Kamala Harris và rào cản phân biệt giới tính

Nina Hòa Bình Lê

27/08/2024

Đại Hội DNC 2024

Hình từ trang mạng của chiến dịch tranh cử Kamala Harris

Tuần qua, tại đại hội Đảng Dân Chủ 2024, bà Kamala Harris, người phụ nữ da màu đầu tiên đã chính thức chấp nhận đề cử của đảng dân chủ. Nếu thắng cử, bà sẽ trở thành nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ.

Nữ tổng thống đầu tiên, rất có thể, nhưng khác với Clinton, Harris không chú trọng vào điểm “tạo nên lịch sử” này. Thay vào đó chiến dịch tranh cử của Kamala Harris nêu bật bản lĩnh, thành tích và chính sách hành động của bà. Tờ Politico nhận định, “bà để sự thật tự nói lên điều đó”.

Yếu tố giới tính có thật sự là quan trọng? Từ hai thập kỷ trước, khi Nancy Pelosi ra tranh cử chức chủ tịch Hạ viện, bà đã nói với cử tri của mình: “Đừng bỏ phiếu cho tôi vì tôi là phụ nữ. Và đừng bỏ phiếu chống tôi vì tôi là phụ nữ.” Pelosi là một trong số hiếm hoi phụ nữ đã thành công chọc thủng bức trần kính “vô hình” ngăn cản các bà “trồi lên” ngang hàng với các đấng mày râu. 

Nhưng không phải ai cũng làm được điều này.  Sự thất bại của Hillary Clinton trong cuộc bầu cử năm 2016 cho thấy rào cản giới tính trong xã hội Hoa Kỳ vẫn bất di dịch. Tuy số phiếu bầu cho Clinton nhiều hơn đối thủ của Bà đến gần 3 triệu phiếu, nhưng số phiếu cử tri đoàn vẫn không đủ để đưa Bà vào vị trí lãnh đạo đất nước. Người Mỹ vẫn chưa sẵn sàng có một nữ tổng thống, dẫu Clinton khi ấy dày dặn kinh nghiệm chính trường và đạt nhiều thành tích đương nhiệm hơn hẳn đối thủ của mình.

Tám năm trôi qua, điều gì đã thay đổi? Điều gì đã khiến Đảng Dân Chủ lại một lần nữa đưa ra một ứng cử viên phá rào phân biệt giới tính khác với một thông điệp nghiêm túc và cấp bách hơn. Pelosi, trong một cuộc phỏng vấn trên PBS tại đại hội DNC đêm thứ Ba tuần qua đã nói Đảng Dân chủ lần này dĩ nhiên không đề cử Harris nếu họ không nghĩ rằng bà có thể đánh bại Trump.  Lập luận rằng các chính sách của đảng Cộng Hòa đã gây ra hậu quả thảm khốc không tưởng tượng nổi đối với quyền lợi y tế và quyền tự do căn bản của người phụ nữ và gia đình họ kể từ khi án lệ Roe vs. Wade bị lật ngược, Đảng Dân Chủ báo động rằng nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống Donald J. Trump sẽ nguy hiểm hơn, sẽ phá vỡ những tiến bộ xã hội gầy dựng từ nhiều năm qua, nhất là với những điều lệ trong cương lĩnh 2025 đã được Vance và thân tín của Trump soạn thảo.

“Chúng ta đang sống trong một tình huống hoàn toàn khác!” (so với năm 2016), Jessica Mackler, chủ tịch của Emily’s List, một tổ chức hoạt động hỗ trợ quyền lựa chọn của phụ nữ, lên tiếng. Và thông điệp rõ ràng của Đảng Dân Chủ trong tuần qua được lập đi lập lại“Chúng Ta Nhất Định Không Thụt Lùi”, không quay trở lại sống với các chính sách cổ hủ khắt khe, không quay trở lại thời kỳ phụ nữ không có quyền tự quyết định cho bản thân, cũng như nhất định không để cho những chọn lựa khoa học tiến bộ giúp phụ nữ thụ thai như phương pháp IVF đã được sử dụng từ nhiều năm qua có nguy cơ bị tước mất.

