Dân chủ hóa và xã hội dân sự ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ 21

Nguyễn Quang A

Tóm tắt: Chúng tôi điểm lại một số vấn đề về dân chủ hóa, vai trò của xã hội dân sự trong dân chủ hóa và các bài học lịch sử trên thế giới, chủ yếu từ các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước kia và đặc biệt từ các nước trong khu vực.

Sau đó dưới ánh sáng của những kinh nghiệm và bài học trên chúng tôi điểm lại hoạt động xã hội dân sự từ 2000 đến nay ở Việt Nam.

Và cuối cùng nêu vài suy ngẫm sơ bộ về ĐCSVN nên làm gì trong tương lai gần và xã hội dân sự Việt Nam nên làm những gì trong phần còn lại của thế kỷ 21 để góp phần vào công cuộc dân chủ hóa ở Việt Nam với mục đích khởi động những cuộc tranh luận sâu rộng về vấn đề này.

Dẫn nhập

Bài này tổng hợp, cập nhật ba bài viết trước [Nguyễn Quang A 2015, 2024a, 2024b] và những ai muốn tìm hiểu chi tiết hơn nên đọc lại kỹ ba bài viết đó.

Trước tiên tôi muốn làm rõ những thay đổi cơ cấu xã hội và các giá trị liên quan đến hiện đại hóa, đến phát triển và đến dân chủ hóa. Nhìn tất cả các nền dân chủ đã được củng cố trên thế giới không có nền dân chủ nào là nước nghèo cả, nhưng nước giàu không nhất thiết là dân chủ. Nói cách khác, hiện đại hóa, phát triển và tự do đi trước và dân chủ đến sau (nhưng dân chủ cũng sẽ góp phần cho hiện đại hóa, phát triển và các quyền tự do thêm nữa).

Phan Châu Trinh, nhà tư tưởng vĩ đại nhất của Việt Nam trong thế kỷ 20, hơn một trăm năm trước đã nêu tư tưởng phát triển đất nước của mình với các chủ trương: khai dân trí bằng việc học thực, phát triển kinh tế (hậu dân sinh), chấn dân khí; cổ động hoạt động xã hội dân sự và xây dựng dân chủ một cách bất bạo độngtự chủ. Lý thuyết hiện đại hóa do Seymour Martin Lipset xây dựng năm 1959, tức là sau các ý tưởng của Phan Châu Trinh khoảng nửa thế kỷ, rồi được nhiều người phát triển thêm, nhất là Ronald Inglehart và Chistian Welzel hoàn thiện trong lý thuyết hiện đại hóa mới (Welzel [2013, 2016]). Trong Nguyễn Quang A [2017] tôi đã chỉ rõ những sự tương đồng giữa các ý tưởng của Phan Châu Trinh và lý thuyết hiện đại hóa mới. Chỉ tóm tắt những ý chính.

Khai dân trí, hậu dân sinh tạo ra các nguồn lực hành động (vật chất, trí tuệ, kết nối); trên cơ sở của các nguồn lực này chấn dân khí tương ứng với các giá trị giải phóng trên tầng văn hóa; các giá trị giải phóng là động cơ mạnh nhất khiến người dân tham gia vào các phong trào xã hội gây áp lực lên chính quyền để đòi các quyền tự do (cầu tự do); cung tự do là các định chế nhà nước đảm bảo để người dân được hưởng các quyền tự do đó; cũng như trong kinh tế cung-cầu phải song hành với nhau; khoảng cách tăng lên giữa cung tự do và cầu tự do là áp lực mạnh để cải cách chính trị, nếu không có thể dẫn đến bất ổn xã hội. Và muốn cho xã hội phát triển hài hòa, yên bình thì phải cải cách chính trị để cho khoảng cách cung-cầu tự do đó giảm đi. Tất cả các đại lượng này có thể đo được hoặc chí ít có các số đo thay thế (các proxy) để giúp chúng ta hình dung về sự thay đổi của các đại lượng đó, nhất là khi so sánh các nước với nhau. Ví dụ, GDP/đầu người theo sức mua (PPP) có thể là một số đo đại diện tốt cho nguồn lực vật chất; tỷ lệ đô thị hóa, mật độ đường sá, tỷ lệ kết nối internet (hay một chỉ số tổng hợp nào đó của chúng) có thể là số đo đại diện tốt cho nguồn lực kết nối; số năm đi học ở trường, số bằng sáng chế, số bài báo khoa học được đăng,… có thể là số đo thay thế tốt cho nguồn lực trí tuệ. Số đo đại diện tốt của dân khí có thể là chỉ số các giá trị giải phóng (Emancipative Values Index-EVI của Welzel) sẵn có trên trang của WVS (World Values Survey).

Thí dụ dân khí, hay số đo của nó, 0 ≤ EVI ≤ 1, càng cao thì cầu tự do càng cao. EVI được đo từ 1981 đến nay trong 7 đợt cho cả trăm nước trên thế giới, kể cả Việt Nam, nói cách khác mỗi nước có nhiều nhất 7 điểm dữ liệu (Việt Nam có 3 điểm dữ liệu: 0.34 (2001), 0.36 (2006), và 0.41 (2020); Indonesia: 0.33 (2001), 0.37 (2006), và 0.33 (2018); Trung Quốc: 0.42 (1990), 0.36 (1995); 0.39 (2001); 0.37 (2007); 0.39 (2012); và 0.39 (2018); Đài Loan: 0.34 (1998), 0.41 (2006), 0.46 (2012), và 0.45 (2019). Và có những phương pháp hiệu quả để tính các giá trị này lùi lại một thế hệ, tức là có chuỗi dữ liệu cho mỗi nước từ 1960 đến nay tiện cho việc phân tích và so sánh.

Có thể khẳng định ở Việt Nam cầu tự do đã cao hơn cung tự do rất nhiều từ khá lâu, nói cách khác đòi hỏi cải cách để mở rộng tự do ở nước ta là cấp bách.

Điều quan trọng nhất phải nhấn mạnh là các đại lượng này đo những sự thay đổi cấu trúc kinh tế-xã hội-văn hóa của một xã hội và các số đo của chúng không phụ thuộc vào ý chí của những người cầm quyền. Tuy nhiên, dân chủ hóa (hay việc làm giảm khoảng cách cung-cầu tự do) lại phụ thuộc vào ý chí, hành động của những người cầm quyền!

I. Dân chủ hóa

Dân chủ hóa là quá trình biến một chế độ độc đoán (chuyên chế, độc tài) thành một chế độ dân chủ. Quá trình này, theo D. A. Rustow (1970), được in lại trong Lisa Anderson [2015], có thể chia làm ba pha: pha chuẩn bị, pha chuyển đổipha củng cố.

Trong pha chuẩn bị, nhất thiết phải có xung đột ăn sâu giữa những người cầm quyền và nhân dân và nếu xung đột không được giải quyết dẫn đến bế tắc. Theo Rustow, trong cuộc đấu tranh kéo dài không mang lại kết quả đó, “những người giữ vai trò chủ đạo phải đại diện cho các lực lượng được thiết lập tốt (điển hình là các giai cấp xã hội), và các vấn đề phải có ý nghĩa sâu sắc đối với họ. Một cuộc đấu tranh như vậy chắc bắt đầu như kết quả của sự nổi lên của một elite (giới ưu tú) mới, đánh thức một nhóm xã hội bị thất vọng và trước nay không có người lãnh đạo nhập cuộc, hành động phối hợp” [L. Anderson, tr.27]. Có thể gọi các elite này là elite đối lập để phân biệt với các elite đương quyền. Cuộc đấu tranh này giữa một bên là các elite đương quyền và bên kia là các elite đối lập, các diễn viên tập thể như các tổ chức xã hội dân sự, các nghiệp đoàn và các tổ chức quần chúng. Theo Rustow, cuộc chiến đấu này “có thể tiếp tục và tiếp tục cho đến khi những người giữ vai trò chủ chốt mệt lử và các vấn đề biến đi mà không có sự nổi lên của giải pháp dân chủ nào dọc đường. Hoặc một nhóm rốt cuộc có thể tìm được cách đè bẹp các đối thủ. Trong những cách này và cách khác một sự tiến hóa rõ ràng đến dân chủ có thể bị chệch hướng, và không lúc nào dễ hơn trong thời gian pha chuẩn bị” [L. Anderson, tr. 29]. Nói cách khác pha chuẩn bị có thể rất kéo dài này có thể chẳng dẫn đến đâu; trong trường hợp may mắn nó có thể dẫn đến pha chuyển đổi.

Pha chuyển đổi là giai đoạn quyết định chuyển đổi chế độ. Pha này bắt đầu khi có các định chế dân chủ, thí dụ bầu cử dân chủ, và theo quy ước nó kết thúc khi sự chuyển giao quyền lực một các yên bình diễn ra. Pha này tương đối ngắn so với pha chuẩn bịpha củng cố, nó thường kéo dài từ một đến dăm ba năm (trường hợp hãn hữu có thể đến 10-15 năm, nói cách khác sau 2-3 nhiệm kỳ các nhà lãnh đạo cũ vẫn thắng các cuộc bầu cử dân chủ và tiếp tục nắm quyền và chỉ sau đó mới thua đối lập (cũ) và trở thành đối lập (mới) trong nền dân chủ. Trong pha chuyển đổi, các elite đương quyền và các elite đối lập giữ vai trò chính (dưới sức ép của các diễn viên tập thể khác). Các elite này tìm cách giải quyết xung đột bế tắc bằng việc thiết lập các định chế cơ bản của nền dân chủ. Chiến lược của elite đương quyền và các elite đối lập trong pha này thế nào, cuộc đấu tranh giữa chúng diễn tiến ra sao, tương quan lực lượng của hai bên thế nào (ai chủ động, dẫn dắt pha này) sẽ ảnh hưởng đến kết cục của chuyển đổi và sự củng cố dân chủ sau này nếu sự chuyển đổi diễn ra.

