Khi chính phủ “đi buôn”

Mua và bán là hai nghiệp vụ chính của mọi doanh nghiệp. Trong nền kinh tế tập trung trước đây, ở Liên Xô, Đông Âu hay Việt Nam, hai nghiệp vụ đó cùng mọi nghiệp vụ hỗ trợ khác, từ tiền lương, đến tiền thưởng, lao động, giá cả, tiền vốn, lợi nhuận…  đều được doanh nghiệp lập kế hoạch hàng năm đưa lên cơ quan chủ quản tổng hợp theo chiều ngang lẫn chiều dọc, rồi đưa trở lại doanh nghiệp coi như pháp lệnh, doanh nghiệp phải hoàn thành. Chính phủ, các Bộ trở thành nơi quyết định cuối cùng trực tiếp đối với doanh nghiệp nhà nước cấp 1, và gián tiếp đối với các doanh nghiệp khác, trên cơ sở cân đối toàn nền kinh tế quốc dân và nhu cầu xã hội, cả về số lượng lẫn trị giá, đến từng sản phẩm. Còn doanh nghiệp chỉ là nơi thi hành, coi như một bộ phận được phân công, phân cấp trong nền kinh tế. Nghiệp vụ mua bán, vì vậy, thực chất chỉ là nhập và xuất sản phẩm, nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, hoàn toàn không phải nghiệp vụ kinh doanh như trong nền kinh tế thị trường vốn luôn gắn liền với mục đích lợi nhuận, mặc dù trên giấy tờ khi đó vẫn được gọi là nghiệp vụ kinh doanh. Ngược lại, các hộ buôn bán nhỏ kinh doanh tự mua tự bán hồi đó, không liên quan gì đến kế hoạch nhà nước, thì được gọi dân dã là đi buôn, hàm nghĩa vì động cơ lợi nhuận, để phân biệt với khái niệm nghiệp vụ kinh doanh sử dụng cho doanh nghiệp nhà nước không vì mục đích đó.

Từ khi nước ta chuyển qua mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mọi doanh nghiệp phải thực hiện chức năng kinh doanh đích thực, do quy luật kinh tế thị trường đòi hỏi, nghĩa là vì mục đích lợi nhuận; nghiệp vụ kinh doanh mua và bán được trả lại đúng nghĩa đi buôn của nó, với tiêu thức lưạ chọn, mua sao cho thật rẻ, bán sao cho thật đắt. Tuy nhiên, khác với doanh nghiệp nhà nước ở các nước kinh tế thị trường, phải chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với kết qủa kinh doanh, độc lập với nhà nước, doanh nghiệp ở ta phải tuân theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ bản vẫn được điều hành theo mô hình kinh tế quản lý tập trung trước đây, nên như Vinashin mua và bán vẫn phải xin quyết định của chính phủ, được Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng dẫn liệu trong cuộc họp báo gần đây: “Vinashin đi mua tàu, trong khi chỉ được phép đóng tàu. Hơn thế nữa, báo cáo Thủ tướng hôm trước thì hôm sau đã đi mua luôn”, khẳng định chính phủ có chức năng trực tiếp qủan lý kinh doanh, quyết định nghiệp vụ mua bán đối với doanh nghiệp, hay nói dân dã là đi buôn.

Ở đây có sự đồng hợp, giữa Vinashin làm trái, vi phạm chức năng quản lý kinh doanh của chính phủ, như Phó Thủ tướng kết luận, với sự kiện nó đổ vỡ, làm cho giới phân tích dễ thống nhất rằng, đổ vỡ chẳng qua chỉ do làm trái, giải quyết chỉ riêng nó, thay vì lẽ ra phải coi đó là một cú sốc quốc gia, truy nguyên tận nền tảng, để rút ra kết luận xác đáng, hình thành nên chính sách vĩ mô thích ứng, phòng ngừa lặp lại cho mọi doanh nghiệp nhà nước, chứ không chỉ cho Vinashin.

Trước hết, Vinashin được lập ra không phải để nhập và xuất hàng hoá như trong nền kinh tế tập trung trước đây, mà rõ ràng nhà nước kỳ vọng nó trở thành “quả đấm thép”, đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới như mô hình các tập đoàn Mỹ, Đức, Nhật, Nam Hàn… chỉ số sức mạnh qủa đấm của nó được đo bằng tổng mức và tỷ suất lợi nhuận. Mua hay đóng tàu chỉ là phương tiện, một lựa chọn trong hai phương án kinh doanh tàu thủy của Vinashin, nhằm đạt tới lợi nhuận kỳ vọng, tương tự như kinh doanh quần áo, người ta có thể mua hàng may sẵn rồi bán, cũng có thể mua vải cắt may rồi bán. Chọn phương án nào là căn cứ vào lợi nhuận kỳ vọng.

