Ngày 2-9-1945 tại quảng trường Ba đình lịch sử ở Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa *, xóa bỏ ách thống trị của thực dân và nền quân chủ chuyên chế, lập nên chế dộ cộng hòa dân chủ – một bước ngoặt trọng đại trong lịch sử của dân tộc Việt Nam ta.
Mở đầu bản Tuyên ngôn, chủ tịch HCM đã trích dẫn chân lý sáng ngời từ bản Tuyên ngôn Độc lập 1776 của Mỹ và Tuyên ngôn Dân quyền 1791 của Pháp như sau:
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.”
“Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
Nhiều lúc tôi cứ suy nghĩ tại sao chủ tịch HCM, đã từng hoạt động ở Liên Xô trong Quốc tế Cộng sản, lại không viết bản Tuyên ngôn dựa trên các nguyên lý của chính quyền Xô viét để lập ra chế độ XHCN – một chính quyền công nông, chuyên chính vô sản như Liên Xô?
Hai chữ Liên Xô tên viết tắt của “Liên bang các nước cộng hòa XHCN Xô viết” gợi lại một chính thể độc tài do giai cấp vô sản lãnh đạo. Cụm từ “Dictature du proletariat” hay “Диктатура пролетариата” mà Marx và Lenin đã dùng, là chuyên chính vô sản đồng nghĩa với độc tài. Vậy thì khi thành lập một nước cộng hòa dân chủ không thể thay thế một nền độc tài do vua trị vì (quân chủ chuyên chế) bằng một nền độc tài khác là chuyên chính vô sản được.
Đó là phân tích theo ngữ nghĩa, còn thực tế lịch sử thì như chúng ta đã rõ: đầu thập niên 90 của thế kỷ trước Liên bang Xô viết gồm 15 nước cộng hòa XHCN và các nước XHCN Đông Âu đã hoàn toàn sụp đổ. Cái mô hình không tưởng của Marx đã không thể thực hiện được.
Có lẽ cụ HCM đã nhìn nhận ra vấn đề này từ rất sớm. Thể chế cộng hòa dân chủ mà Mỹ và Pháp thể hiện trong các văn bản tuyên ngôn của mình là hoàn toàn tiến bộ nếu không muốn nói là tiến bộ nhất của loài người cho đến thời điểm hiện nay. Những câu được trích và dùng cho mở đầu của bản Tuyên ngôn Độc lập của nước VN là bất hủ. Tầm nhìn của HCM là tầm nhìn thời đại!
Tôi lại được đọc trong một số tài liệu trên mạng là sau khi giành được độc lập, đầu năm 1946 HCM đã viết thư gửi Tổng thống Mỹ đề nghị Mỹ và Liên Hợp Quốc công nhận và ủng hộ nền độc lập của VN, nhưng Mỹ đã từ chối.
Trong lúc mới thành lập, nước ta còn nhiều thiếu thốn sau nạn đói năm 45, chính quyền còn non trẻ lại phải đối phó với hàng loạt kẻ thù: giặc Pháp lăm le quay lại VN, hàng vạn quân Tưởng ở miền Bắc và quân Anh vào giải giáp quân Nhật ở miền Nam. Tình tình đó có lẽ bắt buộc người cầm đầu Chính phủ dù không muốn cũng phải cầu cứu Liên Xô và sau này với Trung Quốc (Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949).
Và có lẽ vì thế mà chính thể dân chủ của VN, rất tiếc, đã không thể phát triển theo mô hình của Mỹ, Pháp mà dần dần phải đi theo các mô hình như LX, TQ sau nảy (?)
Một ví dụ đau lòng là năm 1953 VN đã sai lầm phát động Cải cách ruộng đất theo kiểu chống kulac, địa chủ để thành lập hợp tác xã nông nghiệp như kolkhoz hay nông trang tập thể như ở LX và TQ. Để đến nỗi hàng nghìn người bị giết hại, mất tài sản. Và sau đó Chủ tịch HCM đã nhận ra sai lầm đáng tiếc này và đã xin lỗi trước nhân dân năm 1956. Tuy có sửa sai nhưng ruộng đất vẫn không được trả lại cho người chủ sở hữu. Tầng lớp tư sản cũng bị đánh tơi bời, trái với câu trong Tuyên ngôn Độc lập khi lên án chế độ thực dân Pháp: “Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên”.
Còn ngày nay thì chúng ta lại vinh danh các doanh nhân (lớp tư sản mới) trong chính sách phát triển kinh tế thị trường. Người nông dân mất ruộng, không có công ăn việc làm bởi các “dự án” do các công ty hưởng lợi mà lớp địa chủ mới này lại có quyền bán lại đất đai đó với giá cao gấp 10, 100 lần so với số tiền người nông dân được đền bù.