“Đây là thời điểm mà những quyền căn bản nhất của phụ nữ đang bị tấn công, gồm những quyền liên quan đến việc phá thai, quyền được bảo vệ y tế sinh sản phụ nữ, quá trình giúp thụ tinh trong ống nghiệm, lựa chọn khi nào và bằng cách nào họ có thể xây dựng gia đình.” Thượng nghị sĩ Laphonza Butler, đảng viên Dân chủ của California và là đồng minh của Harris lên tiếng. “Không có nghĩa vấn đề chủng tộc hay giới tính không quan trọng. Mà xác định rõ vào thời điểm này trong lịch sử đất nước chúng ta, cuộc bầu cử lần này lớn hơn, quan trọng hơn, vượt lên trên bất kỳ vấn đề chủng tộc hay vấn đề giới tính.”    
Cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama cũng nhấn mạnh sự cấp bách, quan trọng của bầu cử năm nay trong bài phát biểu của bà hôm thứ Ba tại Đại Hội DNC khi bà kêu gọi những người ủng hộ Harris đừng để bất kỳ sự lo lắng nào khiến họ chùn bước.  “Chúng ta không để nỗi lo lắng, hoài nghi liệu đất nước này có sẵn sàng bầu cho một người như Kamala hay không khống chế chúng ta, thay vào đó hãy làm hết khả năng của mình để một người như Kamala được thắng cử”.   
Harris ngày nay, tất nhiên, có nhiều khả năng và triển vọng hơn so với thời Clinton, bà không chỉ tranh cử để trở thành người phụ nữ đầu tiên được bầu làm tổng thống, mà còn trở thành người phụ nữ da đen và người phụ nữ Nam Á đầu tiên lãnh đạo Bạch Ốc.  Trong khi đó, Donald Trump, đối thủ của Bà, người đã đánh bại Clinton vào năm 2016, bằng mọi giá đang vận động chống lại Bà. Trump đã không ngần ngại dùng thủ đoạn kỳ thị chủng tộc và giới tính tấn công Bà. Trong vô số những tấn công vô căn cứ khác, Trump trước đây từng nêu nghi vấn liệu Bà có phải là công dân Mỹ, gần đây, Trump đã ám chỉ rằng Harris không thực sự là người da đen, đã miệt thị bà là “con quỷ cái” (a Bitch, theo tờ New York Times); những người MAGA ủng hộ Trump đã gán nhãn bà là “con Đĩ” và những lời lẽ tục tĩu coi thường phụ nữ khác.

Tuy vậy, đối với các đại biểu tụ họp tại Chicago tuần qua, nỗi lo lắng về phân biệt chủng tộc và kỳ thị phụ nữ làm ảnh hưởng đến nỗ lực tranh cử tổng thống của Harris dường như không tồn tại.

“Ồ, tôi không lo lắng về điều đó chút nào”, Dân biểu Hoa Kỳ Ayanna Pressley, người phụ nữ da đen đầu tiên được bầu vào quốc hội tiểu bang cho biết. “Tất nhiên, bà ấy sẽ phải trải qua các cuộc tấn công gay gắt, và đó không phải là điều gì mới mẻ đối với bà ấy. Bà ấy đã là một người phụ nữ da màu suốt cuộc đời mình. Vì vậy, bất kỳ đòn tấn công giới tính,  chủng tộc, những lời miệt thị kỳ thị phụ nữ da đen, bất kể họ giở trò gì, tất cả đều là chiêu trò không có gì lạ từ một kịch bản cũ rích. Tôi nghĩ rằng những gì chúng ta đã học được là không để điều này làm phân tâm hoặc chệch hướng. Chúng ta sẽ đối phó, sẽ bắt tay vào làm việc và tiếp tục tổ chức công việc.”   
Tổng chưởng lý Massachusetts Andrea Campbell, người phụ nữ da đen đầu tiên được bầu vào chức vụ toàn tiểu bang, dường như cũng không quan tâm gì: “Chúng ta biết rõ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là có thật, phân biệt giới tính là có thật, tất cả những điều này chúng ta không lạ gì,” Campbell nói, “Nhưng một điều tôi đánh giá cao ở Kamala Harris và Tim Walz là họ không bị phân tâm bởi những nhiễu âm này. Họ tập trung vào con người, họ tập trung vào các vấn đề cần giải quyết, họ không coi bất cứ điều gì là đặc ân đặc quyền cả. [Harris] là một chiến binh,” Campbell nói thêm. “Bà làm công tố viên quận, tổng chưởng lý, thượng nghị sĩ — bà ấy đã làm tất cả —  làm cả phó tổng thống. Vì vậy, tôi chắc chắn rằng, theo cách riêng của mình, bà ấy sẽ biết cách giải quyết vấn đề.”    
Tuy lạc quan, nhưng sự xuất hiện của Hillary Clinton và bài diễn văn của Bà trong Đại Hội DNC 2024 cũng nhắc nhở con đường trước mắt sẽ nhiều chông gai. Harris có thể không chú trọng đến giới tính của mình, nhưng điều đó không có nghĩa yếu tố này không tồn tại.  Trong bài phát biểu thừa nhận thất bại năm 2016, Clinton đã nói về lý do thất cử của mình: “Tôi biết chúng ta vẫn chưa phá vỡ được rào cản trần kính cao nhất và kiên cố nhất này — nhưng một ngày nào đó, ai đó sẽ làm được.” “Một ngày nào đó” không xa nữa, trước đám đông reo hò của Đại Hội tuần qua, Clinton đã đẩy hy vọng lên cao: “Bên kia bức tường kính là Kamala Harris đang giơ tay tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ.”    
Dù muốn dù không, bất kể Harris làm gì, giới tính vẫn là một yếu tố ảnh hưởng đến phán đoán của cử tri. “Phụ nữ vẫn phải làm nhiều hơn nam giới để chứng minh họ đủ tiêu chuẩn và được yêu thích ở mức độ cao hơn”, cuộc khảo sát thăm dò ý kiến ​​của Celinda Lake và Christine Matthews của tờ USA Today kết luận. Nghiên cứu từ các nhóm khác cũng cho thấy các ứng cử viên nữ phải làm nhiều hơn để chứng tỏ với cử tri về trình độ, sự cứng rắn và kế hoạch của họ cao hơn so với ứng cử viên nam. Khảo sát gần đây của Pew cho thấy gần hai phần ba số cử tri — trong đó có 57% phụ nữ — cho biết việc bầu một nữ tổng thống trong cuộc đời họ là “không quan trọng hoặc không thành vấn đề”, điều mà cử tri cần thấy ở một ứng cử viên nữ là “khả năng lãnh đạo của bà.” Tuy vậy, “đa số nói rằng nước Mỹ đã sẵn sàng cho một nữ tổng thống.”