Các phương thức chuyển đổi sau có thể được phân biệt:

Chủ động chuyển đổi từ trên xuống (do elite đương nhiệm lãnh đạo-ĐLĐ): áp lực của elite đối lập không mạnh và elite đương chức hoàn toàn chủ động thay đổi chế độ nhằm giữ tối đa quyền lực có thể giữ hay tự tin để tiến hành sự chuyển đổi phòng ngừa (preemptive) để tiếp tục nắm quyền hoặc có khả năng nắm quyền trong chế độ dân chủ chứ không phải trong chế độ độc tài (Slater, Wong [2022] gọi cách chuyển đổi này là chuyển đổi từ sức mạnh của chế độ đương nhiệm). Chuyển đổi theo phương thức này thường diễn ra khá nhanh (Bulgaria) nhưng cũng có thể kéo dài (Đài Loan, Hàn Quốc). Tại các quốc gia chuyển đổi theo cách này elite đương nhiệm trong các chế độ độc tài trở thành elite dân chủ và có thể tiếp tục cầm quyền do thắng các cuộc bầu cử dân chủ (Hàn Quốc, Đài Loan, Bulgaria) và cho đến tận nay vẫn có vai trò chính trị rất quan trọng trong chế độ dân chủ mạnh và đất nước tiếp tục ổn định và phát triển mạnh vượt bậc (Hàn Quốc, Đài Loan).

Chủ động chuyển đổi qua thương lượng (TL): cả hai bên đều là các tác nhân thay đổi nhưng elite đương nhiệm chủ động cùng elite đối lập thương lượng sự chuyển đổi dân chủ như tại Ba Lan trong đầu năm 1989, hay Hungary 1989 và Mông Cổ (1990-1992). Tại các quốc gia chuyển đổi theo cách này elite đương nhiệm trong các chế độ độc tài trở thành elite dân chủ và có thể tiếp tục cầm quyền do thắng các cuộc bầu cử dân chủ như Eleksander Kwaśniewski cựu Bộ trưởng và Ủy viên trung ương ĐCS Ba Lan đã được bầu làm Tổng thống Ba Lan hai nhiệm kỳ từ 1995-2005; hay ĐCS Hungary sau khi đổi tên đã giành được chính quyền dân chủ trong các nhiệm kỳ 1994-1998 (với Horn Gyula làm Thủ tướng), hai nhiệm kỳ 2004-2009 (với Ferenc Gyurcsány làm Thủ tướng); hoặc Mông Cổ đảng MPP (Nhân dân Cách mạng, tức ĐCS nắm quyền thời xã hội chủ nghĩa thậm chí không đổi tên) đã thắng bầu cử dân chủ nhiệm kỳ đầu tiên 1992-1996, nhiệm kỳ 2000-2004, rồi ba nhiệm kỳ liên tiếp 2006-2012 và hiện đang cầm quyền liên tiếp trong ba nhiệm kỳ 2016-đến tận nay (tháng 9-2024).

Chuyển đổi qua sụp đổ (SĐ): do chế độ đương nhiệm yếu nhưng elite đương quyền không chịu nhượng bộ cho đến khi đành phải khuất phục vì hoàn cảnh nào đó như tại Argentina sự chuyển đổi đã không bắt đầu cho đến khi các lãnh đạo quân sự phải chấp nhận các đòi hỏi thay đổi chế độ tiếp sau sự bại trận của họ trong chiến tranh Falklands/Malvinas với Anh tháng Sáu năm 1982; tại Cộng hòa Dân chủ Đức với bức tường Berlin sụp đổ 9-11-1989 và các cuộc biểu tình lớn đòi thay đổi chế độ từ 16/17-11-1989 đến 29-11-1989 sau những sự thay đổi ở Ba Lan và Hungary; hay tại Tiệp Khắc sau các cuộc biểu tình và các elite đương quyền đã đầu hàng cuối 1989. Rumani cũng là chuyển đổi qua sụp đổ (với việc tử hình hai vợ chồng Nicolae Ceaușescu) cuối 1989.

Cách mạng xã hội: hai bên đều dùng chiến lược đối đầu nhưng nếu elite đối lập đánh bại elite đương chức và tạo ra cách mạng xã hội thật sự (không có gì đảm bảo sẽ dẫn đến dân chủ) và trong 14 nước (Bảng 1) không nước nào đã xảy ra cách mạng xã hội.

Nói cách khác có thể phân loại tất cả các chuyển đổi dân chủ thành công và được củng cố từ 1975 đến nay theo ba phương thức chuyển đổi.

Và đối với elite đương nhiệm thì phương thức CHỦ ĐỘNG chuyển đổi từ sức mạnh, từ trên xuống, là THƯỢNG SÁCH (để phòng ngừa phương thức thương lượng bất lợi và khó khăn hơn hay phương thức sụp đổ tai họa nhất), nếu bỏ qua cơ hội chuyển đổi từ sức mạnh thì các elite đương nhiệm đành chấp nhận TRUNG SÁCH là phương thức chủ động thương lượng, còn HẠ SÁCH là nếu chế độ đương nhiệm ngoan cố bám lấy quyền lực độc tài của mình bằng mọi giá thì sẽ không tránh khỏi sự chuyển đổi qua sụp đổ.

Bảng 1. Phương thức chuyển đổi của 14 nền dân chủ đã được củng cố

Nước Chế độ độc tài Phương thức Bắt đầu –Kết thúc ch.đổi Elite đương quyền Lực phát động chuyển đổi
Tây Ban Nha Franco:1936-75 Thương lượng 11/1975-10/82 Chủ động Elite chính trị & XHDS
Argentina Quân Sự (QS): 1966-83 Sụp đổ 6/1982-12/83 Thụ động XHDS&elite chính trị
Brazil QS:1964-90 Thương lượng 12/1982-10/90 Chủ động XHDS&elite chính trị
Chile QS:1973-90 Thương lượng 10/1988-3/90 Chủ động XHDS&elite chính trị
Ba Lan Cộng sản (CS): 1947-89 Thương lượng 4/1989-10/91 Chủ động Elite chính trị & XHDS
Bulgary CS: 1946-90 Từ trên 11/1989-10/91 Chủ động Elite chính trị & XHDS
Tiệp Khắc CS: 1948-90 Sụp đổ 11/1989-6/90 Thụ động XHDS&elite chính trị
Hungary CS: 1947-90 Thương lượng 6/1989-3/90 Chủ động Elite chính trị & XHDS
Mông Cổ CS: 1921-96 Thương lượng 6/1992-6/96 Chủ động XHDS&elite chính trị
Nam Phi Apartheid 1961-91 Thương lượng 5/1990-4/94 Chủ động Elite chính trị & XHDS
Philippines QS:1965-86 Sụp đổ 2/1986-5/92 Tổng thống tháo chạy, elite ở lại XHDS
Hàn Quốc QS:1953-97 Từ trên 6/1987-12/97 Chủ động XHDS&elite chính trị
Đài Loan QDĐảng:1949-00 Từ trên 7/1987-3/96 (3/2000) Chủ động XHDS&elite chính trị
Indonesia Suharto:1966-98 Từ trên 5/1998-7/99 (10/200) Tổng thống bị động, elite ảnh hưởng XHDS&elite chính trị

Các nguồn và giải thích chi tiết xem Nguyễn Quang A [2015], lưu ý có sự khác biệt về tên gọi phương thức trong bảng này và phiên bản 2015 và được điều chỉnh cho hợp với những quan niệm trình bày ở đây.

Nghiên cứu của Slater, Wong [2022] về 12 trường hợp trong vùng ven Thái Bình Dương của châu Á được họ gọi là châu Á kiến tạo-phát triển (developmental Asia, tức là nơi các quốc gia chủ động có chính sách rõ rệt để phát triển đất nước qua hiện đại hóa) soi sáng và càng củng cố thêm những nhận định trên. Theo Stater, Wong [2022] có 6 trường hợp trong vùng này (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Indonesia, Thái Lan và Myanmar) nơi các elite đương nhiệm đã chủ động chuyển đổi dân chủ từ trên xuống, từ sức mạnh chế độ với những thành công ở mức độ khác nhau (Thái Lan và Myanmar với kết quả có thể hay đã bị đảo ngược); 6 trường hợp khác (Trung Quốc, Việt Nam, Cambodia; và Singapore, Hồng Kông và Malaysia) đã tránh chuyển đổi dân chủ. Sáu trường hợp tránh dân chủ đã đều là các ứng viên cho chuyển đổi dân chủ trong các cửa sổ thời gian cơ hội khác nhau trong đó Cambodia, Hồng Kông và Malaysia đã bỏ lỡ cửa sổ cơ hội vàng đó, còn Trung Quốc, Việt Nam, và Singapore vẫn còn cơ hội đó, xem Hình 1.

