Thành tâm hay đặt “bẫy câu giờ?”

Đại sứ Trung quốc Tôn Quốc Tường!

Kính thưa ngài đại sứ Trung quốc Tôn Quốc Tường!

Thưa ngài! Chưa bao giờ dư luận người Việt nam trong và ngoài nước lại sôi nổi đàm thoại công khai rôm rả về những phát biểu của Ngài, vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam Tôn Quốc Tường như hiện nay. Mọi người đưa ra nhiều ý kiến tuy với nhiều khía cạnh khác nhau nhưng cùng có một câu hỏi là: chân thật hay là thuật câu giờ? Muốn thế, tôi xin hỏi ngài đại sứ, Ngài cho rằng “giải pháp thiết thực hiện nay, đó là tạm gác lại tranh chấp Biển Đông, chờ điều kiện chín muồi giải quyết, trong khi ưu tiên cho hoạt động phát triển kinh tế xã hội ở hai nước”, nhưng sao những việc làm của Trung quốc suốt ba mưoi năm qua không hề đi theo hướng ngài đã nói? Nghe những lời phát biểu đó của Ngài tôi thấy nếu đem đối chiếu với những gì Trung quốc đã làm thì thấy nó không có tính thuyết phục vì nó trái với những gì mà Trung quốc đã và đang làm.

Thưa Ngài! Mọi người không quyên tình trạng một số đảo ở Hoàng sa, Trường sa bị Trung quốc chiếm đóng năm 1973 khi Việt nam đang ở giai đoạn cuối cùng phải bận tâm lo công cuộc thống nhất đất nước và từ đó Trung quốc đã nhanh chóng nâng dần từng bước các hình thức chiếm đóng này bằng cách cho quân đội mặc áo dân sự đổ bê tông, lô cốt cho đến xây nhà rồi cho quân đội ra đó đóng quân. Đến khi Việt nam năm 1975 đất nước thống nhất thì Trung quốc đã nhanh tay mở các đường bay, vận chuyển các phương tiện như ô-tô, tầu chở nguyên liệu xây dựng đây như là dãy phố với các nhà lính ở trang bị các phương tiện chiến tranh để giữ đảo. Lại nữa, sau những lên án liên tiếp của phía Việt nam thì Trung quốc một mặt kêu gọi bên kia kìm chế, rồi hợp tác trên 16 chữ vàng và khẩu hiệu 4 tốt trong khi đó lại đi thêm xa hơn bước nữa là làm tiếp thêm thủ tục hành chính sát nhập Hoàng Sa và Trường sa và Đảo Hải nam gọi đây là Quận Tam-sa.

