Chữ “tâm” gây sốc và chữ “tiền” cũng gây sốc; “quả bóng” mang tên… nhân dân vẫn lăn lóc tại các cơ quan công quyền vì nhiều lẽ. Những thông điệp của Phát ngôn – Hành động tuần này có thể gợi cho bạn đọc những suy cảm sâu sắc.
Chữ “tâm” gây… sốc
Không biết có phải vì quá lo cho sức khỏe nhân dân không mà các ngành ở ta đua nhau dùng “liệu pháp” gây… sốc. Sốc học phí, sốc viện phí, và gần đây nhất là sốc…điện. “Liệu pháp” sốc điện lần này không phải do Tập đoàn điện lực VN (EVN), mà lại do Hiệp hội năng lượng VN (VEA), nhưng cũng là anh em cùng hội cùng thuyền, con chú con bác với nhau.
Có lẽ vì thấy dân chưa thấm với “liệu pháp” sốc vì cái tâm của VEA, khi đề nghị Chính phủ tăng giá, từ 5 cent/kWh hiện hành lên mức 8cent/kWh (tương đương 1.500 đồng) và xoá bỏ giá điện bậc thang, nên mới đây trên báo Tuổi trẻ, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch VEA tiếp tục dùng “liệu pháp” gây sốc của riêng mình, khi thẳng thừng tuyên bố: Tăng thêm vài trăm đồng chả đáng gì (!).
Trả lời phóng viên tại sao không tăng dần theo lộ trình, vì mức tăng 400 đ/ kwh vẫn là gây sốc, ngay cả với hộ khá giả, ông Ngãi hỏi lại: “Tăng dần 100-200 đồng thì giải quyết được vấn đề gì. Và ông còn đề nghị: “Nên có bước đột phá mới trong tư duy để ngành năng lượng nói chung và điện, than, khí không bị lỗ, không bị thiếu“.
Chưa biết mức đột phá trong tư duy của ông có tác dụng gì không nhưng mức đột phá về… tiền trong giá điện khiến không ít hộ “cận nghèo” lao đao. Cũng như ở ngành y tế mới đây, khi áp dụng “liệu pháp” sốc viện phí, người ta viện lẽ, có tới 14, 5 triệu gia đình diện chính sách được giảm, nhưng cả ngành y tế, lẫn ông Chủ tịch VEA lại quên mất rằng, số hộ diện “cận nghèo” mới là chiếm số đông. Mà số hộ diện này lại luôn ở trạng thái “chân không tới đất, cật không tới trời”, không quá nghèo để được hưởng ưu đãi, lại không dư dật để có thể nghĩ như ông Ngãi “tăng thêm vài trăm đồng chả đáng gì” (?).
Cũng rất lạ về cái tâm của các ngành khi gây “liệu pháp” sốc. Trước đây, khi được hỏi liệu tăng mức viện phí táo bạo như thế, gấp hàng mấy chục lần so với trước, chất lượng chữa bệnh có được bảo đảm sẽ tăng không, một quan chức ngành y tế lại rụt rè “không dám hứa chất lượng chữa bệnh sẽ tăng, vì nó còn chịu nhiều yếu tố” (!).
Còn nay, khi được hỏi: “Nếu tăng giá có chắc chắn hết thiếu điện?”, thì ông Chủ tich VEA cũng lại không dám quyết đoán như khi quả quyết đòi… đột phá giá điện: “Chắc chắn không một lúc hết thiếu điện ngay, nhưng khi tăng giá điện như trên, ngành điện sẽ phải cam kết với Đảng, Nhà nước, nhân dân rằng chúng tôi đủ vốn, chúng tôi không chậm tiến độ..”
Ô hay, khi đòi dân tăng viện phí, điện phí, thì các bác không cần tính đến các điều kiện, nhưng khi dân đòi tăng chất lượng phục vụ, thì các bác không dám hứa, mà lại viện đến Đảng, Nhà nước, rằng chúng tôi sẽ thế nọ, chúng tôi sẽ thế kia… Thế thì sự sòng phẳng và minh bạch trong kinh tế thị trường ở đây là đâu hử, hử, hử?
Mà các bác không thèm để ý đến cái sự ngược đời này: Dân thu nhập theo giá nội, nhưng tiêu dùng toàn theo giá “hội nhập”.
Chả thế, GS Phạm Duy Hiển, mới đây cũng phải lên tiếng: “Ngành điện VN đi ngược chiều thế giới“. Nghĩ cho kỹ thì sự chê trách của GS Hiển cũng không mới, bởi ở ta, hình như làm cái gì cũng không giống ai. Đến nỗi GS văn học Hoàng Ngọc Hiến đã hóm hỉnh triết lý: “Cái nước Việt mình nó thế“. Người xưa bảo: Vợ dại, chồng thành triết gia. Còn nay, cơ chế quản lý bất cập, người dân nào cũng có thể trở thành triết gia. He…he..
