơ chế độc quyền xuất khẩu gạo hiện nay, Chính phủ được lợi vì kiềm chế được lạm phát, VFA được lời nhiều vì bán gạo xuất khẩu giá cao nhưng mua lúa của nông dân giá thấp, còn nông dân sẽ dần dần đi đến phá sản.
Vì vậy việc đánh giá đúng thực trạng của việc xuất khẩu gạo, tìm ra nguyên nhân gây nên sự yếu kém của xuất khẩu gạo, để từ đó đưa ra một cơ chế xuất khẩu gạo đảm bảo quyền lợi của nông dân là điều cần thiết.
Thực trạng của việc xuất khẩu gạo
Gạo Việt Nam luôn bán với giá rẻ nhất thế giới.
Gạo Việt Nam cùng loại luôn bán thấp hơn gạo Thái Lan từ 100 – 160 đô la Mỹ/ tấn. Nhưng không phải là do chất lượng lúa gạo.
Xuất khẩu gạo năm nào cũng khi ngừng khi xuất với lý do vô lý: đảm an ninh lương thực.
Xuất khẩu gạo 20 năm mà không có khách hàng truyền thống. Khách hàng chỉ chực để ép giá gạo xuất khẩu.
Xuất khẩu gạo 20 năm mà không có thương hiệu cho gạo xuất khẩu.
Nguyên nhân của những yếu kém trong xuất khẩu gạo
Chính phủ luôn khống chế giá gạo xuất khẩu để kiềm hãm giá gạo trong nước nhằm hạn chế lạm phát.
Tổng công ty lương thực miền Nam và VFA độc quyền mua bán lúa gạo của nông dân.
Do độc quyền mua bán lúa gạo Tổng công ty lương thực miền Nam và VFA chọn vị trí cuối cùng ở khâu phân phối để ăn chênh lệch giá tính trên đầu tấn.
Do độc quyền nên Tổng công ty lương thực miền Nam và VFA không hề đầu tư nâng cao giá trị hạt gạo xuất khẩu: Không đầu tư kho chứa lúa, không đầu tư nhà máy xay lúa, không tạo thương hiệu cho hạt gạo VN.
Cơ chế xuất khẩu gạo cho nông dân Việt Nam
Đây là vấn đề vượt quá tầm của một nông dân, thế nhưng sợ rằng dự thảo nghị định xuất khẩu gạo sắp tới lại đi vào vết xe đổ của dự thảo nghị định xuất khẩu gạo lần thứ 4, chỉ toàn “tư duy doanh nghiệp”, nên xin được phép đề ra một cơ chế mới đảm bảo quyền lợi của nông dân chúng tôi.
Nông dân chúng tôi cần một cơ chế xuất khẩu gạo ổn định, một cơ chế mà chúng ta có thể ấn định giá bán gạo xuất khẩu, một cơ chế mà giá thu mua lúa căn cứ vào giá bán gạo xuất khẩu.
Muốn vậy, Chính phủ phải thực hiện độc quyền lúa gạo, phải đưa lúa gạo vào lĩnh vực đồng quyền nhà nước để quan tâm đúng mức đến quyền lợi nông dân và người ăn gạo trong việc ấn định giá mua bán lúa gạo. Tức là Chính phủ phải trực tiếp mua bán lúa gạo cho nông dân.
Trả Tổng công ty lương thực miền Nam và VFA về đúng vị trí của những doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Muốn xuất khẩu gạo ổn định phải có đủ kho chứa lúa liên hợp với nhà máy xay lúa
Xuất khẩu gạo phải có đủ kho chứa lúa gạo, đây là điều kiện bắt buộc để ấn định giá bán gạo xuất khẩu và điều tiết quá trình xuất khẩu gạo, tránh bị khách hàng ép giá.
Cần phải nhanh chóng xây dựng kho chứa tối thiểu 8 triệu tấn gạo, liên hợp với nhà máy xay lúa. Không đủ kho thì chỉ ăn chênh lệch như VFA, chứ chẳng làm nên tích sự gì trong xuất khẩu gạo cả.
Theo Tiến sĩ Phạm Văn Tấn, để xây 400 si lô chứa 4 triệu tấn gạo với hệ thống sấy lúa 20-24 tấn/ giờ, thì tốn khoảng 480 triệu đô la Mỹ. (1) như vậy để xây kho cho 8 triệu tấn lúa gạo cần khoảng 960 triệu đô la Mỹ.
