Thắc mắc

Mạc Văn Trang

Điều tôi tò mò này có thể nói thiếu lịch sự, thậm chí vi phạm vào đời tư cá nhân… Nhưng với Sư Minh Tuệ là trường hợp đặc biệt, dường như Ông công khai hết đời sống của mình một cách chân thật, giản dị nhất, nên tôi mới dám nói đến điều thắc mắc này.

Có một điều thực sự tôi không thể nào hiểu nổi về sư Minh Tuệ, đó là làm sao chịu được MUỖI ĐỐT? Mọi chuyện: đầu trần, chân đất đi khắp đất nước, dưới trời mưa, nắng; việc ăn ngày một bữa, không nhận tiền, ngủ ngồi, nửa tháng tắm một lần… tôi hiểu được và rất tin, đó là THẬT. Nhưng Ngài ngủ ở nghĩa địa, gốc cây, nhà hoang, hang đá – những nơi hoang vu đầy muỗi, thì sao chịu nổi.

Tôi nhớ hồi sơ tán ở Sơn Tây, năm 1969, tôi đạp xe từ Hà Nội về nơi sơ tán, chừng hơn 50km, vào lúc tối. Tôi quên cái màn mắc ngủ ở Hà Nội tối hôm trước, lúc đi vắt màn lên, quên mang theo. Nhà chủ có 2 cái giường to và hai cái màn thôi. Mệt quá tôi đi nằm không màn. Ngủ thiếp đi, tình dậy thấy ngứa ngáy trên mặt, khắp những chỗ da thịt hở ra, Tôi cứ lấy tay đập, xoa… Và cho đến sáng cứ lấy cái quạt mo, vừa quạt vừa đập muỗi.

Sáng dậy, bác chủ nhà bảo, mặt chú đầy máu kìa!

Tôi nhìn đôi tay thấy máu loang lổ; soi gương thì ghê quá: mặt đầy máu, chi chít vết muỗi đốt, mặt như sưng lên…

Kỷ niệm đó làm tôi sợ mãi và nghĩ đến các chiến sĩ hành quân, mệt ngủ thiếp đi trong rừng, muỗi đốt, nhiều người sốt rét mà chết…

Từ đó tôi không hiểu sư Minh Tuệ làm sao chịu được muỗi đốt? Một clip ai đó ghi ông đang ngủ ngồi ở nghĩa địa, vẫn y áo như lúc thường, hở vai, hai tay, chân, đầu, mặt… Làm sao muỗi nó không đốt/châm hút máu? Mà làm sao ông chịu đựng được 7-8 năm rồi?

Có bác nào hiểu giải thích giùm với. Xin cảm ơn.

2/8/2024

M.V.T.

Nguồn: FB Mạc Văn Trang

This entry was posted in Mạc Văn Trang, Thích Minh Tuệ. Bookmark the permalink.