Phương Đông – Phương Tây

Nguyễn Văn Dân 

Người ta đã nói nhiều đến sự khác biệt giữa phương Đông và phương Tây. Riêng tôi, tôi thấy một sự khác biệt quan trọng nhất, đó là: Trong khi ở phương Tây, tư duy phản biện chiếm ưu thế, thì ở phương Đông, chủ nghĩa tuân thủ chiếm vị trí áp đảo.

Quan sát thực tế lịch sử văn hoá của thế giới, ta thấy: Hệ thống tín ngưỡng tôn giáo của phương Đông và phương Tây có những sự khác nhau rất cơ bản. Cái tư tưởng tôn trọng gốc gác nơi đất mẹ thiên nhiên của người phương Đông đã dẫn đến một ý thức thuần phục gần như tuyệt đối đối với một tôn ti trật tự đã được thiết lập trong tôn giáo. Đạo Phật của phương Đông về cơ bản là nhất quán, thông suốt, hầu như không có những “kẻ phản nghịch”. Trong khi đó ở phương Tây, đạo Cơ Đốc luôn được sửa đổi, cải cách, thậm chí ly giáo. Ngay từ khi Cơ Đốc giáo mới ra đời, Chúa Jesus đã có kẻ tông đồ thứ 13 là Juda, được mệnh danh là kẻ “phản nghịch” đầu tiên. Trong lịch sử Cơ Đốc giáo, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều vụ ly giáo: Vụ ly giáo Đông – Tây năm 867 giữa giáo trưởng thành Constantinople Photius với giáo hoàng Nicolas I ở Roma; vụ ly giáo Đông – Tây năm 1054 giữa giáo trưởng thành Constantinople Kerularios với giáo hoàng Leo IX; và đặc biệt là vụ ly giáo lớn ở châu Âu diễn ra từ 1378 đến 1417 giữa ba chế độ giáo hoàng: chế độ giáo hoàng ở Roma, chế độ giáo hoàng ở Avignon (Pháp) và chế độ giáo hoàng ở Pisa (Italia). 

Đặc biệt là cuộc cải cách đạo Cơ Đốc của nhà thần học người Đức Martin Luther đầu thế kỷ XVI, dẫn đến sự ra đời của đạo Tin Lành. Tư tưởng phản nghịch thể hiện phổ biến trong Cơ Đốc giáo đến nỗi Nhà Thờ đã phải lập ra một toà án để xử tội dị giáo.

Có thể cái tư tưởng “phản nghịch” của người phương Tây là có xuất xứ từ truyền thống văn hoá thần thoại xa xưa. Hệ thống thần thoại Hy Lạp là một hệ thống tranh giành quyền lực. Thần Cronos sẵn sàng giết cha là thần Uranos để chiếm ngôi chúa tể. Đến lượt mình, thần Dớt [Zeus] lại làm một cuộc “cách mạng” lật đổ cha mình để nắm quyền trị vì thế giới. Trong một loạt những cuộc giao tranh tiếp theo giữa các phe phái trong các vị thần, như giữa các vị thần ở núi Olympos với các vị thần khổng lồ Gigantes, thì loài người, đại diện là dũng sỹ Heracles, cũng tham gia giúp các vị thần Olympos đánh lại các vị thần Gigantes. Trong thần thoại Hy Lạp, điển hình của thần thoại văn minh đô thị, thần thánh và người trần sống lẫn với nhau, yêu nhau, kết hôn với nhau và cạnh tranh lẫn nhau, hầu như không có sự phân biệt và không có một tôn ty trật tự tuyệt đối. Nhiều người trần sẵn sàng đấu võ và thi tài với thần linh: Tráng sỹ Heracles giết chết nhiều thần khổng lồ Gigantes, trong đó có thần Antaios nổi tiếng [tức thần “Ăngtê” gọi theo tiếng Pháp]; tráng sỹ Diomedes đánh bị thương thần chiến tranh Ares; cô thợ dệt Arakhne dám thi tài dệt vải với nữ thần Athena; cô gái Acalanthis và chàng trai Thamyras dám thi hát với các nữ thần nghệ thuật Musa; nàng Casiope xinh đẹp và tự tin dám thi sắc đẹp với các nữ thần biển Neraydes, v.v. Trong khi đó trong thần thoại phương Đông, thế lực thần thánh được phát huy tuyệt đối quyền hành, tôn ty trật tự được tuân thủ nghiêm ngặt. Kẻ phản nghịch duy nhất là Tôn Ngộ Không thì chỉ múa may trong thế giới quỷ sứ chứ không đụng chạm được đến quyền lực thánh thần.

