Tướng lãnh và học giả Trung Quốc thăm dò khả năng cải tổ chính trị

Trần Ngọc Cư dịch

Hồng Kông – Hiện nay, tức khoảng chừng hai năm trước, khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và nhiều lãnh tụ chóp bu khác của Trung Quốc nghỉ hưu theo luật định, tại nước này đang vọng lên nhiều tiếng nói công khai kêu đòi họ phải bắt đầu cải tổ chính trị.

Lần này, những đòi hỏi dân chủ hóa và chế độ pháp trị không phải do các nhà bất đồng chính kiến nhưng là do chính những nhân vật nổi bật thân-chính quyền đưa ra. Điều này chứng tỏ rằng những phần tử có đầu óc cởi mở trong giới nắm quyền lực, vì mất kiên nhẫn do tiến độ chậm chạp của việc cải tổ, đang lo lắng rằng nếu Trung Quốc không chịu thực hiện những thay đổi chính trị cho phù hợp với bước tiến của sự chuyển đổi kinh tế, thì quốc gia này sẽ kinh qua những động loạn xã hội có thể hủy hoại tất cả các thành tựu của những thập niên qua.

Trung tướng Lưu Á Châu, Chính ủy Đại học Quốc phòng Quân Giải phóng nhân dân, trường đào tạo các tướng lãnh Quân Giải phóng nhân dân, đã mạnh dạn tiên đoán rằng Trung Quốc sẽ phải thay hệ thống chính trị độc tài hiện nay bằng một chế độ dân chủ trong vòng 10 năm tới vì không còn “lối thoát” nào khác cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Báo chí đã đưa tin này vào ngày 5 tháng Tám.

Hai ngày sau đó, ông Hồ Sinh Đạo, Giáo sư kinh tế tại Học viện Công nghệ Bắc Kinh, một nhà nghiên cứu hàng đầu về các nhóm bị thiệt thòi quyền lợi (disadvantaged groups) tại Trung Quốc, công bố trên trang mạng của ông một kiến nghị gửi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, nhan đề “Con đường dẫn đến sự suy sụp của Trung Quốc và lối ra”. Trong thư ngỏ này, học giả Hồ Sinh Đạo cho rằng chính sự thiếu vắng công bằng xã hội và công lý đang đẩy Trung Quốc vào một con đường bấp bênh nguy hiểm. Phương thuốc duy nhất để cứu nước là phải phát động cải tổ chính trị để trả lại cho người dân những quyền và tự do hiến định của họ.

Lời tiên đoán của Trung tướng họ Lưu được gói ghém trong một bài báo đăng trong số mới nhất của Tuần báo Phượng hoàng (the Phoenix Weekly) của hãng Truyền hình Phượng hoàng (Phoenix TV), một cơ quan truyền thông thân Bắc Kinh có trụ sở ở Hồng Kông. Có lẽ vì tướng Lưu đã phát biểu quá táo bạo về một đề tài rất nhạy cảm, bài báo được đăng với lời ghi chú của biên tập viên là, bài báo dựa vào một cuộc phỏng vấn riêng với tướng Lưu và được xuất bản khi ông ta chưa xem lại phiên bản cuối cùng.

Bài báo bắt đầu bằng những chỉ trích gay gắt của tướng Lưu nhắm vào tệ “sùng bái tiền bạc” đang thịnh hành tại Trung Quốc. Ông nói rằng cả nước Trung Hoa, từ trên xuống dưới, đều tôn thờ sức mạnh của đồng tiền trong khi bỏ quên những yếu tố của quyền lực mềm (soft power) như văn hóa và ý thức hệ. “Có thêm tiền bạc không có nghĩa là gia tăng quyền lực mềm… Một quốc gia sùng bái sức mạnh của đồng tiền là một quốc gia lạc hậu và ngu xuẩn, cả về việc nội trị lẫn về quan hệ quốc tế”, tướng Lưu nói.

Xét về đối nội, ông cho rằng “nạn tham nhũng trở thành thiệt hại kinh tế lớn nhất, tệ nạn xã hội lớn nhất và thử thách chính trị lớn nhất của Trung Quốc”. Còn trên trường quốc tế, tệ sùng bái tiền bạc đã gây tổn thương nặng nề cho hình ảnh của Trung Quốc. Chẳng hạn, tướng Lưu nói rằng phương thức đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi là hối lộ các quan chức địa phương; do đó, lòng tham của quan chức bản xứ trước những món tiền hối lộ ngày càng gia tăng, trong khi người dân châu Phi bình thường ngày càng oán ghét Chính phủ và xí nghiệp Trung Quốc.

Nếu thiếu dân chủ, Trung Quốc không thể tiếp tục hướng phát triển đi lên lâu dài được, tướng Lưu nói. “Một chế độ nhất định phải sụp đổ, nếu nó không cho phép người dân hưởng không khí tự do và khuyến khích họ thể hiện đến mức tối đa khả năng sáng tạo của mình, và nếu nó không chịu đưa vào hàng ngũ lãnh đạo những người đại diện xứng đáng nhất cho chế độ và cho nhân dân”.

