“Bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do”

Sự kiện GS Ngô Bảo Châu, được Đại hội Liên đoàn Toán học thế giới (ICM 2010) vinh danh giải thưởng Fields, đây được xem như là giải “Nô ben toán học” của thế giới, đã đưa GS Ngô Bảo Châu, một người con của dân tộc VN lên đỉnh cao của thời đại. Kể từ sau giờ phút GS Ngô Bảo Châu được vinh danh, cả dân tộc ta gồm người VN đang sống ở trong nước hay đang sống và làm việc ở nước ngoài đều cảm nhận được hạnh phúc tột độ!

Ngày 21/8/2010, báo vnexpress.net đăng bài “Giáo sư Ngô Bảo Châu từ chối nhận biệt thự ở Tuần Châu”, trong đó, trước việc một số người không quen biết thắc mắc chuyện Ngô Bảo Châu là “lề trái hay lề phải”, GS Ngô Bảo Châu khôi hài: “Xin thưa, bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do”.

Theo tôi, đây là một câu nói thật sâu sắc, đáng để mọi người VN hôm nay suy ngẫm. Không phải GS Ngô Bảo Châu bây giờ đã là người nổi tiếng mà ta cho rằng lời nói của GS là “vàng ngọc”; bởi GS Ngô Bảo Châu vốn là con người rất gần gũi, thân thiện, nhìn vào khuôn mặt của ông và một ít thông tin về những điều ông làm, những lời ông nói, ta cảm thấy như vậy.

Trở lại với câu nói: “Xin thưa, bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do”. Thiết nghĩ những người được gọi là “có học” trong nước, nếu chỉ vì muốn được yên thân mà không lên tiếng với thực trạng còn rất nhiều bất cập, bất công… đang hàng ngày xảy ra trên đất nước hôm nay, thì ắt thấy xấu hổ với chính bản thân mình, bởi vì họ đã tự mình đánh mất đi cái điều thiêng liêng nhất mà tạo hóa đã ban tặng cho mỗi cá nhân, đó là TỰ DO; tự biến mình thành con cừu để người khác dẫn dắt, trong khi mình là những kẻ “có học” thực thụ (ở đây người viết không muốn nói đến hạng người vì đam mê quyền chức do những lợi lộc có được từ nó, và  những kẻ háo danh đã thực hiện các hành vi gian dối, mua bằng cấp, từ cấp trung học cơ sở đến học vị Tiến sỹ… mà báo chí đã nói rất nhiều, và hiện rất phổ biến, đang là một đại nạn ở nước ta hiện nay).

Có thể nói, cái mất mát lớn nhất của dân tộc VN ta sau ngày giải phóng, mà tính đến nay đã là 35 năm (tính ra đã là hơn một thế hệ, thời gian đủ để đưa một nước từ lạc hậu để đạt đến tầm cao của thời đại, trong điều kiện phát triển chung của thế giới trong quãng thời gian ấy), đó là: xã hội VN đã biến hầu hết lực lượng khoa học thành những kẻ… nói theo!

Theo mức độ nguy hại đối với quá trình phát triển của đất nước, ta có thể phân ra các loại “cừu” sau đây:

1. “Cừu” nhắm mắt buông xuôi (đây là số đông):

Loại “cừu” này là nhóm người làm công tác nghiên cứu lý luận, hiện làm việc trong các viện nghiên cứu, ở trường Đảng các cấp, và ở ngay trong một số Ủy ban của QH; có lẽ, trong suy nghĩ của những người này, trước khi làm một việc gì, thì việc đầu tiên của họ là “xin ý kiến chỉ đạo”!?

Cũng có thể nói, bên cạnh sự mất mát cho đất nước, thì cũng rất tiếc cho những con người này, vì  họ là những người không phải không có học, họ phải biết được đâu là lẽ phải, đâu là sự trái ngang…, nhưng những người này, họ lại không đủ dũng khí của kẻ sỹ để bảo vệ lẽ phải nhằm mang lại lợi ích cho đất nước, cho tập thể, cho cộng đồng… kết quả công việc của họ là: đáp ứng yêu cầu mà người đưa ra ý kiến chỉ đạo đang cần.

Điển hình cho những người này là các vị đã đưa ra chủ trương tổ chức hội thảo “Xây dựng tiêu chí, phương pháp tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992” [1].

