Thư ngỏ yêu cầu ông Thiều ông Khoa xin lỗi

Dạ Thảo Phương

Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

THƯ NGỎ YÊU CẦU XIN LỖI

Kính gửi ông Nguyễn Quang Thiều –  Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – và Ban chấp hành quý hội

Kính gửi ông Trần Đăng Khoa – Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống – và Ban biên tập quý tạp chí

Tôi là Dạ Thảo Phương (tên khai sinh: Phan Thị Thanh Thuý), một công dân Việt Nam, một người viết, và một cựu nhà báo của báo Văn nghệ – thuộc Hội Nhà văn Việt Nam.

Tôi viết thư này nhằm chính thức bày tỏ thái độ phẫn nộ và lo sợ của tôi trước ứng xử của các ông đối với tệ nạn xâm hại tình dục mà tôi là một nạn nhân.

Vấn đề cấp thiết. Tôi lại đang sống ở nước ngoài và hiện đang ốm. Vì vậy, tôi không gửi thư này qua đường bưu điện mà gửi qua đường email chính thức của các quý cơ quan.

Vấn đề tôi đề cập đến không còn chỉ là việc cá nhân tôi với các ông các bà, mà đang là quan tâm nóng hổi của nhiều người trong và ngoài giới văn chương nghệ thuật. Do vâỵ, tôi chọn hình thức thư ngỏ và sẽ đồng thời đăng trên trang cá nhân của mình để tỏ lòng tôn trọng tới sự quan tâm chính đáng của cộng đồng.

Tôi đưa lại vấn đề vào thời điểm này, vì ngày 5.12.2024 vừa qua, theo website của Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch hội – ông Nguyễn Quang Thiều – đã trao quyết định bổ nhiệm Lương Ngọc An vào vị trí Phó Tổng biên tập Nhà văn và Cuộc sống, cùng sự đồng tình, tán dương của ông Trần Đăng Khoa – Tổng biên tập của Tạp chí. Quyết định bổ nhiệm này đã gây ra một sự phẫn nộ mạnh mẽ không chỉ cho cá nhân tôi – Nhiều nhà văn, bạn đọc đã công khai gọi đây là “cái tát vào ý thức về đạo đức của cộng đồng”. Tiến sĩ Dương Tú – Thành viên Ủy ban Đạo đức xuất bản (Committee on Publication Ethics) và thành viên Ban biên tập tạp chí liêm chính khoa học nổi tiếng thế giới Accountability in Research – đã nhận định: “Hội Nhà văn Việt Nam bắt buộc phải có trách nhiệm giải trình trước nhà nước và người dân về hoạt động của họ”. Ý kiến này đã nhận được sự chia sẻ rộng rãi của cộng đồng.

Phản ứng ngày càng mạnh và lan rộng của đông đảo người viết và bạn đọc đối với thái độ này của các ông cho thấy: sự phẫn nộ và nỗi lo sợ này không phải chỉ của riêng tôi, mà là của rất nhiều cá nhân có lương tri và trách nhiệm xã hội.

LÝ DO PHẪN NỘ

1. Về cá nhân Lương Ngọc An:

Xét từ góc độ cá nhân tôi – một nạn nhân đang lên tiếng vì Sự Thật: Lương Ngọc An là một kẻ từng đánh đập, cưỡng hiếp, vu cáo và chưa từng nhận lỗi thể hiện ăn năn về hành động của mình.

Xét từ góc độ cộng đồng: y là một đối tượng đang bị tố cáo một cách chính danh, kèm theo bằng chứng và nhân chứng có uy tín, có tính xác thực cao. Và y đã bị tố cáo không chỉ bởi một người.

Xét từ góc độ pháp luật: Tuy vụ việc đã quá thời hạn xử lý pháp luật, tôi không thể kiện hắn ra toà, nhưng khả năng sẽ xảy ra một phiên toà về vấn đề này vẫn còn (do hắn đã tố cáo vu khống ngược tôi ra công an, và chưa có bằng chứng nào cho thấy có kết luận của công an về việc này). Tôi và dư luận vẫn đang đợi chờ phiên toà này, nếu có, sẽ phá đi “vòng kim cô” mang tên “hết thời hiệu xử lý”, để tôi có thể đưa ra các chứng cớ và nhân chứng của mình trước pháp luật, trong đó có những bằng chứng và nhân chứng chỉ có thể đưa ra ở phiên toà để đảm bảo quyền riêng tư.

Rõ ràng, Lương Ngọc An là một kẻ đang phải đối mặt với những cáo buộc nghiêm trọng về pháp luật và đạo đức, y không xứng đáng ở vị trí lãnh đạo một cơ quan báo chí – văn chương.

