BVN nghĩ mãi thấy cũng lạ. Chỉ trong một nhiệm kỳ làm Thủ tướng thôi không hiểu sao ông Nguyễn Tấn Dũng lại để lộ quá nhiều sai phạm về mặt nghiệp vụ, để xảy ra hậu quả khủng khiếp cho đất nước như vụ con tàu Vinashin sắp đắm làm kinh tế cả nước lao đao vật vã những muốn chìm theo. Thế mà ông vẫn bằng chân như vại đi đọc diễn văn hết nơi này nơi kia, tưởng như mọi việc từ trước đều trơn tru không có điều gì đáng tiếc cả. Thế mà cũng được ư? Nhìn ở tầm mắt bao quát đường lối chính sách thì ông lại liên tiếp ban hành nhiều quyết định, quy định… trái ngược với Hiến pháp và pháp luật, đến nỗi ông Cù Huy Hà Vũ từng một phen phải đem ông ra trước thần công lý mà về phía ông, hình như không có cơ sở lý luận nào bác lại nên đành… làm thinh, coi như không có cái đơn kiện mình ấy. Và bây giờ lại là một đơn khiếu nại của ông Cù Huy Hà Vũ về việc ông đưa ra một quy định vô lối, không cho phép người dân khiếu kiện tập thể để đòi lại quyền lợi chính đáng của họ trong trường hợp bị Nhà nước xâm hại. Liệu lần này ông có để cho Tòa án Tối cao vào cuộc nhằm “che chắn” cho ông như lần trước, nói cách khác là phủi trách nhiệm chuyến nữa hay không. Ông làm thế cũng chẳng sao đâu, và tất nhiên ông Cù Huy Hà Vũ là dân đen thì làm gì mà đương đầu với ông được. Nhưng thưa ông, đối với bàn dân thiên hạ, ở thời buổi tin tức và dư luận đi nhanh hơn điện, chuyện đúng sai hay dở lại không ở chỗ anh dùng uy thế của mình để át người là xong đâu. Cũng chẳng có thứ chức quyền gì hoặc tổ chức cao sang gì khiến người ta phải mê tít đối với anh và nhìn vào mặt anh tự nhiên không còn thấy một vết nhọ nào nữa cả. Mọi thứ bùa thiêng như thế đã bị giải từ khuya mất rồi, thưa ông. Rất mong ông lần này hãy thực sự cầu thị đối thoại với tiếng nói của công dân. Đó mới là tư cách một đấng trượng phu bản lĩnh dưới gầm trời này chứ.
Bauxite Việt Nam
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
———————————————————–
Hà Nội ngày 11/9/2010
ĐƠN KHIẾU NẠI
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG DO BAN HÀNH
QUY ĐỊNH CẤM KHIẾU NẠI TẬP THỂ TRÁI HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng
NGƯỜI KHIẾU NẠI: Cù Huy Hà Vũ, Tiến sĩ Luật, 24 Điện Biên Phủ – Hà Nội.
NGƯỜI BỊ KHIẾU NẠI: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng
1 Hoàng Hoa Thám – Hà Nội
NỘI DUNG
Căn cứ Khoản 1 Điều1 Luật Khiếu nại, tố cáo (Công dân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính Nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình), bằng Đơn này tôi khiếu nại Thủ tướng về hành vi hành chính trái Hiến pháp và pháp luật sau đây của Thủ tướng.
Ngày 26/8/2010 Thanh tra Chính phủ ra Thông tư số 04/2010/TT-TTCP Quy định Quy trình xử lý đơn khiếu nai, đơn tố cáo, đơn phản ánh, kiến nghị liên quan đến khiếu nại, tố cáo. Điều 8 Thông tư quy định: “Đơn khiếu nại có họ, tên, chữ ký của nhiều người thì cán bộ xử lý đơn đề xuất Thủ trưởng cơ quan chuyển trả đơn và toàn bộ tài liệu kèm theo (nếu có) cho người gửi đơn và hướng dẫn người khiếu nại, viết đơn khiếu nại riêng của từng người, gửi đến cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền để được giải quyết theo quy định của pháp luật. Việc trả lại đơn được thực hiện theo mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư này”.
Mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư có nội dung: “Căn cứ nội dung đơn khiếu nại, theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo, trả lại đơn khiếu nại của ông (bà). Đề nghị ông (bà) viết đơn khiếu nại riêng của từng người, gửi đến… để được giải quyết theo quy định của pháp luật”.
Sau khi đọc Thông tư số 04/2010/TT-TTCP ngày 26/8/2010 của Thanh tra Chính phủ, tôi tìm đọc Điều 6 Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo do chính Thủ tướng – Nguyễn Tấn Dũng – ký thì thấy Khoản 1 Điều này quy định: “Cơ quan Nhà nước khi nhận được đơn khiếu nại thì xử lý như sau: Đối với đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết và có đủ các điều kiện quy định tại Điều 2 Nghị định này thì phải thụ lý để giải quyết; trong trường hợp đơn khiếu nại có chữ ký của nhiều người thì có trách nhiệm hướng dẫn người khiếu nại viết thành đơn riêng để thực hiện việc khiếu nại”.
Tóm lại, tại Điều 6 Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 Thủ tướng quy định cấm khiếu nại tập thể.
Tôi, Cù Huy Hà Vũ, khẳng định việc Thủ tướng quy định cấm khiếu nại tập thể là việc làm, là hành vi hành chính hoàn toàn trái Hiến pháp và pháp luật với những căn cứ pháp luật sau đây:
– Điều 74 Hiến pháp quy định: “Công dân có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc bất cứ cá nhân nào. Việc khiếu nại, tố cáo phải được cơ quan Nhà nước xem xét, giải quyết trong thời hạn pháp luật quy định. Mọi hành vi xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân phải được kịp thời xử lý nghiêm minh. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất và phục hồi danh dự. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”.