Trong giáo dục, người phương Đông đề cao tư tưởng “tôn sư trọng đạo”. Người thầy có một vị thế quan trọng đến mức thiêng liêng. Người ta chỉ có thể lập ra một tư tưởng, một lý thuyết mới, chứ ít khi cải cách lý thuyết của thầy. Lưu Hiệp (Trung Quốc, 465-520) quan niệm rằng “đạo” có nguồn gốc trong tự nhiên, nhưng phải nhờ có các thánh nhân mới trở thành “đạo” của con người. Nói một cách khác, thánh nhân là những người làm ra đạo, được đúc kết lại thành các nguyên lý và được ghi lại thành các sách kinh. Như thế, trong tư duy mỹ học truyền thống của phương Đông, chức năng chủ yếu của văn là tải đạo chứ không phải là sáng tạo cái đẹp. Ngay cả đến thời hiện đại, khi Đặng Tiểu Bình thực hiện cải cách Trung Quốc, thì tư tưởng Mao Trạch Đông vẫn được tôn sùng. Trong khi đó ở phương Tây, khái niệm người thầy không có ý nghĩa “thần thánh” như ở phương Đông. Ngay từ thời xa xưa, Socrate đã không dạy học trò bằng cách áp đặt quan điểm của mình, mà ông đưa ra các câu hỏi để học sinh chủ động trả lời. Aristote, bằng các công trình học thuật của mình, đã dám phản bác lại quan điểm duy tâm của thầy học của mình là Platon. Đến thời cận – hiện đại, K. Jung, học trò của Freud, đã cải cách lý thuyết tâm phân học của thầy mình, dẫn đến hai người không còn muốn nhìn mặt nhau. Các Mác, thời trẻ là học trò của Hegel, đã kiên quyết “lật ngược” phép biện chứng duy tâm của ông này để lập ra một học thuyết mới. Lênin cũng sửa đổi học thuyết Mác về cách mạng vô sản để thực hiện cuộc Cách mạng Tháng 10. (Mác chủ trương rằng cách mạng vô sản chỉ có thể thành công khi nó diễn ra trên toàn thế giới. Lênin sửa lại rằng nó có thể thành công trong khâu yếu nhất của chủ nghĩa tư bản). Và cuối cùng, học thuyết “đấu tranh giai cấp” cũng đã phải nhường chỗ cho “đấu tranh dân chủ”.

Cho đến tận ngày nay, phương Đông vẫn chịu sự chi phối mạnh mẽ của chủ nghĩa tuân thủ. Các ý kiến của “thánh nhân” vẫn luôn được coi là “đạo” bất biến không phải tranh cãi, kể cả những ý kiến đã bị phương Tây hiện đại bác bỏ. Kể cả khi một số nước phương Đông có cải tiến và cải cách kinh tế để phát triển đất nước, thì họ vẫn ít chú ý đến công cuộc phát triển con người. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng lý giải cho tình trạng chậm phát triển của MỘT SỐ nước phương Đông.

N.V.D.

Nguồn: FB Nguyễn Văn Dân

—-

Ý kiến: 

Hai Pham

Câu hỏi sâu xa ở chỗ: Tại sao sự bóp nghẹt tự do của con người lại tồn tại dai dẳng ở phương Đông, trong khi, ở phương Tây thì không!

Nguyễn Huycanh

Stt đã chỉ ra đúng nguyên nhân của đặc thù 2 miền văn hóa: phản biện và tuân theo. Tuy nhiên tôi cho là không đầy đủ nếu chỉ “quy” cho tôn giáo và giáo dục.

Đặc thù này có gắn với yếu tố địa lý, cách thức sản xuất nông nghiệp ít thay đổi kéo dài hàng ngàn năm và tổ chức quyền lực của văn hóa phương Đông: tập quyền chuyên chế. Xét ví dụ: Kể từ trước khi Tần thủy Hoàng thống nhất được Trung Quốc thì TQ có nhiều quốc gia nhỏ tự quản. Thời k này kéo dài nhiều trăm năm và có hàng trăm, hàng ngàn kẻ sĩ xuất hiện với nhiều chính trị gia, quân sự gia, triết gia với nhiều học trò nổi tiếng phê phán nhau rất sôi nổi.

Tính chất tuân theo [ít phản biện] xuất hiện khi TQ thống nhất và lấy Nho giáo làm quốc giáo mà thôi.

Dạ Ngân

Hai gốc lớn của phương Đông là Trung Hoa và Ấn Độ. Chúng ta khảo sát phương diện Trung Hoa liên quan như dây trói với ta và nhiều nước khác – tầm 2 tỷ người. Ôi trời, triết lý và văn hoá Khổng giáo bao trùm, không tuân thủ mới là lạ.

Lô Huy

 Chế độ phong kiến kiểu phương Đông trị vì Trung Hoa 2000 năm, khiến cho vào cuối thế kỷ 19 phương Tây xâu xé một Trung Quốc như của thời “tam quốc diễn nghĩa”.

Tuy nhiên nhờ Mỹ dắt tay đưa ra khỏi hầm mộ cách mạng văn hóa (!), cho công nghệ, cho tín dụng, cho thị trường, nam thanh nữ tú ở TQ, 40 năm sau năm ký Thông cáo Thượng hải, lại gọi nước họ là Thiên đường dưới đất, chánh quyền nước họ là Thiên triều, ca ngợi Mao (!).

Nguồn: FB Nguyễn Thị Khánh Trâm

 

 

This entry was posted in Nguyễn Văn Dân, Tự do tư tưởng, văn hoá. Bookmark the permalink.