Về việc xây dựng chính thể dân chủ mới, HCM đã không theo thể chế Dân chủ hội đồng (Xô viết) của Lenin, mà chủ trương bầu cử đại diện theo kiểu phương Tây. Quốc hội đầu tiên được thành lập thông qua tổng tuyển cử tự do đối với những người ứng cử, cũng như đối với cử tri ngày 6/1/1946 với 70 ghế dành cho Việt Quốc và Việt Cách. Người đứng đầu Quốc hội là cụ Bùi Bằng Đoàn (nguyên là Thượng thư bộ Hình triều đình Huế).
Sau đó (2/3/1946) một Chính phủ liên hiệp được lập ra do Chủ tịch HCM đứng đầu cùng với sự tham gia của các nhân sỹ trí thức thuộc nhiều đảng phái khác nhau kể cả quan lại của chế độ cũ (như Phan Kế Toại, nguyên là Khâm sai Bắc Bộ của Chính phủ Trần Trọng Kim, Nguyễn Tường Tam, Đảng Việt quốc, Vũ Đình Hòe, Đảng Dân chủ, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Anh, không đảng phái, Võ Nguyên Giáp, Việt Minh…). Sự tập hợp này nhằm đảm bảo tính đoàn kết, hòa hợp dân tộc giữa các đảng phái trong nước để thực hiện mục đích chung là “kiến quốc. Vì mục đích cao cả đó, HCM đã sáng suốt chiêu hiền đãi sỹ, thu hút người có tài có đức phục vụ đất nước: “Nước nhà cần phải được kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài đức…” (Trích thư của Hồ Chủ tịch gửi các địa phương chiêu mộ người hiền tài). HCM quả xứng đáng là một vị lãnh tụ tài giỏi, thông minh mà sau này khó có ai sánh kịp. Đất nước ta ngày nay đang rất cần một lãnh tụ có tầm tư duy như vậy. Không lẽ trong số 85 triệu dân hiện nay lại không có ai có thể đảm trách được việc đó?
Lập nên thể chế cộng hòa hay cộng hòa dân chủ là việc xác lập quyền chủ nhân ông của đất nước. Người chủ đất nước không ai khác mà chính là Dân (không phân biệt thành phần, giới tính, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo…). Và chỉ có Dân mới có quyền lập hiến, mà trực tiếp là cử tri cả nước.
Hiến pháp 1946 do HCM trực tiếp làm “Trưởng Ban soạn thảo” thể hiện rõ những yếu tố pháp quyền nổi lên trên nguyên tắc quyền lực và tổ chức quyền lực sao cho lạm quyền không thể xảy ra và quyền tự do, dân chủ của nhân dân được bảo vệ.
TS Nguyễn Sĩ Dũng cho biết: “Theo quy định của Hiến pháp 1946, nước ta không có Quốc hội mà chỉ có Nghị viện nhân dân với nhiệm kỳ ba năm. Như vậy, nếu không có chiến tranh, sau khi thông qua hiến pháp, Quốc hội sẽ tự giải tán để tổ chức bầu Nghị viện nhân dân. Nghị viện nhân dân không thể tự mình sửa đổi Hiến pháp. Mọi sự sửa đổi, bổ sung đều phải đưa ra toàn dân phúc quyết (Điều 70)” (PLTPHCM)
Nói về “Ai là chủ đất nước? Người chủ đó có những quyền gì?” cựu chủ tịch QH Nguyễn Văn An đã phát biểu trên VietNamnet(24/6/2010) như sau:
“Chúng ta đã sửa đổi Hiến pháp nhiều lần rồi song chưa đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân, nhân dân chưa có quyền phúc quyết Hiến pháp mà lẽ ra quyền phúc quyết Hiến pháp là quyền đương nhiên của người dân dưới chế độ dân chủ cộng hòa”.
“Các lần sửa đổi Hiến pháp sau này có một vài vấn đề cốt lõi lại xa rời hoặc lại không rõ ràng bằng Hiến pháp năm 1946”.
Ngay tại điều 1 của Hiến pháp 1946 đã nổi rõ lên tinh thần Dân là Chủ: “Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là một nước dân chủ. Tất cả các quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân VN không phân biệt nòi giống, gái trai, giai cấp, tôn giáo”.
Điều 32 quy định: “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa nhân dân phúc quyết, nếu 2/3 tống số nghị viên đồng ý”.
Điều 70 quy định: “Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây… Khi được nghị viên ưng chuẩn, phải đưa ra toàn dân phúc quyết”.
Tiếc thay cho đến nay VN vẫn chưa có Nghị viện nhân dân và Luật “trưng cầu dân ý” để thực hiện Quyền phúc quyết của Dân như được ghi rõ tại các điều khoản theo Hiến pháp 1946. Do vậy người Dân thực sự vẫn chưa có quyền lập hiến nghĩa là Dân chưa phải là Chủ.