Đây là con số không lớn nếu biết rằng nông dân chúng tôi thiệt hại vào năm 2009 do giá bán gạo thấp hơn năm 2008 khoảng 1,1 tỷ đô la Mỹ.
Ấn định giá bán gạo xuất khẩu
Vấn đề này tôi đã viết trong bài “Bắt tay với Thái Lan” đăng trên Người Lao Động Online. (2) Xin được trích lại:
“Hãy thử so sánh: Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu lửa (OPEC) có hơn 10 thành viên nhưng khai thác khoảng 40% sản lượng dầu của thế giới và chi phối cơ bản thị trường này.
Trong khi đó, VN và Thái Lan chiếm đến 45,4% tổng lượng gạo xuất khẩu thế giới (số liệu vào năm 2008), vậy chúng ta hoàn toàn có thể bắt tay với người Thái để hình thành liên minh song phương ấn định giá bán gạo xuất khẩu.
Theo tôi, đề xuất thành lập Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu gạo (Organization of Rice Exporting Countries – OREC) hoạt động theo mô hình của OPEC, do VN và Thái Lan làm nòng cốt, cũng là một giải pháp khả dĩ nhằm củng cố thế mạnh và giá trị của hạt gạo VN trên thị trường quốc tế.”
Điều kỳ lạ là trong nhiều năm nay, Chính phủ Thái Lan luôn đề nghị Chính phủ Việt Nam hợp tác để ấn định giá bán gạo xuất khẩu. Thái Lan còn nói rõ việc hợp tác này nông dân Việt Nam được lợi nhiều hơn vì bán gạo giá cao hơn. Thế mà cho đến nay Chính phủ Việt Nam không chấp nhận hợp tác với Thái Lan.
Chính phủ muốn khống chế giá lúa gạo của chúng tôi ở mức giá áp đặt vô căn cứ lời 30% so với giá thành chăng?
VỀ VIỆC ẤN ĐỊNH GIÁ THU MUA LÚA CHO NÔNG DÂN
Khi đã ấn định được giá sàn bán gạo xuất khẩu, thì việc ấn định giá thu mua lúa của nông dân sẽ rất đơn giản:
Giá thu mua lúa cho nông dân = giá bán gạo xuất khẩu – ([chi phí + lợi nhuận của thương lái lúa] + [phí xay xát + phí tồn kho + phí xuất khẩu + lợi nhuận] của cơ quan chuyên trách của Chính phủ).
VỀ VIỆC CHÍNH PHỦ TRỰC TIẾP THU MUA LÚA CỦA NÔNG DÂN
Điều này không khó thực hiện vì thương lái lúa sẽ mua lúa từ nông dân để bán tận kho của Chính phủ. Hiện nay VFA cũng đang làm như vậy.
Chính phủ cần thành lập một cơ quan chuyên trách về lúa gạo trực thuộc Thủ tướng Chính phủ, do một Phó Thủ tướng lãnh đạo. Cơ quan này phụ trách chiến lược lúa gạo trong đó có xuất khẩu gạo.
HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ CHẾ MỚI: CHÍNH PHỦ ĐIỀU HÀNH TRỰC TIẾP NHƯ THẾ NÀO?
Giả sử cuối năm 2011 chúng ta đã xây dựng xong kho chứa được 8 triệu tấn lúa gạo.
Trước vụ đông xuân 2012 Việt Nam và Thái Lan ấn định xong giá sàn bán gạo xuất khẩu. (giá sàn bán gạo cùng loại của Việt Nam không nhất thiết phải bằng Thái Lan, nhưng một mức thấp tối thiểu (khoảng 30 đô la Mỹ/ tấn) mà khách hàng chấp nhận là giá hợp lý).
Khi nông dân thu hoạch lúa đông xuân 2012, Chính phủ cứ mua lúa của nông dân theo mức giá quy từ giá sàn bán gạo xuất khẩu và cho vào kho, nếu có hợp đồng với giá từ giá sàn trở lên thì ký bán và xuất khẩu gạo, nếu các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có hợp đồng xuất khẩu gạo, thì Chính phủ tổ chức đấu giá bán gạo cho doanh nghiệp.
