11-12-2024
Ngày 10 tháng 12 – Ngày Nhân quyền Quốc tế, một ngày mà lẽ ra tôi phải viết những dòng hân hoan về sự tiến bộ của con người, về những bước đi mạnh mẽ của pháp quyền, về ánh sáng công lý lan tỏa trên mỗi góc phố, làng quê…
Nhưng hôm nay, tôi nghe tin sét đánh: PLO, tờ báo gắn bó cả thời thanh xuân của tôi, có thể bị xóa sổ, sáp nhập thành một tạp chí “Kinh tế – Xã hội”, đành mượn lời tưởng nhớ một thời cầm bút…
24 năm trước, tôi bước chân vào Pháp Luật TP.HCM (giờ gọi là PLO) khi nó chỉ là một tờ tuần báo khổ A3, không có văn phòng đại diện ở Hà Nội. Mỗi lần gửi bài phải ra bưu điện fax, mất 11.000 đồng một trang. Bài viết ngày ấy là những con chữ gói ghém cẩn thận, từng chữ đều cân nhắc để tiết kiệm giấy, giảm trang.
Ảnh thì không thể tiết kiệm, mỗi lần chụp phải dăm kiểu, rồi lại vội vã chạy ra Bà Triệu rửa. Có lần cắt phim, mất hẳn 5-6 kiểu mà vẫn nghiến răng chịu vì hình ảnh quan trọng hơn cả câu chữ.
Không học luật, nhưng làm báo pháp luật, tôi hăm hở như gã nông dân khai khẩn cánh đồng rộng lớn. Đó là thời kỳ cải cách tư pháp mạnh mẽ theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị. Tôi và đồng nghiệp lao vào những tuyến bài về tranh tụng, luật sư, và những thay đổi hệ thống. Từ việc bãi bỏ hình ảnh “vành móng ngựa”, áo sọc tù, đến đòi hỏi công bằng hơn trong tư pháp – luật sư ngồi ngang hàng với công tố.
Tôi nhớ những ngày làm việc miệt mài, đôi mắt khô rát vì thức đêm dựng bài, trái tim hồi hộp trước từng cuộc gọi xác minh. Nhưng đó cũng là những ngày đẹp nhất, vì tôi biết, mỗi dòng tôi viết ra đều góp phần nhỏ bé thúc đẩy pháp quyền, dựng xây một nhà nước công lý.
Rồi PLO vươn mình, trở thành một trong những tờ báo hiện đại, với trang điện tử, với trụ sở 12 tầng sừng sững, hàng trăm lao động giỏi nghề, thành thạo ngoại ngữ và công nghệ. Những bài viết từ đây không chỉ mang tính phản ánh mà còn tạo động lực, dẫn dắt dư luận, ảnh hưởng đến cả các chính sách quốc gia.
Nhưng giờ đây, khi nghe tin tờ báo có thể bị sáp nhập, PLO – tờ báo từng dẫn đầu các tuyến bài về pháp quyền, nhân quyền – có nguy cơ bị xóa tên, thấy buồn mênh mang.
Buồn hơn nữa là hỏi lại những “nhân chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan”, chỉ nhận những tiếng thở dài nhè nhẹ…
Dẫu biết rằng mỗi cánh cửa đóng lại sẽ mở ra những cơ hội khác, nhưng sao lòng vẫn nặng trĩu. 35 năm, một chặng đường đủ dài để mỗi trang báo, mỗi bài viết không chỉ là công việc mà còn là lý tưởng, là tâm huyết. Sự ra đi của PLO, nếu xảy ra, không chỉ là sự tiếc nuối của riêng tôi mà còn là của nhiều thế hệ phóng viên, độc giả mà tôi chắc rằng khó có thể quên…
Nhưng tôi tin rằng tinh thần pháp quyền, khát vọng nhân quyền mà chúng tôi đã cùng xây dựng vẫn sẽ còn mãi. Bởi mỗi trang báo đã đi qua không chỉ lưu giữ ký ức, mà còn là những viên gạch nhỏ, xây lên ngôi nhà công lý của đất nước.
Và tôi tự nhủ, nếu có một ngày “cửa khác mở ra”, tôi sẽ tiếp tục viết – không phải chỉ để sống, mà để những giá trị pháp quyền và tự do ấy không bao giờ lụi tắt.
M.P.L.
Nguồn: FB Lợi Mai Phan