Thưa các vị, các trường Đảng, trường Hành chính, các lớp dạy Lý luận trung cấp, cao cấp cho cán bộ, và hàng trăm cuộc tập huấn trong một năm ở tất cả các bộ ngành, địa phương dạy cái gì? phổ biến cái gì? Ban Tổ chức Trung ương làm gì? Sao lại để đến nỗi cán bộ của ta như thế này? Thực quá đau xót!
Chẳng nói gì đến cán bộ địa phương, ngay các ông lớn phát ngôn ở Quốc hội cũng rất văng mạng. Ôi! thật buồn về các “quan cách mạng” thời nay!
Nguyễn Xuân Diện
1. Sự thật về “Thầy thuốc ưu tú” Hồ Đức Hải
Như Tamnhin.net đã thông tin, ông Hồ Đức Hải – giám đốc Sở Y tế Phú Thọ lấy bằng Tthạc sỹ loại trung bình ở nước ngoài chuyên ngành quản lý nhân sự chỉ trong 40 ngày học.
Mới đây, một bạn đọc ở Phú Thọ cung cấp tài liệu và đặt vấn đề ông Hồ Đức Hải tự phong danh hiệu Thầy thuốc ưu tú cho mình.
Theo đó, trong bài viết “Một số thành quả và giải pháp nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân” in trong bản tin Y tế Phú Thọ, số đặc biệt Chào mừng 55 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, do ông Hải chỉ đạo nội dung, có đoạn: “Thầy thuốc ưu tú, BSCKI Hồ Đức Hải – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ”.
Phía ngoài bìa cuốn này cũng có dòng chữ in to: “Chỉ đạo nội dung: Thầy thuốc ưu tú, BSCKI Hồ Đức Hải – Giám đốc Sở Y tế”.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Tamnhin.net, ông Hải vẫn đang thực hiện đề tài nghiên cứu để làm hồ sơ xét tặng, chứ chưa được phong danh hiệu Thầy thuốc ưu tú.
Đính chính sau 6 tháng phát hành?
Cách đây vài ngày, trên website của Sở Y tế Phú Thọ có đăng “Đính chính cuốn Bản tin Y tế Phú Thọ”.
Theo đó, trong dịp chào mừng Kỷ niệm 55 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2010), Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe đã sản xuất và phát hành cuốn Bản tin Y tế Phú Thọ.
Do sơ xuất trong khâu trị sự, tại trang 7, dòng thứ 3 và 4 từ trên xuống đã đăng sai chức danh của đồng chí Hồ Đức Hải – Giám đốc Sở Y tế là: “Thầy thuốc ưu tú, BSCKI. Hồ Đức Hải – Bí thư Đảng Ủy – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ”.
Nay xin đính chính lại là: BS. Hồ Đức Hải – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ.
Như vậy, sau 6 tháng phát hành, đơn vị này mới phát hiện ra sai sót trong bản tin. Dư luận thắc mắc, ông Hồ Đức Hải là người chỉ đạo nội dung của bản tin này, chẳng lẽ ông không đọc mà vẫn duyệt cho in?
Hơn nữa, phần đính chính của Ban biên tập bản tin trên chỉ đính chính sai sót trong bài viết “Một số thành quả và giải pháp nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân” của ông Hồ Đức Hải. Thế còn phần bìa cũng ghi ông Hải là “Thầy thuốc ưu tú” thì chắc là đúng nên không thấy đính chính?
Thầy thuốc ưu tú là danh hiệu cao quý nhưng đến nay ông Hải chưa được phong tặng. Liệu có ai đó cố tình đưa vào bản tin? Dư luận đang mong chờ câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ.
Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú
Theo thông tư 09/2007/TT-BYT Hướng dẫn xét tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú của Bộ Y tế ban hành ngày6/6/2007, tiêu chuẩn để xét tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú là:
a.Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, có phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy với nghề, hết lòng yêu thương người bệnh, tuân thủ pháp luật, không vi phạm các quy định về đạo đức nghề nghiệp.
b.Có tài năng, có nhiều thành tích xuất sắc trong nghề, được nhân dân, người bệnh và đồng nghiệp tín nhiệm. Trong đó, phải đạt được các điều kiện sau:
-Đã được tặng 1 Bằng khen Thủ tướng Chính phủ hoặc danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấn cơ sở 5 năm hoặc 3 Bằng khen cấp Bộ, ngành, tỉnh về thành tích chuyên môn quản lý.