Nếu giá gạo thị trường thấp chính phủ có thể mua luôn lúa vụ hè thu của nông dân cho vào kho để giữ giá, mà không cần phải xuất khẩu gạo với giá thấp.
Như vậy Việt Nam và Thái Lan có thể ngừng xuất khẩu gạo ra thị trường gạo thế giới khoảng một năm, còn các nước nhập khẩu gạo có thể không nhập khẩu gạo một năm hay không?
Cơ chế xuất khẩu gạo mới sẽ kéo giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đến gần giá xuất khẩu gạo của Thái Lan.
Tưởng cũng cần phải nói rõ rằng: Cơ chế xuất khẩu gạo mới là cơ chế ấn định giá bán gạo xuất khẩu và ấn định giá thu mua lúa cho nông dân, chứ chẳng phải là cơ chế trợ giá cho nông dân.
Cơ chế ấn định giá trở thành cơ chế trợ giá khi mức giá ấn định thu mua lúa của nông dân cao hơn giá bán gạo xuất khẩu quy lúa. Trong trường hợp giá gạo thế giới hạ (điều này ít khi xảy ra), Chính phủ có thể lỗ do đã ấn định giá thu mua lúa trong nước cao, còn nông dân vẫn được lợi. Xét cho cùng, đó vẫn là điều hữu ích.
Với cơ chế xuất khẩu gạo mới này nông dân không còn phải lo sợ điệp khúc “trúng mùa mất giá”, “giá lúa giảm do nông dân thu hoạch rộ” “giá lúa giảm do ngừng xuất khẩu”, mà sẽ an tâm sản xuất, vì biết chắc quyền lợi của mình đã được Chính phủ quan tâm chăm sóc.
Tất cả các Chính phủ của các nước xuất khẩu gạo lớn đều xây dựng đủ kho chứa lúa gạo và đều trực tiếp điều hành xuất khẩu gạo.
Thái Lan đã chứng tỏ cơ chế xuất khẩu gạo của họ rất hiệu quả: Mua lúa cho nông dân giá cao, bằng cách ấn định giá bán gạo xuất khẩu ở mức cao (cao hơn gạo Việt Nam cùng loại từ 100 -160 đô la Mỹ/ tấn).
Thái Lan thản nhiên chấp nhận sự cạnh tranh của 6 triệu tấn gạo bán phá giá từ phía Việt Nam, điều này chứng tỏ trong mua bán lúa gạo chẳng có cạnh tranh gì cả. Thế giới đang thiếu gạo ăn nên nước thiếu gạo phải mua gạo.
Thay đổi cơ chế xuất khẩu gạo đang tước đoạt lợi nhuận của nông dân, bằng một cơ chế hợp lý đã được Chính phủ Thái Lan kiểm chứng trong thực tế, là trách nhiệm của Chính phủ. Một trách nhiệm thuộc về lương tâm.
Một bạn đọc đã hỏi tôi đại ý rằng: Có phải Chính phủ đang thực hiện chính sách bần cùng hóa nông dân?
Tôi trả lời rằng: Độc quyền lúa gạo của VFA và khống chế giá bán gạo xuất khẩu để kềm chế lạm phát đang bần cùng hóa nông dân. Thế nhưng đó có phải là chính sách chủ quan của Chính phủ hay không thì tôi không có cơ sở để trả lời.
Hiện nay, nông dân chúng tôi đã phản ảnh lên Chính phủ tất cả những bất công trong xuất khẩu gạo. Nếu Chính phủ không chứng minh những điều nông dân chúng tôi phản ảnh là sai, nhưng Chính phủ vẫn không thay đổi cơ chế xuất khẩu gạo tệ hại hiện hành, tôi sẽ nói với các con tôi: “Tìm nghề khác đi các con. Chính phủ đang thực hiện chính sách bần cùng hóa nông dân.”
Ngày 27/09/2010
H. K.
(1) Thời báo Kinh tế Sài Gòn, bài “Thu 226 triệu đô la / năm nếu đầu tư đúng” http://www.thesaigontimes.vn/Home/kinhdoanh/dautu/19177
(2) http://nld.com.vn/20100317094914279P0C1014/bat-tay-voi-thai-lan.htm