Đội quân chủ lực bị bỏ rơi

Nguyễn Thông

Kỳ 1

Ở nước ta, lâu nay nông dân được bộ máy tuyên truyền nhà nước tôn vinh, gọi là “đội quân chủ lực của cách mạng”. Những ông to bà nhớn khi đề cập tới nông dân đều dùng mấy chữ ấy. Cho sang mồm.

Tháng 7 tây (chứ không phải tháng 7 cô hồn) năm nay, đối với tôi sự kiện đáng nhớ nhất và ý nghĩa nhất là việc tăng lương, thực hiện ngay từ ngày đầu tháng. Cụ thể, nhà nước điều chỉnh tăng lương cơ sở, người đang làm việc mà hưởng lương (cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, nhân viên) được thêm 30%, còn người về hưu tăng 15%, so với tháng 6. Đó mới là điều thực sự có ý nghĩa trong tháng 7, chứ những chuyện khác cũng thường thôi, chả đáng ồn ào.

Tất nhiên, trong vụ tăng lương này vẫn còn thứ cần bàn, chẳng hạn cách đối xử với người về hưu, nhưng phải nói, đó là tin vui, niềm vui, của cả dân lẫn chính phủ. Bà Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà còn hăng hái giải thích về niềm vui ấy cơ mà. Được ít cũng mừng, nhiều lại càng mừng. Ai chẳng thích tiền, nhất là lúc cuộc sống đầy khó khăn. Quá khó là đằng khác, chứ không phải như ai nói “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như hiện nay”. Lý luận bao giờ chẳng hay, nhưng giữa lý luận và thực tế vẫn khoảng xa vời. Thực tế thế nào, dân chúng cần lao đều rõ, bởi nó ngay trước mắt, nó [diễn ra] hằng ngày, xung quanh mình.

Nói có sách, mách có chứng. Gần cuối năm 2023, báo Thanh Niên có bài về về cuộc khảo sát đời sống, tiền lương của người lao động, do Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức. Báo rút tít “Đa số người lao động lương không đủ sống”, trong bài nói rõ 75% số người lao động được phỏng vấn và khảo sát khẳng định, thu nhập của họ không đủ để bảo đảm mức chi tiêu tối thiểu. Không ít người phải thường xuyên vay nợ, bị khủng bố, đe dọa và sống trong tâm trạng bất an.

Còn báo điện tử VOV của đài Tiếng nói Việt Nam đăng bài “75% người lao động có lương và thu nhập không đủ đáp ứng được sinh hoạt”, cho biết rất nhiều người phải vay tiền để trang trải các chi phí tối thiểu, cần thiết, ví dụ chữa bệnh, học phí cho con, tiền điện nước…

Đó là những người hưởng lương, có khoản thu nhập hằng tháng, thỉnh thoảng lại được tăng lương, được nhà nước ban cho chút niềm vui, dù “ngày vui ngắn chẳng tày gang” do sự mất giá của đồng tiền, do giá cả hàng hóa, dịch vụ sinh hoạt ngày càng đắt đỏ.

Đừng ai đó cãi lại tôi rằng, thế sao vẫn có người đi chơi, du lịch, “trăm nghìn đổ một trận cười như không”. Vâng, có, nhưng số ấy liệu đáng là bao trong gần trăm triệu người, so với hàng mấy chục triệu cần lao ngày đêm vất vả “hai tay vày lỗ miệng” chỉ cầu giời khấn phật đừng bệnh tật gì bởi vào bệnh viện mà không tiền khác chi bị tòa tuyên án tử.

Trong số cần lao đại chúng ấy, thương nhất nông dân. Xứ này mặc dù đã công nghiệp hóa, hiện đại hóa mấy chục năm, đã “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” nhưng nông dân vẫn đông nhất, gần 63 triệu người, chiếm tỷ lệ 62% (theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2023). Nghĩa là nông dân chiếm hơn 2/3 dân số. Trong cái niềm vui mà tôi vừa nhắc, số 2/3 ấy hoàn toàn không được nhà nước quan tâm, họ bị gạt ra trong sự thờ ơ, lạnh lùng của hệ thống chính trị, cái hệ thống mà chính họ là đội quân chủ lực, là lực lượng nuôi dưỡng, bảo vệ nó.

Kỳ 2

Ở một nước tới tận đầu thế kỷ 20 vẫn thuần nông, kinh tế nông nghiệp là chủ đạo, lực lượng đông nhất là nông dân (theo tư liệu cũ, chiếm tới hơn 90%) ai nắm được nông dân thì người đó thắng.

Số công nhân tại các hầm mỏ, xí nghiệp so với đội ngũ nông dân không đáng kể, mà thực ra họ cũng xuất thân từ nông dân “cha trốn ra Hòn Gai cuốc mỏ/ Con chạy vào đất đỏ làm phu”chứ không phải trên trời rơi xuống.

