Lê Vạn Hoa
Đồ họa: Shiv/ Luật Khoa.
Giữa thế kỷ XX, Việt Nam có hai bài hát cùng tên là “Đường chúng ta đi”. Một bài ra đời ở miền Bắc, bài còn lại lưu truyền ở miền Nam.
Ở Trung Quốc, năm 1986, cũng có một ca khúc mang tên “Đường chúng ta đi” xuất hiện trong bộ phim nổi tiếng – Tây Du Ký.
Định mệnh của ba bài hát cùng chủ đề về con đường đi của dân tộc cũng phản ánh ba lịch sử khác nhau.
“Đường chúng ta đi” của Huy Du
Trong chiến tranh Việt Nam, năm 1968, nhạc sĩ Huy Du của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã sáng tác bài hát “Đường chúng ta đi” để thể hiện tinh thần “giải phóng miền Nam” và lòng yêu nước, ước mơ hòa bình.
Lòng yêu nước này đồng nghĩa với yêu Đảng Cộng sản, yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ thể như sau: “Dặm đường xa, ta đi giữa mùa xuân/ Ta đi giữa tình thương của Đảng/ Tiếng Bác Hồ rung động mãi trong tim/ Đường ta đi ánh lửa soi đêm dài/ Đường ta về trong nắng ấm ban mai”.
Bài hát kết thúc với lời kêu gọi giết “giặc”. Và “giặc” ở đây được hiểu là người Mỹ cũng như người Việt Nam phục vụ dưới chính quyền Việt Nam Cộng hòa, còn “Tổ quốc” thì chỉ có “chúng ta” – những người “đi giữa tình thương của Đảng”: “Ta sẽ đến nơi đâu còn giặc/ Ta chưa về khi Tổ quốc chưa yên/ Miền Nam! Miền Nam!/ Nghe từng tiếng vang vang”.
Ngày nay, “giặc” được giới cầm quyền biến hóa thành cái tên quen thuộc là “thế lực thù địch”.
“Đường chúng ta đi” của Anh Việt Thu
Năm 1971, ở miền Nam khi ấy dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, nhạc sĩ Anh Việt Thu sáng tác một bài hát cùng chủ đề “đường chúng ta đi”.
Trong bài hát này, nhân vật trữ tình cũng bày tỏ lòng yêu nước và ước mơ vượt thoát thực tại đau thương: “Đường chúng ta đi qua bao gian khổ chông gai/ Đóa hoa hồng nở trên mỗi bước tới”.
Đó là ước mơ cá nhân về một ngày đất nước thống nhất bằng tinh thần hòa hợp. Và đất nước ấy không có tính loại trừ, không gọi ai là giặc: “Từng hồi trống réo giục về/ Đình làng ta tề tựu đông đúc thênh thang/ Anh có nghe trời vào xuân chưa”, hay: “Đường chúng ta đi hoa tươi cây cỏ rưng rưng/ Những cánh rừng đẹp bên thành phố cũ/ Kìa nhà máy ngợp trời bốc khói/ Sớm mai âm u công trường tấp nập/ Thành phố mới rộn ràng/ Đường vào Nam, đường ngược ra Bắc thênh thang/ Anh có nghe con tàu về xôn xao”.
Sau năm 1975, đất nước thống nhất và chỉ có một con đường được phép tồn tại. Ca khúc “Đường chúng ta đi” của nhạc sĩ Anh Việt Thu bị gạt ra ngoài xã hội.
“Đường chúng ta đi” trong Tây Du Ký
Năm 1986, ở Trung Quốc cũng xuất hiện một bài ca cùng cảm hứng về con đường đi của dân tộc. Ngoại trừ tên “Đường chúng ta đi” thì bài hát cũng có nhiều cách dịch khác như “Dám hỏi đường ở đâu” hay “Xin hỏi đường ở nơi đâu”. Đây là ca khúc chủ đề trong bộ phim Tây Du Ký do Hứa Kính Thanh viết nhạc và Diêm Túc viết lời.
Từ năm 1979, Đặng Tiểu Bình dẫn dắt Trung Quốc cải cách và mở cửa hội nhập với phương Tây. Bắt đầu từ đây, Trung Quốc bước vào giai đoạn “Tây hóa” mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, khoa học cho tới văn hóa, giáo dục. Quá trình này đã góp phần thay đổi cục diện thế giới của họ khoảng 30 năm sau đó.
Năm 1989, nhân dịp kỷ niệm 10 năm diễn ra công cuộc “Cải cách và Mở cửa” của Đặng Tiểu Bình, bài hát trong phim Tây Du Ký được vinh danh là một trong 15 bài hát xuất sắc nhất toàn quốc [2].
Một bài viết trên Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2010 viết về bài hát đó như sau: “Ca khúc này đã nói lên lòng dũng cảm của quốc dân trong hành trình mới: khám phá, không ngừng hoàn thiện bản thân. Nó cũng truyền cảm hứng cho nhân dân vượt qua xiềng xích và cống hiến hết mình cho cuộc cải cách” [3].
Bài hát cũng được các nhà phê bình ca ngợi là “cổ vũ tinh thần lạc quan, dũng cảm, không sợ hãi để khám phá những con đường mới” [4], hay “thể hiện tinh thần của bốn nhân vật thầy trò trong Tây Du Ký” và “phản ánh tinh thần của người dân Trung Quốc ở những năm đầu của cuộc cải cách” [5].