2. Về thái độ của các quý vị:

Hơn 20 năm trước, tôi đã nhiều lần tố cáo tội ác xâm hại tình dục và vu khống ngược nạn nhân của Lương Ngọc An tới Ban biên tập Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam). Tố cáo của tôi kèm theo biên bản có chữ ký của các nhân chứng và giải trình chi tiết về vụ việc. Đáp lại, là thái độ ngăn cản quyền tố cáo, sỉ nhục và trù dập nạn nhân, bao che cho thủ phạm của lãnh đạo. Sau 2 năm cho hắn nghỉ việc tại Văn nghệ Trẻ mà không công bố cho tôi một văn bản có lý do rõ ràng nào, tiếp tục dung túng cho hắn bằng những công việc mù mờ, năm 2002, các quý vị đã đưa hắn trở lại làm việc ở một ban khác trong báo (Ban Văn nghệ Dân tộc và Miền núi), để hắn dần tiếp tục tha lôi sự đồi bại của mình qua các nấc thang quyền lực. Năm 2021, hắn trở thành Phó Tổng biên tập ngay tại Văn nghệ, nơi vẫn còn quằn lên dư luận về vụ hắn cưỡng hiếp tôi.

Năm 2022, một lần nữa, tôi tố cáo Sự Thật về hắn tới quý vị và công luận. Hành động đốn mạt của hắn đã dấy lên một sự bất bình sâu sắc trong cộng đồng. Bức thư ngỏ của tôi đã nhận được 67 ngàn tương tác và 11 ngàn lượt chia sẻ. Nhiều chục ngàn phản ánh, bình luận sự kiện của các “nhà báo công dân” trên các mạng xã hội, trong và ngoài giới văn chương. Nhiều chục cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế đều đồng loạt đưa tin. Vụ việc còn được “lưu dấu” quốc tế trên Journal of Vietnamese Studies – tạp chí được giới học thuật xếp vào loại tạp chí Việt Nam học hàng đầu trên thế giới. Trong volume 17, number 4, 2022, tạp chí này đã dành nguyên một forum có tên “# MeToo at Văn Nghệ Newspaper”, tập hợp 17 bài/ tư liệu về vụ Lương Ngọc An, với hơn 20 tác giả.

Còn các quí ông quí bà?

Ban biên tập Báo Văn nghệ hoàn toàn không có một dòng đáp lại.

Ban Chấp hành Hội Nhà văn thì gửi cho tôi một email từ địa chỉ một email đứng tên cá nhân của một người không rõ là ai, email không đóng dấu, không ai đứng tên ký, “với nội dung tỉnh rụi mà “Việt dịch” ra thì đại khái là: Không liên quan!” (Bình luận của nhà văn – nhà báo Thái Hạo”.

Để trả lời tố cáo nghiêm trọng của một công dân, một người viết nhắm tới một nhân vật có quyền lực trong tổ chức của mình mà Ban chấp hành Hội Nhà văn của cả một nước lại có thể gửi đi một email rất khó phân biệt với một email nặc danh như vậy!

Đó là một hành xử vừa thiếu chuyên nghiệp, vừa bất lịch sự, vừa coi thường người dân.

Trước sự phẫn nộ của dư luận, các ông các bà “quyết định điều động” hắn đi “nhận nhiệm vụ mới”. Báo Tuổi trẻ nhận xét: “Thông báo không nêu rõ ông Lương Ngọc An sẽ được điều chuyển về đâu. Lý do của việc điều chuyển ông An được nêu vắn tắt, không rõ ràng là “trong tình hình mới của Hội Nhà văn Việt Nam”.

Một cuộc điều chuyển nhân sự cao cấp mà như đào tẩu.

Mới đây, trong Hội nghị tổng kết công tác văn học 2024 – sáng 12.12.2024, Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều đã hé mở “bức màn bí ẩn” này: “Và việc điều động – anh An chưa bao giờ bị bãi nhiệm chức Phó tổng Biên tập Báo Văn nghệ (…). Nhưng bây giờ, vì những vấn đề đầy nhạy cảm, thì chúng tôi điều động anh An về Văn phòng Hội, và bây giờ chúng tôi điều động tiếp”.

Tuyên bố trên của ông Chủ tịch có dấu hiệu cho phép nghi ngờ rằng sự bổ nhiệm này nằm trong một kế hoạch nhằm đánh lừa sự phẫn nộ của cộng đồng, bao che cho kẻ đang bị tố cáo là Lương Ngọc An, nhằm rửa trôi sự thật về quá khứ đốn mạt của hắn.

Việc bổ nhiệm này không còn là chuyện nội bộ của các quí ông quí bà, mà là một hành động xúc phạm nạn nhân, chà đạp lên những bất bình chính đáng của cộng đồng (trong đó bao gồm rất nhiều người viết và người đọc), làm tổn hại đến hình ảnh của Hội Nhà văn Việt Nam và gây một ấn tượng xấu về người cầm bút Việt Nam.