Stater, Wong [2022] hiểu sức mạnh độc đoán là sức mạnh của các định chế độc đoán (chủ yếu là sức mạnh của các tổ chức trong đó quan trọng nhất là đảng độc đoán và bộ máy nhà nước [bộ máy quan liêu] độc đoán chứ không phải các quy tắc) và các tổ chức cưỡng bức (cảnh sát, quân đội). Chính vì thế sức mạnh độc đoán cần thời gian để tích lũy và như bất cứ thứ gì khác nếu nó tăng lên thì sẽ lên đến đỉnh điểm và sau đó giảm đi và sự giảm đi có thể nhanh hơn sự tăng lên, như đại thể hình sau đây mô tả:

Hình 1. Sức mạnh độc đoán theo thời gian và cửa sổ cơ hội. Cần nhiều thời gian để tích lũy sức mạnh, nhưng sự mất sức mạnh có thể nhanh hơn nhiều. Khoảng thời gian từ đỉnh điểm (B) đến một điểm (C) nào đó dưới đỉnh điểm, được Slater-Wong [2022] gọi là cửa sổ cơ hội. Trong cửa sổ cơ hội này chế độ độc đoán có khả năng thành công nhất để chủ động chuyển đổi qua sức mạnh (tôi cho rằng còn tốt hơn nếu nó bắt đầu sớm từ điểm A đến điểm C, nói cách khác “cửa sổ cơ hội” sẽ tăng hơn gấp đôi nếu chủ động chuyển đổi sớm trước khi sức mạnh lên đến đỉnh điểm). Còn ở ngoài cửa sổ cơ hội thì trước điểm (A) chế độ độc đoán chưa đủ mạnh để chuyển đổi từ thế mạnh, cũng như sau khi vượt điểm C thì chế độ độc đoán không còn khả năng chuyển đổi qua sức mạnh, theo ý mình, theo thời gian biểu của mình nữa, nhưng vẫn có thể chủ động để chuyển đổi qua thương lượng với sự yếu của sức mạnh chế độ; còn nếu vẫn ngoan cố, càng xa điểm C hơn thì sức mạnh độc đoán có thể giảm đến mức chỉ có thể chuyển đổi qua sụp đổ. Lưu ý rằng hình dạng của sức mạnh độc đoán đại thể trông như thế và chỉ được dùng ở đây để giúp minh họa các khái niệm và làm cho chúng dễ hiểu mà thôi.

Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta không biết cái điểm sức mạnh (A hay C) mà trên đó chuyển đổi qua sức mạnh là khả thi, còn dưới đó thì không, tức là chúng ta không biết đường ngang A-C nằm ở đâu trên Hình 1 nếu không có các tín hiệu rõ ràng. Tuy vậy hình này rất bổ ích để hiểu các lập luận của Stater và Wong cũng như về tầm quan trọng của các tín hiệu báo cho các nhà cầm quyền biết sức mạnh của họ ở đâu.

Các tín hiệu báo cho các elite độc đoán là quan trọng cho việc có khiến họ chủ động chuyển đổi qua sức mạnh hay không. Stater và Wong phân biệt vài loại tín hiệu: bầu cử, lôi thôi (contentious), kinh tế, và địa-chính trị. Các tín hiệu này thay đổi về sự rõ ràng và độ mạnh của chúng. Các tín hiệu bầu cử là các tín hiệu rõ ràng nhất, các tín hiệu lôi thôi là các tín hiệu mạnh nhất (khi hàng ngàn hay thậm chí hàng trăm ngàn công dân đổ xuống đường để đòi hỏi cải cách hay thậm chí loại bỏ một chế độ độc đoán, thì đây là cơ hội không thể để cho các nhà lãnh đạo độc đoán bỏ qua). Hai tín hiệu này là các hình thức sống động nhất của áp lực đối lập, hay của XHDS nói chung, để dân chủ hóa mà một chế độ độc đoán có thể đối mặt. Chúng ta thấy tại Việt Nam không có bầu cử thật, nên rất đáng tiếc tín hiệu bầu cử không rõ ràng, còn tín hiệu lôi thôi không thật mạnh nhưng cũng không yếu như chúng ta sẽ thấy trong phần hoạt động xã hội dân sự.

Các tín hiệu kinh tế và địa-chính trị, có khuynh hướng thiếu cả sự cực kỳ rõ ràng của các tín hiệu bầu cử lẫn sức mạnh sấm sét của các tín hiệu lôi thôi. Tuy nhiên, tín hiệu kinh tế đã quan trọng ở Indonesia, các tín hiệu địa chính trị đã tỏ ra khá quan trọng ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, và có lẽ là tín hiệu rất quan trọng ở Việt Nam.

Cuối cùng, nhân tố quan trọng nhất là các chiến lược của các nhà lãnh đạo độc đoán. Stater và Wong cho rằng chủ yếu từ các chiến lược hợp pháp hóa mới (legitimation-tạo tính chính danh) mà dân chủ qua sức mạnh cuối cùng xuất hiện. Không quan trọng rằng một lãnh tụ duy nhất có quyền ra quyết định áp đảo; mặc dù quyền như vậy có thể mô tả tốt Tưởng Kinh Quốc của Đài Loan, nó hầu như chắc chắn không áp dụng cho Tổng thống yếu của Indonesia B. J. Habibie. Cái dường như là cốt yếu, tuy vậy, là các nhà lãnh đạo và những người đi theo cốt lõi của họ đi đến nhận thức rằng các công thức tính chính danh độc đoán cũ, như một mình thành tích kinh tế, đã qua, và rằng dân chủ hóa phòng ngừa mang lại cho những người nắm quyền này một cuộc sống chính trị mới.

Các tín hiệu làm tăng khả năng của cải cách dân chủ khi chúng truyền đạt hoặc rằng (i) việc duy trì chủ nghĩa độc đoán không phải là thuốc bách bệnh cho bất kỳ căn bệnh quản trị hiện hành nào hiện thời đối mặt với chế độ (các tác giả gọi là “các tín hiệu báo điềm xấu”) hay rằng (ii) việc triệu tập các cuộc bầu cử tự do và công bằng sẽ không dẫn đến một kết quả tai hại cho những người độc đoán đương nhiệm (cái họ gọi là “các tín hiệu làm yên lòng”)

Các elite độc đoán làm vậy dựa trên hai sự tự tin, chiến thắng và ổn định. Sự tự tin chiến thắng là sự kỳ vọng của các elite độc đoán đương nhiệm rằng trong các cuộc bầu cử dân chủ họ có thể có kết quả tốt, hay thậm chí tiếp tục thống trị hoàn toàn. Sự tự tin ổn định là sự kỳ vọng của họ rằng sự ổn định chính trị — và với nó, sự phát triển kinh tế — sẽ tiếp tục dưới chế độ dân chủ.

Trên đây là tóm tắt những bài học quốc tế về dân chủ hóa.

II. Xã hội dân sự và vai trò của nó trong dân chủ hóa

Có rất nhiều văn liệu bàn về vai trò của xã hội dân sự trong dân chủ hóa, xem ví dụ Lisa Anderson [2015]; Hsin-Huang Michel Hao [2015] và Christian Welzel [2016]. Có rất nhiều ý kiến khác nhau từ đánh giá cao hoạt động xã hội dân sự đến khinh miệt, tuy nhiên có sự đồng thuận rộng lớn rằng xã hội dân sự có vai trò rất quan trọng trong pha chuẩn bị khi nói đến các xung đột ăn sâu giữa những người cầm quyền và nhân dân, một điều kiện tiên quyết để có chuyển đổi dân chủ. Nó cũng có vai trò quan trọng trong pha chuyển đổi (dù đôi khi có thể hơi lu mờ trước vai trò của các elite đối lập, nhưng đừng quên rằng phần lớn elite đối lập là các lãnh đạo xã hội dân sự). Xã hội dân sự có vẻ xẹp đi trong giai đoạn đầu của pha củng cố (do một số lãnh đạo xã hội dân sự có thể trở thành elite cai trị mới) nhưng tôi cho rằng ngay cả trong nền dân chủ đã được củng cố, thậm chí lâu đời và mạnh thì vai trò của xã hội dân sự vẫn hết sức quan trọng nếu không muốn có suy thoái dân chủ. Nói cách khác dân chủ hóa nên được xem như một quá trình không ngừng để thúc đẩy các quyền, nhất là các quyền tự do trong mọi pha của dân chủ hóa ngay cả trong các nền dân chủ đã phát triển, chín muồi, có chất lượng cao!

III. Xã hội dân sự Việt Nam 2000-2024

Trước khi tập trung vào giai đoạn 2000-2024, sẽ hữu ích nếu điểm lại vài quan niệm và tình hình xã hội dân sự ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 đến đầu thế kỷ 21 (Nguyễn Quang A [2024c]).

