Trả lời báo Thanh Niên, PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), nói: “Khi xây dựng dự thảo này, điều quan trọng mà chúng tôi hướng đến là cấm những hiện tượng tiêu cực, không đàng hoàng chứ không cấm những nhu cầu có thực và chính đáng của cả người dạy và người học”.
Về ý thứ nhất mà ông Thành nói (cấm những hiện tượng tiêu cực, không đàng hoàng), cá nhân tôi sau khi đọc Dự thảo, không thấy bất kỳ sự khả thi nào cho cái điều “cấm” ấy cả. Thông tư cũ, với những quy định và ràng buộc cụ thể, chặt chẽ hơn nhiều, mà còn không cấm được, thì nếu cứ theo Dự thảo “mở toang cửa” này mà làm, tôi tin rằng mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ không thể chịu đựng nổi.
Khi phóng viên hỏi về cơ chế để kiểm soát/ thực thi thì ông Thành nói: “Vấn đề là minh bạch thông tin, dự thảo đưa ra nhiều quy định mới về việc phải công khai những thông tin gì, báo cáo ra sao khi tổ chức dạy thêm, học thêm”. Đọc đến đây thì tôi lắc đầu. Minh bạch cái gì và như thế nào khi cả học sinh và điểm của học sinh đều nằm trong tay giáo viên và nhà trường? Đến cái cách rốt ráo nhất là “viết đơn tự nguyện” như lâu nay vẫn làm mà còn không chống nổi sự dối trá và ép buộc, thì cái gọi là “minh bạch thông tin” mà ông Thành nói chắc chắn sẽ mau chóng trở thành một thứ khẩu hiệu mà thôi.
Về ý thứ hai mà ông Thành nói, là cái gọi là “nhu cầu có thực và chính đáng của cả người dạy và người học”. Người dạy thì rõ rồi, còn người học thì “chính đáng” nghĩa là thế nào, thưa ông?
Có phải theo ý ông, là học sinh dốt thì có nhu cầu chính đáng học thêm để lên trung bình; học sinh trung bình thì có nhu cầu chính đáng học thêm để lên khá giỏi; học sinh khá giỏi thì có nhu cầu chính đáng học thêm để lên xuất sắc? Nghĩa là tất cả học sinh đều có nhu cầu chính đáng để học thêm cả?!
Tôi muốn hỏi ông một câu, rằng trách nhiệm của ngành giáo dục ở đâu khi không thỏa mãn được các “nhu cầu chính đáng” ấy ngay trong chính chương trình chính khóa? Có phải đã có quy định về phụ đạo học sinh yếu và bồi dưỡng học sinh giỏi rồi không, tại sao lại không thực hiện nó mà lại hòng thay thế cái nghĩa vụ ấy bằng một chương trình dạy thêm thu tiền? Có phải Bộ Giáo dục, bằng cái Dự thảo Thông tư này, đang công khai chối bỏ trách nhiệm đương nhiên của mình?
Một điều nữa, tôi muốn bật mí cho ông Thành và các vị lãnh đạo của ngành giáo dục biết, là nếu tôi là một giáo viên hay hiệu trưởng, tôi hoàn toàn có thể tạo ra cái nhu cầu mà ông gọi là “có thực và chính đáng” ấy ở tất cả học sinh. Chưa cần dùng đến những biện pháp bỉ ổi nhất, tôi chỉ cần bớt xén nội dung, dạy qua loa đại khái; hoặc đơn giản hơn, là ra đề thật khó. Thì lập tức cái gọi là “nhu cầu có thực và chính đáng” ấy sẽ xuất hiện đồng loạt.
Không, không thể chấp nhận cái gọi là “nhu cầu chính đáng” phi lý như thế trong nhà trường. Nhà trường phải hoàn thành trách nhiệm giáo dục của mình một cách vô điều kiện mà không được chèn bất cứ một chương trình nào khác vào nữa. Còn nếu các vị lý luận rằng, “học chính không đủ phải tranh thủ học thêm” thì hãy coi lại chính cái chương trình mà các vị ngốn hàng nghìn tỉ đồng và ban hành, thực hiện đã mấy năm nay, để xem chúng hỏng hóc ở đâu mà điều chỉnh ngay.
Học thêm chỉ chính đáng khi nào? Khi nhà trường đã hoàn thành trách nhiệm giáo dục của mình bằng cách dạy đúng, dạy đủ, dạy có hiệu quả, dạy đạt mục tiêu (bắt buộc). Ngoài điều này ra, nếu học sinh nào vẫn muốn học thêm thì lúc đó mới gọi là “chính đáng”. Và xin lưu ý, việc ấy phải được thực hiện ở bên ngoài nhà trường và không do các giáo viên đang hưởng lương ngân sách thực hiện.
Để tạm kết, tôi xin dẫn ra đây ý kiến của cựu nhà giáo Nguyễn Cảnh Thuỵ để thấy một cái nhìn tổng quan hơn:
“Việc Bộ GDĐT giao cho Vụ Trung học soạn thảo Thông tư hướng dẫn dạy thêm học thêm là mặc định việc dạy thêm học thêm thuộc về trường phổ thông. Việc làm này dẫn đến rất nhiều hệ lụy về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp (xin không bàn ở đây) thì ai cũng rõ. Nhưng điều cần nhấn mạnh ở đây là, nó vừa thiếu căn cứ pháp lý; vừa lấn sân và tạo rào cản cho sự phát triển của trường tư thục và các trung tâm giáo dục thuộc mạng lưới đào tạo phi chính quy. Nó làm cho chủ trương lớn là “đa dạng hóa loại hình” trường và “xã hội hóa giáo dục” của đảng và nhà nước bị phá sản. Đồng thời, kéo tư duy quản lý nhà nước về dạy thêm học thêm của Bộ trưởng xuống ngang tầm cấp vụ – tức là không thấy được tính hệ thống của một nền giáo dục đang chủ trương kiến tạo. Nó cũng khiến người ta không thể không đặt câu hỏi: liệu trong vấn đề này, có lợi ích nhóm chi phối?”.
Thay vì tìm cách vá víu kiểu “con kiến mà leo cành đa”, Bộ Giáo dục cần phải cấm tuyệt đối việc dạy thêm của nhà trường và các giáo viên đang hưởng lương ngân sách; đồng thời giám sát chặt chẽ chất lượng dạy học chính khóa, đánh giá năng lực nhà trường và giáo viên bằng các công cụ khoa học, khách quan, để họ hết lòng với công việc. Hãy để những “nhu cầu chính đáng” (nếu có) của học sinh cho những người bên ngoài làm. Và chỉ có như thế, những tiêu cực triền miên như suốt bao nhiêu năm qua mới được điều trị.
T.H.
Tác giả gửi BVN
Đọc bài trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Xuân Thành: https://thanhnien.vn/bo-gd-dt-sua-quy-dinh-day-them-de…
Xem bài Nguyễn Cảnh Thụy trên BVN ở đây
Tác giả
Đọc bài trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Xuân Thành: https://thanhnien.vn/bo-gd-dt-sua-q