Sự thật và những duyên nợ lịch sử Ukraina – Nga: Vì sao Zelensky nói “giải phóng” thị xã Sudzha?

Trọng Thành 

Bản đồ tỉnh Kursk, vùng đất đầy duyên nợ Nga – Ukraina.

Trong thời gian ngày hội hoà bình Thế vận hội Paris, quân đội Nga tiếp tục tấn công vùng Donbass của Ukraina. Ngược lại, quân đội Ukraina bất ngờ đột kích tỉnh biên giới Kursk. Trong vòng mươi hôm, chiếm được hơn 1.000 km2, gần bằng diện tích phần lãnh thổ bị Nga lấn chiếm từ đầu năm. 

Nhiều câu hỏi đặt ra về chiến dịch: Đó là nước cờ liều lĩnh tuyệt vọng trong bối cảnh bị Nga ép tại “sân nhà”, buộc Kiev sớm muộn phải chấp nhận đàm phán mất lãnh thổ? Việc một bộ phận tinh nhuệ của Ukraina tiến sâu vào lãnh thổ Nga trúng kế điện Kremlin? Hay đây là một tuyệt chiêu, tận dụng đúng Thiên thời, Địa lợi, để giành lợi thế trên bàn thương lượng, và giảm áp lực cho tiền tuyến?

Cho đến nay, chiến dịch quân sự lớn nhất của Ukraina từ hơn một năm nay, lợi hại thế nào đối với Kiev là câu hỏi để ngỏ. Nhưng để hiểu sát ý nghĩa của biến cố này không thể không đặt câu hỏi: 

Vì sao lại là tỉnh Kursk? Vì sao tổng thống Ukraina lại tuyên bố “giải phóng” thị xã Sudzha, miền nam tỉnh Kursk? Từ ngữ “giải phóng” mà Zelensky sử dụng khiến một số người bất bình, phẫn nộ, đã so sánh tổng thống Ukraina với Putin, dùng cùng một thứ ngôn từ đao to búa lớn để che đậy dã tâm của một cuộc xâm lăng (1). 

Khó nhìn đúng thực chất của cuộc chiến tranh Nga – Ukraina, cuộc kháng chiến của Ukraina chống xâm lược Nga, nếu bỏ qua những CỘI RỄ LỊCH SỬ hơn bốn thế kỷ về trước, những đối kháng, hận thù, duyên nợ ràng buộc hai dân tộc. 

Vùng Sudzha, miền nam tỉnh Kursk, từng là nơi lánh nạn của dân Cô-dắc (Cossack) Ukraina cách nay 4 thế kỷ, sau đó chính lực lượng Cô-dắc tại khu vực này đã trở thành “phên dậu” của đế chế Nga. 

Lịch sử Nga – Ukraina đan bện dằng dịt tại vùng Sudzha. Cho đến nay, “bất chấp nỗ lực Nga hóa”, văn hóa và ngôn ngữ Ukraina vẫn chiếm ưu thế tại khu vực này, theo ghi nhận của báo chí Ukraina (2). Cuộc “giải phóng” Sudzha mà tổng thống Ukraina nói đến phải chăng là theo ý nghĩa này? 

Chiến tranh Nga – Ukraina, cuộc kháng chiến của Ukraina chống xâm lược Nga hiện nay làm trỗi dậy nhiều uẩn khúc của chiều dài lịch sử bốn, năm thế kỷ quan hệ Nga – Ukraina, của sự hình thành dân tộc Ukraina, bên lề và bên trong đế chế Nga, và Liên Xô sau này (3). 

“Theo trang mạng Ukraina Focus.ua, khu vực phía nam tỉnh Kursk thuộc về vùng biên địa giữa Ukraina và Nga (với tên gọi Sloboda Ukraine), trước khi Ukraina bị sát nhập vào đế chế Nga. Khu vực này gần như tự trị cho đến năm 1765, thời Sa hoàng Ekaterina đệ nhị. Vùng Sudzha từng là nơi ẩn náu của những người Ukraina trốn chạy đàn áp của Ba Lan hay các lãnh chúa Nga. Từ đầu thế k 17, dân Cô-dắc vùng Zaporijjia, miền nam Ukraina hiện nay, đã xây dựng các thành lũy kiên cố tại khu vực này. Lực lượng Cô-dắc vùng Sudzha sau đó đã được đế chế Nga sử dụng để bảo vệ biên giới phía nam chống lại “rợ Tatar”, tức các bộ tộc du mục sống tại các vùng thảo nguyên Trung Á.

