Minh Triều
Theo ước tính của nhà cầm quyền, bão Yagi đã thiệt hại kinh tế khoảng trên 81.000 tỷ đồng (tương đương gần 3,3 tỷ USD). Trong đó có khoảng 282.000 căn nhà, 3.755 trường học, điểm trường bị hư hỏng, tốc mái, bị ngập, vùi lấp do sạt lở đất. Cùng với đó là 334 người chết, mất tích (318 người chết, 26 người mất tích), 1.976 người bị thương (1).
Những thiệt hại về nhân mạng là không thể bù đắp. Còn về kinh tế thì có thể huy động sức dân, xây dựng lại từ đầu… Nhưng nếu chỉ dựa vào sức dân không thì trách nhiệm của nhà nước ở đâu, những người hưởng lương từ thuế của dân đã làm gì để giúp người dân vực dậy sau thiên tai?
Một câu chuyện nổi bật những ngày qua là hình ảnh hàng ngàn tàu thuyền của người dân bị đắm do bão suốt hơn 20 ngày nay vẫn chưa được trục vớt. Trả lời báo chí nhà nước, nhiều chủ tàu cho biết sẵn sàng bỏ ra cả trăm triệu đồng để trục vớt tài sản. Vì tàu chìm càng lâu trong nước biển thì hư hại càng nặng, có nhiều tàu đã bị bục đáy, vỡ đáy. Nhiều người dân đã phải vay ngân hàng để mua tàu đi biển hoặc kinh doanh du lịch. Nếu không vớt lên nhanh thì người dân coi như mất trắng sinh kế, bể nợ ngân hàng, vì tàu hư không thể phục hồi.
Như vậy, người dân đang bị lỗ kép, khi vừa không có phương tiện làm ăn trong những ngày tàu chìm, vừa phải bù lỗ để mướn người trục vớt tàu, vừa phải sơn sửa lại tàu, vừa phải trả lãi ngân hàng. Thứ cần làm bây giờ, chắc chắn là ngân hàng phải trừ lãi cho người dân bị đắm tàu, nhà nước phải hỗ trợ tài chính. Và cũng cần giúp người dân tiếp cận các phương án bảo hiểm để phòng tránh những cơn bão sau.
Nhưng điều gấp nhất là phải huy động quân đội hỗ trợ trục vớt tàu đắm. Đồng ý là người dân có thể mướn những đơn vị trục vớt tàu chuyên nghiệp, mà nếu vậy thì dân phải chờ, do không có nhiều công ty chuyên làm về việc này. Chi phí trục vớt lại quá cao. Cho nên việc điều động lực lượng đi hỗ trợ người dân trục vớt tàu là trách nhiệm của quân đội, nó nằm trong khả năng của quân đội.
Quân đội là lực lượng được chi ngân sách cao nhất Việt Nam, gấp nhiều lần so với công an, giáo dục, y tế. Năm 2024, Bộ Quốc phòng được phân bổ hơn 207 ngàn tỷ đồng. Cùng với đó là 600 ngàn quân tại ngũ, đầy đủ các trang thiết bị chuyên dụng để ứng phó các tình huống khẩn cấp.
Những ngày qua không thể phủ nhận quân đội đã nỗ lực cùng người dân đi dò tìm nạn nhân mất tích, lắp đặt cầu phao… Nhưng đó là chưa tương xứng với những trọng trách mà quân đội phải làm để phục vụ người dân. Chưa kể hình ảnh các tướng lĩnh quân đội chỉ đưa một chiếc trực thăng duy nhất chở vài trăm thùng mỳ gói, chụp hình cho báo chí tung hô, chứ không chịu huy động trực thăng quân đội phục vụ tìm kiếm cứu trợ nạn nhân.
Ngoài trục vớt tàu chìm, quân đội cũng cần phải hỗ trợ thông đường, thông xe những nơi bị sạt lở để việc đi lại của người dân được dễ dàng. Những điều này hoàn toàn nằm trong khả năng của quân đội. Hiện nay đất nước không có chiến tranh, quân đội thì đông, tiền ngân sách ưu tiên nhiều, dân không thấy bộ đội cầm súng, mà chỉ thấy bộ đội làm kinh tế, nuôi heo, nuôi gà, trồng rau, làm vườn ao chuồng… Với tiềm năng của mình thì Bộ Quốc phòng cần phải tận dụng quân lực, quân trang để dùng vào những tình huống khẩn cấp như thế này. Vừa giúp người dân qua cơn khốn cùng, vừa tạo ra hình ảnh tốt đẹp trong mắt dân!
Tham khảo:
(1) https://tuoitre.vn/bao-yagi-va-mua-lu-gay-thiet-hai-gan-3-3-ti-usd-20240928111005126.htm
M.T.