Mặt khác, theo chủ tịch Nguyễn Văn An thì các Hiến pháp sau này đã quy định QH mới có quyền lập hiến: “Song Dân chưa có văn bản nào chuyển quyền lập hiến của Dân sang Quốc hội cả, mà là do chính Quốc hội tự quyết định giao quyền lập hiến cho mình”. “Quốc hội vừa lập hiến, vừa lập pháp, người ta gọi như thế là vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Ông Nguyễn Văn An lại tiếp: “Hiện nay khoảng 90% đại biểu QH là đảng viên. Do vậy mà nhiều người cho rằng, về hình thức thì QH quyết, song thực chất là Đảng quyết. Quyết định của Quốc hội chỉ là quyết định mở rộng trong nội bộ Đảng”. Thực sự là Dân đã mất quyền làm Chủ và đó là sự xa rời về bản chất của một chính thể cộng hòa dân chủ.
Sau một thời gian dài của hành trình dân tộc, “những nền móng ban đầu của “Nhà nước pháp quyền Việt Nam” đã không được củng cố và xây đắp thành hình hài ngày một rõ nét mà lại dần dà bị chìm đi bởi sự áp đặt của mô hình “chuyên chính vô sản” (Tương Lai).
Ngay từ đầu bản Tuyên ngôn, HCM đã khẳng định quyền bình đẳng của tất cả mọi người không ai có thể xâm phạm được: quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Điều 12 của Hiến pháp 1946 được viết: “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm”.
Hồ chủ tịch cũng đã giải thích một cách dễ hiểu hai tiếng Dân chủ như sau:
“Dân chủ là phải để cho Dân được mở miệng”.
Nhưng cho đến nay báo chí tư nhân vẫn chưa được phép phát hành. Những phát biẻu cá nhân đều phải tuân theo “lề phải”. Mỗi ý kiến đóng góp phải trái là lẽ đương nhiên vì đôi lúc cái đúng của người này lại là điều sai của kẻ khác, tùy thuộc họ nhìn từ phía nào. Ngạn ngữ có câu: “Nói oan làm quan mà nói”. Có được phê phán, phản biện mới có tiến bộ, xã hội mới công bằng và mới mong phát triển văn minh. Trời Phật còn bị chê trách huống chi người thường! HCM khi ký hòa ước với Pháp còn bị mang tiếng là phản quốc.
* * *
Thiển nghĩ, giá như hồi ấy (1946) Mỹ quyết định giúp VN theo đề nghị của HCM thì đất nước ta ngày nay chắc đã đổi khác biết bao nhiêu. Đất nước VN đã không phải chịu đau thương suốt hơn 30 năm chiến tranh. Hàng triệu người Việt đã không phải đổ máu dù ở phía bên này hay bên kia. Và chắc chắn VN không bị lạc hậu, nghèo đói như ngày hôm nay. Nhân dân chúng ta chắc đã được sung sướng ít ra cũng như Hàn Quốc, Đài Loan… đúng như trong Tuyên ngôn Độc lập đã viết là mọi người đều được quyền sống, quyền tự do, dân chủ và mưu cầu hạnh phúc. Nền độc lập cũng đã được đảm bảo bền vững hơn, và không thường xuyên bị đe dọa bởi “nước lạ” nay lấn đất mai lấn biển với “16 chữ vàng” và “4 tốt”.
Tình hình tại thời điểm hiện nay có vẻ đã khả quan hơn. Lòng yêu nước truyền thống của dân tộc ta, nhất là trong lớp trẻ đã được khơi dậy. Người trí dũng đã có cơ hội đóng góp cho Dân cho Nước như trên mạng Boxitvn. Cục diện thế giới gần đây có nhiều biến đổi. Nhất là sau các cuộc Hội thảo ARF diễn đàn ASEAN vừa qua và đặc biệt là lời tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 23/7/2010 tại Hà Nội về vấn đề Biển Đông. Bà Ngoại trưởng Mỹ nói rằng vì quyền lợi của quốc gia, Hoa Kỳ mong muốn thấy các nước liên quan đến vụ tranh chấp chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa giải quyết với nhau bằng đường lối ôn hòa, dựa trên sự tôn trọng các điều khoản được ghi trong Công ước về biển và lãnh hải do Liên Hiệp Quốc soạn thảo.