Tuy nhiên, theo lý luận của ông tổ cộng sản Mác (Marx), vô sản-công nhân đứng lên làm cách mạng, lật đổ giai cấp tư sản, nếu có mất chỉ mất xiềng xích, còn được thì được cả thế giới. Mác nhìn lực lượng tư sản trong quá trình phát triển nhân loại bằng cái nhìn rất hằn học, căm thù, khẳng định “bọn tư sản” về bản chất là xấu xa, độc ác, thói bóc lột đã ngấm vào trong máu, chỉ có biện pháp duy nhất đánh đổ, tiêu diệt chúng, mới xây nên thế giới đại đồng, không còn người bóc lột người.

Ông Nguyễn Văn Năng, một nhà cách mạng người Thái Bình, thời những năm 30 đã viết rằng “Bao giờ thế giới đại đồng/ Chúng ta mới thoát khỏi vòng gian truân”.

Cộng sản rất khôn khi coi giai cấp vô sản (công nhân) là lực lượng lãnh đạo cách mạng, đồng thời lôi kéo sử dụng nông dân tham gia vào cuộc lật đổ. Họ thừa hiểu rằng ở một nước như nước ta, không nắm được nông dân thì muôn đời không đạt được mục đích. Họ gọi “nông dân là đội quân chủ lực của cách mạng”, những chị Dậu anh Pha nghe rất bùi tai.

Họ làm thơ ca ngợi (bài thơ này đám trẻ con chúng tôi khi học cấp 1 thập niên 60 đều thuộc lòng): “Nông dân đã nói là làm/ Đã đi là đến đã bàn là thông/ Đã quyết là quyết một lòng/ Đã phát là động đã vùng là lên/ Đã lật lật dưới lên trên/ Đã chuyển là chuyển bốn bên chân trời”, nghe quá sướng.

So với bài ca ngợi công nhân “Nếu không có bác công nhân/ Lấy đâu nhà cửa trú thân đêm ngày/ Áo quần ta mặc ai may/ Lấy đâu máy móc dựng xây nước nhà” thì bài về nông dân tầm cỡ hơn nhiều. Khen, tâng nhau lên mây xanh, không ai giỏi bằng người cộng sản.

Thực tế cho thấy, nông dân là lực lượng đóng góp nhiều nhất, quan trọng nhất vào những thành công, thắng lợi của phong trào cách mạng ở xứ này. Những cách mạng tháng 8 thắng lợi, kháng chiến chống Pháp thành công, chiến đấu chống Mỹ cứu nước giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, rồi cả xây dựng chủ nghĩa xã hội, đổi mới xóa bỏ nền kinh tế trì trệ… đều phần lớn công sức nông dân.

Cũng không lực lượng nào đổ máu hy sinh, góp núi xương sông máu cho chiến tranh nhiều bằng nông dân. Số lượng bà mẹ Việt Nam anh hùng gốc nông dân, số lượng mộ liệt sĩ trong những nghĩa trang bạt ngàn trên nước này là minh chứng rõ nhất. Nông dân, không có họ không có đất nước này, không có chế độ này.

Nhẽ ra đối tượng chính sách đặc biệt nhất, được quan tâm nhất, chế độ đãi ngộ cao nhất, phải đền đáp nhiều nhất, là nông dân chứ không ai khác. Nhưng thực tế lại không vậy.

Vừa rồi, có bác đọc bài kỳ 1 bảo rằng nói “nông dân bị bỏ rơi” là không đúng, bởi thật ra chính phủ có rất nhiều chính sách đãi ngộ nông dân, nào điện đường trường trạm, nào người già được cho tiền, nào xây nhà văn hóa… Vâng, điều đó có cả, nhưng đâu chỉ nông dân, nông thôn mới được hưởng những ơn mưa móc đó, bởi ai cũng có, ví dụ người già dù thành thị hay nông thôn đều có tiền già; chưa kể đường sá ở nông thôn xây một thì ở thành phố xây mười. Vấn đề là những chính sách lớn lại “quên” mất nông dân.

Kỳ 3

Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất do UBND Hành Chính tỉnh Hà Đông, thời VNDCCH, cấp cho ông Nguyễn Văn Miễn ngày 25/6/1956. Nguồn: Sinh viên CTV

Cuộc sống cũng như xã hội “phân công” mỗi người mỗi việc, ai cũng có phần đóng góp của mình, đều đáng tôn trọng, còn sự phân biệt đẳng cấp, sang hèn, bị phân biệt đối xử chẳng qua do chính con người bằng sự nhỏ nhen tầm thường tạo ra thôi. Ở xứ này, nông dân luôn chịu thiệt, thời nào cũng vậy, cho tới tận bây giờ, ngay dưới cái chế độ mà họ đã góp phần lớn nhất tạo nên.