Và chữ “tiền” cũng gây… sốc
Đó là câu chuyện của Trường ĐH Công nghệ Đông Á được đăng trên báo Đại Đoàn Kết ngày 29/7/2010 mới đây. Nội dung câu chuyện không có gì khó hiểu: Ông Đoàn Minh Tuấn, Việt kiều, năm nay 74 tuổi, Phó CT HĐQT của trường viết thư gửi Thủ tướng CP, Bộ GD, tố cáo ông Chủ tịch HĐQT Phạm Ngọc Thăng, gây mất đoàn kết, kéo bè kéo cánh và bất minh trong quản lý tài chính.
Cái khó hiểu là, mặc dù HĐQT nhà trường đã họp với 7/10 phiếu đồng thuận kiến nghị Bộ GD cách chức Chủ tịch HĐQT Phạm Ngọc Thăng, nhưng kiến nghị này đã không được Bộ GD chấp nhận.
Trước sự can thiệp cũng khó hiểu nốt về thái độ của Bộ GD, HĐQT nhà trường đã mời cơ quan thanh tra độc lập toàn bộ hoạt động tài chính của trường. Kết quả thanh tra còn khó hiểu hơn nữa: 13 tỷ đồng được chi tiêu hàng năm của trường không có quyết toán, không tổ chức phê duyệt; 650 triệu đã được chi thêm cho Ban quản lý Dự án…
Đặc biệt, có tới 1,4 tỷ đồng được chi cho việc… tư vấn thành lập trường (trong khi theo quy định, chi phí tư vấn nhiều nhất chỉ 5 triệu đồng). Bảng kê chi tiền cho thấy phía nhận tiền, rất nhiều người là quan chức của Bộ GD (?).Việc chi tiền vô lý đến mức chỉ một buổi họp thẩm định của Bộ GD, ông Chủ tịch Phạm Ngọc Thăng cũng quyết chi tới gần 80 triệu đồng, trong đó một Vụ trưởng của Bộ GD nhận tới 20 triệu đồng, rồi vị khác 10 triệu đồng…, cứ thế, cứ thế…
Theo những chứng từ, bảng kê còn lưu lại, Chủ tịch HĐQT Phạm Ngọc Thăng chi tới 1,8 tỷ để quà cáp, biếu xén cho quan chức của đủ các ban ngành, nhiều nhất đương nhiên vẫn là cán bộ Bộ GD.
Đọc hết dòng này, thì bạn đọc cũng như tôi không còn thấy khó hiểu, và cũng hết… sốc. Cũng như không khó hiểu vì sao số lượng trường tư thục chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, lại mọc nhanh đột biến như nấm sau mưa. Cái trường ĐH đồ sộ thế, hóa ra lại tỷ lệ thuận với cái phong bì hình hài bé ơi là bé.
Chỉ có điều, tiền “bạc” lắm, các bác Bộ GD ạ. Cho dù, có lúc nó phải nằm ép mình, im hơi lặng tiếng trong chiếc phong bì mỹ miều dán kín, nhưng đến lúc nào đó, vào một ngày đẹp trời nào đó, nó vẫn có thể tưng tửng, tưng tửng tố cáo tư cách con người, giữa thanh thiên bạch nhật một cách tưng tửng, tưng tửng… Nó cười khẩy và khinh thị vào những đạo cao đức trọng mà xã hội vốn gọi là “thầy”, vào những phong cách mô phạm giả trá.
Đã bảo, tiền “bạc” lắm mà!
Có một “quả bóng” mang tên… nhân dân
Đó là chuyện thực, không phải chuyện bịa. Và nó được chính Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng vô tình thú nhận rất ấn tượng tại phiên họp UBTVQH chiều ngày 21/8 mới đây: “Các tỉnh báo cáo rất hay, nào đơn thư được chuyển, giải quyết kịp thời, bảo vệ được quyền lợi của dân. Nhưng thực tế khiếu nại ngày càng tăng, ngày càng phức tạp. Đơn từ thì chuyển lòng vòng, né tránh, các cơ quan đùn đẩy lẫn nhau.
Trung ương thì “kêu” khiếu nại vượt cấp, kêu địa phương né tránh.
Địa phương cũng phàn nàn TƯ “quan liêu”, do một phần các vụ việc không có hồ sơ nên TƯ nhận đơn thư chỉ đóng dấu xác nhận và lại chuyển về địa phương”.
Đã nói Dân nguyện, chắc chả có người dân nào lại “nguyện” sự khiếu kiện, nỗi đau, nỗi mắc mớ của mình thành quả bóng, để các cơ quan công quyền, cấp dưới tung lên cấp trên, cấp trên chuyển về cấp dưới…Cuối cùng, cái sự “nguyện” đó nằm im lìm ở một ngăn nào đó của một cái tủ gỗ cơ quan nào đó cọt kẹt tiếng mọt gỗ, ở một tập hồ sơ pháp lý nào đó bám đầy mạng nhện thời gian.
