Em chào các bác. Hiện em đang ở Đà Nẵng và hôm nay 8/8 em mới đưa một số nhà báo lên tham quan Tàu sân bay USS George Washington của Mỹ. Em xin được giới thiệu một số ảnh em chụp trong chuyến đi này.
Sau khoảng 1h bay, 10h10 máy bay phát tín hiệu chuẩn bị hạ cánh. Máy bay đang bay chừng hơn 200km/h thì hạ dần độ cao và thả một cái càng ra ở đuôi máy bay, cái càng này sẽ ngoắc vào 1 trong 4 sợi dây cáp trên đường băng ở mặt boong tàu. Sợi dây này sẽ giằng cái máy bay lại. Tốc độ máy bay giảm từ hơn 200kmh xuống 0kmh chỉ trong 2-3 giây. Tim gan phèo phổi của em bị chèn ép trong tích tắc, cảm giác cực kỳ đặc biệt, không thể tả nổi, giật gân hơn bất cứ trò chơi mạo hiểm nào mà em từng chơi.
Chuyến thăm này là một trong những hoạt động kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ VN-Mỹ nên tàu cũng lựa chọn nhiều thủy thủ gốc Việt phục vụ trên tàu (Người phụ nữ mặc áo rằn ri trong ảnh là một thủy thủ gốc Việt).
Đây là trung tâm thần kinh của tàu, kiểm soát các hoạt động của máy bay, đường băng, tác chiến chống ngầm, tác chiến điện tử, xử lý các thông tin từ radar và các sensor…
Luồng hơi phản lực từ máy bay thổi mọi người nghiêng ngả. Đoàn được bố trí đứng ở những vị trí an toàn. Mọi người đều phải mặc áo bảo hộ kiêm áo phao, đội mũ bảo hiểm và chụp tai vì tiếng ồn rất lớn.
Vì đường băng rất ngắn nên máy bay muốn cất cánh phải được phóng lên bằng một súng phóng dùng hơi nước nóng nén trong một xy lanh khổng lồ. Máy bay sẽ tăng tốc độ từ 0kmh lên 270kmh trong 2,7 giây.
Máy bay hạ dần độ cao và thả ra một cái móc, nó sẽ móc vào 1 trong 4 sợi cáp căng ngang trên đường băng và sẽ bị giằng lại trong vài giây. Phi công phải hạ cánh trong tình trạng động cơ chạy hết công suất (ngược lại với hạ cánh trên đường băng mặt đất) vì trong trường hợp máy bay tóm trượt cả 4 sợi cáp thì máy bay vẫn còn đủ động lực để cất cánh ngay lập tức và vòng lại tìm cách hạ cánh sau.
Ở đây, họ dùng các mô hình máy bay, dùng các đinh ghim và ốc sơn màu để thể hiện tình trạng máy bay (ví dụ một con ốc màu tím đặt trên máy bay nghĩa là nó đang được nạp nhiên liệu, một cái ghim màu đỏ có nghĩa nó đang được lắp bom hoặc tên lửa, v.v.)
Đã có lúc người Mỹ tìm cách lập trình máy tính cho việc điều hành đường băng, nhưng không có một chương trình máy tính nào đủ thông minh cả, nên cuối cùng thì cách điều khiển thô sơ này vẫn là hiệu quả nhất.
phamtt
Nguồn: Bài và ảnh do phamtt thực hiện và Hà Sĩ Phu trực tiếp gửi cho BVN. BVN xin cảm ơn bạn phamtt đã đem đến niềm hứng khởi cho độc giả của trang mạng.
Bauxite Việt Nam
Phụ lục:
Ngày 8/8, một đoàn quan chức liên ngành của Việt Nam ra thăm tàu. Sau hơn một giờ bay từ Đà Nẵng ra vị trí của tàu USS George Washington, cách bờ khoảng 200 hải lý về phía Đông, đoàn cán bộ hạ cánh xuống đường băng của tàu và được chào đón trọng thể ngay từ cửa máy bay.
Trong thời gian ở lại Đà Nẵng, tàu USS John S. McCain và Lực lượng đặc nhiệm 73 sẽ hợp tác với Quân chủng Hải quân Việt Nam tiến hành các hoạt động phối hợp giúp xây dựng quan hệ giữa các thành viên tham gia chương trình, trong đó có các dự án y tế, nha khoa, kỹ sư dân dụng và các hoạt động phục vụ cộng đồng khác.
“Đây là biểu hiện của mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Mỹ và Việt Nam “, Chuẩn đô đốc Ron Horton, Chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm 73 và Chỉ huy Nhóm Hậu cần Tây Thái Bình Dương, phát biểu. “Các hoạt động trao đổi như thế này có vai trò tối cần thiết giúp Hải quân hai nước tăng cường hiểu biết lẫn nhau, cũng như cho việc xây dựng các mối quan hệ quan trọng trong tương lai”.
Trước đó, hôm 8/8, một phái đoàn gồm các quan chức Chính phủ và Quân đội Việt Nam bay từ thành phố Đà Nẵng ra thăm tàu sân bay USS George Washington. Tại đây, họ gặp gỡ các lãnh đạo hải quân Mỹ và chứng kiến lực lượng tấn công của tàu thao diễn trên biển Đông.
Hải quân Mỹ đã thực hiện nhiều chuyến thăm đến Việt Nam trong những năm gần đây, trong đó có hai chuyến thăm cảng năm 2008. Năm 2009, lần đầu tiên một phái đoàn Việt Nam ra thăm tàu sân bay của Mỹ – tàu USS John C. Stennis.
Cũng trong năm 2009, tàu Đô đốc chỉ huy Hạm đội 7 Hoa Kỳ USS Blue Ridge và tàu khu trục có trang bị hỏa tiễn USS Lassen do Hạm trưởng người Mỹ gốc Việt Lê Bá Hùng chỉ huy đã thăm cảng Việt Nam. Tàu bệnh viện USNS Mercy cũng đã thăm Việt Nam tháng 5/2010 trong khuôn khổ một chương trình trợ giúp nhân đạo có quy mô lớn.
Bên cạnh các chuyến thăm cảng, hai tàu thuộc Bộ Tư lệnh Hải vận Quân sự Mỹ cũng đã được sửa chữa tại các xưởng đóng tàu của Việt Nam. Trong tháng 2 và 3 năm 2010, tàu tìm kiếm cứu hộ USNS Safeguard và tàu USNS Richard E. Byrd đã được sửa chữa tại Xưởng đóng tàu Cam Ranh (cảng Hòn Khói, vịnh Vân Phong).
Các đơn vị tham gia hoạt động trao đổi tại Việt Nam từ hôm nay đến 14/8 gồm tàu khu trục USS John S. McCain và Lực lượng Đặc nhiệm 73. Lực lượng tấn công thuộc tàu USS George Washington, bao gồm khu trục hạm USS Curtis Wilbur, USS Chung-Hoon và USS McCampbell, sẽ neo đậu ngoài khơi trong thời gian diễn ra các sự kiện.
Mai Trang