Lấy chế độ Liên Xô trước đây ra làm ví dụ, tướng Lưu chứng minh rằng nguyên do sụp đổ của Đảng Cộng sản Xô-viết chính là hệ thống chính trị, chứ không phải kinh tế hay quân sự. Trong một cách ám chỉ khá rõ các lề lối cai trị hiện nay tại Trung Quốc, tướng Lưu nói rằng trước đây Liên Xô đã cố duy trì ổn định chính trị như một ưu tiên hàng đầu, “đặt ổn định chính trị cao hơn mọi nhiệm vụ khác và cố gắng dùng tiền bạc để giải quyết mọi vấn đề. Nhưng rốt cuộc, xung đột [xã hội] ngày một căng thẳng và mọi việc đã đi theo một chiều hướng ngược lại”.

Tương phản với Liên Xô, bí quyết thành công của Hoa Kỳ nằm ngay trong chế độ pháp trị bền vững của nước này và hệ thống chính trị đằng sau chế độ pháp trị này, chứ không nằm trong sức mạnh tài chính của Wall Street hay công nghệ cao của Silicon Valley.

Vì thế, theo tướng Lưu, Trung Quốc phải thay đổi hệ thống chính trị. “Tái cấu trúc hệ thống chính trị là một nhiệm vụ mà lịch sử giao phó cho chúng ta. Chúng ta không thể trốn tránh nhiệm vụ này”, tướng Lưu nói. Ông tiên đoán rằng “trong vòng 10 năm nữa, một sự chuyển đổi từ hệ thống chính trị độc tài sang một chế độ dân chủ sẽ tất yếu xảy ra. Người ta sẽ chứng kiến những biến chuyển vĩ đại tại Trung Quốc”.

Vị tướng Quân Giải phóng nhân dân 57 tuổi, con rể của cố Chủ tịch Lý Tiên Niệm và vì thế chính bản thân ông ta là một hoàng tử đảng, hiện được nhiều người coi như một ngôi sao chính trị đang lên trong Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quân Giải phóng nhân dân. Nhưng nhiều người cũng coi ông là kẻ hiếu thắng vì những bài nói và bài viết thẳng thắn của ông thường vi phạm những điều cấm kỵ và đi ra ngoài giới hạn. Tướng Lưu còn có chân trong ban Thanh tra kỷ luật thuộc Quân ủy Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, một cơ quan giám sát chống tham nhũng hàng đầu của Trung Quốc.

Với địa vị và lý lịch có tính chính thống của ông, không mấy ai ngạc nhiên khi những phát biểu về cải tổ chính trị của tướng Lưu đã gây sôi nổi trong công chúng. Bài báo trong tuần san Phượng hoàng (Phoenix Weekly) đã được in ra rộng rãi hoặc được tường thuật và thảo luận trên nhiều website lớn tại Trung Quốc.

Ông Dương Hạng Dũng, một blogger nổi tiếng, nói với hãng truyền thông Deutche Welle của Đức rằng “nếu một vị tướng nào khác của Quân Giải phóng nhân dân nói ra những điều như thế còn có thể gây sốc. Nhưng tôi không ngạc nhiên khi nghe tướng Lưu Á Châu, một người thẳng tính, phát biểu như thế, vì ông ta đã từng nói ra những điều tương tự trước đây. Tướng Lưu là một người còn lương tâm và có viễn kiến”. Theo quan điểm của ông Dương, tướng Lưu đang nói thay cho nhiều đảng viên khác trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. “Tình hình không thể tiếp diễn mãi như thế này tại Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc không thể tiếp tục cai trị theo đường lối như hiện nay. Nhất định phải có thay đổi, mặc dù người ta có thể có nhiều quan điểm khác nhau về phương cách đổi mới chính trị”.

Theo một số nhà phân tích chính trị tại Bắc Kinh, những bình luận của tướng Lưu gợi ý rằng các hoàng tử đảng và giới tinh anh trẻ trong đảng rất muốn có một tiếng nói mạnh mẽ hơn trong các vấn đề chính trị. Họ cũng hy vọng rằng việc phát biểu những quan điểm cởi mở sẽ giúp họ giành thêm nhiều người ủng hộ trên đường tiến tới đại hội đảng lần thứ 18 vào cuối năm 2012.

“Vì nghĩ rằng họ có sứ mệnh bảo vệ những thành quả mà cha ông họ đã ra sức chiến đấu để giành được, những hoàng tử đảng này đang lo lắng Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể mất tính chính đáng nếu không chịu làm gì để cải tổ chính trị. Chắc chắn, họ cũng hy vọng giành thêm nhiều thắng lợi trong cuộc sắp lại ván cờ chính trị trong hai năm tới”, một trong các vị hoàng tử đã phát biểu như thế.

