Một thể chế muốn mọi thứ đều “thật” thì những người cầm chịch phải đàng hoàng và chính danh. Nay tính chính danh ngày càng giảm sút thậm chí có những phương diện là giảm đến đáy, do các hành động thiếu đường đường chính chính và không lấy mục tiêu vì dân vì nước làm đích đến cao nhất. Thế thì cán bộ cấp dưới trắng trợn đổi trắng thay đen có gì là lạ. Thử nghĩ, làm bằng giả để được “lọt” qua đại hội đảng, vậy trong đầu của cái đám đi đại hội đảng ấy nghĩ rằng đại hội đảng mà họ đang cố sức chen chân vào là dỏm hay thật?
Bauxite Việt Nam
TP – Không chỉ là chuyện bằng giả. Một số cán bộ đã đi xa hơn, mạo dựng công văn xác minh bịt đi chuyện bằng giả khi bị phát hiện.
Có người còn mạo dựng cả “bản tường trình”, kể lại chuyện mình làm việc với cán bộ xác minh ra sao, hòng gian dối đến cùng. Nhiều công chức sử dụng bằng giả, khi bước đầu bị phát hiện, bèn… làm giả cả công văn xác minh để đối phó với cơ quan quản lý.
Bằng giả, công văn cũng giả
Ngày 29-3-2010, Ban tổ chức Huyện ủy Tịnh Biên (An Giang) có công văn kính gửi Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, nội dung: “Kính đề nghị Phòng Khảo thí Sở GD-ĐT TP Cần Thơ giúp đỡ xác minh việc cấp bằng tốt nghiệp trung học, hệ bổ túc đối với cán bộ Lâm Thanh Tùng”. Kèm theo là bản sao bằng tốt nghiệp THBT ghi: Sở GD-ĐT TP Cần Thơ cấp cho ông Lâm Thanh Tùng; sinh ngày 9-10-1970; nơi sinh Tịnh Biên, An Giang; học sinh Trung tâm GDTX Bình Thủy, trúng tuyển kỳ thi ngày 18-8-2007 tại Hội đồng thi Tiểu học Trần Quốc Toản.
Ngày 5-4-2010, Trưởng phòng Khảo thí Nguyễn Thị Thuận, thừa lệnh Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, ký công văn trả lời Ban tổ chức Huyện ủy Tịnh Biên, khẳng định: Bằng tốt nghiệp của ông Tùng là giả, vì “khóa thi ngày 18-8-2007 tại TP Cần Thơ không có Hội đồng thi Tiểu học Trần Quốc Toản” và ông Tùng “không có tên trong danh sách dự thi và tốt nghiệp trung học hệ bổ túc, và không được cấp bằng tốt nghiệp”.
Thế nhưng, ở Ban tổ chức Huyện ủy Tịnh Biên lại xuất hiện công văn của Sở GD-ĐT TP Cần Thơ với nội dung khác hẳn: Bằng tốt nghiệp của ông Tùng là thật. Tương tự ông Tùng là trường hợp ông Lê Văn Hiếu, sinh ngày 20-6-1971, sử dụng bằng giả nhưng khi bị phát hiện lại “tòi” ra công văn khẳng định đó là thật.
Do dư luận xôn xao, ngày 21-6-2010, Ban tổ chức Huyện ủy Tịnh Biên có công văn và cử cán bộ trực tiếp đến làm việc với Sở GĐ-ĐT TP Cần Thơ. Sự thật sáng tỏ: Cái công văn xác nhận bằng tốt nghiệp của ông Tùng và ông Hiếu là thật, hóa ra là công văn giả, từ chữ ký đến con dấu.
“Tường trình” cũng giả nốt!
Bà Nguyễn Thị Thuận, Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, cho biết, có công chức bảo vệ cái… bằng giả của mình đến cùng. Điển hình là trường hợp ông Hà Hữu Hiểu, sinh ngày 3-10-1963, theo tự giới thiệu là “xã đội trưởng xã Thạnh Thới An, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng”.
Khi tỉnh Sóc Trăng đề nghị xác minh 10 bằng và giấy chứng nhận tạm thời tốt nghiệp trung học hệ bổ túc, trong đó có bằng của ông Hà Hữu Hiểu, Sở GD-ĐT TP Cần Thơ có công văn trả lời, tất cả là giả. Hơn 2 tháng sau, ông Hiểu bỗng trình ra “Giấy xác nhận” có chữ ký của bà Thuận, đóng dấu Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, cho rằng “Bằng tốt nghiệp THPT hệ bổ túc của Hà Hữu Hiểu do Sở GD-ĐT Cần Thơ cấp là thật”.
Ông Hiểu còn kèm theo “Tờ tường trình” viết tay, kể về cuộc gặp giữa ông với bà Thuận: “Cô Thuận hỏi anh tên gì, năm sinh mấy, ở đâu. Em trả lời Hà Hữu Hiểu, sinh năm 1960 là đúng, ở Sóc Trăng. Cô Thuận kêu anh ngồi đó chờ tôi một chút. Lúc đó thấy cô đi vô rồi xem giấy tờ hồ sơ, và ký tên đóng dấu tờ xác nhận, đưa cho tôi”. Cuối tờ tường trình, ông Hiểu cam kết: “Lời khai trên là đúng sự thật, nếu khai gian tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm”.
Được xem “Giấy xác nhận” và “Tờ tường trình” trên, bà Thuận khẳng định: Chữ ký của bà và con dấu của Sở GD-ĐT TP Cần Thơ là giả; bà chưa hề gặp ông Hiểu và có những hành vi như ông Hiểu tường trình. Nguyên tắc xác minh bằng cấp, theo bà Thuận, chuyên viên kiểm tra hồ sơ, viết văn bản, trình bà ký và đi đóng dấu, “bản thân tôi không trực tiếp đi đóng dấu”.
Bà Thuận cho biết thêm, thời gian qua xác minh rất nhiều văn bằng tốt nghiệp trung học hệ bổ túc và giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời do tỉnh Sóc Trăng đưa lên, kết quả “số lượng giả mạo là 90%”. Còn bao nhiêu công chức sử dụng bằng giả đã làm giả công văn để bịt đi, thì bà không biết.
Xin chậm lại sau đại hội Đảng (?!)
Bà Nguyễn Thị Thuận, Trưởng phòng Khảo thí Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, nói với PV Tiền Phong: “Có người khi biết vừa có công văn xác minh bằng cấp gửi đi đã điện thoại đến cơ quan gặp tôi, đặt “điều kiện nọ kia” nhưng tôi kiên quyết từ chối thì lại đề nghị tôi gửi công văn xác minh chậm lại, sau khi địa phương đã đại hội Đảng xong”.
Bà có thấy cần châm chước cho họ không?
Không. Chúng tôi xác minh và trả lời theo đúng quy định. Tôi cũng không hiểu, nhiều công chức còn trẻ mà sao không chịu học để tốt nghiệp trung học hệ bổ túc đâu có khó khăn gì ghê gớm lắm, mà lại tìm con đường gian dối như vậy.
Công văn đề nghị xác minh vừa gửi đi thì người bị xác minh đã biết để xin xỏ nọ kia; công văn xác minh gửi lại, người bị xác minh cũng biết để làm giả, bắt chước chữ ký lẫn con dấu?
Tôi ngạc nhiên lắm, nên biết bằng cấp giả rất nhiều mà không biết bao nhiêu trong số đó đã bị tráo công văn xác minh để trở thành bằng thật.
SN
Nguồn: http://www.tienphong.vn/Thoi-Su/509696/Lam-cong-van-gia-de-bit-bang-gia.html