Tháng 2/2012, Tập Cận Bình, khi đó còn là phó chủ tịch nước, đã có chuyến thăm chính thức Mỹ. Trong bữa tiệc trưa với Tổng thống Obama và Phó Tổng thống Biden, ông Tập đã trích dẫn lời bài hát này để nói về quan hệ Mỹ – Trung: “Trung Quốc là quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới, còn Mỹ là quốc gia phát triển lớn nhất trên thế giới. Do đó, việc xây dựng mối quan hệ đối tác mới giữa hai nước có ý nghĩa quan trọng và sâu rộng. Lịch sử chưa có tiền lệ về một mối quan hệ như vậy, thế nên hai nước không có kinh nghiệm lịch sử để học hỏi. Chúng ta chỉ có thể can đảm đạp lên đá khi băng qua sông, mở con đường mới khi gặp núi và dựng một cây cầu khi gặp chướng ngại. Ở Trung Quốc có bài hát “Đường chúng ta đi”. Đó là con đường ở ngay dưới chân ta. Tôi tin rằng Trung Quốc và Mỹ đều có sự khôn ngoan, khả năng và cách thức để duy trì và phát triển mối quan hệ đối tác, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi” [6].
Trước đó, năm 2011, Tổng thống Mỹ Obama đã công bố chiến lược “Xoay trục sang Châu Á – Thái Bình Dương” nhằm đối phó với một Trung Quốc đang chuyển mình và ngày càng hung hăng hơn trong khu vực [7].
Sau khi chính thức cầm quyền Trung Quốc, Tập Cận Bình không những không hợp tác hữu hảo với Mỹ mà còn đẩy nhanh nhiều chính sách để giành lấy vị trí số một thế giới của Mỹ.
Quan hệ Mỹ – Trung trở nên căng thẳng chưa từng có kể từ khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách.
Hàng triệu khán giả Việt Nam đã thuộc nằm lòng giai điệu bài hát phim Tây Du Ký, nhưng ít ai biết được nước láng giềng đã “can đảm hỏi đường đi nơi đâu” và nhanh chân cất bước.
Hàng triệu người Việt Nam đã xem đi xem lại nhiều lần bộ phim về chuyện thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh, mê cái tài đa năng, lém lỉnh của Tôn Ngộ Không hay cười cái hài hước, tham lam của Trư Bát Giới. Nhưng mấy ai biết bộ phim là một công cụ hữu hiệu để chính quyền Bắc Kinh hun đúc tinh thần Trung Hoa dân quốc vươn lên dẫn đầu hành trình.
Trong khi “Đường chúng ta đi” dịu dàng về tình yêu non nước của miền Nam Việt Nam đã bị đẩy vào quên lãng, hai bài hát còn lại phản chiếu hai hình ảnh tinh thần dân tộc đương thời.
Một “Đường chúng ta đi” của Trung Quốc hối thúc người dân hướng về phía Tây để cạnh tranh. Một “Đường chúng ta đi” của miền Bắc Việt Nam khơi lên lòng hận thù và tự mãn.
Chú thích
[1] 敢问路在何方 – 蒋大为 (Cảm vấn lộ tại hà phương).
[2] 杨晓鲁 张振涛.中外通俗歌曲鉴赏辞典[M].世界知识出版社,1990年09月第1版,第979页(Yang Xiaolu, Zhang Zhentao, Từ điển các bài hát nổi tiếng Trung Quốc và nước ngoài, Nhà xuất bản Tri thức Thế giới, tái bản lần thứ nhất, tháng 9 năm 1990, trang 979).
[3] 空政文工团艺术家阎肃:德艺双馨 放歌时代, 2010-07-19 (China News: Diêm Túc, nghệ sĩ của Đoàn văn công Chính ủy Không quân: Đạo đức và Nghệ thuật, thời đại ca hát, 19/10/2010)
[4] Xem: 高如 (编著), 影视歌曲欣赏[M].辽宁师范大学出版社,2008.9,第231页 (Gao Ru biên tập, Phê bình các ca khúc điện ảnh và truyền hình, NXB Đại học Sư phạm Liêu Ninh, 2008, trang 213).
[5] 王茂元周秉高, 优秀的时代之歌——《红梅赞》和《敢问路在何方》赏析[J], 职大学报,2012年第2期. (Wang Maoyuan, Chu Binggao, Phê bình những ca khúc xuất sắc của thời đại – “Thơ ca hoa mận đỏ” và “Can đảm hỏi đường đi nơi đâu”, Tạp chí Giáo dục nghề, số 2, 2012, trang 6 -7)
[6] China News: Tập Cận Bình nói về quan hệ Mỹ Trung “Can đảm hỏi đường đi nơi đâu, đường đi ngay dưới chân ta” 习近平:中美关系“敢问路在何方,路在脚下”, ngày 15/2/2012. http://www.chinanews.com.cn/gn/2012/02-15/3668952.shtml
[7] Kenneth G. Lieberthal, The American Pivot to Asia, December 21, 2011. https://www.brookings.edu/articles/the-american-pivot-to-asia/
L.V.H.
Nguồn: Luatkhoa.com