2. “Cừu” phản khoa học, nói hoặc viết những điều trái với quy luật (đây là số ít):

Loại “cừu” này thường là nhóm người làm công tác thực thi pháp luật; nhận thức của họ đôi khi đến mức “mù quáng”. Đại diện cho những người này đó là: Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, với bài “Hãy hiểu đúng về Nhân quyền ở Việt nam”, bị rất nhiều người phê phán [2].

Mặc dù, sự kiện GS Ngô Bảo Châu mới chỉ chính thức được vinh danh cách đây có hai ngày (19/8/2010), nhưng trước và sau sự kiện này hầu hết báo chí trong nước và báo của người VN ở nước ngoài, bên cạnh những lời góp vui vào niềm vui chung của toàn dân tộc, cũng đã có những trăn trở về cách sử dụng nhân tài của nước ta; vậy thì, bao giờ nước ta mới thoát khỏi được cái mà ta hay gọi là CƠ CHẾ!? Nó đang là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân” đưa nước nhà tụt hậu.

Rõ ràng là, chỉ khi nào nước ta không còn và không cần đến các loại “cừu” như đã nói trên đây trong bộ máy Nhà nước thì mới có hy vọng có cơ phát triển. Bởi vì hơn lúc nào hết, Tổ Quốc và nhân dân rất cần những con người “có học” dám nói lên ý kiến trung trực, thẳng thắn của mình, mà GS Ngô Bảo Châu là một ví dụ!

Ghi chú:

[1] xin đọc bài: “Chúng ta hôm nay đang lẩn trốn lịch sử!” trên Bauxite Việt Nam, ngày 10/8/2010.

http://boxitvn.blogspot.com/2010/08/chung-ta-hom-nay-ang-lan-tron-lich-su.html

[2] Loạt bài đã được đăng trên Bauxite Việt Nam.

21/8/2010

NHQ

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

————————————————————————

http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/Giao-duc/2010/08/3BA1F80E/

Giáo sư Ngô Bảo Châu từ chối nhận biệt thự ở Tuần Châu

Thứ bảy, 21/8/2010, 11:12 GMT+7

Một ngày sau khi nhận giải Fields, GS Ngô Bảo Châu lên blog thẳng thắn chia sẻ một số quan điểm trong đó có việc lập Quỹ Khuyến học Ngô Bảo Châu và từ chối nhận món quà là căn biệt thự ở Tuần Châu.

Trên blog Thích Học Toán, chủ nhân của giải thưởng Fields chia sẻ, cách đây vài tháng, từ khi được thông báo về giải thưởng Fields cho đến ngày 19/8, là khoảng thời gian đây lo âu đối với ông. “Lo lắng lớn về cái trách nhiệm hiển nhiên của người nhận giải đối với đất nước. Lo lắng nhỏ về cái không gian riêng tư của mình sẽ bị người khác xâm phạm”, GS Ngô Bảo Châu cho biết.

GS Ngô Bảo Châu cùng tấm huy chương Fields. Ảnh: AFP.

GS Ngô Bảo Châu cùng tấm huy chương Fields. Ảnh: AFP.

Ngay sau lễ trao giải, ông nhận được nhiều lời chúc mừng chân thành của “bạn quen và bạn không quen, làm tan đi nỗi lo lớn và trở thành niềm vui lớn”. Cho rằng đây là sự tự hào được nhân lên trong trái tim của triệu con người, giáo sư mong ước “nó sẽ ở lại trong trái tim bạn như một niềm tin nho nhỏ, được giữ gìn cẩn thận”, bởi “không phải ai cũng có khả năng để đạt giải Nobel hay Fields, nhưng ai cũng có thể sống để cuộc sống của mình có ý nghĩa”.

“Tôi cũng muốn tin rằng giải thưởng Fields sẽ đánh dấu một bước ngoặt, sẽ đem đến một luồng gió mới cho khoa học và giáo dục đại học ở nước ta. Cá nhân tôi quá bé nhỏ so với một dự kiến lớn như vậy. Nhưng bên cạnh bao nhiêu yếu kém, trì trệ, bảo thủ, tôi còn thấy những người lớn tận tụy vì khoa học, những bạn trẻ tràn trể niềm say mê khoa học. Hy vọng chúng ta sẽ đi cùng một con đường” vị giáo sư trẻ nhất Việt Nam tâm sự.