3.1 Xã hội dân sự truyền thống và chính trị, xã hội dân sự trước 2000

Vì bối cảnh văn minh lúa nước thường xuyên phải đối phó với lũ, lụt, hạn hán nên vì sự sống còn người dân phải chụm lại trong các làng và từ đó phát sinh văn hóa làng xã đã chi phối xã hội Việt Nam từ ngàn xưa (với tính cố kết tập thể chặt, tương đối tự quản ở mức làng xã, và sự tổ chức mang tính gia trưởng) nên các đặc tính này ảnh hưởng mạnh đến sự phát triển của xã hội dân sự: tính tập thể, tự quản tương đối của làng xã, tinh thần tương thân tương ái tạo thuận lợi cho sự phát triển của xã hội dân sự truyền thống; trong khi chính tính cố kết mạnh [strong in-group links] của làng lại hạn chế các mối quan hệ yếu [weak-links between groups] giữa các làng hay các cộng đồng; và chính các mối quan hệ yếu giữa các cộng đồng này là quan trọng cho sự phát triển xã hội dân sự chính trị; như thế văn hóa làng xã một mặt tạo thuận lợi cho sự phát triển xã hội dân sự truyền thống (trợ giúp, cứu trợ, giúp những người cơ nhỡ, … vốn đã luôn tồn tại ở Việt Nam và vẫn khá sôi động ngày nay) không được chúng ta đề cập đến ở đây, mặt khác lại không tạo thuận lợi cho xã hội dân sự chính trị.

a) Bất bạo động

Phan Châu Trinh có lẽ là nhà cổ vũ và thực hành xã hội dân sự lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay. Cụ không chỉ đặt nền tảng tư tưởng cho sự phát triển xã hội dân sự mà cũng tích cực thực hiện và cổ vũ những người khác thực hiện các tư tưởng ấy.

Tự Lực Văn đoàn do nhà văn Nhất Linh (nhà chính trị Nguyễn Tường Tam) thành lập năm 1932 đã góp phần rất quan trọng cho sự phát triển văn học, báo chí, xã hội và chính trị Việt Nam. Các thành viên của Tự Lực Văn đoàn đều trở thành các nhà văn, nhà thơ lớn của Việt Nam. Họ cũng khởi xướng việc lập Hội Ánh Sáng (theo đúng nghĩa về Hội hiện đại) vào nửa thứ hai của các năm 1930, nhằm xây dựng nhà ở cao ráo, sáng sủa thay cho nhà ở tối tăm, bẩn thỉu phổ biến ở Việt Nam. Tự Lực Văn đoàn và Hội Ánh Sáng thuộc về xã hội dân sự chính trị mà chúng ta nói đến. Và các hoạt động chính trị của phong trào trí tuệ có ảnh hưởng nhất trong nửa đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam được Martina Thucnhi Nguyen [2021] xem xét.

b) Bạo động

Nhiều phong trào khác, từ phong trào Cần Vương, các phong trào kháng cự khác đến Việt Minh, có thể được liệt vào các phong trào dân sự dùng phương pháp bạo động nhằm giành lại chính quyền từ tay thực dân Pháp. Cũng cần nhấn mạnh rằng một phong trào ban đầu có thể là bất bạo động nhưng trong quá trình hoạt động có thể trở nên bạo động và thang bất bạo động-bạo động thực sự là một phổ, chứ không hẳn là hai trạng thái nhị phân cực đoan.

Van Nguyen-Marshall [2023] là công trình đáng chú ý về xã hội dân sự ở Việt Nam Cộng hòa (1954-1975) kể cả phong trào sinh viên. Sự tham gia của các cựu lãnh tụ sinh viên Saigon Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hiếu Đằng, Lê Công Giàu trong Kiến nghị 72 (KN72) năm 2013 là đáng chú ý. Cũng đã có nhiều hội sinh viên chống cộng (Van Nguyen-Marshall [2023], pp. 115-16).

Phong trào tôn giáo cũng được (Van Nguyen-Marshall [2023], p. 12, p. 25) thảo luận chi tiết. Báo chí Phật giáo cũng khá phát triển trong giai đoạn này.

Tại miền Bắc các tôn giáo hầu như không có hoạt động xã hội gì ngoài các hoạt động truyền thống.

Đấu tranh vì các quyền và tự do chủ yếu là quyền tự do tư tưởng, ngôn luận và báo chí.

Tại miền Bắc, sau 1954 Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được củng cố trên toàn miền Bắc và ĐCSVN kiểm soát toàn diện mọi mặt. Các nhà văn, nhà thơ quân đội đã bắt đầu phê phán đường lối văn hóa của Đảng, đòi tự do sáng tác, tự do tư tưởng và đưa ra “dự thảo đề nghị cho một chính sách văn hóa” từ tháng Tư 1955. Nổi bật nhất là phong trào Nhân Văn Giai Phẩm (về Nhân Văn Giai phẩm xem Thụy Khuê [2012]).

So với miền Bắc thì các phong trào đòi các quyền và tự do ở miền Nam sôi động hơn rất nhiều. Tại miền Nam bất chấp tình hình hiểm nghèo và những sự hạn chế các quyền tự do thời chiến, xã hội dân sự của Việt Nam Cộng hòa đã vẫn năng động và tích cực (Van Nguyen-Marshall [2023], p. 137-158). Sau 1975 ĐCSVN đã củng cố sự cai trị của mình trên cả nước và thực hiện chính sách kiểm soát toàn diện đối với mọi mặt của đời sống.

Không có phong trào công nhân thực sự, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (VGCL) tiếp tục là cánh tay đắc lực của ĐCSVN trong việc huy động công nhân thực hiện chính sách của ĐCSVN.

Không có phong trào sinh viên thực sự vì Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là đội dự bị của ĐCSVN, có Liên hiệp các Hội Sinh viên nhưng cũng do ĐCSVN kiểm soát (như SSM của Tiệp Khắc và các tổ chức đoàn của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước kia).

Phong trào tôn giáo bị bóp nghẹt, chỉ có các tổ chức tôn giáo do ĐCSVN cho phép được hoạt động hợp pháp. Tuy vậy nhiều giáo phái tôn giáo (Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (UBC), Cao Đài Chân truyền, Hòa Hảo Thuần túy) không chấp nhận tham gia vào Giáo hội được chính phủ cấp phép và có nhiều hệ phái Tin lành không được chính quyền cấp phép hoạt động.

Đấu tranh vì các quyền và tự do bị bóp nghẹt, tuy vậy cũng có những sự phản kháng đòi quyền. Chỉ nêu hai ví dụ.

Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ do Nguyễn Hộ và các chiến hữu của ông lập ra và xin phép hoạt động nhưng không được chính quyền cho phép. Mãi đến tháng 5-1986 mới được ĐCSVN thành phố Hồ Chí Minh (chứ không phải Ủy ban Nhân dân Thành phố!) cấp giấy phép hoạt động. Số thành viên tăng rất nhanh từ 6.000 lúc chính thức thành lập 23-9-1986 (năm Việt Nam chính thức công cuộc “đổi mới”) đã tăng lên 20.000 trong năm 1988, trước chuyển đổi dân chủ Đông Âu một năm và đã tổ chức nhiều hội thảo và đưa ra những kiến nghị chính sách nhân sự cấp cao nhất và vận động để thực hiện những chính sách ấy. Lo sợ tình hình có thể sẽ giống Đông Âu, năm 1989 câu lạc bộ bị đóng cửa hoàn toàn, những người phản đối đã bị bắt, và ĐCSVN đã lập Hội Cựu Chiến Binh thay vào đó.

Ví dụ “vụ hậu-Nhân Văn Giai Phẩm” tiêu biểu nhất là cuốn Về Kinh Bắc (1960) của Hoàng Cầm đã dẫn đến vụ án Về Kinh Bắc bắt Hoàng Cầm (18 tháng) và nhà thơ Hoàng Hưng (39 tháng) năm 1982. Tóm lại ĐCSVN đã kiểm soát rất chặt, sự đòi tự do sáng tác, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận bị dập tắt. Rồi tiếng nói của giới văn nghệ lại bùng lên trong thời lãnh đạo văn hóa của Trần Độ và “bản đề dẫn” của Nguyên Ngọc (1979) với sự xuất hiện nổi bật của Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp trên văn đàn và lại bị dập tắt với “vụ 79” tuy không khốc liệt như “vụ Nhân Văn Giai Phẩm”. Ảnh hưởng kiểu hậu-nhân văn giai phẩm còn rớt lại đến tận ngày nay trong vụ chính quyền Hà Nội cấm tác giả Phạm Xuân Trường treo một số trong 31 bức tranh do ông gò đồng thau chân dung một số cựu nhân văn giai phẩm và các nhà văn, nghệ sĩ có hơi hướng bất đồng chính kiến tại cuộc triển lãm ngày 2-12-2023 ở Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội.

Đó là chưa nói đến phong trào đòi quyền tự do sáng tác của nhóm Đà Lạt tại tạp chí văn học Langbiang do Mai Thái Lĩnh, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự chủ trì với kỷ luật khai trừ đảng đối với Bùi Minh Quốc và Tiêu Dao Bảo Cự (1988) cũng như chuyến đi nổi tiếng của đoàn Langbiang đến Hồ Chí Minh, Nha Trang, đến Đaklak tổ chức các tọa đàm ở mỗi nơi. Chí sĩ Hà Sĩ Phu với bài viết “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ” (1988), “Chia tay ý thức hệ” (1995) có vai trò quan trọng và cũng là cộng tác viên của tạp chí Langbiang

3.2 Xã hội dân sự Việt Nam 2000-2024

Với bối cảnh lịch sử như trên, chúng ta chuyển sang xã hội dân sự chính trị ở Việt Nam trong một phần tư thế kỷ hay khoảng hai thập niên qua.

