Cho đến nay 5 quan chức cấp cao của Vinashin đã bị cơ quan an ninh điều tra bắt tạm giam theo luật định. Mặc dù các quan chức này khi bị bắt chỉ mới bị khởi tố về hành vi cố ý làm trái các quy định nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là tội danh khá “nhẹ nhàng”, so với thảm họa mà họ đã gây ra đối với Vinashin (thực chất là đối với đất nước) bởi theo điều 165 Bộ Luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009, mức hình phạt (theo khoản 3) mức hình phạt cao nhất đối với hành vi này, trong trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng chỉ mới bị phạt tù đến… hai mươi năm.
Trong số các quan chức đã và đang bị “chiếu” có một kẻ không thuộc hàng “quan chức” đang bị truy nã nhưng gây hồi hộp không kém đối với những ai quan tâm đến “cuộn phim đen” Vinashin đó là Giang Kim Đạt. Vậy anh ta là ai?
Theo tác giả Lê Trung Thành trong bài “Vinashin – Chuyện bây giờ mới kể” (bài 2) đăng bởi BauxiteVietnam, người ta nhận diện ra Giang Kim Đạt trong đoạn sau: “Dự án tổ chức vận tải hành khách, hàng hóa trên biển tuyến Bắc – Nam bằng tàu biển “cao tốc” của Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin (VNS) được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt ngày 12.4.2007 với nội dung cho VNS mua và đóng mới một số tàu, có tổng mức đầu tư từ 1.5 đến 2 tỷ USD. Chắc chắn là, các tác giả của dự án này phải “hót” hay lắm nên được ông Hồ Nghĩa Dũng – “tân” Bộ trưởng GTVT – chấp thuận ngay trước khi gửi lên thủ tướng. Ông Trần Văn Liêm, Tổng Giám đốc VNS vội vã bay sang Ý cùng một nhà “môi giới” thân quen, đã sát cánh bên ông qua nhiều phi vụ mua tàu cũ. Anh ta còn trẻ, tuy chẳng được học hành bài bản như ông nhưng nhanh nhẹn, chịu chơi, chịu chi, sống ở Sài Gòn trong một gia đình có nghề đi biển, anh ta có nhiều mối quan hệ, vì vậy chuyện chắp nối trở thành “đệ tử ruột” của Tổng Giám đốc VNS là điều dễ hiểu. Chuyến đi mua tàu chở khách được sắp đặt trước nên khá mau mắn, ông Liêm và nhà môi giới trẻ tuổi – Giang Kim Đạt – quyết định chọn mua tàu Cartour cao 7 tầng”.
Không chỉ có tàu Hoa Sen trị giá 1.300 tỷ đồng đầy tai tiếng, biểu tượng cay đắng của “thương hiệu” Vinashin, nhà môi giới trẻ “tài cao, chí lớn” Giang Kim Đạt còn xuất hiện trong 9 thương vụ mua tàu cũ nát khác của Vinashin mà trực tiếp là Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin. 9 con tàu cũ nát đó được Công ty này mua với tổng trị giá 3.136 tỷ đồng với tuổi trên 15 năm (2 tàu tuổi 26 năm, 4 tàu tuổi 22 đến 24 năm). Đội tàu đó cũ nát “tới mức nó không thể đáp ứng được các yêu cầu đăng kiểm tại Việt Nam. Vì vậy, các tàu trên dù đã được Vinashin mua nhưng không thể treo cờ Việt Nam mà vẫn cắm cờ nước ngoài như Panama, Tuvalu, Liberia để hoạt động vận tải” (theo laodong.com.vn).
Giang Kim Đạt xuất hiện tại VNS tại thời điểm tháng 5/2006, sau vài tháng làm chuyên viên, đến tháng 8/2006, Giang Kim Đạt được Tổng giám đốc Trần Văn Liêm bổ nhiệm làm Trưởng phòng Kinh doanh. Mặc dù Công ty này, là một trong những công ty Nhà nước ngoại lệ (gần như rất ít cán bộ lãnh đạo và công nhân viên có hồ sơ cá nhân gốc nộp và được quản lý tại Phòng Tổ chức, chủ yếu là các giấy tờ photo, thậm chí không công chứng); Giang Kim Đạt cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, theo những thứ ít ỏi nhất của Giang Kim Đạt còn sót lại tại Công ty này thì anh ta còn khá trẻ, sinh năm 1977, tại Thái Bình; đăng ký thường trú tại 401 Xô viết Nghệ Tĩnh, phường 24, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh; trình độ theo tờ khai là chuyên viên cao đẳng (!).
Sau khi hoàn thành các thương vụ mua tàu cho VNS trong thời gian 2006- 2007, năm 2007 Giang Kim Đạt “biến” khỏi VNS để lại Công ty này nhiều huyền thoại, kể cả những đứa trẻ thú vị mà trong giấy khai sinh chưa hề có tên cha?
Trước khi đến VNS, Giang Kim Đạt còn thiếu đủ thứ, thậm chí vay mượn tiền của anh em; nhưng sau khi hoàn thành sứ mệnh mua tàu, anh ta có đủ thứ, thậm chí còn biếu cả xe ô tô cho Tổng giám đốc khả kính của mình.
Giang Kim Đạt “biến”, nhưng cũng chưa biến mất. Anh ta lập công ty ở Singapore và còn xuất hiện tại VNS một lần nữa. Đầu năm 2008, khi suy thoái kinh tế thế giới tác động đến Việt Nam, Tổng Giám đốc Trần Văn Liêm vò đầu bứt tai với nhiều thứ cho đội tàu cũ nát như: chạy đôn, chạy đáo để lo tiền dầu, tiền thuyền viên, tiền phạt do tàu bị chính quyền cảng nước ngoài bắt giữ, tiền thuyền viên… thì Giang Kim Đạt lại xuất hiện như “thần tài”.
Ngày 10/5/2008, Giang Kim Đạt đặt bút ký hợp đồng lao động thứ hai, số 45/CB/2008 với Tổng Giám đốc Trần Văn Liêm với chức danh Quyền Trưởng phòng Kinh doanh. Khác với các trưởng phòng khác, VNS đón Giang Kim Đạt về như đón một “thần tài” thực sự: những bộ bàn ghế mới, máy vi tính mới được mua về gấp gáp; bàn làm việc có bánh kẹo ngon, hoa quả xịn; buổi ra mắt có champagne nổ đôm đốp và những tràng pháo tay. Vậy nhưng, ngày 20/6/2008, Giang Kim Đạt đã chấm dứt hợp đồng và chính thức “cao chạy xa bay” khỏi Việt Nam.
Lần trở lại vỏn vẹn 1 tháng này, Giang Kim Đạt không vực dậy được VNS, ngoài việc giúp Tổng Giám đốc Trần Văn Liêm bán vội được một số tàu (không ai được bàn bạc), trong đội tàu đã có lúc lên đến 19 chiếc của VNS?
Thực ra, lần trở lại này Giang Kim Đạt đã làm được một việc rất lớn: đó là chính thức đóng chiếc đinh cuối cùng lên nắp quan tài của ý tưởng vĩ cuồng: VNS sẽ có một đội tàu vận tải khách Bắc – Nam gồm 7 chiếc, thực hiện trong vòng 5 năm (2007 – 2012), trị giá hơn 2 tỷ USD và ý tưởng của Tổng Giám đốc Trần Văn Liêm về việc thành lập Tổng công ty Hàng hải Vinashin để cạnh tranh ngang ngửa với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines)!
T. T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN