TP – Mấy ngày nay, hai sự kiện được dư luận quan tâm, ấy là Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam và ông Phạm Thanh Bình – người đưa “con tàu” Vinashin tới nguy cơ vỡ nợ, vừa bị bắt. Hội Nhà văn và Vinashin vốn chẳng dây mơ rễ má với nhau, nhưng mà lại gợi ra nhiều liên tưởng gần gũi.
Nhìn lại những năm qua, văn học lại thêm mùa vụ thất bát. Chẳng những vắng bóng những tác phẩm văn học “bắt mạch” được cuộc sống hôm nay, xứng tầm thời đại mà tiếng nói trực tiếp của nhà văn trước các vấn đề nóng bỏng của đất nước tỏ ra thưa thớt và yếu ớt.
Ngay cả trên diễn đàn Quốc hội, ông nghị đại diện cho Hội Nhà văn cũng rất ít khi lên tiếng. Như các tác phẩm văn học lặng đi trước những đòi hỏi bức xúc của thời đại. Các nhà văn có thể tranh nhau đăng đàn trong đại hội của họ nhưng nhiều người đã im lặng trước những hiện thực còn gây bức xúc đau lòng, trước những bất cập của cơ chế…
Vinashin là một điển hình cho sự bất cập, cho những mâu thuẫn của cơ chế quản lý kinh tế trên con đường công nghiệp hóa hiện đại hóa. Nhưng không hề thấy hình tượng một “con tàu Vinashin” cùng với những nhân vật kiểu như Chủ tịch Phạm Thanh Bình trong các tác phẩm văn học.
Có thể nói, cả một mảng hiện thực về công cuộc phát triển kinh tế và sự quẫy đạp của bao nhiêu số phận muốn thoát khỏi nghèo hèn, khát vọng hóa rồng của một dân tộc không được thể hiện một cách sinh động trong các tác phẩm văn học hôm nay. Nhưng đâu đó, người ta lại đọc được những bài viết của một số nhà văn ca ngợi tâng bốc Vinashin khi Tập đoàn này đang có hàng núi tiền.
Không chỉ Vinashin đang vay khoản nợ khổng lồ không có khả năng hoàn trả, mà Hội Nhà văn cũng đang vay một “món nợ” lớn. Món nợ ấy là niềm tin và kỳ vọng của một dân tộc vào những thư ký trung thành của thời đại.
Hiện thực vĩ đại như hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã đi qua, thời bao cấp khốn khó đã đi qua, thời Đổi mới đang diễn ra, chất liệu sáng tác ngồn ngộn, mà sao văn chương thiếu vắng những tác phẩm xứng tầm có sức lay động và lan tỏa đến thế? Nợ của Vinashin có thể tính toán hoàn trả dần, nhưng nợ mà các nhà văn vay thì chưa ai dám chắc bao giờ trả được?
Vinashin đang tái cơ cấu, và Hội Nhà văn cũng phải tái cơ cấu. Tái cơ cấu làm sao để nhà văn chịu tập trung viết văn, đam mê viết văn, sống chết với nghiệp văn và coi những thứ như bầu bán hay cái chức trong Hội Nhà văn là thứ không đáng phải mất nhiều thời gian và tâm huyết đến thế. Có cảm giác chưa bao giờ nhà văn lại buông lơi đời sống và nhân dân như bây giờ. Và có vẻ như những ám ảnh nghệ thuật cũng rời xa họ.
Nếu nhà văn không có những ám ảnh của đời sống thôi thúc cầm bút, thì thật khó hy vọng vào những tác phẩm lớn.
Cũng là sự ám ảnh, biết đâu sự ám ảnh về hình ảnh một con tàu đắm khổng lồ sẽ giúp Vinashin trong lần tái cơ cấu này được thuận buồm xuôi gió. Dĩ nhiên, nếu vẫn còn tự trọng vì nỗi ám ảnh….
Nguồn: http://www.tienphong.vn/Thoi-Su/Chuyen-Hom-Nay/509190/Lien-tuong.html