ĐCSVN bắt đầu công bố chính sách đổi mới từ 1986, song thực chất chỉ bắt đầu từ đầu những năm 1990. Sau một thời gian tước các quyền kinh tế cơ bản của người dân (quyền tự do kinh doanh, ngăn sông cấm chợ cản trở thương mại, phá hủy khu vực tư nhân, …) nền kinh tế gần sụp đổ, nhân dân dù cam chịu nhưng vẫn tìm cách xé rào để mưu sinh. Không đổi mới tức là chết. ĐCSVN buộc phải trả lại một phần các quyền kinh tế cho người dân. Nền kinh tế bắt đầu được cải thiện và tăng tốc đều đặn trong hơn 30 năm qua. ĐCSVN luôn tuyên truyền rằng thành công kinh tế đó là do chính sách đổi mới của đảng, thực chất đó là thành công của nhân dân, các doanh nghiệp và ĐCSVN “đã có công” không cản trở họ quá đáng (và cũng phải ghi nhận các chính sách kinh tế tương đối cởi mở của ĐCSVN). Nói cách khác do ĐCSVN đã buộc phải thay đổi chính sách của mình theo tinh thần của tư tưởng Phan Châu Trinh. Đầu tư nước ngoài tăng lên, doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng tăng, nhiều nhà máy xí nghiệp mọc lên kéo theo số công nhân tăng lên.

Phong trào lao động trong bối cảnh như vậy cũng bắt đầu sôi động hơn để đòi đồng lương xứng đáng và điều kiện làm việc tốt hơn. Một chỉ số về sự phát triển này là số các cuộc đình công đã tăng từ 71 trong năm 2000 lên 978 cuộc trong 2011 (Kervkliet [2019], p. 15) dù sau đó có giảm đi và năm 2022 đã có 105 cuộc “ngừng lao động tập thể” (chứ không phải đình công) theo VGCL trong bối cảnh các doanh nghiệp gặp khó khăn tuyển dụng lao động. Lưu ý rằng tất cả các cuộc đình công này đều bất hợp pháp theo luật hiện hành.

Đôi khi đình công đã biến thành biểu tình chống lại chính sách của chính phủ, như chống lại một điều khoản của Luật Bảo hiểm Xã hội mới được thông qua 2015 vẫn chưa có hiệu lực. Tại một công ty ở Hồ Chí Minh khoảng 90.000 công nhân đã phản đối điều khoản đó. Chính phủ lập tức hứa xem xét, rồi Quốc hội ra nghị quyết cho phép công nhân thực sự “lách” điều khoản đó bằng cách chọn theo điều khoản đó hay theo quy định cũ. Các cuộc đình công cũng gây áp lực buộc chính phủ nâng lương tối thiểu, sửa đổi luật lao động, vân vân. Có những cố gắng theo gương công đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan trong việc lập ra các tổ chức công đoàn độc lập không được chính quyền chấp nhận và những người lãnh đạo của các phong trào này đã bị bắt như Đoàn Huy Chương (Kervkliet [2019], p. 28-29), cũng như Đỗ Thị Minh Hạnh và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng muộn hơn vài năm.

Bên cạnh phong trào công nhân là phong trào dân oan chủ yếu gồm các nông dân và cư dân kêu oan về đất đai mà “vụ Thái Bình” xảy ra trong 1997 khi khoảng hơn 43 ngàn nông dân biểu tình chống cán bộ địa phương tham nhũng là một trong những vụ có quy mô lớn tại nhiều địa phương ở tỉnh Thái Bình. Rồi đến hàng trăm cuộc biểu tình mỗi năm của các dân oan diễn ra liên tục khắp cả nước mà nổi bật là các vụ Văn Giang (ECopark) tỉnh Hưng Yên 2012, vụ Đoàn Văn Vươn 2012 ở Tiên Lãng Hải Phòng (với sự tham gia đối phó của cảnh sát và đã dẫn đến nổ súng), vụ Dương Nội tại Hà Nội năm 2014 với bà Cấn Thị Thêu và chồng Trịnh Bá Khiêm bị bắt rồi bị tù (Kervkliet [2019], p. 33-59), vụ Thủ Thiêm thành phố Hồ Chí Minh kéo dài từ 2009 đến nay vẫn chưa chấm dứt. Tiếp đến là vụ cưỡng chế khu “Vườn rau Lộc Hưng” thành phố Hồ Chí Minh đầu tháng 12-2019 và đẫm máu nhất là vụ Đồng Tâm từ 2017 khi nhân dân bắt giữ khoảng 20 công an và cán bộ địa phương rồi lên đến đỉnh điểm vào 3 giờ sáng 9-1-2020 khi khoảng 3.000 cảnh sát Hà Nội đã bao vây làng Đồng Tâm và cụ Lê Đình Kình đã bị giết, 3 cảnh sát chết và nhiều người bị thương.

Phong trào sinh viên hầu như không có gì thay đổi so với trước đó.

Phong trào tôn giáo tiếp tục từ thời gian trước với sự thành lập Hội đồng Liên Tôn (Công giáo, Cao Đài, Hòa Hảo) năm 2001 khiến linh mục Nguyễn Văn Lý bị tù và Hội đồng Liên Tôn đến nay vẫn hoạt động tích cực dù bị chính quyền cản trở. Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, UBC, vẫn kiên cường hoạt động dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Thích Quảng Độ (được giải Homo Homini năm 2002 và được đề cử Giải Nobel hòa bình) cho đến khi ngài mất đầu năm 2020. Lễ tang của Hòa Thượng Thích Tuệ Sĩ (nhà lãnh đạo cao nhất của UBC) từ 24 đến 29-11-2023 chứng tỏ tầm ảnh hưởng lớn của UCB.

Phong trào đấu tranh vì các quyền và tự do trong một phần tư thế kỷ qua đã sôi nổi hơn trước rất nhiều và có sự phối hợp nào đó giữa các nhà hoạt động (hay tổ chức) với các phong trào công nhân, dân oan và phong trào tôn giáo. Dưới đây chỉ điểm qua sơ bộ một số diễn biến đáng chú ý.

Các ông Phạm Quế Dương và Trần Khuê chủ trương thành lập “Hội Nhân dân chống tham nhũng” năm 2001, họ đã bị bắt tù. Câu lạc bộ Dân chủ cũng ra đời 2001. Rồi Khối 4806 ra đời 2006 với tuyên bố về Tự do và Dân chủ (cuối 2006 đã có hơn 1.400 người ký). Ba người nổi bật trong số họ là luật sư Lê Thị Công Nhân (bị bắt 2007), Nguyễn Chính Kết (sang Hoa Kỳ cuối 2006) và luật sư Nguyễn Văn Đài (bị bắt 2007 bị 4 năm tù) sau khi ra tù luật sư Đài thành lập “Hội Anh em Dân chủ” năm 2013 rồi bị bắt năm 2015 bị kết án 15 năm tù và sang Đức năm 2018.

Phong trào con đường Việt Nam do Trần Huỳnh Duy Thức và các cộng sự manh nha thành lập từ 2005 với “nhóm nghiên cứu Chấn”. Cuối 2008 ông lập hai blog “Change We Need” và “Trần Đông Chấn”. Ông cùng luật sư Lê Công Định và Nguyễn Sĩ Bình viết cuốn “Con đường nước Việt” 2009. Ông bị bắt tháng 5-2009 cùng với Lê Thăng Long, Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung và bị kết án 16 năm tù (hiện nay ông Thức đã ngồi tù suốt 15 năm và sẽ mãn hạn tù tháng 5-2025).

Câu lạc bộ Nhà báo Tự do được Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) thành lập tháng 9-2007. Ông bị bắt 2008, rồi bị kết án 12 năm tù giam, năm 2014 ông bị trục xuất sang Mỹ. Trong giai đoạn từ 2006 trở đi phong trào lập các blog nở rộ, tiêu biểu là trang Anh Basam của Nguyễn Hữu Vinh tháng 9-2007 và trang Bauxite Vietnam do GS. Nguyễn Huệ Chi, nhà giáo Phạm Toàn và GS. Nguyễn Thế Hùng khởi xướng chống lại dự án Bauxite Tây Nguyên năm 2009.

Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ nổi tiếng với vụ kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong năm 2009 liên quan đến Bauxite Tây Nguyên, tháng 6-2010 ông cũng đòi xóa điều 4 khỏi Hiến pháp. Tháng 11-2010 ông bị bắt và bị kết án 7 năm tù và đi Mỹ năm 2014.

Phong trào biểu tình chống sự xâm lấn của Trung quốc ở biển đông đã bắt đầu từ 2007, nhưng đã lên đỉnh điểm vào hè 2011 rồi 2014. Báo Sài Gòn Tiếp thị phát động phong trào mặc áo No-U (phản đối đường chữ U chín đoạn ở biển Đông của Trung Quốc) và bị công an gây khó dễ. Sau khi chấm dứt các cuộc biểu tình, các đội bóng No-U ra đời, đội No-U FC Hà Nội vừa kỷ niệm sinh nhật thứ 12 cuối năm 2023, đáng tiếc sau đó do phần lớn các nhà lãnh đạo đội bóng đã bị bắt nên từ đầu 2024 No-U FC không đá bóng hàng tuần nữa. Mỗi trận bóng vào cuối tuần là một cuộc biểu tình mini kéo dài cả chục năm.

Rồi đến phong trào tham gia KN72 về sửa đổi Hiến pháp đầu năm 2013 với 72 nhân sĩ trí thức ký ban đầu và tổng cộng thu hút được trên 15 ngàn chữ ký tươi (không phải online). Sau KN72 là sự ra đời của nhiều tổ chức độc lập như Diễn đàn Xã hội Dân sự (2013), Văn đoàn Độc Lập (2014) dưới sự chủ trì của nhà văn Nguyên Ngọc, nhà thơ Hoàng Hưng và PGS. TS. Hoàng Dũng với gần một trăm thành viên, Hội Nhà báo Độc lập (2014) dưới sự lãnh đạo của Phạm Chí Dũng và Nguyễn Tường Thụy (sau đó ông Dũng bị bắt cuối 2019 với 15 năm tù, ông Thụy bị bắt tháng 5-2020 và bị 11 năm tù). Tiếp đến là phong trào ứng cử Quốc hội 2016.