Thưa, Ngài! Những ngày qua bầu không khí tại khu vực này như lại càng nóng lên khi nhiều dân lành Việt nam đã bị cướp tầu và các phương tiện sinh sống trở về nhà với hai bàn tay trắng luôn luôn tinh thần bị hoảng loạn sau những ngày bị hành hạ lo cho số mạng của mình và vợ con mình, rồi lại chuyện họ ngang nhiên tổ chức các tour du lịch đưa khách đến thăm Hoàng Sa, Trường sa những hòn đảo thuộc chủ quyền của Việt nam. Phải chăng đây là biểu hiện rõ nét nhất về việc Trung quốc quyết tâm thể hiện ý chí muốn biến biển Đông thành biển nhà mình, bất chấp công uớc quốc tế không tuân thủ các nguyên tắc ứng xử về biển như họ đã cam kết với Việt nam và các quốc gia trong khu vực và thể hiện ý đồ hớp thức hóa phù phép để biến đảo và biển của Việt nam thành của mình? Chuyện Trung quốc bất chấp sự phản đối của chính phủ và nhân dân Việt nam về việc tổ chức cho dân đi thăm quan du lịch tài đây như là giọt nước gây tràn ly, tạo nên làn sóng phẫn nộ của toàn thể nhân dân Việt nan trong và ngoài nước phản đối Trung quốc về hành động chiếm đoạt đảo và xâm lấn lãnh hải của Việt nam. Trung quốc đang lo sợ một Việt nam hoàn toàn khác với họ đã nhìn thấy xưa nay của một thời nhẫn chịu, kiên trì đàm phán trong tinh thần hữu nghị khi mà toàn dân, toàn quân và cả kiều bào Việt nam đang sưu tầm những bằng chứng lịch sử không thể chối cãi về chủ quyền lãnh hải, về đảo của mình về Trường sa và Hoàng sa. Hơn ai hết ngài đại sứ đã được nhìn tận mắt các chứng cứ không thể chối cãi khi người dân Việt nam ở khắp cả nước gửi về đó là các tài liệu lịch sử và các mộc bản của các vua chúa Việt nam còn cử người ra trông nom đảo biển của mình, điều đó đã được thể hiện bằng những chứng tích vừa thu được qua các phong dụ, bút tích của các triều đại vua chúa Việt nam, của nhà Nguyễn và mới đây nhất là của vua Bảo-Đại trao thưởng công cho các quần thần có công trông nom Hoàng sa và Trường sa thuộc chủ quyền Việt nam trong đó có cả các sỹ quan người Pháp. Những khu vực đó từ xưa đến nay chưa bao giờ có trong bản đồ chính thống của Trung quốc và mới đây thôi nhà Hán, nhà Thanh chưa hề coi đó là đảo và lãnh hải của mình.

Một mặt nữa, Ngài cũng đã thấy người Việt nam đã rất nhẫn nại và kìm chế tới mức không thể làm thêm được nữa vì nó đã chạm đến danh giới của danh dự và chủ quyền của dân tộc nên không thể thụ động khoanh tay ngồi nghe những gì Trung quốc nói mà đang rất quan tâm theo dõi sát sao nhìn những gì Trung quốc đã và đang làm. Nhiều người Việt nam quá bức xúc đã cầm cờ Việt nam đến đại sứ quan Trung quốc để phản đối, nhưng nghe theo lời khuyên giải của Đảng, của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nhà nước Việt nam mà phải bầm gan tím ruột chịu nhịn, nhiều người như không nén chịu nổi nên đã nhiều lần chính quyền Việt nam đã phải bắt họ mà tâm những người ấy thấy áy náy chẳng yên, vì biết rằng họ là người yêu nước quá bức xúc không cầm được lòng mà làm như vậy nhưng vì tình hữu nghị giữa hai nước mà vẫn phải làm, điều này Ngài thấy rõ hơn ai hết. Vì thế chuyện nhà nước Việt nam dẫu kinh tế còn nhiều khó khăn, đời sống dân còn nhiều khó khăn, còn nghèo khó nhưng nhân dân rất vui vẻ đồng tình với việc nhà nước phải dành tài chính mua sắm vũ khí như tầu ngầm, máy bay chiến đấu, hỏa tiễn để bảo vệ biển và đảo của mình, đặc biệt khi mà Hoàng sa và Trường sa là vùng biển thuộc chủ quyền của Việt nam là một điều rất dễ hiểu. Không những thế nơi nơi nô nức sưu tầm hiến tặng các văn kiện, di tích lịch sử khẳng định chủa quyển về biển và đảo của Việt nam từ những đời vua chúa trước đây. Trong các văn bản gửi về mới thấy rằng đó là những bằng chứng có giá trị pháp lý vô cùng quý giá, đây thực là công trình bảo vệ đất nước của toàn dân. Đáng chú ý nhất có những tại liệu từ các triều đại phong kiến Việt nam Trần, hậu Lê, Nguyễn cho đến thời thuộc Pháp đã chứng minh hùng hồn chủ quyền của đất nước Việt nam trên hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa và ngay cả đến thời thuộc Pháp không hề có dấu ấn dù nhỏ nhất nào về chủ quyền mơ hồ của phía Trung quốc với hai quần đảo này. Có thể nói, đây là những cơ sở vững chắc cho thắng lợi quan trọng của Việt nam về mặt chứng cứ pháp lý.