-Có thành tích trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học: Đối với thầy thuốc có trình độ đại học trở lên, phải chủ trì phát minh hoặc sáng chế hoặc đề tài nghiên cứu khoa học hoặc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được Hội đồngKHCN cấp cơ sở nghiệm thu, công nhận hoặc là thư ký đề tài nghiên cứu khoa học đã được Hội đồng KHCN cấp Bộ, tỉnh nghiệm thu, công nhận…
P.V
Nguồn: http://www.baomoi.com/Home/ThoiSu/www.tamnhin.net/Su-that-ve-thay-thuoc-uu-tu-Ho-Duc-Hai/4714787.epi
2. Cha làm to, con miễn thi công chức?
TP – Không qua thi tuyển, con một lãnh đạo tỉnh Quảng Bình vẫn nghiễm nhiên trở thành công chức Ngân hàng Nhà nước. Nhân vật được “ưu ái” này là bà Lương Ngọc Thanh Bình, sinh năm 1981, quê xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình).
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, bà Bình tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Năm 2004, bà Bình được nhận vào làm việc ở Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh Quảng Bình. Tại đây, bà Bình được bố trí làm cán bộ tín dụng, chuyên viên văn phòng dịch vụ khách hàng doanh nghiệp; chuyên viên văn phòng dịch vụ khách hàng cá nhân.
Ngày 1-7-2009, thông qua một cuộc sát hạch sơ sài, bà Bình được “phiên ngang” và trở thành công chức của NHNN Việt Nam làm việc tại chi nhánh Quảng Bình, với chức danh chuyên viên Phòng Nghiên cứu tổng hợp và Quản lý các tổ chức tín dụng.
Việc bà Bình được “phiên ngang” từ viên chức doanh nghiệp Nhà nước sang công chức Nhà nước đã vi phạm các quy định của Nhà nước về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ công chức trong các cơ quan Nhà nước.
Trong các văn bản “nội bộ” qua lại giữa NHNN Việt Nam và NHNN chi nhánh Quảng Bình liên quan đến trường hợp của bà Bình đã tự đưa ra quy định riêng để đặc cách cho bà Bình vào công chức.
Tại công văn số 2283/NHNN-TCCB do ông Nguyễn Quang Thép – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của NHNN Việt Nam thừa lệnh Thống đốc ký lại đồng ý cho chi nhánh Quảng Bình tổ chức sát hạch để xem xét tiếp nhận bà Bình với thành phần Hội đồng 3 người gồm: Giám đốc chi nhánh và 2 Trưởng phòng. Trong lúc đó, theo quy định Hội đồng này phải có từ 5 đến 7 thành viên và thêm các bộ phận giúp việc như Ban coi thi, Ban chấm thi, Ban phách…
Một cán bộ làm ở ngành Nội vụ khẳng định: Bà Bình, viên chức trong doanh nghiệp Nhà nước, chỉ là nhân viên, không có chức vụ thì dù có làm 3 năm hay lâu hơn nữa vẫn phải tham gia thi tuyển công chức. Việc tổ chức xét tuyển mà không thi tuyển là trái với quy định.
Trao đổi với PV Tiền phong, ông Đinh Quang Hiếu, Giám đốc chi nhánh NHNN Quảng Bình cho rằng: đã làm đúng theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam, tổ chức xét tuyển nghiêm túc đối với bà Bình.
Tuy nhiên, khi PV dẫn ra quy định của Nhà nước, chứng minh việc bà Bình vào công chức là trái quy định, ông Hiếu mới tiết lộ: “Nói thiệt đây là trường hợp con của bác Bính (ông Lương Ngọc Bính là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh – PV), đừng làm to chuyện mà tội. Cô ấy ở bên đó (Ngân hàng ĐT&PT) đi sớm về muộn, vất vả nên bác ấy muốn đưa con về đây cho nhàn nhã. Nói thiệt với chú, bác Bính xin đâu trước ngoài trung ương rồi, bọn tui chỉ là người thực hiện theo chỉ đạo thôi”.
Khi được hỏi, vì sao cô Bình không đợi đến đợt thi tuyển công chức, ông Hiếu nói: “Thi tuyển người ta làm chặt chẽ lắm, thậm chí là thuê các trung tâm tiếng Anh, tin học độc lập chấm. Đi làm 4-5 năm rồi, kiến thức bị quên hết, không thể địch nổi với những sinh viên mới ra trường. Nói thiệt, trường hợp cô Bình nói sát hạch chẳng qua là làm phép thôi, chứ mọi việc ở ngoài Ngân hàng Trung ương chỉ đạo cả rồi”.
Nhóm PVPL
Nguồn: http://www.tienphong.vn/Thoi-Su/509841/Cha-lam-to-con-mien-thi-cong-chuc.html