Cuộc đua rất sít sao, không ai có thể biết chắc điều gì sẽ xảy ra trong những tuần sắp tới. Với tình hình hiện tại, kết quả tùy thuộc vào sức mạnh hay điểm yếu của đối thủ, chất lượng và hiệu quả của chiến dịch bầu cử hai bên và bản lãnh của ứng cử viên, tính thuyết phục của lập luận, tầm nhìn và kế hoạch mà họ vạch ra cho đất nước.

Vì là phụ nữ, Harris sẽ phần nào phải nhận những bất lợi giới tính, những tiêu chuẩn kép, nhưng ngược lại bà có thể cũng nhận được một số phiếu bầu thêm từ những người thực sự muốn chứng kiến sự kiện lịch sử và nghe thấy tiếng nứt vỡ của bức trần kính phân biệt giới tính cao nhất xưa nay. Ngoài ra, bà còn hưởng lợi từ việc đối thủ của Bà gần đây không kiềm chế nỗi cơn giận nói năng bừa bãi gây hại cho chiến dịch của chính mình. Chưa kể ông phó J.D. Vance còn giúp thêm Kamala Harris bằng những bình luận chỉ trích phụ nữ vô sinh là “những bà mèo không con” không xứng đáng có chỗ đứng trong xã hội, khiến việc không có con của Harris đang là một “yếu điểm” dưới những con mắt khắt khe bỗng nhiên trở thành điểm cộng được mọi người cảm thông.

Và trong khi Trump, trên nền tảng Truth Social của Ông, giành cả tuần chỉ để kêu ca, than vãn nhằm giành lại sân khấu với những chỉ trích hạ bệ đối thủ, chiến dịch tranh cử của Harris cho biết chỉ trong tuần qua, sau đại hội DNC, họ đã thu được 82 triệu đô la. Một phần ba số tiền quyên góp trong tuần đến từ những người đóng góp lần đầu, gần một phần năm trong số đó đến từ cử tri trẻ và hai phần ba từ phụ nữ. Gần 200.000 tình nguyện viên mới cũng đã đăng ký hỗ trợ cho chiến dịch. Những cuộc thăm dò mới nhất cũng cho thấy Harris đang tăng điểm trên các tiểu bang chiến trường.

Ai sẽ thắng ai? Có lẽ cho đến khi cựu tổng thống Trump thoát khỏi cơn “giận quá mất khôn” và nghĩ ra chiến lược đánh phá nào khá hơn việc liên tục phát ra những ca cẩm ganh tị kiểu thiếu chất xám như “Tôi xinh đẹp hơn bà ấy”, người ủng hộ Harris có căn cứ để hy vọng. Và nếu hy vọng của họ cất cánh – Harris thắng, lý do có lẽ không phải do bà vượt qua rào cản giới tính, chủng tộc gì, mà đơn giản chỉ vì đối thủ của Bà không ngang tầm.

Nina HB Lê

Nguồn: vietbao.com

This entry was posted in Nina Hòa Bình Lê. Bookmark the permalink.