Thưa ngài! Người Trung quốc cũng có những câu châm ngôn tương tự của Việt nam đó là: “ thương nhau rào dậu cho kín”, trước những thách thức lớn không gì hơn là Việt nam buộc phải trang bị hiện đại hóa quân đội của mình, công khai minh bạch trước dư luận quốc tế về chủ quyền Biển và Hải đảo của mình bằng các chứng cứ lịch sử và pháp lý không thể chối cãi, một mặt vẫn phải tăng cường khả năng phòng thủ và bảo về Biển và Đảo thuộc chủ quyền của đất nước. Ba mưoi năm qua chính phủ Việt nam đã làm hết sức mình với tất cả những gì có thể làm được kiên trì, nhẫn nại, bền bỉ thuyết phục phái Trung quốc hãy tôn trong tình hữu nghị giữa hai dân tộc, giải quyết những vấn đề tranh chấp chủ quyền về lãnh hải, đảo trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng chủ quyền lãnh hải của nhau có lý, có tình, hợp với các công ước quốc tế và những bằng chứng lịch sử đã ghi lại của cả hai nước. Nhưng rất tiếc, 30 năm ấy đã qua đi mà cuộc đàm phán đôi bên vẫn không tiến triển gì hơn mà còn thậm chí càng ngày càng tệ đi như đã phân tích ở trên.

Thưa ngài đại sứ ! Việc đưa người ra các đảo thuộc chủ quyền của Việt nam du lịch của phía Trung quốc đã vấp phải sự phản đối mãnh liệt của không những đồng bào trong nước mà cả của kiều bào Việt nam đang sinh sống tại nước ngoài, vấp phải sự phản ứng gay gắt hiếm có của các trí thức, các vị tướng lĩnh Việt nam. mà đại diện như lời phát biểu của Thượng tướng Phan Trung Kiên đã biểu thị rõ: “Nếu ai cố tình đi làm cái việc trái ngược với lương tâm, đạo lý của loài người thì sẽ bị trả giá”. Người ta cũng hoan hô lời tuyên bố của Tư lệnh Quân chủng Hải quân, trung tướng Đỗ Xuân Công: “ Chúng ta có đủ điều kiện bảo vệ vững chắc biển đảo”. Việc vi phạm trắng trợ chủ quyền lãnh hải của Việt nam cũng đã vấp phải sự lên án của dư luận quốc tế như ý kiến trung thực của tướng Daniel Schaeffer (Pháp) trong buổi hội thảo quốc phòng tại Hà nội rằng: “ sự thật về đường lưỡi bò của Trung Quốc với những vô lý của nó, dựa trên Công ước Luật biển Quốc tế 1982 và những bằng chứng lịch sử liên quan đến Biển Đông mà ông nhờ có điều kiện tiếp xúc sớm và tiếp tục tìm kiếm các tài liệu quý về Biển Đông tại Pháp để đưa ra các bàng chứng lịch sử không thể chối cãi. (Ông Daniel Schaeffer từng là tùy viên quân sự Pháp tại Thái Lan, Việt Nam, và Trung Quốc). Ông cho là “ ASEAN phải hành động cùng nhau trước khi thảo luận với Trung Quốc. Bằng cách đối thoại, dần dần từng bước vấn đề Biển Đông sẽ được giải quyết. Và sẽ là hữu ích nếu ASEAN tìm sự hỗ trợ từ các chuyên gia bên ngoài – đã thấy đủ ý chí độc chiếm biển Đông của Trung quốc”. Nhận định của viên tướng này nay cũng trở thành nhận định của nhiều vị tướng lĩnh Hoa kỳ, Pháp, Đức và nay đã trở thành các câu nói cửa miệng của các nhà lãnh đạo các nước Đông Nam Á cũng như các nhà bình luận quân sự hiện nay. Ngài cũng có thể thấy được như dư luận trên thế giới đều cho rằng nếu Việt nam đưa vấn đề này ra trước toàn án Quốc tế La-Hay-Hà lan thì phần thắng chắc chắn thuộc về phía Việt nam và người ta đoán biết trước là phía Trung quốc sẽ không có mặt và không chấp nhận quyết định này, nhưng dù thế nào cũng phải làm vậy vì không còn cách nào khác và đây sẽ là một thắng lợi pháp lý mạnh mẽ của đất nước tôi.