Ông cũng cho rằng, sau sự kiện này, chuyện buồn lớn nhất liên quan đến hai người bạn thân khi đã “phơi” lên mặt báo những kỷ niệm riêng. Rồi ông nhắn nhủ: “Đừng vì một niềm vui bột phát mà làm mất đi những gì quý nhất”.

Trong số những lời chúc mừng, cũng có không ít người đã đưa ra lời khuyên liên quan đến chuyện “ở hay về” nhưng GS Ngô Bảo Châu thẳng thắn: “Rất tiếc rằng các lời khuyên này không cần thiết vì đây là sự hiểu lẩm xuất phát từ sự sơ suất của một số nhà báo. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chưa bao giờ đặt vấn đề mời tôi về trong nước làm việc hẳn”.

Lưu học sinh ở Hyderabad (Ấn Độ) đến chúc mừng GS Ngô Bảo Châu. Ảnh: Nguyễn Việt Dũng.

Lưu học sinh ở Hyderabad (Ấn Độ) đến chúc mừng GS Ngô Bảo Châu. Ảnh: Nguyễn Việt Dũng.

GS Châu cũng cho hay, ông Đào Hồng Tuyển có nhã ý tặng giáo sư một biệt thự ở Tuần Châu nhưng ông đã gọi điện cảm ơn cho cho ông Tuyển biết rằng “không có ý định nhận quà từ các cá nhân”. Còn Quỹ Khuyến học Ngô Bảo Châu được GS Châu khẳng định “sẽ ra đời trong tương lai, có thể tiếp nhận mọi thiện nguyện từ các cá nhân và được dùng trọn vẹn cho việc khuyến học”.

“Tôi có thêm quốc tịch Pháp từ đầu năm 2010, nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Quốc tịch Pháp tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại. Mặt khác, tôi nghĩ trong trường hợp có cái huy chương, bên cạnh toán học Việt Nam, toán học Pháp sẽ vì thế mà được vinh danh một cách xứng đáng”, GS Châu chia sẻ.

Trước việc một số người không quen biết thắc mắc chuyện Ngô Bảo Châu là “lề trái hay lề phải”, vị giáo sư của ĐH Chicago (Mỹ) khôi hài: “Xin thưa, bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do”.

GS TS Mai Trọng Nhuận – Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội vừa gửi thư chúc mừng GS Ngô Bảo Châu. Bức thư có đoạn: “Những thành quả mà giáo sư đạt được không chỉ là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam, nó còn là minh chứng hùng hồn cho thấy trí tuệ người Việt có thể vươn tới những vinh quang chói lọi nhất của khoa học thế giới, ngay cả khi chúng ta còn gặp không ít khó khăn về điều kiện học tập và nghiên cứu.

Phần thưởng cao quý mà giáo sư có được ngày hôm nay chắc chắn sẽ là niềm khích lệ to lớn đối với tập thể cán bộ, nhà khoa học, thầy giáo, sinh viên và học sinh ĐH Quốc gia Hà Nội – Mái trường mà giáo sư từng một thời gắn bó và cũng là một trong những cái nôi hàng đầu của Việt Nam về khoa học cơ bản. Những tài năng toán học của ĐH Quốc gia Hà Nội như được tiếp thêm sức mạnh khi thế hệ đàn anh của mình đã trở thành những nhà khoa học tiên phong được cả thế giới công nhận.

Tôi có một niềm tin vững chắc rằng, giáo sư sẽ là tấm gương sáng, là động lực quan trọng và cũng sẽ khơi nguồn cảm hứng, đam mê khoa học cho thế hệ những tài năng toán học kế cận của Việt Nam cũng như của ĐH Quốc gia Hà Nội tiếp tục dấn thân trên con đường vinh quang của khoa học đầy cam go, thử thách.

Mặc dù bộn bề với công việc nghiên cứu khoa học, nhưng giáo sư vẫn về nước tham gia công tác giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng những tài năng toán học. Tôi đánh giá cao những nỗ lực cũng như tâm nguyện của giáo sư trong việc tham gia đào tạo, bồi dưỡng những tài năng toán học trẻ của trường. ĐH Quốc gia Hà Nội lấy làm vinh dự và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để sớm hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo đầy tâm huyết của giáo sư.

Tôi tin tưởng rằng, dưới sự hướng dẫn của giáo sư, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ có thêm những “Ngô Bảo Châu” trong một tương lai không xa.

Tiến Dũng

This entry was posted in Xã Hội and tagged . Bookmark the permalink.