Trong trường hợp Vinashin, chắc chắn Tổng Giám đốc kỳ vọng phương án mua tàu sẽ lãi hơn đóng tàu, nên mới chọn phương án này (với giả thiết không có động cơ vụ lợi cá nhân); đáng tiếc, thực tế bị lỗ. Vì lợi nhuận trong quyết định kinh doanh hoàn toàn mang tính kỳ vọng, chứ không ai dám chắc tuyệt đối cả, ngoại trừ phù thủy, chỉ có thể khẳng định khi kết thúc chu kỳ kinh doanh, nên người ta có quyền đặt câu hỏi, nếu Vinashin không mua, cứ theo lệnh thủ tướng, chỉ đóng tàu, thì liệu có dám chắc Vinashin không bị đổ vỡ như hiện nay hay không? Và chẳng may vẫn cứ đổ vỡ, thì thủ tướng hay tổng giám đốc chịu trách nhiệm? Còn giả thử, Vinashin trái lệnh nhưng chớp được cơ hội mua rẻ bán đắt, lãi gấp nhiều lần giả thiết đóng tàu, thì có định xử lý Tổng giám đốc hay không? Và khi đó có cần chính phủ đi buôn nữa hay thôi? Nền kinh tế thị trường thế giới phát triển, hoàn thiện mấy thể kỷ nay đã thiết chế được những nguyên lý cơ bản đối với doanh nghiệp nhà nước, tiên liệu được những tình huống trên, cần tham khảo. Trước hết phải tách được chức năng quản lý nhà nước ra khỏi quản lý kinh doanh; chính phủ chỉ thông thạo nghiệp vụ chính trị, chứ không phải nghiệp vụ kinh doanh; chức năng của nó là hành pháp chứ không phải đi buôn. Vì vậy, doanh nghiệp nhà nước ở các nước hiện đại quy định phải thuê tuyển Tổng Giám đốc từ giới doanh nhân có kinh nghiệm, bằng hợp đồng lao động có thời hạn. Tổng Giám đốc chứ không phải nhà nước, có toàn quyền quyết định kinh doanh và chịu trách nhiệm trứơc pháp luật. Chủ tịch Hội đồng quản trị được nhà nước bổ nhiệm, chịu trách nhiệm trước nhà nước, chỉ có chức năng đại diện cho chủ sở hữu là nhà nước. Một khi, người dân có thể chọn được nghị sỹ đại diện cho mình quản lý đất nước, dám đặt tương lai cả quốc gia vào tay Tổng thống, Thủ tướng, buộc được họ phải làm tròn bổn phận, thì không lý do gì lại không tìm được cá nhân chịu trách nhiệm mất còn đối với số tiền nhà nước đầu tư vào một doanh nghiệp, không thuê được một doanh nhân chịu trách nhiệm cá nhân điều khiển nó, không chế tài được họ phải chịu trách nhiệp pháp lý đối với vị trí chức năng được giao, đặc biệt trước tình huống doanh nghiệp có nguy cơ đổ vỡ.

Tiếp theo, luật pháp phải bảo đảm mọi doanh nghiệp đều độc lập, tư cách pháp nhân bình đẳng ngang nhau, dù ai sở hữu, kể cả nước ngoài – đòi hỏi bắt buộc của quy luật cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Mọi doanh nghiệp có nghĩa vụ đóng thuế, và tỷ suất như nhau cho nhà nước, thì họ đều có quyền đòi hỏi nhà nước cấp vốn và tín dụng cho doanh nghiệp vốn quyết định năng lực cạnh tranh của chúng, phải bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa mọi doanh nghiệp, giải cứu cũng vậy, không cứ chỉ nhắm vào mỗi doanh nghiệp nhà nước. Về phiá nhà nước, phải tự chịu trách nhiệm an toàn với phần vốn và tín dụng dám cấp, trông giỏ bỏ thóc, không thể thoái thác đổ cho doanh nghiệp đi buôn vốn luôn rủi ro. Chính vì vậy, không có quốc gia Âu, Mỹ nào dám mạo hiểm cho doanh nghiệp nhà nước vay, bảo lãnh nợ như đối với Vinashin tới gấp 10 lần vốn tự có, đến 4 tỷ đô la; và khó có doanh nghiệp nào dám liều lĩnh vay vượt quá khả năng thanh toán tới 10 lần như vậy, nếu họ phải tự chịu trách nhiệm. Vinashin dám làm, bởi đã có chính phủ, một khi chính phủ đã quyết định nghiệp vụ mua bán (đi buôn) thì không thể không quyết định nghiệp vụ hỗ trợ, tiền vốn và tín dụng; lý giải tại sao đổ vỡ Vinashin không ảnh hưởng mấy đến cách giải cứu nó lặp lại như lúc đẻ ra nó, khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh tuyên bố “sẽ trình Chính phủ và tìm các phương án để cấp đủ vốn điều lệ cho tập đoàn (9.000 tỉ đồng)… tạo điều kiện cho Vinashin vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh”. Nghĩa là chính phủ vẫn quyết tâm dốc hầu bao đi buôn, trong khi chưa có những ngưỡng chuẩn giới hạn pháp lý như ở các nước hiện đại, quốc hội phải đặt ra để giám sát. Cần biết rằng, nền tài chính quốc gia nào cũng có giới hạn, kể cả siêu cường Mỹ, chức năng của nó nhằm phục vụ cho quốc kế dân sinh, đổ vào kinh doanh bao nhiêu sẽ làm suy yếu chức năng của nó bấy nhiêu, đồng thời cũng tiến nhanh tới ngưỡng giới hạn tương ứng, nếu lãi kinh doanh không đủ bù đắp. Vinashin đã làm nhà nước nợ tới 4 tỷ đô la, vậy khả năng tài chính nước ta còn có thể chịu được bao nhiêu lần nợ như Vinashin nữa mới tới ngưỡng giới hạn, để tiếp tục đổ tiền cho Vinashin kiểu trước đó?

Nếu có chủ trương giải cứu Vinashin, thì chắc chắn cũng không có nghĩa bằng mọi giá, mà phải tính được bằng giá nào; Chính phủ phải có trách nhiệm đó, Quốc hội buộc phải liên đới về lập pháp!

N. S. P.

This entry was posted in kinh tế and tagged . Bookmark the permalink.