Một nhà đầu tư nước ngoài sau nhiều năm lăn lộn làm ăn ở nước ta đã nhận xét: “bên cạnh một Chính phủ đang điều hành đất nước bằng công cụ luật pháp, còn có một thành phần vô chính phủ hoạt động song hành tuy không có chức mà vẫn có quyền, nhờ có mối quan hệ gắn bó với nhiều nhân vật có thế lực”. Mời đọc bài viết của nhà báo Trần Trọng Thức bàn về vấn nạn này.
Xin được bắt đầu bài viết ngắn này với hai mẩu chuyện nhỏ nhặt thường ngày. Ai đã từng có nhu cầu sửa chữa căn nhà đang ở hẳn đều thấm thía nỗi khổ về thủ tục. Có thể nói những quy định pháp luật trong lĩnh vực xây dựng nhà ở riêng lẻ hiện nay khá chặt chẽ, đặc biệt là các biện pháp chế tài, xử phạt vi phạm rất nghiêm khắc.
Điều nghịch lý, chính sự khắt khe ấy lại là mảnh đất màu mỡ cho các bộ phận liên quan có chức năng kiểm tra việc xây dựng, mà thông thường là có đến năm bảy nhóm thay nhau liên tục đi “thị sát”. Thế nhưng nếu chủ nhà nắm bắt được con bài tẩy của đường dây này, cho dù có vi phạm nghiêm trọng đến đâu thì mọi chuyện cũng sẽ chẳng có gì ầm ĩ và tất nhiên là phải chi ra một khoản tiền cao hơn nhiều lần tiền trà trước. Sau đó sẽ chẳng còn ai làm khó dễ việc sửa chữa hay xây dựng vì đã được “bảo kê”. Đó là nguyên nhân của hiện tượng bát nháo như nhà xây vượt tầng, lấn chiếm, thậm chí xây nhà không phép đang diễn ra ở nhiều nơi.
Tương tự như vậy, bạn muốn mở một quán ăn nhỏ kiếm sống qua ngày. Thôi thì biết bao nhiêu quy định rườm rà và thủ tục nhiêu khê. Làm theo hướng dẫn của chính quyền thì sẽ phải mất khá nhiều thời gian mới có thể hoàn thành mọi thứ giấy tờ chứng minh đủ điều kiện mở quán. Nhưng có khi chỉ cần bắt mối được với một nhân viên của Ủy ban phường thì đảm bảo “khó khăn nào cũng vượt qua, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành”, vì đồng tiền có khả năng công phá mọi thủ tục.
Đó chính là chuyện thường ngày xảy ra ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, là hình thái thấp nhất, đơn giản nhất của hoạt động vô chính phủ, điển hình cho một nghịch lý đang tồn tại hiện nay là “càng khó càng… dễ”.
Hoạt động nói trên được nâng cấp và tinh vi trong sự vận động, tham gia vào đời sống kinh tế ở tầm vĩ mô, khi mà những thành viên đơn lẻ kết lại với nhau thành một mạng lưới, một đường dây trong những phi vụ bắc cầu cho các dự án lớn.
Một nhà đầu tư nước ngoài sau nhiều năm lăn lộn làm ăn ở nước ta đã nhận xét rằng “bên cạnh một Chính phủ đang điều hành đất nước bằng công cụ luật pháp, còn có một thành phần vô chính phủ hoạt động song hành tuy không có chức mà vẫn có quyền, nhờ có mối quan hệ gắn bó với nhiều nhân vật có thế lực”.
Thành phần vô chính phủ là ai? Đó là các cậu ấm cô chiêu con cháu của những người có chức quyền, là thân nhân xa gần, là bè bạn chí cốt của một số quan chức đương nhiệm hay cán bộ cấp cao đã về hưu nhưng vẫn còn dây mơ rể má trong bộ máy điều hành nhiều ngành hoạt động.
Bạn đừng ngạc nhiên khi nhìn thấy trong bàn tiệc giữa những người mới quen, ai đó trong số này tự giới thiệu với bạn anh ta là rể, là cháu, là con nuôi của ông này cụ nọ, sẵn sàng chạy giấy phép cho các dự án đầu tư, chi phí thấp hơn các khoản tiền lót đường mà thời gian có được tờ giấy phép lại nhanh hơn.
Và bạn cũng đừng lấy làm lạ khi thấy một anh chàng vô công rổi nghề đang ngồi đấu hót với bạn bè ở quán cà phê, bất chợt rút điện thoại di động gọi trực tiếp cho một quan đầu tỉnh mà sau vài câu thăm hỏi thân tình là những đề nghị rất cụ thể nhờ giải quyết chuyện khúc mắc trong làm ăn ở địa phương. Đó là lúc hoạt động vô chính phủ phát huy tác dụng, “nói đâu có đấy”, hiệu quả rất cao.
Thành viên của lực lượng vô chính phủ không chỉ đơn giản nhờ có mối thân quen với người có quyền lực mà trong số họ nhiều người học rộng hiểu nhiều, không những am tường tình hình làm ăn mà còn nhanh nhạy trong việc nắm bắt thời tiết chính trị.
Đây là một thực thể rất khó “bắt tận tay day tận mặt” cũng như chưa có tên gọi, nhưng rõ ràng đang tác động mạnh trong đời sống kinh tế xã hội của chúng ta hiện nay, do biết vận dụng quy luật “bánh ít đi bánh quy lại”.
Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2010-08-24-khong-co-chuc-ma-van-co-quyenNguo