Là một nhà báo cũ của báo Văn nghệ (thuộc Hội Nhà văn Việt Nam), tôi vô cùng đau xót và phẫn nộ trước việc các vị đang gây ra tổn thất cho danh tiếng của một tổ chức tôi đã từng gắn bó và cống hiến những năm tháng tuổi trẻ với bao trân trọng, yêu thương.

Các vị không có quyền làm những điều này với tôi và với cộng đồng.

Tôi phản đối!

3. Về cá nhân ông Nguyễn Quang Thiều:

Ngày 23.12.2024, nhà văn Lưu Trọng Văn đã viết trên trang cá nhân của mình: “Nguyễn Quang Thiều nói với gã: Em nói với An, chú mày đa tình đâu bằng anh. Anh mày thì gấp nhiều lần ấy chứ. Nhưng có em nào chửi anh không? Quan hệ với phụ nữ tối kỵ để tai tiếng. Để tai tiếng là quá bậy. Nếu để tai tiếng thì lập tức xin lỗi ngay. Đàn ông dù với bất cứ lý do gì làm cho đàn bà đau khổ đều rất bậy. Xin lỗi Phương đi!”

Nếu những lời thuật lại này của nhà văn Lưu Trọng Văn là sự thật, phát ngôn của ông Thiều hết sức nguy hiểm. Trên bề mặt, nó tạo cảm giác là ông đứng về phía nạn nhân, nhưng thực chất, đây lại là một kiểu phát tán tin đồn tráo đổi bản chất sự việc – từ sự thật là một vụ cưỡng hiếp, hoàn toàn không có sự đồng thuận của nạn nhân, thành một vụ “đa tình”, “làm cho đàn bà đau khổ”. Đây là một hành động tấn công danh dự nạn nhân, và đặc biệt nguy hại khi người phát ngôn lại đang là lãnh đạo cao nhất của Hội Nhà văn, từng được nhiều người trong giới, trong đó có tôi, rất kính trọng, yêu quý.

Nhà báo nổi tiếng Duan Dang phân tích: “Đầu tiên, gã dẫn lại một câu của vị trọng trách nêu trên, sử dụng các mô tả như “đa tình”, “làm cho đàn bà đau khổ”. Đây là sự lấp liếm hạ đẳng, cố gắng giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của hành vi bị cáo buộc, biến nó thành “chuyện tình cảm” thường ngày thay vì một hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức. Đây là một sự xúc phạm nặng nề đối với nạn nhân.(…) Trở lại câu trích dẫn của vị kia, câu này còn có đoạn “để tai tiếng là quá bậy”, nó thể hiện một quan điểm lệch lạc. Nó ngầm ý rằng vấn đề không nằm ở hành vi sai trái mà ở việc bị người khác biết đến. Quan điểm này thể hiện sự coi thường nạn nhân và dung túng, bao che cho hành vi phạm tội. Điều quan trọng không phải là “tránh tai tiếng” mà là phải giải quyết vấn đề một cách công bằng và minh bạch, bảo vệ quyền lợi của nạn nhân và xử lý nghiêm minh người vi phạm”.

Post này của nhà văn Lưu Trọng Văn được lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt, chuốc lấy bao phẫn nộ chê bai của cộng đồng. Nếu ông Thiều không thực sự có phát ngôn như vậy, ông nên lên tiếng để vừa bảo vệ thanh danh của ông, vừa để những lời này không tiếp tục tráo đổi tên của sự thật và xúc phạm danh dự của tôi.

VÌ SAO LO SỢ

Trong bối cảnh mà tệ nạn xâm hại tình dục đang là một vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, cách hành xử nói trên của các quý vị đang gửi đi một thông điệp có thể gây hại nghiêm trọng cho cộng đồng, làm tổn thương và bẻ gãy ý chí lên tiếng của các nạn nhân, tiếp thêm sức mạnh trơ trẽn cho những tên hiếp dâm biến thái.

Một kẻ bị cáo buộc hiếp dâm, gây ra sự phẫn nộ sâu sắc trong toàn xã hội, nhưng sau một thời gian lẩn lủi lại trơ tráo xuất hiện ở vị trí lãnh đạo một cơ quan báo chí- văn chương!

Sự việc này sẽ gửi đi một thông điệp thế nào về ý thức của những người trao quyết định trước vấn nạn xâm hại tình dục, trước lẽ công bằng, sự tôn trọng những cuộc đời của nạn nhân, trước những bức xúc chính đáng của dư luận?