Rồi Green Trees (bảo vệ cây xanh) ra đời 30-3-2015 với rất nhiều hoạt động sôi nổi với sự dẫn dắt của nhà báo Đoan Trang (tác giả của nhiều sách samizdat về chính trị và tù nhân và Giám đốc của nhà xuất bản tự do, bị bắt cuối 2020 với bản án 9 năm tù). Phong trào biểu tình chống Formosa gây ô nhiễm nổ ra ở Hà Tĩnh, Nghệ An và một số nơi khác trong 2017.

Theo gương KOR Ba Lan và VONS Tiệp Khắc, Quỹ lương tâm ra đời năm 2017 với một hội đồng gồm các nhân sĩ công khai tên tuổi để xét việc giúp (rất giống KOR); thấy Quỹ rất hay nên 1-6-2017 tôi đã mở tài khoản để quyên góp giúp Quỹ, nhưng phải đóng tài khoản vào ngày 17-7-2021. Nhà hoạt động nổi tiếng Nguyễn Thúy Hạnh lập Quỹ 50K kêu gọi mọi người đóng góp số tiền nhỏ (50 ngàn đồng) ngày 30-4-2018 để giúp đỡ các tù nhân lương tâm. Bà bị bắt ngày 7-4-2021.

Các cuộc biểu tính chống Dự luật đặc khu kinh tế và Luật An ninh Mạng kéo dài chín ngày liền từ 9 đến 17 tháng 6-2018 ở nhiều nơi với hàng ngàn người tham gia ở mỗi nơi khiến Quốc hội phải dừng thông qua luật này, biểu tình vẫn tiếp diễn khiến ông Nguyễn Phú Trọng phải lên tiếng. Các cuộc biểu tình chống Luật Đặc khu cũng như biểu tình của hàng chục ngàn công nhân về một điều khoản của luật bảo hiểm xã hội là đủ mạnh để khiến các nhà cầm quyền phải sửa đổi hay hoãn thông qua. Đấy là những tín hiệu lôi thôi (Statter, Wong [2022], p. 22) chắc cũng đủ mạnh cho các elite độc đoán, chúng “thúc đẩy các cải cách quản trị ở Việt Nam, dù vẫn chưa phải các cải cách dân chủ hóa” (p 268) chắc chưa đến mức sấm sét như Stater và Wong đánh giá, cho nên hai ông cho là ở Việt Nam “không có các cuộc biểu tình đô thị lớn và như thế không có các cuộc đàn áp lớn” (p. 267).

Kênh CHTV của Lê Văn Dũng với sự tham gia của Lê Trọng Hùng thu hút được sự quan tâm của nhiều dân oan (ông Hùng sau đó ra ứng cử Quốc hội và bị bắt năm 2021, ông Dũng cũng bị bắt sau đó và bị tuyên 5 năm tù giam ngày 23-3-2022).

Đáng lo ngại là các lãnh đạo của các NGO có đăng ký cũng bị bắt và bỏ tù vì tội “trốn thuế” như bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID, nhà hoạt động khí hậu nổi tiếng ngày 9-2-2022 và bị xử 2 năm tù ngày 17-6-2022; PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Giám đốc Viện PLD nổi tiếng vì các dịch vụ mà Viện PLD đã cung cấp trong hàng chục năm cho Quốc hội, các cơ quan nhà nước Việt Nam, thúc đẩy các dự án dân chủ cấp cơ sở cho các địa phương (ông Giao bị bắt ngày 16-12-2022, tuy thông tin chính thức nói là ngày 20-12-2022 và bị xử 28 tháng tù kể từ ngày bị bắt); nhà hoạt động môi trường nổi tiếng Hoàng Thị Minh Hồng bị bắt ngày 5-6-2023 và bị kết án 3 năm tù ngày 28-9-2023; hay vì tội chiếm đoạt tài liệu như bà Ngô Thị Tố Nhiên Giám đốc tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) bị bắt ngày 15-9-2023 vì tội chiếm đoạt tài liệu của EVN và bị tuyên 42 tháng tù trong phiên xử kín tháng 6-2024.

Nguyễn Lân Thắng – một nhà hoạt động và blogger nổi tiếng, thành viên No-U và mạng lưới Bloggers – cũng bị bắt tháng 7-2022 bị xử 6 năm tù ngày 12-4-2023. Nguyễn Chí Tuyến (anh Chí Râu đen) thành viên No-U, youtuber nổi tiếng bị bắt ngày 7-3-2024 theo Điều 117 Luật Hình sự 2015 và bị kết án 5 năm tù ngày 15-8-2024, ông Nguyễn Vũ Bình nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng bị bắt 29-2-2024 và bị kết án 7 năm tù ngày 10-9-2024.

Có thể thấy từ nhiệm kỳ hai của ông Nguyễn Phú Trọng, sự đàn áp các nhà hoạt động xã hội dân sự và NGO đã tăng khủng khiếp. Riêng ông Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Vũ Bình bị bắt khi ông Trọng còn sống nhưng bị xử sau khi ông chết và sau khi ông Tô Lâm lên làm Tổng bí thư ĐCSVN ngày 3-8-2024. Trước tình hình đàn áp gia tăng, nhiều nhà hoạt động như Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Anh Tuấn cũng như các luật sư nhân quyền nổi tiếng như Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng và Đào Kim Lân đã phải ra nước ngoài, nhiều nhà hoạt động như LS. Lê Quốc Quân và nhiều lãnh đạo NGO khác cũng ra nước ngoài làm việc.

Từ việc bắt bớ, đàn áp các nhà hoạt động xã hội dân sự cũng có thể thấy phong trào đòi các quyền và tự do khá sôi động ở Việt Nam trong khoảng một phần tư thế kỷ qua. Hơn hẳn các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa trước 1989, trừ Ba Lan, tuy không bằng Hàn Quốc và Đài Loan trước 1987, nhưng không kém các nước lân cận, ngược với ý kiến của một số người cho rằng Việt Nam không có hoạt động xã hội dân sự. Có lẽ những người bi quan về xã hội dân sự Việt Nam sẽ ngạc nhiên về nhận định trên cũng được Kerkvliet [2015] xác nhận “Các tổ chức và các đảng chính trị trực tiếp thách thức sự cai trị cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô đã ít và chỉ đến vào cuối các năm 1980, trước sự sụp đổ chế độ chẳng bao lâu, không như ở Việt Nam, trong những năm đầu của phong trào dân chủ hóa”.

IV. Nên làm gì trong phần còn lại của nửa đầu thế kỷ 21

Chúng ta nên làm gì? Với từ “chúng ta” ý tôi muốn nói đến tất cả những người Việt Nam, kể cả các đảng viên của ĐCSVN và những người ủng hộ và thân cận của họ (chắc phải lên đến 15 triệu người trưởng thành nếu lấy con số chính thức 5 triệu 420 ngàn 161 đảng viên vào tháng 6-2023 theo Hoàng Đăng Quang [2024]), nhân dân Việt Nam nói chung, nhất là các bạn trẻ, các trí thức ngoài đảng, kể cả những người Việt ở nước ngoài mong muốn góp ý cho sự phát triển đất nước. Đó là những người chúng tôi muốn thuyết phục để họ hiểu rõ tình hình và tự ứng xử một cách thích hợp với hiểu biết của mình sau khi tìm hiểu, tranh luận để tránh bị thông tin sai lạc (như sợ mất sổ hưu, hay sẽ bị đàn áp hoặc sẽ có bất ổn xã hội nếu xã hội trở nên dân chủ).

Như trên đã phân tích sơ bộ những điều kiện cấu trúc xã hội ở Việt Nam hiện nay như các nguồn lực hoạt động (vật chất, trí tuệ, kết nối) đã đạt mức đủ cho dân chủ hóa; các khát vọng tự do hay dân khí, hay EVI (cầu tự do đã vượt cung tự do rất nhiều), và cần cải cách chính trị để giảm sự chênh lệch cung-cầu tự do, nếu không thì có thể gây ra bất ổn xã hội. Đó là những điều kiện nền về mặt cấu trúc. Xét về các bài học dân chủ hóa (xem bảng 1 và phân tích ở trên liên quan đến lý thuyết từ phát triển đến dân chủ của Stater, Wong [2022], cũng cho thấy Việt Nam đã chín muồi cho chuyển đổi dân chủ.

Theo những bài học về dân chủ hóa trên thế giới và ở khu vực chúng tôi muốn nói đến các elite đương nhiệm, mà trước hết là các lãnh đạo của ĐCSVN, rồi đến XHDS nên làm gì. Mục đích là để Việt Nam tiếp tục có ổn định xã hội, tiếp tục phát triển kinh tế, gìn giữ sự yên bình cho người dân làm ăn sinh sống, học tập đồng thời bắt đầu cải cách chính trị nhằm đem lại tự do thực sự cho người dân Việt Nam. Tôi tin rằng tuyệt đại đa số chúng ta đều có thể thống nhất các mục tiêu này. Dưới đây là những gợi ý để thảo luận, không phải là chương trình hành động của bất kỳ tổ chức nào.