– Điều 32 Luật Khiếu nại, tố cáo quy định: “Khiếu nại thuộc một trong các trường hợp sau đây không được thụ lý để giải quyết:
- Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;
- Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp;
- Người đại diện không hợp pháp;
- Thời hiệu khiếu nại, thời hạn khiếu nại tiếp đã hết;
- Việc khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;
- Việc khiếu nại đã được Toà án thụ lý để giải quyết hoặc đã có bản án, quyết định của Toà án“.
– Điều 2 Luât ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12 ngày 03/06/2008 của Quốc hội quy định: “Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật:
- Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.
- Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
- Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
- Nghị định của Chính phủ.
- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ…”
– Điều 3 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12 ngày 03/06/2008 của Quốc hội quy định: “Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật: 1. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật”.
Do Hiến pháp, Luật Khiếu nại, tố cáo không quy định cấm cơ quan Nhà nước thụ lý đơn có chữ ký của nhiều người nên Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ là trái Hiến pháp và Luật Khiếu nại, tố cáo hay không hợp Hiến, hợp pháp và vì vậy phải bị hủy bỏ!
Bên cạnh đó, căn cứ Khoản 2 Điều 83 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật (Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn) thì cơ quan Nhà nước áp dụng Điều 74 Hiến pháp và Điều 32 Luật Khiếu nại, tố cáo chứ không áp dụng Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ.
Không những thế, quy định cấm khiếu nại đông người tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ còn trái với các quy định khác của Hiến pháp và pháp luật:
1. Điều 69 Hiến pháp quy định: “Công dân có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Điều này có nghĩa nhiều công dân có quyền tập hợp nhau lại để có tiếng nói chung về một hoặc nhiều vấn đề, đồng nghĩa nhiều công dân có quyền cùng ký tên vào một văn bản dù đó là kiến nghị, đơn khiếu nại hay đơn tố cáo để yêu cầu một hay nhiều cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết một hay nhiều vấn đề vì quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
2. Điều 39 Luật Khiếu nại, tố cáo quy định: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết quy định tại Điều 36 của Luật khiếu nại, tố cáo mà khiếu nại không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án”.
Khoản 2 Điều 163 Bộ Luật tố tụng dân sự quy định: “Nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể cùng khởi kiện một cá nhân, một cơ quan, một tổ chức khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án”.
Như vậy, Luật Khiếu nại, tố cáo và Bộ Luật tố tụng dân sự cho phép nhiều người khiếu nại cùng ký đơn khởi kiện vụ án hành chính thì không lẽ Nghị định là văn bản dưới Luật lại có quyền cấm nhiều người khiếu nại cùng ký đơn khiếu nại!
Ngoài ra, việc cơ quan Nhà nước, cá nhân có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước ban hành văn bản tác động đến nhiều người, thậm chí đến rất nhiều người như quyết định cho phép khai thác, cho thuê tài nguyên, quyết định thu hồi đất… được coi là hợp pháp thì không có lý gì lại cấm nhiều người cùng ký đơn khiếu nại khi những người này có căn cứ cho rằng việc ban hành văn bản đó xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Điều nghiêm trọng không kém là quy định cấm khiếu nại tập thể hoàn toàn đi ngược lại Cải cách hành chính mà Nhà nước tuyên bố đang tiến hành, gây tốn kém vô cùng lớn cả về thời gian lẫn vật chất cho cơ quan Nhà nước đồng thời gây ách tắc trong giải quyết khiếu nại bởi thay vì giải quyết một vụ khiếu nại thì cơ quan Nhà nước phải giải quyết hàng chục, hàng trăm vụ khiếu nại, thậm chí gấp nhiều lần hơn tương ứng với số lượng người khiếu nại nạn nhân của cùng văn bản, hành vi hành chính trái pháp luật trong khi nhân sự của cơ quan Nhà nước là có hạn.
Cuối cùng, giải quyết tình trạng khiếu nại của đông người nạn nhân của các văn bản, hành vi hành chính trái Hiến pháp và pháp luật, tức nạn nhân của các hành vi phản dân chủ, bằng hành vi phản dân chủ khác – mà ở đây là quy định cấm khiếu nại tập thể – không nghi ngờ gì nữa, chỉ có tác dụng dồn đông đảo những khối dân oan vốn đã ở tột cùng của sự kiên nhẫn vào thế “tức nước vỡ bờ” với hậu quả thảm khốc đã có thể nhìn thấy trước cho cả hai phía!
YÊU CẦU
Để bảo vệ nghiêm cẩn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được Hiến pháp và pháp luật quy định cũng như để góp phần bảo đảm ổn định xã hội, tôi, Cù Huy Hà Vũ, yêu cầu Thủ tướng ngay lập tức hủy bỏ quy định cấm khiếu nại tập thể tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ và yêu cầu Tổng Thanh tra Chính phủ hủy bỏ Điều 8 có cùng nội dung của Thông tư số 04/2010/TT-TTCP ngày 26/8/2010 của Thanh tra Chính phủ Quy định Quy trình xử lý đơn khiếu nại đơn tố cáo, đơn phản ánh, kiến nghị liên quan đến khiếu nại, tố cáo.
Tôi chân thành cảm ơn Thủ tướng,
NGƯỜI KHIẾU NẠI
CÙ HUY HÀ VŨ
ĐT: 0904350187
Email: havulaw@yahoo.com
Phụ lục: Nguyên bản trang cuối Đơn Khiếu nại và Hóa đơn Bưu điện gửi Thủ tướng