Hơn nữa, lãnh đạo một tạp chí của Hội Nhà văn là một vị trí có nhiều điều kiện tiếp xúc và có quyền lực quyết định việc đăng tải tác phẩm của nhiều cộng tác viên, trong đó có nhiều người là nữ, tuổi đời, kinh nghiệm sống có thể còn non trẻ. Việc để một kẻ như Lương Ngọc An ngồi ở vị trí này chẳng khác nào gửi trứng cho ác, mỡ để miệng mèo, có thể gây những dấu hỏi đầy tai tiếng cho cả báo lẫn những người cộng tác.

Trao quyền lực báo chí, chính trị vào tay một kẻ xảo quyệt, độc ác như Lương Ngọc An, hắn sẽ có cơ hội để trả thù tôi và những người có lương tri đang bảo vệ quyền lên tiếng chính đáng của tôi.

YÊU CẦU

Vì những lý do trên, tôi yêu cầu các ông các bà ngay lập tức có hành động nhận trách nhiệm của mình, thể hiện sự tôn trọng tối thiểu với cá nhân tôi và với cộng đồng. Bắt đầu, bằng việc xin lỗi tôi và cộng đồng một cách chính thức, công khai, như cách các ông các bà công bố sự bổ nhiệm Lương Ngọc An.

Hội Nhà văn Việt Nam là một tổ chức văn hoá nghệ thuật tầm quốc gia nhưng đang đối mặt với một làn sóng phản đối mạnh mẽ của cộng đồng văn minh về tệ nạn xâm hại tình dục, liên quan đến một nhân sự cấp cao của Hội cũng như bản thân thái độ của hội. Trong bối cảnh tệ nạn này đang là vấn đề rất nhức nhối trong cộng đồng, Hội cần thể hiện trách nhiệm xã hội cũng như sự tôn trọng cộng đồng, sự tôn trọng với uy tín của chính mình. Để không bị lạc hậu, đi ngược lại với tiến trình văn minh của xã hội, Hội cần có những hành động cập nhật kiến thức cho các lãnh đạo và hội viên về tệ nạn xâm hại tình dục cũng như những xu hướng của tệ nạn tấn công nạn nhân, dung dưỡng thủ phạm.

Đây là cách duy nhất để Hội có thể chuộc lại được phần nào uy tín và tình yêu mến của cộng đồng văn minh.

Được như vậy, tôi sẽ rất cảm kích.

Xin kính chúc các quý vị sức khoẻ, ngày càng tinh tấn hơn để có những quyết định sáng suốt trước những yêu cầu của thời đại văn minh và lương tri lành mạnh.

Xin trân trọng cảm ơn.

Berlin, 25. 12.2024

Dạ Thảo Phương (Phan Thị Thanh Thuý)

(Đã gửi tới địa chỉ email trên website của Hội Nhà văn Việt Nam và Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống).

——

TÔI ĐÃ YÊU, TIN HỌ BIẾT BAO NHIÊU!

https://www.facebook.com/share/p/1BKRB7uVAa/

BÁO VĂN NGHỆ – MỘT PHẦN ĐỜI CỦA TÔI

https://www.facebook.com/share/p/15cSngH89v/

DỨT. TUNG. TỪNG. SỢI. CHỈ

https://www.facebook.com/share/p/1BAuraDTPx/

KẺ C.ƯỠNG H.IẾP TÔI LẠI LÀM PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

https://www.facebook.com/share/p/15r3bNSRuK/

TRÍCH GHI ÂM CỦA CHỦ TỊCH NGUYỄN QUANG THIỀU

https://www.facebook.com/share/p/1BAGhAGhe4/

THƯ TỐ CÁO LƯƠNG NGỌC AN

https://www.facebook.com/share/p/1BYy1Jdkcp/

TÔI ĐÃ BỊ C-ƯỠNG H-IẾP THẾ NÀO

https://www.facebook.com/share/p/1F2F8PPyBe/

CUỐN NHẬT KÝ- BẰNG CHỨNG CỦA MỘT TỘI ÁC

https://www.facebook.com/share/p/19f3mhkM2T/

THƯ GỬI CÁC HỘI VIÊN, CỘNG TÁC VIÊN, ĐỐI TÁC CỦA HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM

https://www.facebook.com/share/p/15ZCF5zLsY/

TẠI SAO TÔI TỐ CÁO

https://www.facebook.com/share/p/19rTdCP6dj/

TÔI ĐỨNG VỀ PHE CÓ Ý THỨC GIỮ GÌN PHẨM GIÁ

https://www.facebook.com/share/p/15Nacx5Xu3/

Nguồn: FB Dạ Thảo Phương

This entry was posted in Cưỡng ép tình dục, Dạ Thảo Phương, Thư ngỏ. Bookmark the permalink.