4.1 Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam

ĐCSVN là đảng đang cầm quyền ở Việt Nam, các lãnh đạo cao cấp của ĐCSVN là phần cốt lõi của elite đương nhiệm. Điều lệ của ĐCSVN (do Đại hội X 2006, và XI 2011, Đại hội XII và XIII không sửa đổi điều lệ), đặt mục đích của Đảng là “xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, văn minh, không có người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản”. (Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam do đại hội II (1951) thông qua là “phát triển chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, để thực hiện tự do, hạnh phúc cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và tất cả các dân tộc đa số, thiểu số ở Việt Nam”). Có thể thấy tên, mục đích của ĐCSVN đã thay đổi nhiều lần. Cho nên việc sửa tên và mục đích, điều lệ và đường lối là chuyện bình thường.

Chủ nghĩa xã hội là một khái niệm xa lạ trong các trước tác của Marx và Engels và chủ nghĩa cộng sản chỉ là một không tưởng và cả hai thực sự là các khái niệm đã lỗi thời không nên là mục tiêu của bất kể đảng chính trị hiện đại nào nữa trên thế giới.

Nếu chỉ giữ lại phần được in nghiêng trong mục đích trên, thì tuy chưa đủ, nhưng tuyệt đại đa số chúng ta có thể tán thành các mục tiêu đó. Điểm thiếu sót căn bản là mục đích được nêu của ĐCSVN (2011) chỉ nói xây dựng nước Việt Nam mà không đả động trực tiếp gì đến nhân dân Việt Nam như Điều lệ của ĐLDVN có nêu (nếu hiểu rộng thì các chủ doanh nghiệp tư nhân cũng là những người lao động cực nhọc vào loại nhất, hay thay “giai cấp công nhân, …thiểu số” bằng “nhân dân” thì mục đính này tốt hơn nhiều so với Điều lệ hiện hành). Vì nước có độc lập, dân chủ, giàu mạnh mà người dân không được tự do, hạnh phúc thì cũng vô nghĩa.

Nhưng hãy khoan khuyên ĐCSVN nên sửa đổi mục đích của mình thế nào mà hãy lấy những phần quan trọng với bối cảnh của bài viết này: xây dựng “nước Việt Nam dân chủ” hay (phát triển chế độ dân chủ nhân dân ở Việt Nam, để thực hiện tự do, hạnh phúc cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và tất cả các dân tộc đa số, thiểu số ở Việt Nam”). Ít nhất về điểm này (dù còn chưa đủ nhưng) chúng ta đều có thể đồng ý.

Ngoài Điều lệ ra, có lẽ văn kiện quan trọng nhất của ĐCSVN là Tuyên ngôn Độc lập được “Hồ Chí Minh soạn thảo và Ban thường vụ Trung ương Đảng đóng góp và thông qua” do Hồ Chí Minh đọc trong ngày khai sinh ra Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2-9-1945.

Ngay ở đầu, bản Tuyên ngôn Độc lập trích dẫn “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” từ Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ; và “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi” từ Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791. Tuyên ngôn khẳng định “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.” Nói cách khác các đảng viên của ĐCSVN ngày nay cũng không thể chối cãi được các lẽ phải đó. ĐCSVN luôn nói kiên định để phát triển chế độ dân chủ ở Việt Nam và tôn trọng các lẽ phải nêu trên, thì nó phải ủng hộ chuyển đổi dân chủ (nếu không muốn phản bội lại chính nó và lãnh tụ sáng lập của nó). Và như đã trình bày ở trên, nhu cầu chuyển đổi dân chủ ở Việt Nam là cấp bách, nên có lẽ chỉ còn khác nhau về phương thức chuyển đổi dân chủ. Theo các bài học và kinh nghiệm thế giới (Bảng 1) thì có ba phương thức thực tiễn (phương thức cách mạng xã hội có thể nên bị loại trừ do các hệ quả của nó và cũng không xuất hiện trong bất cứ trường hợp nào ở Bảng 1).

Hãy xét trong ba phương thức: (1) từ trên xuống, do Đld (Đảng lãnh đạo, hay Đương nhiệm lãnh đạo như trong Nguyễn Quang A [2015]); (2) phương thức thương lượng (TL) và (3) phương thức sụp đổ (SĐ). Rõ ràng đối với ĐCSVN Thượng sách là phương thức Đld, Trung sách là (TL) và hạ sách là (SĐ).

Thượng sách. Theo phương thức Đld, ĐCSVN có sự tự tin chiến thắng rằng họ sẽ thắng các cuộc bầu cử trong chế độ dân chủ và có sự tự tin ổn định rằng nền kinh tế và xã hội tiếp tục ổn định và phát triển trong chế độ dân chủ. ĐCSVN nên tìm cách đo lường các tín hiệu nêu trong lý thuyết Stater-Wong để biết chắc ĐCSVN còn trong cửa sổ cơ hội hay không? Stater, Wong [2022] cho là ĐCSVN vẫn còn có cơ hội và hãy đừng bỏ lỡ. Do hiện nay chưa có bầu cử thật sự nên tín hiệu bầu cử có thể không rõ ràng, tín hiệu lôi thôi là mạnh vừa phải, tín hiệu kinh tế không quá quan trọng (trừ phi có khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng), tín hiệu địa-chính trị là rất quan trọng cho Việt Nam và tạo thuận lợi cho chuyển đổi dân chủ (xem phần về Việt Nam trong chương 9 của Stater-Wong [2022]). ĐCSVN vẫn ở trong cửa sổ cơ hội, tức là có thể tự mình chọn sự chuyển đổi dân chủ qua sức mạnh độc đoán, theo ý mình, theo thời gian biểu của mình nhưng các tác giả cảnh báo nếu ĐCSVN “đợi quá lâu và lãng phí cửa sổ cơ hội” như Malaysia, Cambodia đã bỏ lỡ” (tr.9), thì lựa chọn Thượng sách thành công không còn nữa (xem Hình 1). Nói cách khác thượng sách thành công hay thất bại trong tương lai gần hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn của lãnh đạo cao cấp của ĐCSVN. Và cửa sổ cơ hội không kéo dài, cho nên ĐCSVN đừng bỏ lỡ!

Đáng trích dẫn thêm ở đây “chúng ta chẳng bao giờ có thể chắc chắn các nhà lãnh đạo nghĩ gì. Tuy vậy, chúng ta có thể biết cái họ làm và cái họ nói. Trong chính trị, các hành động và các lời nói là quan trọng, đặc biệt khi chúng được dùng để biện minh cho những sự đổi hướng lớn… Chúng tôi kỳ vọng để thấy nền dân chủ từ sức mạnh bắt đầu khi các nhà lãnh đạo cho rằng đã đạt “sự kết thúc của một thời đại” và rằng, sau khi đã mang lại sự phát triển và sự ổn định cho quốc gia, dân chủ hóa sẽ là món quà tuyệt vời tiếp theo của chế độ độc đoán. Khi nói đến dân chủ qua sức mạnh, mục tiêu không phải để rút khỏi sân khấu quốc gia và trao quyền lực cho các đối thủ của một chế độ, mà hoàn toàn ngược lại: để tiếp tục cạnh tranh vì quyền lực, và thật lý tưởng để tiếp tục giành được quyền lực hoàn toàn, nhưng làm vậy trong một nền dân chủ thay vì một chế độ độc tài” (Stater-Wong [2022], tr. 25, sự nhấn mạnh được tôi thêm vào). Tổng bí thư mới của ĐCSVN, Đại tướng Tô Lâm, trong tháng qua luôn nhấn mạnh về “kỷ nguyên mới,” “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” không rõ có hàm ý như các tác giả nói đến không.

Đáng lưu ý là nhiều đảng viên của ĐCSVN tán thành thượng sách này như các đảng viên đã ký KN72 năm 2013, Thư ngỏ 61 (của 61 đảng viên) năm 2014, hay góp ý của nhiều đảng viên gửi cho ban lãnh đạo ĐCSVN, thường không đưa ra công khai như trường hợp của ông Nguyễn Đình Bin, cựu Ủy viên TW, cựu Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao.

ĐCSVN rất nên lắng nghe các ý kiến của các đảng viên như thế, cũng như rất nên học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc và Đài Loan trong việc chủ động chuyển đổi dân chủ qua thế mạnh độc đoán. Chúng ta ai cũng biết Đại tướng Roh Tea-Woo đã tham gia vào cuộc thảm sát Gwangju (Quang Châu) năm 1980 khiến nhiều người thiệt mạng, rồi ông trở thành lãnh đạo của Đảng Công lý Dân chủ, đảng cầm quyền trong chế độ độc tài ở Hàn Quốc khi đó, rồi ông thông qua Tuyên ngôn dân chủ hóa 29-6-1987 và “ông đã được bầu một cách dân chủ … trong năm 1987 như nhà lãnh đạo của Đảng Công lý Dân chủ, mà đã cai trị Hàn Quốc theo cách độc đoán dưới Tướng Chun Doo-hwan. Các cuộc bầu cử dân chủ đã không bị ép buộc bởi một sự đe dọa cách mạng đô thị lật đổ chế độ cũ, bởi một quân đội bị chia rẽ và không trung thành, hay bởi sự bỏ rơi của những người Mỹ hậu thuẫn. Đúng hơn, chúng đã là một sự nhượng bộ chiến lược do các nhà lãnh đạo quân sự và đảng độc đoán của Hàn Quốc, với sự kỳ vọng tự tin tương đối rằng các cuộc bầu cử tự do và công bằng sẽ để cho họ tiếp tục nắm quyền hơn là thừa nhận thất bại hoàn toàn hay, còn tồi hơn, sự lỗi thời của chính họ. Sự tự tin này được thỏa mãn, và Hàn Quốc vẫn là một nền dân chủ hoạt động tốt cho đến ngày nay” (Stater-Wong [2022], tr. 7). Liệu Việt Nam sẽ có một ông đại tướng làm tương tự? Đó là sự lựa chọn của ĐCSVN nếu họ muốn thượng sách, nếu bỏ lỡ cơ hội ĐCSVN sẽ phải đối mặt với Trung sách khó khăn hơn nhiều.

