Trong chủ trương chung của BVN trước nay không hề có việc đăng những bài góp ý cho cương lĩnh Đại hội Đảng CSVN lần thứ XI, cũng như những bài của các vị lão thành cách mạng gửi đến Bộ Chính trị và BCH trung ương ĐCSVN nhằm góp ý về nhân sự hoặc nêu khuyết điểm của từng người trong Ban lãnh đạo Đảng đương chức đương quyền. Tuy nhiên, bài viết của Trúc Diệp Thanh Góp ý cho Đảng thì không thể có vùng cấm gửi trực tiếp tới chúng tôi xét ra chỉ có tính cách nêu lên những nguyên tắc phương pháp luận chung trong việc góp ý, là lời bàn góp vào ý kiến của cựu nhà báo và nhà chính trị Hữu Thọ cũng về vấn đề này. Vì vậy xin trân trọng đăng lên để bạn đọc cùng tham khảo, và xin xem đây là một trường hợp ngoại lệ không lặp lại.
Bauxite Việt Nam
Đây là điều khẳng định của nhà báo Hữu Thọ, người từng giữ nhiều trọng trách: Tổng biên tập báo Nhân dân, Trưởng ban Văn hóa Tư tưởng TƯ (nay là Ban Tuyên giáo TƯ) và cũng là người được giao nhiệm vụ tổng hợp ý kiến đóng góp của nhân dân đối với các văn kiện Đại hội X của Đảng 4 năm về trước.
Ngày 15/9/2010 các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XI đã được công bố rộng rãi để lấy ý kiến nhân dân. Trong lúc chưa có hướng dẫn về định hướng thảo luận lấy ý kiến đóng góp cho các dự thảo văn kiện, phóng viên báo Pháp luật TP HCM Nghĩa Nhân đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Hữu Thọ xung quanh đề tài nhạy cảm này. Toàn văn bài báo của tác giả Nghĩa Nhân đã đăng trên báo Pháp luật TP HCM, ngày 20/9/2010. Người viết bài này chỉ lưu ý đến một nội dung đã được đề cập trong cuộc trò chuyện nêu trên. (Đoạn chữ nghiêng dưới đây là trích nguyên văn bài báo nói trên).
Pháp luật TP. HCM: Cho đến nay thì chưa thấy có định hướng nào về nội dung thảo luận. Nhưng nhiều người băn khoăn là liệu có giới hạn nào không trong góp ý cho các dự thảo văn kiện trình Đại hội XI?
Nhà báo Hữu Thọ: Tôi nghĩ nếu có hướng dẫn thì cũng chỉ là định hướng mang tính trọng tâm, gợi ý thảo luận thôi chứ khó có thể đặt ra một hạn chế nào. Hồi chuẩn bị Đại hội lần X có ý kiến cho rằng một số vấn đề phải cấm bàn: Đảng lãnh đạo, CNXH, kinh tế nhà nước là chủ đạo… Tôi mới bảo chốt lại thế thì đưa ra thảo luận làm gì. Cuối cùng thì không thể đưa ra vùng cấm nào cả.
Dư luận rất dồng tình với ý kiến của nhà báo Hữu Thọ. Nếu Đảng phát huy dân chủ, tôn trọng ý kiến của dân thì đương nhiên là không có vùng cấm nào (trong phạm vi thảo luận các nội dung các văn kiện Đảng trưng cầu nhân dân góp ý). Thế nhưng Ban Tuyên giáo TƯ ban hành văn bản số 112-HD/BTGTƯ ngày 10/9/2010 hướng dẫn việc công bố và lấy ý kiến góp ý của các tổ chức, cán bộ, đảng viên và nhân dân vào các dự thảo văn kiện BCHTƯ (Khóa X) trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng lại đi ngược với những ý kiến khẳng định của nhà báo Hữu Thọ và cũng là đi ngược với điều mong đợi của đông đảo người sẵn sàng góp ý với Đảng. Cụ thể:
Văn bản 112-HD/BTGTƯ ngày 10/9/2010 nêu mục đích:
“Việc công bố và lấy ý kiến cán bộ, đảng viên nhân dân vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XI của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa quan trọng nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.”
Nhưng mục yêu cầu lại có quy định:
“Không đăng và phát trên các phương tiện thông tin đại chúng những ý kiến phản bác chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về học thuyết Mác-Lê nin và tư tưởng HCM, về vai trò lãnh đạo của Đảng; những vấn đề cần giữ bí mật về quốc phòng, an ninh đối ngoại, những ý kiến đả kích cá nhân hoặc tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước.”
Như vậy là vẫn có vùng cấm trong góp ý cho văn kiện đại hội XI của Đảng. Về chủ trương như trên, xin được nêu hai ý kiến:
Một là: “Đảng CSVN là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc VN, đại biểu trong thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc.” Điều đó cũng có nghĩa là Đảng dù có là đội ngũ tiên phong nhưng vẫn là một bộ phận của dân tộc, đặt dưới lợi ích của dân tộc. Dân tộc là vĩnh viễn, Đảng chỉ là một tổ chức xuất hiện trong một giai đoạn nhất định. Nếu vì lợi ích của dân tộc thì Đảng không có vấn đề gì phải giấu giếm dân tộc. Đường lối quan điểm của Đảng là nhằm phục vụ lợi ích của dân tộc, thì vì sao ngăn chặn không cho dân tộc góp ý kiến? Khoanh vùng cấm như trên phải chăng Đảng tự cho mình quyền tự quyết định một số vấn đề tối thượng mà không ai có quyền góp ý kiến? Như thế thì làm gì còn có chuyện “phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước” như mục đích trên văn bản?
Hai là: văn bản của Ban Tuyên giáo TƯ đặt chung việc người dân góp ý cho đường lối chính sách, quan điểm của Đảng cùng chung một rọ với những vấn đề chống đối mang tính chất đối kháng: bí mật về quốc phòng, an ninh đối ngoại, đả kích tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước để cấm đoán là không hợp lý gây hiểu nhầm rằng góp ý cho đường lối quan điểm của Đảng cũng nguy hại như việc tiết lộ bí mật quốc gia, an ninh quốc phòng…
Góp ý cho văn kiện Đại hội X thì không có vùng cấm, đến nay sau 4 năm việc góp ý cho văn kiện Đại hội XI lại có vùng cấm, như vậy là tiến lên hay thụt lùi về phương diện phát huy dân chủ?
T. D. T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN