Phát ngôn – Hành động: Tự hào Ngô Bảo Châu và một “giả tưởng” rùng mình…

Bạn Khánh Linh chỉ mới dám đưa dẫn chứng đến hàng ngũ Chủ tịch xã thôi thì cũng đủ thấy niềm tin về quyết tâm “giải phẫu khối u của xã hội quan chức hiện nay” trong lòng bạn còn ngập ngừng đến đâu. BVN thì đã có dẫn chứng đến hàng ngũ các quan đầu tỉnh, nhưng đến đấy nào đã phải là tột mức. Vậy thì phanh phui lên nữa sẽ là công việc của những ai? Lại Ban Kiểm tra trung ương Đảng chăng? Bạn thấy đấy, có phải là một công việc “vạn nan” không. Vì sao? Đơn giản lắm, khi một vị lãnh đạo tối cao lên diễn đàn hô hào này kia rất hùng hồn, bạn hiểu đó là vị ta đang sống giả hay sống thật? Theo chúng tôi đấy cũng không phải là cách làm chính trị, vì chính trị bản thân nó không phải là sự lừa mỵ mà là một khoa học xây dựng những nền móng tâm lý-xã hội để làm chỗ đặt vững lòng tin của dân chúng.

Bauxite Việt Nam

Có lẽ chưa khi nào Phát ngôn – Hành động tuần này vui đến thế. Hiện tượng Ngô Bảo Châu đã choán hết các mặt báo trong suốt tuần qua và là tâm điểm chú ý của xã hội. Song, trong niềm vui, niềm tự hào chất ngất đó, lại thoáng những ngậm ngùi, nuối tiếc.

Tự hào Ngô Bảo Châu và trách nhiệm của các nhà lãnh đạo

Niềm vui lấp lánh ngay khi Tuần Việt Nam đang tổng hợp phát ngôn hành động của tuần này, bởi một người Việt Nam được vinh danh trên đỉnh cao của Toán học thế giới: GS Ngô Bảo Châu nhận giải Fields 2010.

Không cần nhắc lại ý nghĩa của giải Fields bởi đã tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng những ngày qua, nhưng người Việt Nam sẽ tự hào hơn khi GS Ngô Bảo Châu không chỉ là người Việt Nam đầu tiên đạt tới thành tựu này, mà thành tựu của anh đã đẩy Việt Nam lên thành quốc gia thứ hai của châu Á (chỉ sau Nhật Bản với 3 huy chương Fields vào các năm 1954, 1970, 1990) được vinh danh trên đỉnh cao của lĩnh vực toán học. Những cường quốc khoa học của châu Á như Hàn Quốc, Ấn Độ đều chưa chạm tay đến được giải thưởng, kể cả Trung Quốc cũng chưa thật sự có danh hiệu này, bởi Nhà toán học Terence Tao dù gốc gác là người Trung Quốc nhưng lại nhận giải thưởng vào năm 2006 với quốc tịch Úc/Mỹ.

Tự hào, hạnh phúc trước thành tựu của GS Châu là điều đương nhiên, tự hào vì cái tên Việt Nam được sánh ngang các cường quốc năm châu trong lĩnh vực Toán học cũng là hoàn toàn chính đáng, nhưng xin đừng tự hào theo kiểu… a dua: thấy người khác tự hào thì cũng tự hào, tự hào mà chẳng biết căn nguyên cội rễ ở đâu!

Có một điều chắc chắn, giới Toán học Việt Nam đương nhiên có quyền tự hào nhất, bởi vinh quang của GS Châu kết tinh từ một thời kỳ hoàng kim của Toán học Việt Nam.

Ngô Bảo Châu nhận Huy chương Fields. Ảnh: BBC

Ngô Bảo Châu nhận Huy chương Fields. Ảnh: BBC

Nói cách khác, anh Châu may mắn vì rời Việt Nam vào năm 1990, khi Toán học Việt Nam chưa xuống dốc, và thành công của anh cũng là thành công của những con người thuộc thế hệ đã làm nên giai đoạn hoàng kim ấy của Toán học. Thế hệ ấy có quyền tự hào vì một hậu duệ của họ đã bước lên đài vinh quang.

Họ được an ủi và có động lực mạnh mẽ để bắt đầu “leo dốc”, đưa Toán học Việt Nam trở lại, biết đâu lại tốt đẹp như, thậm chí tốt đẹp hơn thời hoàng kim? Trọng trách ấy, tin chắc rằng các nhà Toán học đủ sức thực hiện, bởi trong hàng ngũ của họ không chỉ có một GS Ngô Bảo Châu đang trên đỉnh cao, mà đó là một khối gắn bó, thống nhất của những con người có chung niềm đam mê trong sáng mà ít ngành nghề khác có được.