Nhưng một số công dân mạng lại chỉ trích quan điểm của tướng Lưu về sự thành công của Hoa Kỳ. “Ông Lưu đã khá nông cạn khi cho rằng sự thành công của Hoa Kỳ nằm trong chế độ pháp trị và hệ thống chính trị [đằng sau đó]. Nhưng người ta có thể hỏi, Hoa Kỳ đã lấy chế độ pháp trị và hệ thống chính trị ấy từ đâu?”

Cũng như tướng Lưu, ông Hồ Sinh Đạo rất quan tâm về sự thất bại của hệ thống chính trị hiện nay của Trung Quốc. Trong thư ngỏ gửi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, ông cho rằng việc điều hành quốc gia tại Trung Quốc chưa tìm ra được “phương hướng đúng đắn”. Để duy trì ổn định và bảo vệ quyền lợi mà đảng trao cho (vested interests), nhiều chính quyền địa phương đã “sử dụng những điều láo khoét, những phương tiện hung bạo, chế độ cải tạo lao động, băng đảng xã hội đen, trại giam trái phép và cả nhà thương điên để giam giữ các ký giả, các người tiết lộ tin tức và những người bất đồng chính kiến”, ông Hồ viết. Do đó, “công bằng xã hội và công lý đã bị triệt tiêu. Đây là thất bại lớn nhất trong việc điều hành chính quyền hiện nay”.

Hồ Sinh Đạo quy kết sự bất công và mất công lý cho hệ thống chính trị hiện nay, một hệ thống với đặc tính là “không tách rời hành pháp, lập pháp, giám sát và tư pháp; không tách rời quan chức và doanh nhân; và không tách rời đảng và nhà nước”. Do đó, ông Hồ nói tiếp, Trung Quốc đang trên đường đi tới sụp đổ.

Lối thoát để ra khỏi nguy cơ này là phải xây dựng điều mà ông ta gọi là “chủ nghĩa xã hội hiến định” (constitutional socialism), lấy công lý xã hội làm nền tảng cho việc điều hành quốc gia. “Tôi ủng hộ một đường lối cải tổ từng bước, phù hợp với điều kiện riêng và bản sắc quốc gia của Trung Quốc. Tôi không cổ vũ một đường lối theo quan niệm tự do thuần phương Tây. Tôi gọi đó là chủ nghĩa xã hội hiến định”.

Trả lời phỏng vấn của giới truyền thông sau khi đăng kiến nghị trên mạng, Hồ Sinh Đạo diễn giải rằng chủ nghĩa xã hội hiến định là sự kết hợp việc cai trị hợp hiến với công lý. Nói tắt một câu, chủ nghĩa xã hội và quyền cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc phải tuân theo Hiến pháp. Khi đi vào chi tiết, ông Hồ chủ trương rằng người dân phải được trả lại các quyền và tự do hiến định, như quyền bầu cử và giám sát Chính phủ, như tự do ngôn luận và tự do xuất bản.

Hồ Sinh Đạo nói rằng ông đưa ra một đường lối thay đổi từng bước vì nhiều trí thức đồng ý rằng Trung Quốc phải tránh cho bằng được một cuộc cách mạng bạo động thứ hai. Như vậy, chỉ có đường lối chuyển hóa từng bước nhằm thúc đẩy tiến bộ xã hội và phát triển kinh tế là phù hợp với lợi ích của tuyệt đại đa số nhân dân. Ông Hồ khẳng định rằng đường lối của ông là thân chính quyền: “Dù sao, chủ nghĩa xã hội vốn đã được đảng cầm quyền chấp nhận. Do đó, đề nghị của tôi là một chủ trương cải tổ ôn hòa”.

Hồ Sinh Đạo nói rằng mặc dù thỉnh nguyện của ông được đề gửi Chủ tịch nước, nhưng qua bạn bè ông cũng chuyển các bản sao đến những nhà lãnh đạo khác ở chóp bu. Nhà học giả nói rằng Chủ tịch Hồ Cẩm Đào có hồi âm hay không không phải là điều quan trọng; điều quan trọng là phải tìm cách “đánh thức quần chúng và cán bộ trong chính quyền để họ biết sự thực và tìm đường cải thiện đất nước và thúc đẩy tiến bộ xã hội”.

Các nhà phân tích thời cuộc nói rằng chắc có lẽ do tình cờ mà tướng Lưu Á Châu và học giả Hồ Sinh Đạo đưa ra những lời kêu gọi cải tổ chính trị gần như vào cùng một thời điểm. Cũng có thể là, hiện đang có một cuộc tranh luận diễn ra trong hàng lãnh đạo ở chóp bu, và phe cởi mở muốn quảng bá quan điểm của mình để thăm dò phản ứng từ bên trong đảng cũng như bên ngoài quần chúng.

Wu Zhong là biên tập viên của Asia Times phụ trách về các vấn đề Trung Quốc.

Dịch từ: “General and scholar test reform waters”, Asia Times Online, 12.8.2010.

Nguồn: talawas 21-8-2010

This entry was posted in Trung Quốc. Bookmark the permalink.