Nhà nước này từng có nhiều khẩu hiệu về nông dân, lúc nào cũng tuyên truyền đề cao nông dân, nói chăm lo cho nông dân. Ngoài những câu kiểu như “nông dân là đội quân chủ lực của cách mạng”, còn là “người cày có ruộng”, “hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ”, “tam nông” (nông nghiệp, nông thôn, nông dân)…

Nhưng nông dân chỉ được ăn bánh vẽ. Nửa cuối thập niên 50, bần cố nông miền Bắc vừa được chia chút ruộng đất trong cuộc cải cách ruộng đất đầy máu và nước mắt thì chỉ vài năm sau họ lại bị tịch thu hết bởi phong trào hợp tác xã tiến lên sản xuất lớn xây dựng chủ nghĩa xã hội. Không chỉ bần cố nông chịu ơn cải cách ruộng đất mà cả những thành phần nông dân khác đều bị cướp ruộng. Nhà nước chỉ chừa lại cho mỗi hộ một vài sào đất thổ cư, vườn tược để cư trú, sinh sống.

Nhà tôi không dính gì tới địa chủ phú nông bóc lột, thày bu tôi đều [là] nông dân chăm chỉ cần cù, dành dụm nửa đời mới mua được cả thảy hơn 9 sào (mỗi sào Bắc Bộ 360 m2). Đầu thập niên 1960 họ bắt nông dân nộp hết ruộng đất trâu bò vào hợp tác, thày bu tôi không vào. Cuối cùng họ ép bằng được, phải vào, năm 1964. Chỉ chừa lại cho hơn sào nhà ở và vườn, số còn lại hợp tác xã lấy hết, sung công.

Thập niên đầu 2000 khi hợp tác xã nông nghiệp tan thì ruộng đất ấy thuộc quyền sở hữu nhà nước, bị chia bôi, hoặc bán. Nhà tôi cũng như mọi hộ nông dân không gắn gì với HTX nữa (bởi nó không còn tồn tại) nhưng số ruộng đã góp vào HTX bị mất sạch, không lấy lại được mét nào, nhà nước không trả một xu. Nói thẳng ra là bị cướp trắng. Anh tôi bảo rằng, cướp của nông dân là dễ nhất, công khai, bằng luật đất đai có tên gọi mỹ miều “sở hữu toàn dân”.

Hơn 8 sào đất ấy, có mấy sào ngay sát nhà tôi bây giờ, khi còn HTX, nhà nước trưng dụng để xây kho lương thực và cửa hàng HTX mua bán do chiến tranh phải sơ tán. Hết chiến tranh, rồi HTX nông nghiệp tan, bu tôi được “ưu tiên” mua lại vài chục mét vuông trong chính mảnh ruộng nhà mình đã góp, còn thì họ phân lô bán nền chia nhau hết. Mà chả riêng nhà tôi, những hộ nông dân xã viên HTX nông nghiệp đều bị cướp như vậy.

Ở nước nam ta, ngay cả thời phong kiến thực dân, lúc dân số gần trăm phần trăm là nông dân, dân luôn có quyền sở hữu ruộng đất. Đất đai do tiền nhân cha ông truyền lại cho con cháu, cứ thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, cày bừa cấy hái trồng trọt trên mảnh đất truyền đời của mình. Đất đai thuộc quyền sở hữu tư nhân (là một trong ba quyền sở hữu, hai quyền kia là nhà nước và tập thể). Ngay cả khi người cộng sản cướp được chính quyền, lập chế độ mới, họ vẫn phải công nhận quyền hợp pháp và thiêng liêng ấy.

Chỉ sau này, từ năm 1980, do lòng tham, do coi thường dân chúng, coi rẻ nông dân, họ ngang nhiên hủy bỏ quyền trong luật đã được cụ Hồ ký ban hành, áp đặt luật đất đai mới, quy định đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân (tức là ai cũng có quyền nhưng thực tế không có quyền gì), còn người dân, trong đó có nông dân, chỉ được quyền sử dụng.

Đừng vị nào cãi rằng luật đã được quốc hội thông qua. Quốc hội cũng là họ, cánh tay nối dài của họ. Họ muốn thu lúc nào thì thu, muốn cướp lúc nào thì cướp, trả giá cực kỳ rẻ mạt.

Ngày xưa, khi lôi kéo nông dân làm cách mạng, họ tố cáo địa chủ, phú ông, hội đồng này nọ, kể cả chính quyền Pháp, chính quyền Sài Gòn, cướp ruộng đất của dân, với những anh Pha trong “Bước đường cùng”, nông dân bảo vệ đất đai trong vở “Máu thắm đồng Nọc Nạn” (thực ra là Nọc Nạng nhưng giới văn nghệ miền Bắc viết nhầm), hoặc ông Hai trong truyện ngắn “Đất” của Anh Đức…

Khi xong việc, chính họ lại cướp đất của nông dân, cướp bằng luật do họ đặt ra. Những vụ Văn Giang, Thủ Thiêm, Dương Nội là điển hình về cướp đoạt đất đai mồ hôi nước mắt của nông dân, chưa kể những vụ khủng khiếp có liên quan như Tiên Lãng, Đồng Tâm.

(Còn tiếp)

N.T.

Nguồn: FB Nguyễn Thông

 

This entry was posted in Nguyễn Thông, Nông dân VN và sự bần cùng hóa. Bookmark the permalink.