Trong một cuộc kiểm kê dân số toàn đế chế Nga năm 1897, có đến 61% dân cư tại đây nói tiếng Ukraina, hay “tiểu Nga”, tên thường dùng để gọi Ukraina thời kỳ đó. Sau cuộc cách mạng tháng 10 Nga năm 1917, Sudzha từng được Matxcơva chọn làm thủ đô đầu tiên của nước cộng hòa Ukraina thuộc Liên Xô trong một tháng, trước khi thủ đô chính thức của Ukraina được chuyển về Kharkiv (cho đến năm 1934)” (4). 

Theo Huffington Post, đối với chính quyền Kiev, việc Kiev kiểm soát được Sudzha chỉ là “giành lại những gì mà Nga đã tước đoạt của Ukraina”. Trong khi đó, một cố vấn của tổng thống Ukraina nhấn mạnh là tấn công sang đất Nga là “phương tiện duy nhất” buộc điện Kremlin phải đàm phán. 

Hiểu đúng những duyên nợ lịch sử Nga – Ukraina sẽ giúp hiểu đúng hiện tại, giảm được cái nhìn áp đặt, định kiến, dựa trên một số ấn tượng nhất thời, một số hiện tượng cục bộ. Đặc biệt là hiểu đúng được khát vọng độc lập dân tộc của người Ukraina xuyên qua nhiều thế kỷ, lần đầu tiên có cơ hội trở thành hiện thực sau khi Liên Xô tan vỡ. 

Ghi chú: 

(1) https://www.facebook.com/share/p/tr5shGN2tA4p1W6y/

(2) và (4): Kiev tuyên bố ‘giải phóng’ Sudzha, tỉnh Kursk, thủ phủ của vùng đất vốn thuộc về Ukraina”, RFI ngày 16/08/2024, https://rfi.my/Asal

(3) Kiev dỡ bỏ tượng đài ba thế kỷ ‘quan hệ anh em’ Nga – Ukraina”, RFI 01/05/2024, https://rfi.my/AZ2V hoặc: https://www.facebook.com/share/p/kcZRwzh1MHSoY5mw/

Khu tượng đài tình hữu nghị các dân tộc Liên Xô, và tượng đài 300 năm anh em Nga – Ukraina tại Kiev. Nếu như khu tượng đài Liên Xô bị dỡ bỏ từ nhiều năm trước, thì phải đến hơn 2 năm từ đầu chiến tranh, ngày 30/04/2024, Kiev mới quyết định tháo dỡ khu tưng đài 3 thế kỷ hữu nghị. 

Các chiến binh Cô – dắc Ukraina thế kỷ 15.

Ghi chú thêm:

Thực ra vào thời điểm Cách mạng tháng 10 năm 1917, có hai nước Ukraina. Xin lỗi vì đã không đưa tin đủ, dễ gây hiểu lầm. Xin bổ sung:

1- Cộng hòa Nhân dân Ukraina tự trị, nằm trong nước Nga, được chính phủ lâm thời cách mạng tháng 2/1917 công nhận. Sau Cách mạng Tháng 10, Cộng hòa Nhân dân Ukraina tuyên bố độc lập, không công nhận cách mạng của phe Bôn-sê-vích. Nước này chỉ tồn tại ít tháng, trước khi phải lưu vong. Quốc kỳ màu xanh/vàng như bây giờ. Thủ đô là Kiev.

https://vi.m.wikipedia.org/wiki/Cộng_hòa_Nhân_dân_Ukraina

2- Nước Ukraina thứ hai là Cộng hòa Nhân dân Xô viết Ukraina, nước do phe Bôn-sê-vích lập ra, với tiền thân là “cố đô” ngắn ngủi một tháng là Sudjha, trước khi chuyển về Kharkiv/Kharkov. Quốc kỳ đỏ, trên góc phải là biểu tượng hình chữ nhật Xanh/Vàng.

Cộng hòa Nhân dân Xô viết Ukraina sau trở thành Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Ukraina thuộc Liên Xô, chính thức ra đời đầu 1919. Thủ đô là Kharkiv/Kharkov đến đầu 1930, rồi về Kiev. Quốc kỳ đỏ búa liềm.

Cộng hòa Nhân dân Xô viết Ukraina là một trong bốn nước cộng hòa lập nên Liên Xô năm 1922 (với Nga, Belarus, Cộng hoà vùng Kavkaz).

Trong thời kỳ đầu này, trên vùng thuộc lãnh thổ Ukraina rất phức tạp. Có nhiều nước cộng hòa, như Donetsk-…, Odessa… tồn tại trong thời gian ngắn.

https://vi.m.wikipedia.org/wiki/Cộng_hòa_Xã_hội_chủ_nghĩa_Xô_viết_Ukraina

T.T.

Nguồn: FB Trong Thanh

 

This entry was posted in Nga xâm lược Ukraine, Quan hệ Nga - Ukraine, Trọng Thành. Bookmark the permalink.