Thưa ngài! Chúng tôi không hề coi thường sức mạnh quân sự hiện nay của Trung quốc đó là điều không chối cãi vì chúng tôi đã được chứng kiến các ngài đem trưng khoe mỗi dịp quốc khánh và qua việc Trungq uốc đã đổ rất nhiều tiền trong việc tân trang mua sắm vũ khí nhưng không có nghĩa là khiến cho các quốc gia sợ đến mức không giám phản ứng và hành động để bảo vệ chủ quyền về lãnh hải, lãnh thổ đảo của chính mình. Nếu có một ai đó đặt ra câu hỏi: Việt nam có sợ một Trung quốc mạnh? Thì Ngài ở ngay thủ đô nước tôi, ngài sẽ được nghe và thấy 78 triệu nắm tay của Việt nam dương cao mà đôngt thanh nói rằng “ Việt nam không sợ mà chỉ phải cảnh giác, có vậy thôi.” Điều này Ngài cũng đã được thấy trong bầu không khí sôi nổi đầy lòng yêu nước của các vị tướng lĩnh, các nhà trí thức, các lãnh đạo nhà nước và kiều bào đầu năm qua đã diễn ra tại Hà nội. Mọi quốc gia trong khu vực đang hân hoan chào đón việc Việt nam đang tiếp quản vai trò chủ tịch các quốc gia Đông Nam Á tới đây và hy vọng vấn đề biển và Đảo trong khu vực tranh chấp sẽ sớm được giải quyết ổn thỏa trên tinh thần của công ước quốc tế và của lịch sử đã để lại, có lý có tình. Người ta tin tưởng Việt nam sẽ hoàn thành xứng đáng vai trò lãnh đạo này cũng tương tự như vai trò trong hội đồng bảo an Liên hợp quốc mà Việt nam đang đảm nhận những năm qua. Đất nước tôi đã để lại tiếng thơm rất đáng trâng trọng qua việc giải quyết các tranh chấp quốc tế có lý có tình. Đất nước Việt nam luôn luôn yêu chuộng hòa bình, muốn giải quyết các bất đồng bằng biện pháp thương lượng trên những nguyên tắc của luật pháp quốc tế và tôn trọng bình đẳng có lý có tình chứ không phải là sợ đến mức không thể bảo vệ nổi Biển và đảo của mình. Đúng như chủ Tịch Nguyễn minh Triết đã nói: “trong tình hình hiện nay, lực lượng quân đội, nhất là hải quân nhân dân, phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác trong nhiệm vụ bảo vệ từng tấc đất, biển đảo của tổ quốc”.

Quay trở lại về lời phát biểu của Ngài đại sứ, tôi thành thực phải nói ra lời này ba mươi năm chúng ta đã ngồi với nhau nói chuyện này mà chẳng đi đến đâu, lời nói của ngài quả thật vẫn không có gì mới, giờ chúng tôi không thể cứ bị các ngài dẫn dắt đếm mụ đầu quyên ý thức bảo vệ lãnh hải và đảo thân yêu của mình được và nếu nghe lời khuyên của ngàu là “chờ đến thời cơ chín muồi để xây dựng kinh tế thì Trung quốc sẽ lập xong các cơ sở quân sự, cơ quan hành chính và mọi phương tiện tại những đảo và khu vực biển của Việt nam, còn gì nữa mà bàn? Lúc đó mới là sự đau khổ cho quan hệ hai nước vì chẳng còn gì để nói chuyện với nhau, những cái cầu Kha-long và đường Hữu nghị quan có còn mà chẳng thể cho người đôi bên qua lại. Nhân dân Việt nam dù sống ở trong nước hay ở khắp hành tinh này ngày đêm ai cũng bận rộn lo toan làm ăn, nhưng không phải vì tiền của, vì kinh tế đến mức mà quyên đi đất nước và người thân yêu của mình, quyên đi lãnh hải, Hoàng sa, Trường sa đang bị đất nước Ngài đã chiếm đóng trái phép. Chúng tôi quyết tâm đến cùng đòi lại cái gì mà đất nước chúng tôi đã bị cướp , đó là nghĩa vụ thiêng liêng của mọi người Việt nam chúng tôi.