Trung sách, bên ngoài cửa sổ cơ hội, sau nhưng chưa quá xa điểm C trên Hình 1, ĐCSVN sẽ đối mặt với khó khăn hơn nhiều của sự chuyển đổi bằng thương lượng. Trong trường hợp này tuy nhiên, ĐCSVN vẫn có thể chủ động và vẫn có thể thắng các cuộc bầu cử dân chủ, như những người cộng sản ở Ba Lan, Hungary hay Mông Cổ, nhưng không còn có thể chủ động về sự định thời gian về các điều kiện theo riêng ý mình được nữa.

Còn nếu ĐCSVN cứ ngoan cố bám lấy quyền lực độc tài, đàn áp những người đấu tranh nhân quyền, hoạt động môi trường và nghĩ rằng các biện pháp đàn áp bạo lực như vậy là thuốc bách bệnh thì sẽ là sai lầm chí tử, không tốt cho bản thân ĐCSVN và chẳng sớm thì muộn sẽ phải đối mặt với sự chuyển đổi từ sự yếu kém độc đoán (khi sức mạnh giảm quá xa điểm C trên Hình 1) thì đó là Hạ sách: chuyển đổi qua sụp đổ. Đấy là lựa chọn tồi tệ nhất của ĐCSVN và cũng không tốt cho nhân dân Việt Nam nói chung.

Tốt nhất cho ĐCSVN là chuyển đổi dân chủ phòng ngừa từ thế mạnh để phòng ngừa Trung sách và Hạ sách. Các nhà lãnh đạo ĐCSVN có thể làm gì? Phải làm từ từ nhưng ở một vài điểm phải dứt khoát, bỏ (hay sửa) các điều luật mơ hồ như 109, 117, 331 của Bộ luật Hình sự 2015; sửa hoặc bỏ một vài câu trong Hiến pháp; sửa luật bầu cử để có sự ứng cử tự do, sự bầu cử thật sự công bằng (nếu ĐCSVN tự tin chiến thắng họ sẽ chiến thắng như Đảng Công lý Dân chủ ở Hàn Quốc hay Quốc Dân đảng ở Đài Loan); tự do hóa dần các báo, sự lập hội, vân vân. ĐCSVN có thể làm vài chuyện nhỏ, cực dễ nhưng có ý nghĩa biểu tượng ví dụ, trả lại tự do cho các tù nhân chính trị; lấy lại tên Đảng Lao động Việt Nam và tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (rất trung thành với Hồ Chí Minh, và lấy lý do đó thì lại 100% Ban Chấp hành TW đồng ý và Quốc hội cũng thế) nhưng phải dứt khoát đi từng bước cơ bản như trên.

Và quan trọng nhất ĐCSVN hãy đừng sợ, hãy tự tin hơn, tự chủ hơn (tại sao lại phải bám lấy các ý tưởng bên ngoài mà không tự tin vào chính mình và người Việt hay nhập khẩu từ phương Bắc các khái niệm như “diễn biến hòa bình” để hù dọa nhau) và đừng bỏ lỡ cửa sổ cơ hội.

4.2 Xã hội dân sự

Thế là xã hội dân sự (XHDS) nên làm gì trong thời gian tới? Theo tôi XHDS nên kiên trì theo các phương châm của cụ Phan Châu Trinh khiến cho ngày càng nhiều người, nhóm, tổ chức bằng mọi cách, mọi nơi, không ngừng để: phát triển kinh tế (cho chính mình, cho tổ chức hay công ty của mình và như thế là cho đất nước; nâng cao dân trí (học, tìm hiểu, nghiên cứu cho mình tổ chức của mình hay giúp con em bạn bè trong việc đó); chấn hưng dân khí (nâng cao khát vọng tự do, tự chủ, khoan dung); tuyệt đối bất bạo động; tự chủ, tự tin học hỏi kinh nghiệm bài học, cách làm của nước ngoài một cách phê phán (không vọng ngoại); tham gia vào các phong trào xã hội từ vệ sinh môi trường, sức khỏe, từ thiện đến nhân quyền với phương châm “quyền ta ta cứ làm” mà không phải đợi ai cho phép. Chúng ta hãy làm theo Phan Châu Trinh:

Cải thiện dân sinh,

Nâng cao dân trí,

Chấn hưng dân khí,

Thực thi dân quyền

Xây dựng dân chủ!

Đấy là những việc chúng ta nên làm và phải làm liên tục, không ngưng nghỉ nếu chúng ta muốn có dân chủ hay muốn củng cố dân chủ.

Tất nhiên, ngoài những công việc căn bản trên, XHDS cần thúc đẩy, giúp cho ĐCSVN chọn và đừng bỏ lỡ Thượng sách của họ (thí dụ, không dùng ngôn từ hận thù khiến họ SỢ dân chủ, khiến họ sợ sẽ bị trừng trị, khuyến khích các đảng viên ĐCSVN chủ trương theo Thượng sách, như truyền bá các ý kiến của ông Nguyễn Đình Bin, thảo luận các vấn đề tương tự hay tranh luận chẳng hạn về nội dung của bài này với bạn bè, và bản thân chúng ta cũng đừng sợ khi làm như thế. Tất nhiên vẫn phải chuẩn bị tích cực cho chuyển đổi dân chủ qua thương lượng và thậm chí qua sụp đổ chứ không lạc quan tếu về Thượng sách của ĐCSVN như được nêu ở trên với những kế hoạch khác nhau. Cũng như vài gợi ý khác trong Nguyễn Quang A [2024b] trong đó quan trọng nhất là hình thành, thảo luận các chính sách cần phải làm để không bị bất ngờ.

ĐCSVN và chúng ta đang có thời cơ tốt, đừng bỏ lỡ thời cơ và giúp những người khác làm vậy.

 

V. Tài liệu tham khảo

Lisa Anderson [2015], Chuyển đổi sang dân chủ (Lisa Anderson ed., Transitions to Democracy [1999])

Hoàng Đăng Quang [2024], Kết quả nổi bật trong củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên. Xây dựng Đảng, 11/2/2024, truy cập 9/11/2024

Benedict J. Tria Kerkvliet [2019], Speaking Out in Vietnam: Public Political Criticism in a Communist Party-Ruled Nation, Cornell University Press

Benedict J. Tria Kerkvliet [2015], “Regime Critics: Democratization Advocates in Vietnam, 1990s-2014.” bản thảo (2015a). Bản rút gọn được công bố tại Critical Asian Studies, 2015, Vol. 47, No. 3, pp. 359-387

Donatella della Porta 2014, Mobilizing for democracy, Oxford University Press, Huy động cho Dân chủ, NXB Dân khí, 2019.

Hsin-Huang Michael Hsiao (2008) (ed.), Asian New Democracies: The Philippines, South Korea and Taiwan Compared, Taiwan Foundation for Democracy & Center for Asia-Pacific Area Studies, RCHSS, Academia Sinica, Taipei, Taiwan (Các nền Dân chủ Á châu Mới: So sánh Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan 2015)

Thụy Khuê [2012], Nhân Văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc, Tiếng Quê Hương, Virginia, 2012

Nguyễn Quang A [2015], Dân chủ hóa: vài bài học quốc tế và kịch bản khả dĩ cho Việt Nam, Hội thảo Hè, Berlin 2015

Nguyễn Quang A [2017], Phan Châu Trinh và Thuyết Hiện đại hóa Mới, Tạp Chí Dân Trí

Nguyễn Quang A [2024a], Vì sao Phan Châu Trinh chưa thành công, Luật Khoa Tạp Chí, February 08 2024

Nguyễn Quang A [2024b], Chủ động dân chủ hóa ở Việt Nam, tapchidantri.org

Nguyễn Quang A [2024c], So sánh xã hội dân sự Việt Nam (2000-2023) với xã hội dân sự Tiệp Khắc (1970-1990), bản thảo chưa công bố.

Seymour Martin Lipset [1959], Some Social Requisites of Democracy: Economic Development and Political Legitimacy, The American Political Science Review, Volume 53, Issue 1 (1959): 69-105

Martina Thucnhi Nguyen [2021], On Our Own Strength: The Self-Reliant Literary Group and Cosmopolitan Nationalism in Late Colonial Vietnam, University of Hawai’i Press, Honolulu

D. Statter, J. Wong [2022], From Development to Democracy – The Transformations of modern Asia, Princeton University Press

Welzel [2013] Freedom Rising, Cambridge University Press; Welzel [2016] (Tự do đang lên, NXB Dân Khí, 2016)

N.Q.A.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Dân chủ hóa, Nguyễn Quang A, Xã hội dân sự. Bookmark the permalink.