Các thế lực thù địch đang phá Đảng ở đâu ra?

Khi hai cảnh sát bước vào quán ăn, thực khách đều liếc nhìn về phía họ. Những cái nhìn nghi ngại, không thiện cảm. Họ chọn một bàn có hai người dáng vẻ như hai vợ chồng và một cháu bé chừng 6 tuổi để ngồi. Đứa bé đang líu ríu chuyện trò với mẹ liền im bặt. Phục vụ bàn mang suất ăn đến cho hai cảnh sát và mọi người trong quán hết sức ngạc nhiên nghe thấy một trong hai cảnh sát nói lời cảm ơn. Chị phục vụ còn ngạc nhiên gấp bội. Hai vợ chồng cùng bàn nhìn hai cảnh sát tỏ vẻ thoải mái hơn trước còn đứa bẻ thậm chí còn lấy hai cái thìa đưa cho họ.

Câu chuyện tôi vừa kể có lẽ rất ít người tin là có thật nhưng là chuyện tôi được chứng kiến tận mắt. Ở xã hội ta ngày nay, có một sự thực đáng buồn: hầu như tất cả dân chúng từ đứa trẻ cho đến các cụ già đều ghét cảnh sát. Khi trẻ con quấy khóc, người ta thay vì đem “ông ba mươi” ra dọa như trước kia thì bây giờ họ nói: “Con có nín ngay không, mẹ gọi công an đến bắt đi bây giờ”. Công an đã trở thành một biểu tượng thay thế cho “ông ba mươi”. Trong các câu chuyện thường nhật, mọi người chắc chắn nghe thấy những từ “bọn công an” hoặc “thằng công an” thay vì gọi là “chú công an” hoặc “anh công an”. Điều đó có phải vì mọi người trong xã hội ta trở nên kém văn hóa hơn hay ngành công an có khiếm khuyết trong việc đào tạo, giáo dục cán bộ chiến sỹ của mình?

Tôi không rõ trong các trường an ninh, người ta dạy công an những gì nhưng hầu hết các đồn cảnh sát đều có tấm bảng ghi rõ lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công an nhân dân là: “Đối với nhân dân phải kính trọng lễ phép”.

Trong phép xử sự thông thường nơi công cộng, việc ngỏ lời cảm ơn là hết sức bình thường của mọi con người có giáo dục. Nhưng tiếng “cảm ơn” được nói ra bởi người công an lại là một điều ngạc nhiên của rất nhiều người. Thậm chí một đứa trẻ 6 tuổi cũng thay đổi hẳn thái độ với “ông ba mươi mới” bằng hành động lấy thìa đưa cho hai chú công an.

Việc công an dùng dùi cui thay cho lời nói đối với những người dân buôn thúng bán bưng mà cuộc sống gia đình trông vào gánh rau; việc công an lôi kéo, giành dật, tịch thu sọt hoa quả của những người phụ nữ mặt mũi hốc hác mà  những đứa con đau ốm của họ đang trông chờ mẹ mua thuốc chữa bệnh mang về… quả thật đó là những việc làm xấu đi hình ảnh người cảnh sát. Đành rằng giữ gìn trật tự và vẻ đẹp văn minh đô thị là cần thiết nhưng cách làm đó của các anh dưới con mắt của dân chúng có làm đô thị trật tự hơn không, có làm cho bộ mặt xã hội trở nên đẹp và văn minh hơn không? Tự các anh đã tìm thấy câu trả lời.

Ở mức độ nghiêm trọng hơn, hành động có tính tàn bạo, vi phạm pháp luật khi thi hành công vụ của công an như trường hợp Nguyễn Mạnh Thư, công an huyện Tĩnh gia đã để lại vết thương khó lành trong lòng tất cả người dân. Tôi cho rằng trong suốt phần đời còn lại của mình, Nguyễn Mạnh Thư  không thể tìm thấy bình yên trong tâm hồn khi khẩu súng trong tay anh được đảng giao cho không bắn vào kẻ địch, không bắn vào cái ác mà lại bắn vào một thiếu niên 12 tuổi vô tội là em Lê Xuân Dũng.

Không dùng súng nhưng Thiếu úy Nguyễn Thế Nghiệp, cán bộ công an huyện Tân yên đã gây ra cái chết thảm cho anh Nguyến Văn Khương ở Bắc Giang. Và điều đó đã dẫn đến một cuộc “bạo động” chưa từng thấy nơi miền quê hiền hòa này.

Vụ Bắc Giang chưa nguôi nỗi niềm nơi hàng triệu người dân thì tại Thái Nguyên công an giả dạng dân thường, thiếu úy Trương Đình Hoàng lại rút súng bắn thẳng vào nạn nhân là Hoàng Thị Trà, sinh viên Trường đại học Sư phạm Thái Nguyên.

Nhân dân có phải là kẻ thù của công an không mà sao các anh có thể hành xử với nhân dân như vậy?

Những hành động bắn vào dân của các anh sẽ làm dân tin yêu các anh hay căm ghét các anh rồi dẫn đến căm ghét chính quyền?

Đảng chắc cũng không vui vẻ gì khi lực lượng công an của Đảng hành xử với dân như vậy. Nhưng Đảng đã làm gì bao nhiêu năm qua để các sự việc tồi tệ đến mức như vậy có thể xảy ra trên đất nước ta, đất nước mà Đảng nói là “ Đảng là đảng của dân, do dân và vì dân”?

Có thể do Đảng quá lo lắng về “các thế lực thù địch” mà Đảng quên mất rằng “các lực lượng thù địch” đang hiện hữu trong Đảng, chống phá Đảng từ trong phá ra. Chỉ có như vậy mới biến được những thanh niên chất phác ở các miền quê nhưng khi mặc tấm áo công an được may bằng tiền của dân, do dân góp tiền nuôi nấng lại tự cho mình cái quyền hống hách với dân, vô lễ với dân và quay súng bắn vào dân.

Nhân dân chỉ mong công an ai cũng như hai cảnh sát nói ở phần đầu bài viết này, họ chỉ cần tỏ ra biết cư xử đúng mức với dân là đã nhận được ở dân sự tôn trọng đáng có. Họ chỉ cần tử tế trong lời nói với dân là đã được các em bé đang sợ công an như sợ “ông ba mươi” tỏ ngay lòng yêu mến.

Không thể không nói với Đảng về suy nghĩ của nhân dân rằng: chính những kẻ đang đào tạo ra công an là những kẻ đang phá Đảng, chính chúng là “các thế lực thù địch” chứ không phải là Nhân dân.

MXD

HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

This entry was posted in Đảng CSVN, Pháp Luật. Bookmark the permalink.