Thưa Ngài! Theo tôi, ngay bây giờ nếu phía Trung quốc thực sự tôn trọng tình hữu nghị còn vớt vát được giữa hai nước thì hãy nghiêm chỉnh ngồi vào giải quyết nhanh chóng dứt điểm vấn đề gai góc này nếu có đau cũng cứ phải làm đến tận cùng. Chúng tôi cũng đã lường biết rằng chuyện giải quyết hôm nay còn khó huống là chuyện sau này như ngài nói là để hai nước phát triển kinh tế và thời cơ chín muồi. Đó phải chăng như nhận định cuỉa ông Trần Hoàng Việt, một rí thức Việt kiều tại Bỉ đã nói:“là cái bẫy họ giăng ra và là thủ pháp họ đã làm suốt 30 năm qua để thôn tính đảo và chủ quyền biển của Việt nam khẩu hiệu lúc này sẽ là: “Hãy kiên quyết đòi giải quyết ngay dứt khoát chủ quyền về đảo và biển của Việt nam ngay lúc này, không thể hẹn đến ngày sau.”

Thưa ngài! Người dân Trung quốc cũng giống như người Việt nam đều có câu ngạn ngữ sau đây: “cứt trâu để lâu hóa bùn” và cha ông chúng tôi đã có câu nói chí tình chí lý mà người Trung quốc vẫn hay được nghe là: “ thương nhau rào rậu cho kín”. Nếu còn thương yêu nhau, tôn trọng quý mến nhau thì xin hãy cưa đứt đục suốt, sòng phẳng trên tinh thần bình đẳng tôn trọng lẫn nhau và cái gì của ai xin trả lại cho chủ nhân nó. Đó là sự công bằng hợp lý hợp tình. Các quý vị có thể đưa ra những bằng chứng lịch sử chứng minh cái gì là của mình và chúng tôi cũng sẽ làm như vậy trước một tòa án quốc tế để giải quyết cho dứt điểm vấn đề trên đây. Việt nam và Trung quốc đã có biết bao kỷ niệm mà điều vui thì ít mà đau đớn thì nhiều mà phần lớn người gánh chịu hậu quả lại là Việt nam chúng tôi.

Biển Đông luôn bị nổi sóng đó là do gió không ngừng thổi, cũng như cây kia muốn đứng yên mà gió chẳng ngừng, chỉ cần gió ngừng thổi là sóng sẽ yên, biển phẳng lặng như gương, vậy sóng liên tục vỡ vào bờ hình chữ S này đó là do đâu? Thiết tưởng Ngài và những người lãnh đạo Trung quốc có thể tự trả lời lấy câu hỏi đó. Còn làm gì cho gió không thổi thì mỗi quốc gia đều phải có cách làm của riêng mình nếu chúng ta không cùng một tâm niệm, một tinh thần thì gió khó dừng, còn khi tôn trong lẫn nhau, biết lấy lẽ phải mà cư xử, trả lại cho nhau cái mình đã lấy thì gió sẽ yên, biển sẽ phẳng lặng, tôi tin vào đạo lý này.

Ngày 17 tháng 1 năm 2010.

Trần Hoàng Hải

This entry was posted in Ngoại Giao, Trung Quốc and tagged . Bookmark the permalink.