Đọc những chia sẻ của đủ các thế hệ trước và trong ngày GS Ngô Bảo Châu được vinh danh, có một niềm hạnh phúc “nhẹ nhàng” len trong trái tim của người viết bài: Dân Toán Việt Nam yêu thương, đoàn kết với nhau quá. Nhưng như GS kỳ cựu Hoàng Tụy đã tâm sự chân thành, Toán học Việt Nam vẫn có những hậu duệ của GS Lê Văn Thiêm, nhưng lại đang thiếu vị tư lệnh ngành như GS Tạ Quang Bửu, và một lãnh đạo cấp cao như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày xưa, để tìm lại “một thời đã xa” của Toán học.

Vậy là, trách nhiệm vinh quang đang được truyền đến các nhà lãnh đạo, mong sao niềm hạnh phúc khi trí tuệ Việt Nam ngang hàng với thế giới sẽ tiếp lửa để họ sáng suốt đưa ra những chính sách đúng đắn không chỉ với Toán học Việt Nam.

Tái cơ cấu Vinashin: nín thở hy vọng…

Khoản nợ khổng lồ 86.000 tỷ đồng của Vinashin đã làm choáng váng biết bao người dân Việt Nam, Ảnh Kimcokynhan

Khoản nợ khổng lồ 86.000 tỷ đồng của Vinashin đã làm choáng váng biết bao người dân Việt Nam, Ảnh Kimcokynhan

Vui thì quá vui, nhưng vẫn phải “trở lại” mặt đất để điểm danh thêm một vài phát ngôn hành động đáng chú ý tuần qua.

Câu chuyện tập đoàn Vinashin trở lại “lai rai” tuần qua, bởi từ Bộ Chính trị đến Chính phủ đều tràn ngập quyết tâm sẽ tái cơ cấu thành công tập đoàn Vinashin, dù “Tái cơ cấu Vinashin không thể ngày một, ngày hai. Có thể sang năm thứ 4, thứ 5 mới có được một Tập đoàn Vinashin đúng nghĩa. Do đó cần phải xác định rõ mục tiêu là củng cố, ổn định và phát triển để đảm bảo có được ngành công nghiệp tàu thủy phát triển mạnh với Vinashin làm nòng cốt” như lời Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng ban chỉ đạo Tái cơ cấu Vinashin phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Ban chỉ đạo vào ngày 17.8.

Đã có không ít những đề xuất ngược – xuôi, tiến – lùi được đưa ra sau sự đổ vỡ của Vinashin, nhưng khi đã có những quyết định từ cấp cao nhất thì cả hệ thống sẽ phải cùng vào cuộc, trong đó có một phần việc quan trọng là… thông tin tuyên truyền để dư luận xã hội ủng hộ.

Chẳng gì thì khoản nợ khổng lồ 86.000 tỷ đồng của Vinashin đã làm choáng váng biết bao người dân Việt Nam, những người cả đời không thể có nổi đến vài chục triệu đồng. Rõ ràng, đòi hỏi những người dân nghèo kia [mà đây là thành phần chiếm đa số tuyệt đối] ủng hộ quyết tâm của Chính phủ sẽ khó hơn đòi hỏi những đại gia dễ dàng có tiền tỷ. Các cơ quan, tổ chức cùng thuộc Nhà nước, kể cả các tỉnh thành như những người anh em cùng cha mẹ, chưa hẳn đã “hài lòng” nhưng sẽ giang tay giúp đỡ nhau thôi. Các nhà lãnh đạo chắc chắn hiểu rõ hơn ai hết, không thể để người dân đổ vỡ niềm tin thêm một lần nữa. 4 đến 5 năm là quãng thời gian dài, chỉ biết hy vọng lần này công cuộc tái cơ cấu Vinashin sẽ công khai minh bạch hơn, các ý kiến phản biện của chuyên gia được lắng nghe thấu đáo hơn, để con tàu Vinashin có thể chạy đúng hướng. Mong lắm thay!

Rùng mình trước một giả tưởng…

Không họp Hội đồng Thi đua, nhưng vẫn làm giả biên bản. Ảnh VNN

Không họp Hội đồng Thi đua, nhưng vẫn làm giả biên bản. Ảnh VNN

Nếu so sánh với một niềm vui tầm quốc gia, một vấn đề đại sự tầm quốc gia, thì chuyện những hồ sơ giả, bằng giả của lãnh đạo các tỉnh tự nhiên có phần “chẳng có gì là quan trọng”. Nhưng tưởng thế thôi, chứ vắt tay lên trán nghĩ thêm một tý, lại thấy chuyện bằng giả, hồ sơ giả cũng là chuyện quốc gia đại sự, bởi đây không còn là những trường hợp cá biệt, riêng lẻ nữa mà nó có chiều hướng phát triển như bệnh ung thư vào giai đoạn cần xạ trị.