Trong dịp kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, tàu sân bay USS John S. McCain thuộc Hạm đội 7 Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ đã viếng thăm chính thức cảng Tiên Sa, Đà Nẵng ngày 10/8/2010. Trung tá hải quân Jeffrey Kim, Hạm trưởng của tàu nhấn mạnh tại buổi lễ tiếp đón rằng, sự xuất hiện của các chiến hạm Mỹ tại các hải cảng VN có ý nghĩa đặc biệt về mặt chiến lược đối với quốc gia này, đồng thời chứng tỏ thế quân bình trên lãnh vực quốc phòng tại khu vực.
Thượng Nghị sỹ John McCain nói chuyến thăm của khu trục hạm mang tên cha ông tới VN là tín hiệu “lịch sử và đầy hy vọng” cho quan hệ giữa hai nước cựu thù, và VN đã trở thành một trong những “đối tác quan trọng nhất và hứa hẹn nhất của Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương”. “Tôi tin rằng, cuối cùng thì hai nước chúng ta cùng với nhau sẽ làm tăng thêm an ninh, sự thịnh vượng, và một ngày, tôi hy vọng, về sự tự do của tất cả các nước và các dân tộc ở châu Á-Thái Bình Dương”, ông nói.
Hải quân Hoa Kỳ cũng đã tiếp đón một đoàn đại biểu quân sự và các viên chức Chính phủ VN trên tàu sân bay USS George Washington khổng lồ. Tàu này chạy bằng năng lượng hạt nhân, có thể mang tới 70 máy bay, hơn 5.000 thủy thủ và phi công và khoảng 4 triệu kg bom đang tuần tra ở vùng biển ngoài khơi bờ biển miền Trung VN.
Quả vậy, quan hệ Mỹ – Việt đang ngày càng phát triển tốt đẹp hơn và hiểu nhau hơn so với thời điểm cách đây 65 năm, khi chủ tịch HCM viết thư gửi Tổng thống Mỹ. Hai nước đã bỏ qua quá khứ và xích lại gần nhau để trở thành đối tác, là bạn của nhau. Nhiều kết quả đã đạt được trong hợp tác văn hóa, ngoại giao, thương mại, năng lượng hạt nhân, quân sự…
Lịch sử không lặp lại, nhưng có cái gì đó muốn nói rằng từ năm 1945 HCM đã suy nghĩ và hành động đúng khi chọn lựa thể chế cộng hòa dân chủ cho VN, viết bản Tuyên ngôn Độc lập bắt đầu bằng những câu trích từ Tuyên ngôn của Mỹ và sau đó yêu cầu Mỹ ủng hộ và giúp đỡ Chính phủ VN. Nếu điều mong ước ấy của Chủ tịch HCM dù 65 năm sau mới được thực hiện thì chắc rằng linh hồn cụ cũng sẽ lấy làm mãn nguyện nơi suối vàng.
Và có thể nói tầm nhìn của HCM là tầm nhìn thế kỷ, có thể so với tầm nhìn của Thái Tổ Lý Công Uẩn khi xuống chiếu dời đô từ Hoa Lư ra Đại La và đổi tên thành Thăng Long cách nay 1000 năm. Những biến động thăng trầm sau 1945 của lịch sử đâu có phải do sự sai sót của cái ý tưởng ban đầu. Cũng như Thăng Long đổi thành Hà Nội là do vua Minh Mạng (1831) muốn xóa đi cái tên Thăng Long và chuyển kinh đô về Phú Xuân – Huế đó thôi. Hy vọng rồi đây đất nước lại chuyển mình quay về với ý tưởng ban đầu của HCM, cũng như Thủ đô đã quay về với Hà Nội. Đất nước nghìn năm văn hiến VN sẽ có những bước tiến mới nếu những người có trách nhiệm với dân tộc luôn nhận biết được thời cơ vàng và sáng suốt như chủ tịch HCM.
GS Tương Lai đã từng nhận định như sau: “Sự vận động của thực tiễn đã trả về cho cái nền tảng ban đầu ấy sức thuyết phục và ý nghĩa sâu sắc của tầm cao trí tuệ và bề dày văn hóa trong tư duy về Nhà nước của Hồ Chí Minh”.
Sắp đến ngày kỷ niệm Quốc khánh 2/9, chắc mọi người sẽ lại vào viếng lăng chủ tịch HCM tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Xin hãy bước đi chậm rãi và chớ cúi đầu xuống đất mà nên ngước nhìn lên dòng chữ vàng khắc trước cửa lăng: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Và hãy cùng nhau suy ngẫm cho kỹ những điều Người đã dạy:
“Nếu nước được Độc lập mà Dân không được hưởng Tự do, Hạnh phúc thì Độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.
“Trên đời ngàn vạn điều cay đắng / Cay đắng chi bằng mất tự do”
“Dân chủ là phải để cho Dân được mở miệng”.
Q. L.
Nguồn: http://nguyentrongtao.org/một-vai-cảm-nghi-nhan-ngay-lễ-dộc-lập.xml