Tiếc thay, đó là sự thật. Nó thật như câu chuyện của Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển: “Có lần Bộ Tài nguyên – Môi trường đưa các đoàn giám sát về rồi mời cả tỉnh, huyện đến nghe dân nói. Bao nhiêu vụ việc cũ, dân lại lục lọi lại chỉ để đưa ra nói với “ông” Tài nguyên”.
Người viết bài này giật mình. Hơn 30 năm trước đây, thời cơ chế bao cấp, không ít lần đã được nghe câu chuyện khiếu kiện, khiếu nại của người dân mang “thân phận” quả bóng, lăn lóc từ cơ sở lên cấp trên, từ cấp trên đá xuống cơ sở, để rồi lại trở về chính nơi… khiếu kiện. Hơn 30 năm sau, cơ chế thị trường thay thế, cải cách hành chính được hô hào, các văn bản luật được soạn thảo, các chế tài được điều chỉnh, ban hành liên tục để thích ứng cho một đời sống xã hội hiện đại.
Thế nhưng câu chuyện quyền lợi, lợi ích và đòi hỏi sự công bằng của người dân thông qua việc giải quyết khiếu nại tố cáo, vẫn “nguyễn như vân” (vẫn như nguyên). Kêu lên Thủ tướng, cấp cao nhất của Chính phủ, thì như Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Quang Bình chỉ ra, tới 83 vụ việc (tin của VNN), có ý kiến Thủ tướng chỉ đạo rồi mà vẫn không ai giải quyết (?).
Đến Thủ tướng mà cũng lâm cảnh “trên bảo dưới không nghe” thì người dân biết làm gì đây, nếu không tiếp tục thân phận… quả bóng?
Một hiện tượng khác vừa đáng quan tâm, vừa là chuyện đau đầu của các cơ quan bảo vệ an ninh, trật tự xã hội. Đó là khiếu nại đông người. Nói thẳng ra là chuyện dân “biểu tình”, tập trung vào chuyện đòi giải quyết đất đai. Đương nhiên, trong cái chuyện khiếu kiện đất đai vốn phức tạp và mê hồn trận này, có người đúng, kẻ sai, có người thật thà, ít hiểu biết, cũng có kẻ cơ hội nhân đó làm càn…
Xưa nay, ta quen với việc biểu tình hô to “muôn năm, muôn năm” chứ ít quen với cái cảnh biểu tình “phản đối, phản đối”, cho dù là “phản đối trong im lặng”. Mặc dù, xét cho cùng, ta sẽ phải quen, như quen với cái việc- xã hội ta sẽ dần phát triển tiến đến một xã hội dân sự, với vai trò độc lập của các cơ quan hành pháp, tư pháp và lập pháp- 3 chân kiềng quản lý, làm nền tảng cho sự phát triển dân chủ, công bằng, văn minh và minh bạch.
Chúng ta rất e ngại “khiếu nại đông người”, và rất cảnh giác với kẻ thù. Thế nhưng, Phó CT Quốc hội Uông Chu Lưu đã phải chỉ ra: “Các nguyên nhân dẫn đến bức xúc của dân về giải quyết khiếu nại xuất phát từ nhiều lẽ, do yếu kém trong quản lý, làm chưa hết trách nhiệm…”.
Phó CT mới nhẹ nhàng nói đến tảng băng nổi, nhưng chưa thấy hết tảng băng chìm, đang lặn sâu trong mỗi huyết quản của cán bộ lãnh đạo, quản lý, cốt cán từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên trong xã hội hiện nay. Đó mới là kẻ thù nguy hiểm nhất nhưng lại nghiễm nhiên tự do “chung sống hòa bình”: Sự vô cảm với nỗi đau của dân, sự quan liêu, xa rời dân quá lâu, và chỉ biết tới lợi ích của…chính mình!
Vậy thì xin các đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý, cốt cán… từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, xin đừng quá sợ “khiếu nại đông người”, mà hãy biết sợ chính bản thân mình chưa tròn vai trách nhiệm, biết sợ cái ích kỷ tham lam của mình, của nhóm mình, và biết sợ cái cung cách quản lý xơ cứng, lạc hậu, đặc biệt quá thiếu minh bạch mà mình góp phần đắc lực.
Chỉ khi nào, sự công bằng và minh bạch ngự trị trong xã hội, thì “dân ra dân”, “quan ra quan”, “quản lý ra quản lý”. Lúc đó, thay cho sự lăn lóc, sự “khiếu nại đông người”, sẽ chỉ thấy “quả bóng nhân dân” hát khúc… hoan ca.
K. D.
Nguồn: http://tuanvietnam.net/2010-08-27-phat-ngon-hanh-dong-chu-t-gay-soc-va-qua-bong-nhan-dan