Câu chuyện Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy Nghệ An Tô Hồng Hải làm giả hồ sơ để được xét tặng Huân chương Lao động hạng 3 được báo Lao động phát hiện, nào không khai việc cá nhân bị Ban thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An thi hành kỷ luật với hình thức khiển trách năm 2007, khi còn đương chức Bí thư Thành ủy TP Vinh; nào không được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, không liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, không đạt danh hiệu đảng viên liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, và “táo bạo” nhất là trong hồ sơ có bản trích Họp Hội đồng thi đua khen thưởng Ban tuyên giáo lập ngày 16/3, trong khi bản thân ông Đinh Lĩnh Lương – Chánh văn phòng Ban Tuyên giáo, người ký tên ở vị trí thư ký của biên bản trích ngang lại thừa nhận không tổ chức họp Hội đồng.

Cũng trong tuần lại có câu chuyện từ Sở GD – ĐT tỉnh Sóc Trăng trên báo Dân Việt (báo điện tử của tờ Nông thôn ngày nay). 59/933 bằng tốt nghiệp THPT là bằng giả, khiến huyện Mỹ Xuyên đã buộc 16 giáo viên phải thôi việc vì sử dụng bằng cấp giả, thậm chí sắp tới hơn 16.000 giáo viên của tỉnh sẽ bị kiểm tra văn bằng.  Giá câu chuyện chỉ dừng ở đó để xã hội có thể tin “dùng bằng giả sẽ phải trả giá” thì hay biết mấy, đằng này có một mảng khác “tối” hơn nhiều, rằng giáo viên thì bị xử lý nghiêm, còn cán bộ thì lại xử lý… không nghiêm, ngoài những người đương chức thì có nhiều người được lên chức.

Vài trường hợp được dẫn chứng cụ thể, nào từ công an xã lên đảm nhiệm chức vụ Kiểm tra Đảng của Đảng ủy xã Thạnh Phú, từ công an xã Ngọc Đông lên Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Đông, rồi có người lên làm Chủ tịch UBND xã Đại Tâm, người khác làm Chủ tịch UBND xã Viên An, rồi Phó Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Phú… toàn những vị trí chủ chốt cả.

Hai câu chuyện, một cá nhân, một tập thể, một hồ sơ giả để được vinh danh, một bên bằng giả để được vào làm việc, nhưng đều đáng đau lòng… như nhau. Bởi đây chỉ là những trường hợp bị phát hiện, còn “Kính thưa các đồng chí chưa bị lộ” thì sao?

Tỉnh Sóc Trăng sẽ kiểm tra bằng cấp của đủ cả 16.000 giáo viên, còn những ngành nghề khác sắp tới có bị “sờ gáy” không? Các tỉnh thành khác trên toàn quốc có dũng cảm như Sóc Trăng không? Danh sách chưa bị lộ liệu dài đến mức nào? và cao đến cấp nào? là những câu hỏi không thể không đặt ra?

Thoáng chút rùng mình nghĩ đến tình huống giả tưởng: nếu có một cuộc “tổng kiểm tra” bằng cấp của tất cả cán bộ Nhà nước thì sẽ “rúng động” đến cỡ nào? Nhưng nếu đủ quyết tâm làm một lần, sẽ mổ xẻ được tận gốc căn bệnh thành tích đang hoành hành trong xã hội, sẽ phân biệt được thật giả và cắt cơn bệnh vàng lộn theo chì như hiện nay. Thậm chí, biết đâu sẽ phát hiện có những trường hợp cán bộ thật sự có năng lực nhưng vì không có bằng cấp thì không được vào làm việc, không được thăng chức, nên buộc lòng phải… xài bằng giả theo trào lưu?

Vấn đề nằm ở chỗ, ta có đủ quyết tâm giải phẫu khối u này để dứt bệnh không, hay thà cứ vờ như ta đang khỏe, rồi đến một ngày đẹp giời nào đó có muốn xài dao kéo đại giải phẫu cũng không còn kịp nữa?

KL

Nguồn: http://tuanvietnam.net/2010-08-20-phat-ngon-hanh-dong-tu-hao-ngo-bao-chau-va-mot-gia-tuong-rung-minh

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.